thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 7]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Có một thời như thế...

 
Kỳ trước: “Ông bố”
 

Vài nghề không do bố bảo!

Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... Nhưng khác với các trường hải lục không quân, nghe đến trường quân y là tôi lắc, từ chối liền, chỉ vì tôi không thích nghề Y, dù là y sĩ, dược sĩ hay nha sĩ. Không thích là tại không thích, thế thôi. Khó cắt nghĩa.

Nhưng có vài nghề tôi chọn lấy, thành hay không cũng dấu không cho bố biết. Thứ nhất là nghề thông dịch viên cho Mỹ, lương trả cao đặc biệt, do một ông bạn trên tuổi giới thiệu. Khi biết là phải thi tuyển và làm cho quân đội Mỹ, tôi chuẩn bị hăng hái vì lúc đó mới thi rớt Tú tài II do ham đánh bóng chuyền và không biết là mình dốt toán, như đã nói trên. Thời gian chuẩn bị ngắn quá, tôi xoay ra học tủ: mua một cuốn danh từ Anh các bộ môn, tôi chỉ học chương Quân sự, đao kiếm súng trường lựu đạn phục kích phản phục kích... học được kha khá nên tôi vượt được kỳ thi viết. Kỳ vấn đáp tổ chức ngay tại Bộ Quốc Phòng và tôi rớt ngay vào gs Lê Bá Khanh (em ông Lê Bá Kông nổi tiếng vì dạy Anh văn và soạn tự điển). Sau một hồi quay tôi, ông ngần ngừ một phút rồi nói: “Nếu em đang thật sự cần tiền, tôi có thể cho đỗ rồi vừa làm vừa học thêm... Nhưng em nghe tôi đây: trẻ tuổi như em mà đi cặp kè với lính Mỹ, lại có tiền nhiều, có đồ PX Mỹ mua giùm, em sẽ dễ hư lắm... Thôi, nghe qua trở về đi học đi, tương lai hơn...”

Không biết cái mặt tôi hồi trẻ ra sao, chắc ngây thơ và ngớ ngẩn lắm, nên đến đâu cũng hay gặp những lời khuyên: Đi về đi học đi! Và đến đây chưa phải là đã hết những lời “khuyến học”. Vẫn còn nữa.

Vụ đó xảy tới khi tình yêu của tôi và Thi đã đến chân tường, chỉ còn cách lấy nhau thôi. Mà đã định lấy nhau, phải kiếm một nghề ổn định lương kha khá nuôi vợ và con. Gia nhập bất cứ ngành công chức nào, chưa thể nghĩ tới vì lệnh cấm vận, bế quan tỏa cảng các cơ quan chính quyền do các cơ quan tình báo và công an miền Nam ban hành, vì tôi có một chuyến ngao du xứ Bắc lúc 19 tuổi rồi tham gia, với tư cách sinh viên, đi ném truyền đơn ủng hộ cuộc đảo chánh của binh chủng Dù, năm 1960. Tôi nhìn quanh quẩn, thấy đi qua trường Quân Y, là cơ quan Diệt Trừ Sốt Rét do ngân sách viện trợ Mỹ đài thọ. Nhân viên mặc quần áo nâu lưng đeo bình xịt muỗi to bự lang thang từ Hậu Giang đến cao nguyên, diệt muỗi cho muôn nhà. Vừa nạp hồ sơ tôi được phỏng vấn ngay, và vì có bằng Tú tài, sẽ được xếp diện Trưởng Đoàn, khỏi đeo bình xịt, lại được lái LandRover, tha hồ mà tang bồng... Lương cao bằng giáo sư trung học đệ nhị cấp thời đó. Chỉ phải lo đi học lấy bằng lái xe du lịch, và điều đó cũng dễ thôi. Nhưng khi khám phá ra tôi đã có dăm ba chứng chỉ Đại học Văn khoa, người phỏng vấn khựng lại, và dĩ nhiên có lời bàn lui: “Anh về học tiếp đi. Đi đánh nhau với muỗi làm gì, phí đi. Có thất tình không đấy, bạn trẻ?” Tôi vội vàng đính chính là không thất tình, có nhiều tình quá là khác vì sắp lấy nhau đến nơi, cần nghề nghiệp lương khá gấp... Nghe nói vậy, hồ sơ tôi được chấp nhận và chỉ đợi bổ túc bằng lái xe. Tôi ra ngay đường Cống Quỳnh, ghi tên theo học một trường dạy lái xe hơi.

Mấy cô em gái xúm lại chế tôi, là sắp thành anh hùng diệt muỗi, người hùng áo nâu, tài xế LandRover chở đầy bình xịt, đi đến đâu là loài muỗi chết khiếp... Vẫn biết nàng Thi của tôi, khi biết tin, chỉ cười nụ cười dễ thương cố hữu, nói: “Hồi nhỏ, nhiều lúc em mơ lấy tướng cướp!” Tôi ngẫm nghĩ: trưởng đoàn xịt muỗi đâu có hùng bằng tướng cướp... Thi lấy bằng lái xe lần đầu, tôi bị rớt vì trường dạy lái quên không dặn là giám khảo của Bộ Công Chánh có quyền đánh lừa thí sinh: nghe lệnh bảo ngừng đây là tôi ngừng liền: đúng chỗ có bảng cấm. Trong khi chờ đợi thi lại, tôi chợt nhớ ra thời kỳ hay tới Đàm trường Viễn kiến của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, có cựu đại sứ Việt Nam tại Cao Mên Ngô Trọng Hiếu hay ngồi dự trong một góc, do đó tôi quen biết một chút. Nay ông vừa đảm nhiệm một chức liên bộ trưởng trong chính phủ mới, tôi lại thăm bạn già Nguyễn Đức Quỳnh, nhờ nói giùm vị này can thiệp giúp tôi trở lại ngành dạy học. Chưa đầy một tuần ông bạn già sơ giao này chuyển lại tôi văn thư của Bộ Trưởng Giáo Dục cho biết đã xét lại trường hợp tôi và đã bổ nhiệm làm giáo sư khế ước đồng hoá cấp 2 tại Ban Mê Thuột, chỉ số lương 400 tương đương với Cao đẳng Sư Phạm (tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm thì được chỉ số 470). Dĩ nhiên tôi được lệnh lên đường ngay vì niên học mới đã khai giảng. Văn thư còn thêm một câu: đương sự không còn lý do gì khiếu nại nữa!

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021