thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 4]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Âm thanh và cuồng nộ một thời đã qua

 
 

Hắn không phải nguyễn tường đâu...

Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn, kiểu “Thư gửi bạn ta” của Bùi Bảo Trúc trên nhật báo Người Việt ở California, sau thay bằng một biên khảo dài “Chiến tranh Cách mạng”, dĩ nhiên là đăng ở trang trong. Tương quan của tôi với họ Nguyễn Tường tới đó vẫn bình thường: vụ báo Văn ít người được biết. Bởi vậy giữa gia đình tôi và các chi họ khác vẫn tang lễ hiếu sỉ, sinh nhật sinh nguyệt... vui vẻ. Cô con gái út của chị cả trước khi du học Pháp, còn đặt bánh sinh nhật cho con đầu lòng của tôi. Và trong lúc chờ sinh đứa con đó, vợ tôi vẫn là sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt, có hôm đang ngồi trong giảng đường, bỗng dưng có một ông thân nhân nào đó đến đón ra. Anh chàng trắng trẻo đẹp trai này tự giới thiệu như thế này: Tôi là Nguyễn Tường Vũ, anh họ của cô, vậy cô phải cúp cua đi uống cà phê với tôi... Vợ tôi không thể không cười trước ông anh họ ngộ nghĩnh này, và dĩ nhiên thuận cúp cua đi bộ ra quán Tùng uống nước và nhận họ hàng. Đang là bà bầu, đâu có ngại gì...

Sau đó một thời gian, đang làm một chức sắc tại dinh Độc lập, Nguyễn Tường Vũ bỏ đi Pháp và định cư ở đó. Một người bạn kể rằng có lúc anh sống trong một gác xép trên lầu thượng, chọc quê mấy ông bà đạo đức thật/giả bằng cách ở tận cùng cầu thang, anh dán một poster hình một cô gái khoả thân ngồi tè he. Ai lên đến bậc thang chót, dễ có cảm tưởng gần đụng đầu vào chỗ đó của nữ nhân. Sau 1975 khi có phong trào thuyền nhân vượt biển, anh tình nguyện đến các trại tị nạn giúp đỡ đồng bào, quen với nhà văn Nguyễn Bá Trạc, cũng làm việc thiện nguyện ở đó. Anh đau và chết tại một trại tị nạn Đông Nam Á trong khi làm việc. Hũ tro di cốt được người vợ mang về Việt Nam để ở chùa Kim Cương, gần hũ tro ông bố (Nguyễn Tường Thụy) và ông bố của người viết bài này (Nguyễn Kim Hoàn).

Một buổi sáng đang ngồi ăn sáng dưới giàn hoa bông giấy hai màu trắng và đỏ, bọn tôi nhận được thiếp báo hỉ và thiếp mời đi ăn cưới tại một nhà hàng hình như là Đồng Khánh, của một anh họ là Nguyễn Tường Q. Vị này thua tôi nhiều tuổi, do đó thường chơi với mấy đứa em. Thỉnh thoảng gặp nhau, chỉ chào hỏi sơ sơ, và Q học ngành nào, cuộc sống từ khi lớn lên ra sao, tôi không rõ.

Tiệc cưới diễn ra bình thường, vui vẻ, đông đảo lớp trẻ. Chỉ nhớ một biến cố là Đỗ Ngọc Yến cùng một người bạn vác đàn lên hát mừng cô dâu chú rể (đúng là ông già cận thị hiền lành mà người Mỹ gọi là Yen Do, làm báo Người Việt ở Cali ấy). Bài song ca nguyên văn như sau: “Ba mươi sáu cái xương sườn... Em ơi, hãy vô giường...”, đúng có hai câu thôi, là hết bài. Cử toạ có một dịp cười thích thú.

