thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tiệm thuốc lá
(Diễm Châu dịch và giới thiệu)
Tôi không là gì hết.
Tôi sẽ không bao giờ là gì hết.
Tôi không thể muốn là gì hết.
Ngoài ra, tôi mang trong mình hết mọi giấc mơ của thế giới.
 
Những cánh cửa sổ buồng tôi,
Căn buồng của một trong hằng triệu con người trên thế giới mà không ai biết là ai
(Và nếu như có biết, thời người ta có thể biết gì nhỉ?),
Những cánh cửa trông ra sự huyền bí của một con đường mà người ta đi lại không ngớt,
Trông ra một con đường mà mọi suy tưởng đều không đạt tới,
Một con đường có thật, có thật một cách không thể được, một con đường chắc chắn, chắc chắn một cách không thể giải thích,
Cùng với sự huyền bí của mọi sự ở dưới những tảng đá và các sinh vật
Cùng với cái chết vạch những vết ẩm ướt trên những mảnh tường và nhuộm trắng tóc mọi người,
Cùng với Định mệnh đương lái chiếc xe của tất cả trên con đường của không gì hết.
 
Hôm nay tôi chịu thua, như thể tôi biết sự thật.
Hôm nay tôi tỉnh táo, như thể tôi sắp chết,
Và không chút tình nghĩa nào đối với mọi sự
Khác hơn một lời từ biệt, trong lúc ngôi nhà này và bên đường phố này trở thành
Một dẫy những toa xe lửa. Và một cuộc khởi hành đã báo hiệu còi
Ở bên trong đầu tôi
Và thần kinh tôi rung chuyển và xương tôi nghiến rít khi lên đường.
 
Hôm nay tôi thật phân vân như kẻ đã nghĩ suy, tìm thấy rồi quên.
Hôm nay tôi bị phân sẻ giữa sự trung thành mà tôi phải có
Đối với Tiệm thuốc lá ở bên kia đường, như sự vật có thật ở bên ngoài,
Và đối với cái cảm giác tất cả đều là mộng, như sự vật có thật ở bên trong.
 
Tôi đã lỡ tất cả.
Bởi tôi đã chẳng có định ý gì, có lẽ tất cả cũng chẳng là gì hết.
Sự hiểu biết mà người ta đã cho tôi,
Tôi đã rời bỏ nó qua một khung cửa sổ ở sau nhà.
Tôi bỏ ra đồng quê với những định ý lớn.
Nhưng ở đó tôi đã chỉ gặp những cỏ cùng cây,
Và khi có người ta thời họ cũng hệt như mọi người khác.
Tôi rời khung cửa sổ, ngồi xuống một chiếc ghế. Biết nghĩ gì đây?
 
