thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những người sạch sẽ | Hát bóng trong làng | Khi không có gì còn lại nữa
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
STANISLAW GROCHOWIAK
(1934-1976)
 
Stanisław Grochowiak sinh ngày 24 tháng Giêng 1934 tại Leszno Wielkopolskie trong một gia đình trí thức. Thời đất nước bị chiếm đóng ông sống ở Warsaw, theo học văn chương Ba lan ở Poznan (1951) rồi đến Wroclaw. Ông sống và làm việc ở Warsaw và bắt đầu cộng tác với nhiều tạp chí văn học khác nhau kể từ 1953. Trong những năm 1958-60, ông biên tập cho tờ Wspolzesnosc, và là chủ bút tạp chí này năm 1959. Năm 1956, ông xuất bản tập thơ Bài ballade của chàng kỵ sĩ, và sau đó, cho đến 1976, có ít ra mười tập thơ khác ra đời. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông cũng xuất bản năm 1956, đi trước tập truyện ngắn Những người đàn bà khóc mướn (1958) và hai cuốn tiểu thuyết khác: Trismus, xuất bản năm 1963, và Súng, năm 1965. Grochowiak là nhà thơ thường được nhắc tới như một trong những người dẫn đầu “đợt sóng mới” ở Ba lan, cùng thời với Herbert, Bialoszewski, và Harasymowicz. Thơ ông gieo vần theo luật có, tự do có, cả hai đều dễ dàng như nhau, và khuynh hướng ngả về những hoàn cảnh kỳ quái khủng khiếp trong thơ ông nếu lôi cuốn đông đảo giới trẻ, thì ngược lại là cái đích chính cho những người bảo thủ tấn công, lên án là bị “ám ảnh” và chuyên “khai thác cái ghê rợn”, trong những năm 50 và đầu những năm 60. Sự tấn công mạnh mẽ hẳn là bắt nguồn từ thái độ khó chịu của các nhà thơ “hàng đầu” khi thấy những người làm thơ trẻ quan tâm tới kiểu diễn đạt siêu hình – về phía những người trẻ chính lại là một kiểu phản ứng tự nhiên và có tính cách “trả thù” đối với những thứ tình cảm được chấp nhận trong xã hội thời bấy giờ. Grochowiak là người hoạt động văn nghệ nhiều mặt: ông viết kịch, viết tiểu thuyết, và viết cả xã luận cho báo và cho các đài truyền thanh và truyền hình Ba lan... Ông qua đời ngày 2 tháng Chín năm 1976 tại Warsaw.
 
 

Những người sạch sẽ

 
Tôi thích cái xấu hơn
Nó gần với sự tuần hoàn máu huyết
Của chữ khi chữ được soi quang tuyến X
Và bị làm khổ
 
Nó đúc những khuôn hình phong phú nhất
Nó lấy bồ hóng mình trả bù cho
Những vách tường nhà mồ
Nó đem lại cho cái lạnh lẽo những pho tượng
Mùi hôi của chuột
 
Có những con người cọ rửa sạch sẽ
Đến nỗi khi họ đi qua
Ngay một con chó cũng không buồn gầm gừ
Cho dù họ chẳng là thánh thần
Cũng chẳng là tiện dân
 
 
 

Hát bóng trong làng

 
Hamlet đem chiếu ở rạp hát bóng chúng ta
Dưới cành cây táo nặng trĩu,
Những người dân nông thôn nhìn thẳng
Vào vực sâu nỗi buồn.
 
Sau đó họ lặng lẽ chuồn qua khoảng đất trống,
Qua những con suối nhỏ
Trở về những căn lều của mình
Và lần đầu tiên họ hôn bàn chân
Mấy người vợ đang lấy làm kinh ngạc của mình.
 
Buổi tối trên sông, bọn thanh niên
Nằm mặt để nổi trên mặt nước
Chờ xem tóc của cô Ophelia ngu ngốc kia
sẽ trôi đến bên mình êm ái lạ lùng ra sao.
 
 
 

Khi không có gì còn lại nữa

 
Một ngày kia tôi sẽ đặt anh ngồi trần trụi giữa cảnh huy hoàng
Ở đó sẽ có quần áo nặng như nước
Sẽ có bít tất dài thơm mùi táo
Sẽ có những chiếc mũ rộng vành
Và sẽ có kim loại
 
Tôi muốn anh trần trụi giữa một cảnh vật tối đen
Dày đặc những bình đèn treo bằng đồng
Từ đó hơi rượu vani bốc lên
Vào tận những lỗ mũi hít ngửi của những con chó Đan mạch
 
Rembrandt từng cảm thấy cùng nhu cầu ấy khi ông vẽ Saskia
Là người không ngừng lùi xa mãi vào cái chết của chính mình
Tựa như ông muốn giữ nàng lại bằng sức nặng của những trái nho
Để áp đảo nàng bằng ánh sáng những chùm đèn treo.
 
 
---------------
“Những người sạch sẽ” và “Hát bóng trong làng” dịch từ bản tiếng Anh “Clean Men” và “The Village Cinema” trong Postwar Polish Poetry – New, Expanded Edition, Czeslaw Milosz tuyển chọn và biên tập, University of California Press, 1983. “Khi không có gì còn lại nữa” trích từ Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021