Trước ngày cưới, tôi có viết một lời chúc mừng “đôi trẻ” bằng ngôn ngữ cổ điển, bên dưới tên chú rể có thêm một chú thích: “Em nhà văn Tường Hùng”, theo thông lệ trong giới nhà văn và báo chí. Ai ngờ đâu chỉ mấy chữ giản dị như thế đã làm “Tarzan nổi giận, Zorro bắn súng” (ngôn ngữ vui đùa thời đó giữa bạn bè). Sau hôm cưới, một buổi sáng mở Chính Luận ra coi bài vở đăng tới đâu, thấy một thông cáo của văn phòng luật sư Nguyễn Tường B., Toà Thượng Thẩm Sài gòn, đăng ngay dưới bài viết của tôi, đúng chỗ lần trước đăng chúc mừng đám cưới. Lâu rồi tôi không nhớ nguyên văn, đại khái là:

Thông báo rằng: Thế Uyên không phải dòng họ Nguyễn Tường. Cằn nhằn rằng: Chia mừng việc gì phải đăng báo! Đã thế lại còn nói em ông nọ bà kia lôi thôi! Ký tên Nguyễn Tường Q. hay luật sư B, tôi không nhớ rõ.

Sự việc xẩy ra thật hiếm có, tôi lại toà soạn Chính Luận, lên lầu ngồi trước bàn Từ Chung, bàn Đặng Văn Sung kê chéo ngay gần, hai bàn có thể thảo luận chung được. Từ Chung, ký giả duy nhất có bằng tiến sĩ kinh tế nước ngoài, vào đề ngay: ...luật sư B. nhà ông dạo này lộn xộn dữ. Ông cứ để yên chúng tôi cho đương sự một trận. Tôi bèn không đồng ý: B là cốt cán Việt Quốc, cũng như Đặng Văn Sung là cốt cán Đại Việt, hai ông dám lại đụng độ đâu đó, tôi không thích dính vào chuyện chính trị đảng phái. Nghĩ thế, nhưng tôi nói ra khác: Mẹ tôi tự hào là con gái Nguyễn Tường ghê lắm, nếu anh em bất hoà, chắc chắn bà không vui (cũng đúng sự thật). Anh cho phép tôi “xử lý nội bộ”... Tôi ngồi viết tại chỗ một “tư cáo”, nhờ Từ Chung đăng đúng vị trí cũ, đại lược như sau: “Tên thực của Thế Uyên là Nguyễn Kim Dũng, không phải Nguyễn Tường Dũng. Còn đăng báo chúc mừng đám cưới và chú thích liên hệ với nhà văn Tường Hùng, là một thông lệ của báo chí và văn giới. Tôi thành thực định chúc mừng cô dâu chú rể, nhưng hoá ra làm phiền lòng hai người, tôi thành thực gửi lời xin lỗi.”

Giữ thái độ khiêm cung và công khai xin lỗi như vậy, mọi sự được chấm dứt tại đó. Nhưng thực ra phần tôi có buồn bực, nhưng không nhiều. Vì còn mãi thán phục cái ông sư quạt mo, ông thầy dùi thâm nho nào đó, đã viết, cố vấn hay mớm lời, cho hai ông anh họ B và Q sử dụng hình thức thông báo mập mờ, ngôn ngữ hai nghĩa, để tạo ra cho nhiều độc giả cái cảm tưởng Thế Uyên đã bị hội đồng gia tộc Nguyễn Tường từ bỏ, trục xuất hay khu trừ, vì một tội chi đó nặng đến nỗi không thể nói công khai trên mặt báo... Quả thực đã có những độc giả tưởng như vậy, đến tận ngày nay, tại hải ngoại, như tôi đã trình bầy trên.

Vì không giận dữ, tôi chỉ phản ứng âm thầm bằng cách quyết định: kể từ nay không bao giờ viết về Nhất Linh nữa. Mới đầu chỉ là một thứ hờn dỗi của tuổi nhi đồng, dần dà trở thành một lời nguyền: quả thực từ đó tới hiện nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi không viết về nhà văn này nữa, mặc dù lời mời viết bài không thiếu. Lâu dần thành một dị ứng văn học bao trùm một cách oan uổng những nhà văn khác của họ Nguyễn Tường: tôi chán ngán không muốn viết gì về họ nữa. Thậm chí vừa rồi đã nhận lời chủ biên tạp chí Thế Kỷ 21 (Hoa Kỳ) là sẽ viết một bài về Thạch Lam, đề tài vui vui, cho số tưởng niệm nhà văn này: Thế Uyên bị hay được Đảng CSVN chọn làm người thừa kế nhà văn này để lãnh một số tiền $36 US tác quyền và 10 sách tặng Gió đầu mùa, dưới thời bao cấp Mao ít Mao nhiều ở VN, như thế nào. Nhưng vừa định ngồi trước computer, thì bị nổ một phát về vụ chấp nhận hay không chấp nhận Nhất Linh, to be or not to be, sẽ kể chi tiết sau, tôi lại nổi chứng “hờn dỗi” cố cựu, không viết nữa. Thế kỷ 21 phải lục báo Văn ngày xửa ngày xưa, lấy bài “Tìm kiếm Thạch Lam” của tôi ra đăng lại. Điều đó “cũng tốt thôi!”