Tôi biết gì về những gì mình sẽ trở thành, tôi kẻ không biết mình là ai?
Là người tôi nghĩ? Nhưng tôi nghĩ mình là biết bao chuyện!
Và có biết bao kẻ nghĩ mình là cùng một chuyện khiến không thể có nhiều người như vậy!
Thiên tài ư? Ngay lúc này
Cả trăm ngàn bộ óc, trong mơ, đã coi mình là thiên tài như tôi,
Và lịch sử có lẽ cũng sẽ chẳng buồn ghi dấu đến một,
Và của biết bao cuộc chinh phục tương lai ấy cũng sẽ chẳng có gì khác ngoài phân.
Không, tôi không tin ở mình.
Nơi hết thảy các dưỡng trí viện có biết bao kẻ khùng điên với biết bao điều xác tín!
Tôi, kẻ không có lấy một điều chắc chắn, làm sao tôi lại có thể chắc chắn hơn hay kém?
Không, tôi không tin ở mình…
Ở biết bao cái gác xép và không-gác xép trên thế giới
Giờ phút này lại chẳng có những kẻ-tự-cho-mình-là thiên-tài đang mơ mộng đấy ư?
Có biết bao là khát vọng lớn lao, cao quý và sáng suốt –,
Phải, quả thật là lớn lao, cao quý và sáng suốt –,
Và ai biết có thể thực hiện được hay chăng,
Sẽ không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời thật sự hay lọt tới tai mọi người?
Thế giới thuộc về kẻ sinh ra để chinh phục nó
Chứ không phải thuộc về kẻ mơ rằng mình có thể chinh phục nó, dẫu như y có lý.
Tôi đã mơ mộng nhiều hơn là Nã-phá-luân đã thực hiện.
Tôi đã ôm ấp trên lồng ngực giả định nhiều niềm nhân ái hơn là Đức Ki-ri-xi-tô,
Tôi đã tạo lập trong thầm kín những triết lý mà không một Kant nào viết.
Nhưng tôi là, và có lẽ mãi mãi sẽ vẫn là, người thuộc về gác xép,
Dẫu như tôi không hề cư ngụ ở gác xép;
Tôi mãi mãi sẽ vẫn là người không sinh ra để làm chuyện ấy;
Tôi mãi mãi sẽ chỉ là kẻ có những thiên tư;
Tôi mãi mãi sẽ vẫn là kẻ chờ đợi người ta mở cho mình một cánh cửa ở dưới chân một bức tường không có cửa,
Và ca một bài ca Vô tận trong một chuồng gà,
Và nghe thấy tiếng Thượng đế ở dưới đáy một cái giếng đã bít kín.
Tin tưởng ở nơi tôi ư? Không, cũng chẳng ở một nơi nào hết.
Thiên nhiên hãy tuôn tràn trên đầu óc nóng bỏng của tôi
Nắng, mưa, và gió hất tung mái tóc tôi,
Và những gì còn lại có thể tới nếu muốn, hay phải tới, hoặc không.
Là những kẻ nô lệ đau tim của các vì sao,
Chúng ta chinh phục toàn thế giới trước khi ra khỏi giường;
Nhưng chúng ta thức giấc và nó đã mịt mờ,
Chúng ta chỗi dậy và nó đã lạ xa,
Chúng ta ra khỏi nhà và nó là toàn trái đất
Cộng thêm thái dương hệ và giải Ngân hà và cõi Vô hạn.
 
(Hãy ăn sô-cô-la, hỡi em gái nhỏ;
Hãy ăn sô-cô-la!
Này em, không có siêu hình học nào trên thế giới ngoài sô-cô-la.
Này em, tất cả các tôn giáo không dạy dỗ gì hơn hàng bánh kẹo.
Hãy ăn, hỡi em nhỏ lem luốc, hãy ăn!
Giá tôi có thể ăn sô-cô-la với sự chân thực như em ăn!
Nhưng tôi, tôi suy nghĩ và, sau khi bóc miếng giấy bạc, thực ra cũng chỉ là một tấm giấy thiếc,
Tôi liệng tất cả xuống đất, như đã liệng cuộc đời.)
 
Nhưng ít ra thời cũng còn lại từ nỗi đắng cay của những gì tôi sẽ không bao giờ trở thành
Hàng chữ tháu của những dòng thơ này,
Hàng cột đổ nát trông ra điều Bất khả.
Nhưng ít ra tôi cũng dành cho chính bản thân tôi một sự khinh bỉ không nước mắt.
Ít ra cũng cao thượng nhờ cử chỉ khoảng khoát tôi đã ném
Những áo quần dơ là chính tôi, không liệt kê, cho dòng nước xô bồ của mọi sự,
Và ở lại nhà không một chiếc áo.
 
