thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XXII]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV] - [V-VI] - [VII]

 

hai mươi hai.

KHỐN KHỔ

 

Chuyện nàng còn sống cũng giống như chuyện các nhân vật trong các tiểu thuyết cổ điển : Nàng bị nước đẩy vào bờ, có người trông thấy, và cứu được. Còn việc tôi tìm thấy nàng thì cũng là lẽ tất nhiên. Có nghĩa là bất cứ người nào rồi ra cũng tìm được nàng. Cứ theo bờ con suối, tôi đi về phía hạ nguồn, đi tới đâu dò hỏi tới đó. Bấy giờ trong suy nghĩ của tôi có hai dự định thật rõ ràng. Một là khi gặp lại nhau, tôi sẽ ôm nàng thật lâu, để rũ bỏ hết những lo lắng. Và hai là cám ơn những người đã đem nàng lên khỏi con suối; rồi gạt nước mắt, mang xác nàng về lại nơi ngôi làng có con sông ấy chảy qua. Là kể cho hết sự tình vậy thôi, chứ dự định thứ hai mà xảy ra thật, thì chưa chắc tôi có đủ sức để kể lại cuộc thể nghiệm về tình yêu này.

Mặc kệ giữa ban ngày ban mặt có bao nhiêu con mắt nhìn mình, tôi đã ôm nàng thật lâu. Niềm vui lớn như làm tắt mất hết ngôn ngữ của chúng tôi. Có nghĩa là tôi và nàng chỉ ôm nhau, chẳng nói được lời nào. Phút giây chúng tôi gặp lại nhau quả đã thuyết phục được tình cảm của người làng ấy. Người ta xì xào bảo đấy là một cuộc tình rất đẹp, rằng nàng phải sống để hai người gặp lại nhau là phải. Nhưng do đâu hai anh chị lại phải lặn lội đi tìm con nước đầu nguồn con sông đó? Ai cũng hỏi chúng tôi câu ấy. Sau khi được người làng cứu sống, nàng đã nói thật là mình với người yêu đi tìm con nước đầu nguồn con sông ấy, rồi gặp nạn. Và lúc tìm thấy nàng, tôi cũng khai thật như thế với những người đã cứu sống nàng. Đấy là bí mật của tình yêu. Chúng tôi nói với người làng như thế. Trước đó, trong cuộc thể nghiệm tình yêu, tôi và nàng cũng nói thế, và chẳng việc chi xảy ra. Nhưng ở làng ấy thì cái bí mật của tình yêu đã làm cho chúng tôi khốn khổ.