(Em, kẻ an ủi, kẻ không hiện hữu và bởi thế mà an ủi,
Là nữ thần Hy-lạp, được hình dung như một pho tượng có thể thật sống động,
Hay một mệnh phụ La-mã, quý phái và ác hại đến mức không thể được,
Hay công chúa của những kẻ hát rong, hết sức dễ thương và đầy màu sắc,
Hay nữ hầu tước của thế kỷ mười tám, để hở ngực và cũng thật lơ đãng,
Hay cô nàng đỏm đáng trai lơ của thời ông cha chúng ta,
Hay một điều gì đó hiện đại không biết nữa – tôi không rõ là gì nữa –,
Dẫu tất cả là gì đi nữa, và em là gì đi nữa, nếu có thể gợi hứng hãy gợi hứng!
Trái tim tôi là một chiếc thùng lật úp.
Như những kẻ khẩn cầu thần linh khẩn cầu thần linh tôi khẩn cầu
Chính bản thân tôi và chẳng gặp gì hết.
Tôi bước tới cửa sổ và nhìn thấy đường phố với một sự chính xác tuyệt đối.
Tôi thấy những cửa tiệm, tôi thấy những lề đường, tôi thấy xe cộ lại qua,
Tôi thấy những con người sống động mặc quần áo đi lại gặp nhau,
Tôi thấy những con chó cũng hiện hữu nữa,
Và tất cả những điều ấy đè nặng lên tôi như một bản án lưu đày,
Và tất cả những điều ấy thật xa lạ như tất cả mọi sự đều lạ xa.)
 
Tôi đã sống, đã học hỏi, đã yêu, và đã tin nữa,
Và ngày nay không có một người hành khất nào mà tôi không ganh tị chỉ vì y không phải là tôi.
Tôi nhìn nơi từng người một những manh áo quần rách rưới và những ung nhọt và sự dối trá,
Và tôi nghĩ : có lẽ mi chưa bao giờ sống, cũng chưa bao giờ học hỏi, chưa bao giờ yêu hoặc tin tưởng
(Bởi có thể giả bộ làm như thật tất cả những chuyện đó mà chả làm gì hết).
Có lẽ mi cũng đã chỉ hiện hữu như một con thằn lằn bị người ta chặt đuôi
Và chính chiếc đuôi đã tách lìa con thằn lằn vẫn còn lay động.
 
Tôi đã biến tôi thành những gì tôi chẳng biết cách,
Và những gì tôi có thể khiến mình trở thành, tôi đã chẳng làm.
Chiếc áo giả trang tôi khoác lên người là lầm lộn.
Người ta nhận ra ngay tôi không phải là ai và tôi không cải chính, và tôi lạc lõng.
Khi tôi muốn gỡ chiếc mặt nạ ra,
Nó dính vào khuôn mặt.
Khi tôi gỡ ra được và nhìn mình trong gương,
Tôi đã già đi.
Tôi say rồi, không sao còn khoác được lên người chiếc áo giả trang mà tôi đã không gỡ ra.
Tôi ném chiếc mặt nạ đi và ngủ nơi phòng áo
Như một con chó được ban quản lý làm ngơ
Vì vô hại
Và tôi sắp viết câu chuyện này để chứng tỏ rằng mình thật cao siêu.
 
Hỡi nhạc tính của những vần thơ vô dụng của tôi,
Giá như ta gặp được mi như một điều gì đó ta đã làm,
Chứ không phải lúc nào cũng đứng đối diện Tiệm thuốc lá trước mặt,
Chà đạp dưới chân cái ý thức là mình đang hiện hữu,
Như một tấm thảm mà một người say vấp phải
Hay một miếng chùi chân mà những người gi-tan đã đánh cắp và cũng chẳng đáng giá gì.
 
Nhưng ông Chủ Tiệm thuốc lá đã ra cửa và ở lại trước cửa.
Tôi nhìn ông với sự khó chịu của kẻ xoay đầu trái khớp
Và với sự khó chịu của một tâm hồn hiểu biết lệch lạc.
Ông ta sẽ chết và tôi sẽ chết.
Ông ta sẽ rời tấm bảng hiệu, và tôi sẽ rời những vần thơ.
Tới một giai đoạn nào đó tấm bảng hiệu cũng sẽ chết, và cả những vần thơ nữa.
Sau một giai đoạn nào đó cả con đường có tấm bảng hiệu kia cũng sẽ chết,
Và ngôn ngữ mà tôi đã sử dụng để viết những dòng thơ.
Rồi sẽ chết cái hành tinh xoay vần nơi đã diễn ra tất cả những chuyện ấy.
Ở những vệ tinh khác của những hệ thống khác có điều gì đó tựa như con người
Sẽ tiếp tục làm những điều tựa như những vần thơ và sống dưới những vật tựa như những tấm bảng hiệu,
Luôn luôn là một điều gì đó đối diện với một điều gì khác,
Luôn luôn là một điều gì đó cũng vô dụng như một điều gì khác,
Luôn luôn là điều không thể được cũng ngu ngốc như điều có thực,
Luôn luôn là sự huyền bí của đáy thẳm cũng chắc chắn như giấc ngủ của sự huyền bí trên bề mặt,
Luôn luôn là điều này hay luôn luôn là điều kia hay chẳng phải điều này cũng chẳng phải điều kia.
 
Nhưng kìa một người đã bước vào Tiệm thuốc lá (để mua thuốc lá?),
Và một thực tại có thể chấp nhận được đột nhiên ập xuống trên tôi.
Tôi chỗi dậy mạnh mẽ, xác tín, rất người.
Và tôi sẽ lại tính đến chuyện viết những dòng thơ này nơi tôi nói điều ngược lại.
 
Tôi châm một điếu thuốc khi nghĩ tới chuyện viết những dòng thơ ấy
Và tôi khoan khoái nếm nơi điếu thuốc sự giải thoát khỏi mọi suy tưởng.
Tôi theo dõi làn khói như một con đường của riêng mình,
Và vui hưởng, trong một lúc thật mẫn cảm và đầy đủ khả năng
Sự giải thoát khỏi mọi suy lý
Và sự ý thức rằng siêu hình là một hậu quả của chuyện trong người không được khỏe.
 
Rồi tôi buông mình trên chiếc ghế
Và tiếp tục hút thuốc.
Bao lâu Định mệnh còn cho phép, tôi sẽ tiếp tục hút thuốc.
 
(Nếu như tôi lấy cô con gái bà thợ giặt của tôi
Biết đâu tôi sẽ hạnh phúc.)
Tới đây, tôi rời chiếc ghế, đứng dậy. Tôi bước ra cửa sổ.
 
Người đàn ông nọ đã bước ra khỏi tiệm thuốc lá (trong lúc nhét tiền lẻ vào túi quần?).
A, tôi biết anh ta : ấy là anh Esteves chẳng có siêu hình gì hết.
(Ông Chủ Tiệm thuốc lá đã ra cửa.)
Như do một bản năng siêu việt nào đó, Esteves quay lại và thấy tôi.
Anh ra hiệu chào tôi, tôi kêu lên với anh Adeus ó Esteves!,* và vũ trụ
Đã khép lại quanh tôi không lý tưởng cũng chẳng trông đợi, và ông Chủ Tiệm thuốc lá đã mỉm cười.
Lisboa, 15 tháng Giêng 1928.
-------------------------------------------------
Chú thích của người dịch:
* «Chào Esteves!»
- Álvaro de Campos (1890-1935?) là một trong những «dị danh» quen biết nhất của Fernando Pessoa, tác gia Bồ-đào-nha.
 