Con suối lớn khi chảy đến ngôi làng đó thì không còn gọi là suối, mà gọi là sông. Đây là làng quê thuộc miền bán sơn địa, có nghĩa là từ làng lên núi thì gần hơn là xuống đồng bằng. Tôi cũng chẳng biết khái niệm siêu hình ấy là từ các làng thiểu số trên núi theo con nước suối mà xuống, hay từ nền văn minh hỗn tạp dưới trung nguyên theo những người buôn thượng, hay theo những tay hảo hán đi đồn gỗ trộm, đi tìm trầm, mà lên đây. Vẫn ứng dụng những thành quả văn minh đương đại vào công cuộc làm ăn, và vẫn đem hết sức lực ra làm, song làng vẫn nghèo. Là do đất đai khí hậu không thuận lợi trong việc làm ra cơm áo? Là do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác, như trình độ dân làng có hạn, như không có đồng tiền trong tay để làm ra những đồng tiền khác? Mọi cách giải thích có tính chất hiện thực đều không thuyết phục được người làng. Ngày nay, mỗi lần nói đến nghèo, người làng ấy vẫn nghĩ là mình đang thừa kế thứ di sản chẳng mấy tươi sáng của cha ông để lại, tức là tiếp tục cái số con rệp. Ở chỗ anh chị có nghe nói về số con rệp hay không? Mới đầu người làng có hỏi tôi với nàng thế. Tất nhiên là chúng tôi chẳng lạ gì mấy tiếng ấy. Có điều, đó chỉ là cách nói đùa khi không đạt được điều gì như dự định. Nhưng với người làng ấy, số con rệp đã trở thành biểu tượng của bất hạnh. Có điều lạ là làng thuộc loại nghèo nhất nước, nhưng tôi thấy như chẳng có ai tỏ ra buồn khổ. Người ta có theo tra hỏi chúng tôi tại vì đâu bọn họ phải chịu số con rệp thì cũng chỉ để thoả mãn sự hiểu biết. Nỗi bất hạnh được coi như một thứ bí mật mà người làng ấy muốn khám phá. Và bọn họ nghĩ nếu chúng tôi đã biết bí mật của tình yêu, thì phải biết mọi thứ bí mật trên đời này. Tôi với nàng không muốn trốn đi vì sợ mang tiếng là kẻ vô ơn. Nhưng ngày nào còn ở lại ngôi làng ấy thì chúng tôi còn bị đám dân làng quần đến lả người. Sau một ngày làm lụng vất vả, cứ tối đến là bọn họ tụ tập đến chỗ chúng tôi. Anh chị có tin là mùa bắp năm ấy, cả mấy trăm hắc-ta ruộng bắp làng này, đến lúc thu hoạch, bắp chỉ có cùi mà không có hạt? Anh chị có tin là mùa mía năm ấy nhà máy sản xuất đường huỷ hợp đồng mua mía, thì ở làng này, trong những người vay tiền ngân hàng để trồng mía, có người đã trốn nợ bằng cách uống thuốc sâu, chết? Anh chị có tin là đời cha ông bọn tôi, có năm chỉ ăn toàn củ mài đào trên núi? Còn theo lời truyền thì có thời tổ tiên của người làng này chỉ có quần chứ không có áo. Những câu chuyện bi thảm được dẫn ra ở đây là nhằm minh chứng cho sự tồn tại một cách dai dẳng của bất hạnh. Tôi cố làm cho mọi người thấy rằng sự bất hạnh, hay nói theo cách của người làng là số con rệp, là một trong muôn ngàn cách có mặt của con người trong trời đất. Có kẻ có mặt trong niềm hạnh phúc, có kẻ có mặt trong nỗi khổ đau, không có chuyện không có hạnh phúc, cũng không có chuyện không có khổ đau; không anh này bất hạnh, thì anh kia bất hạnh; nó, cái gọi là số con rệp ấy là sự ngẫu nhiên trong cuộc sống. Nhưng bọn họ bảo chẳng có ngẫu nhiên nào hết, đến mùa đông là có mưa, đến mùa hè là có nắng, hễ sinh ra ở làng ấy là chịu số con rệp. Nàng hỏi có p ải bọn họ muốn nói đến một thứ luật trời hay không, thứ luật lệ còn có tên là định mệnh? Lập tức, bọn họ siết chặt vòng vây. Anh chị phải nói cho bọn này biết ai là kẻ nắm giữ luật lệ ấy? Mọi người nhao lên hỏi, có vẻ háo hức, làm như tôi với nàng là mới từ thượng giới xuống. Mà có từ thượng giới xuống thì chưa chắc đã giải nổi thứ tra vấn mấy nghìn năm qua các nền văn minh của loài người vẫn chưa giải nổi. Ai nắm giữ luật lệ là tuỳ theo cách nghĩ của mỗi người. Nàng nói cốt để phá vây. Không ngờ vòng vây lại siết chặt hơn. Tôi nói vòng vây siết chặt hơn là do bấy giờ một người đưa ra một câu hỏi thì lập tức những người khác liền diễn dịch thành những câu hỏi khác nữa. Có quả thần thánh nắm giữ chuyện bất hạnh ở thế gian này hay không? Có một người hỏi thế. Và lập tức bọn họ đưa ra những nghi vấn về thần thánh mang màu sắc thế tục. Hay có một vị thần vốn thù ghét người làng này, đã nhập vô đất đai, khiến cho bắp chỉ có cùi mà không có hạt? Hay là thấy mấy người trồng mía chỉ nói toàn chuyện khoa học kỹ thuật, các vị thần thánh mới tức mình xua ông nhà máy đường làm ăn thua lỗ, để dẫn đến chuyện không mua mía của người trồng mía? Thời mà cha ông bọn này chỉ ăn củ mài để sống có phải là thời thần thánh nhập vô các vị vua quan, khiến các vị chỉ lo chuyện bòn rút của dân mà không lo việc cơm áo cho dân? Tôi với nàng đã điên đầu với những câu hỏi như thế. Có vẻ như khi vây hỏi chúng tôi về nỗi bất hạnh, bọn họ đã từ cảnh trí siêu hình tụt xuống cảnh trí trần thế? Quả là tôi với nàng đương không cũng rơi vào số con rệp. Nạn này chưa qua, nạn khác đã ập tới. Có một ông đại gia đã mò đến chỗ chúng tôi. Ông là người làng bên, học hành cũng chỉ mới tới tiểu học, bỗng bỏ quê đi nơi khác làm ăn, lúc quay về thì thành tay tỉ phú. Người làng ấy đã rỉ tai chúng tôi. Tay tỉ phú đến gặp tôi với nàng là để hỏi về cách giữ sự giàu có, cái bí mật trong việc cầm nắm của cải. Đến nước ấy thì tôi với nàng phải nói với ông ta rằng ngoài bí mật về tình yêu, chúng tôi chẳng còn biết thứ bí mật nào nữa trên đời này. Các vị ấy đang ra giá với ta đấy! Tay tỉ phú nói với người làng. Có nghĩa ông ta cho rằng chúng tôi muốn ông ta phải nói ra khoản tiền ông ta phải chi trả. Dường người làng ai cũng ghét ông ta, nên cứ theo đốc thúc chúng tôi là hãy đưa ra giá cả đi. Vào một đêm, trong làng có cuộc sinh nở, chúng tôi ngồi nghe tiếng khóc trẻ thơ một chặp, rồi dắt nhau trốn khỏi nơi người ta vẫn cố tình nghĩ chúng tôi như những nhà tiên tri thời hiện đại.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)
 
... Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại... (...)
 
... Nhưng nàng bảo để có nền văn minh đương đại, các nhà khoa học đã phải cống hiến cho nhân loại cả tinh thần lẫn thể xác của họ. Việc làm cái nhà máy thuỷ điện là thừa hưởng thành quả của văn minh đương đại, nhưng người chỉ huy công việc làm này lại nói về nền văn minh này theo ngôn ngữ của loài chim là điều chẳng thể chấp nhận. Bởi trong mối quan hệ giữa các loài trong hiện tại thì chỉ có loài người nói về loài chim, chứ không thể có chuyện loài chim nói về loài người... (...)
 
... Chúng tôi lại lặng đi trong giây lát. Trí tuệ con người lớn lao biết bao mà cũng nhỏ nhoi biết bao trước vẻ kỳ bí của tự nhiên. Nàng nói. Và khẽ rùng mình. Tôi cũng khẽ rùng mình... (...)
 
... Đây là thời hết thảy các chính phủ trên mặt đất này mở miệng là nói phải làm giàu đất nước, là thời mà sự giàu có được coi như niềm đam mê mới mẻ nhất trong việc trị nước của các vị nguyên thủ của hầu hết các quốc gia hiện đang có mặt trên bản đồ thế giới, là thời mà việc xuất nhập khẩu hàng hoá của một quốc gia được coi như chìa khoá mở cửa vào cõi giàu có, bởi từ cân đường cân thịt cho đến tri thức của con người đều được xem là hàng hoá... (...)
 
... Nàng hỏi có phải anh ta đang nói đến ảo ảnh cuộc đời hay không? Anh ta bảo con người là sinh vật duy nhất biết có ngày mai, trong cái gọi là ngày mai thì có cái chết, biết là chết mà vẫn cố tạo ra bao nhiêu chuyện để hướng tới gọi là tương lai, nếu như cái ảo ảnh ấy không phải là vĩnh hằng, tức chết trước cái chết, thì loài người đã treo cổ chết cả từ lâu... (...)
 
... Em chết mất. Nàng chỉ kịp nói thế. Và bị dòng nước cuốn phăng đi. Dốc hết cả sức lực, tôi lao theo nàng. Bấy giờ thì tôi nhìn thấy quá rõ cái tương lai chẳng mấy tốt đẹp của chúng tôi. Nên đã đi đến quyết định có chết là phải chết cùng nàng. Nhưng rồi tôi cũng chẳng thể thực hiện được cái quyết định đó. Bởi con nước đã đẩy tôi dạt vào bờ. Có nghĩa là không chết. Còn nàng thì chẳng hiểu là con nước cuốn về đâu... (...)
 
... Con người đang hô hoán lên khắp nơi rằng mình đang toàn cầu hoá. Nhưng máu lại đang chảy rất nhiều trong các cuộc chiến nhằm để chia tách một quốc gia cũ ra thành nhiều quốc gia mới. Con người đương tự hào với nhau rằng mình đương củng cố ngôi nhà chung của mình trên mặt đất. Nhưng ta nghe dường như đây là thời mà một tay đại bịp cũng muốn dựng tượng đài riêng cho mình? Dường như đây là thời trăm nhà đua tiếng, kẻ đê hèn cũng có thể nói được lời cao cả?... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021