FERNANDO PESSOA (1888-1935), một mình ông, là cả một nền văn chương Bồ-đào-nha của thế kỷ XX. Bởi, ngoài bút hiệu là tên thực của mình, ông còn viết với không dưới.. bảy mươi hai (72) «dị danh»(heterónymos), trong đó nổi bật những tên tuổi như Alberto Caeiro, Ricardo Reis, Álvaro de Campos, Bernardo Soares, C. Pacheco,… Tất cả các tác giả này đều có những dáng vẻ độc đáo, rất khác ông về tính tình, suy tưởng, bút pháp và cả tiểu sử nữa, vì, quả thực ông đã «cho biết» thật tỉ mỉ tiểu sử của từng người, hơn cả một kịch tác gia xây dựng những nhân vật kịch của mình…
 
Theo Fernando Pessoa, ÁLVARO DE CAMPOS sinh ngày 15. 10. 1890 tại Tavira, Agárve, ở phía nam Bồ-đào-nha, gốc người Do-thái. Álvaro de Campos được mô tả như một người rong rỏng cao (1,75 m) và có dáng hơi khòm. Sau khi học trung học (không lấy gì làm xuất sắc), ông được gửi qua Tô-cách-lan học và đã lấy được bằng kỹ sư cơ khí rồi kỹ sư hàng hải. Glasgow là một chốn quen thuộc của người kỹ sư này. Ông đã sống nhiều năm ở Tô-cách-lan, ở Âu châu và trong lúc nghỉ hè cũng đã tìm cách thăm viếng Đông phương, nơi đã đem lại cho ông một bài thơ khá dài: «Opiarium». Cũng như Fernando Pessoa, Ricardo Reis, ông coi Alberto Caeiro như bậc thày của chính mình. Nhưng khác với Alberto Caeiro, hơi thơ của ông vượt đại dương và nhắc nhớ Walt Whitman mà ông rất ái mộ và đã từng chào mừng bằng thơ. Ở đây nữa, người ta cũng nhận thấy sự cách biệt giữa ông và thi hào của châu Mỹ. Ông khác Walt Whitman không nguyên về quan niệm thơ tự do mà còn cả về màu sắc tâm thần, điên loạn và bi đát nữa. Álvaro de Campos còn viết văn xuôi. Và ông là dị danh đầu tiên có thơ đăng trên tờ Orpheu (1915), trước cả Alberto Caeiro và Ricardo Reis.
 
Các nhà nhận định văn nghệ thường sắp xếp tác phẩm của Álvaro de Campos thành hai khối lớn: Álvaro de Campos đầu tiên là của sáu bài «Ca thi lớn» trùng với thời kỳ của tạp chí Orpheu: 1914-1916; Álvaro de Campos thứ nhì là của những bài thơ đen tối, hay hài hước, nhuốm màu bi đát, tuyệt vọng. (Ngoài ra, còn một Álvaro de Campos thứ ba với những bài thơ «thời trẻ» và một số bài «ngẫu hứng».)
 
"Tiệm thuốc lá" ("Tabacaria", 1928) thuộc khối thứ nhì nói trên, được coi như một «chúc thư» của Álvaro de Campos về thi ca và siêu hình. Tác phẩm này đã đăng lần đầu tiên trong số 39 của tạp chí presença (Coimbra, tháng bảy, 1933). Khi được dịch sang Pháp văn lần đầu, bài này đã được báo Le Monde tại Paris cho là «một trong những bài thơ đẹp nhất của hết mọi thời».
 
Fernando Pessoa không cho biết ngày mất của Álvaro de Campos. Rất có thể là vì ông mất cùng ngày với Fernando Pessoa: 30. 11. 1935.
 
Muốn biết thêm về Fernando Pessoa và các dị danh chính của ông, bạn có thể tìm đọc:
 
Hamburger, Michael. The Truth of Poetry, Harcourt Brace Jovanovich, Inc., N.Y., 1969.
Paz, Octavio. La fleur saxifrage, Gallimard, Paris, 1984 (bản dịch tiếng Pháp).
Tabucchi, Antonio. Une malle pleine de gens, Christian Bourgois, Paris, 1992 (bản dịch tiếng Pháp).
 
hoặc toàn bộ tác phẩm của Alberto Caeiro:
 
Pessoa, Fernando. Người chăn giữ đàn thú và những bài thơ khác của Alberto Caeiro, bản dịch Diễm Châu, Trình Bầy, 1992.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021