Nhưng cuộc đời không dễ tính với nhà văn như vậy, muốn im lặng nhiều khi đâu có dễ, cứ bút sa là gà chết ngắc, không chạy đâu thoát, không còn cả chọn lựa làm gà quay hay gà luộc... Gần đây, năm 2004, tại Mỹ, một bạn thân và cũng là anh họ lại chơi vào một sáng mùa đông không có tuyết nhưng đầy sương mù, đột nhiên nổ tôi một phát: Trong hồi ký “Người Bác”, ông đã dùng hai chữ “chấp nhận Nhất Linh”, là xấc xược...

Rồi nữa! Một vấn đề, một bài văn đã cũ hơn 40 năm lại được hâm nóng, mang ra mổ xẻ trở lại, một lần nữa. Đầu tôi đã có mầu bạc thay cho bầu trời bên ngoài không có tuyết, nên kiên nhẫn ngồi giảng giải, một lần nữa, không biết thứ mấy, rằng vào thời điểm viết bài ký, có tạp chí Sáng Tạo và sau đó một báo chí thân chính khác ồn ào phủ nhận Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn. Riêng báo thân chính còn muốn kết án Nhất Linh vào tội child abuse (cô Mùi trong Xóm Cầu Mới mới 12 tuổi mà đã mơ hôn hít...). Tôi không đồng ý với cả hai, lên tiếng là chúng tôi (thế hệ hậu chiến, ít nhất là hai anh em tôi) chấp nhận Nhất Linh, như một cái vốn, một căn bản tốt đi vào tương lai... Bây giờ chế độ phong kiến, quân chủ qua lâu rồi, chẳng nên tách chữ khỏi câu văn bài văn mà “đàn hặc” nhà văn như thế... Chẳng biết ông bạn thân và cũng là họ hàng này có hài lòng về cách giải thích như trên không, chỉ thấy ông yên lặng, không bàn nữa. Tiếp tục giao hảo bình thường.

Coi như xong, nhưng hồ sơ chắc là chưa xếp lại được vì còn nội địa Việt Nam và tương lai xa. Đảng CSVN sau gần nửa thế kỷ phủ nhận, chê bai nặng lời và cấm Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn, đã đổi đường lối và cho phục hồi trở lại. Người thì được phục hồi toàn bộ tác phẩm như Thạch Lam, người thì được phục hồi một nửa hay một vài cuốn tượng trưng (dĩ nhiên sau khi kiểm duyệt lại), còn như Nhất Linh mới được hồi tới truyện dài Bướm trắng rồi thôi, còn Giòng sông Thanh Thủy, Xóm Cầu Mớ”...thì chưa. Cả một thế hệ lớn lên ở Việt Nam bây giờ mới được đọc Tự Lực Văn Đoàn, dĩ nhiên là thấy hay. Đại học ở Việt Nam thiếu gì luận án được thực hiện về những người năm xưa này. Vậy có thể nghĩ những vấn đề đã được xếp lại bây giờ, có thể lại được các thế hệ trẻ trong tương lai chú ý tới. Vậy thì, dùng một thành ngữ Pháp, là đặt một dấu chấm lên trên chữ i, xin trích lại một đoạn văn của nhà văn Võ Phiến, về vấn đề này, trong bộ Văn Học miền Nam, Truyện 2 (Văn nghệ, California. 1999, trang 146). Người ngoài, thường khách quan hơn.

Ấy, cá tính ông gây sự khó chịu cho lắm người như vậy. Chỉ có thể bảo cá tính ấy bất lợi cho ông, không thể cho ông là người xấu. Thế Uyên, trái lại, là một người tốt, rất tốt. Cảm tưởng ấy căn cứ trên dữ kiện cụ thể, là thái độ của ông đối với các chú bác kể trên. Thế Uyên thấy không có vị nào “ưa” ông cả; nhưng ông có cả một tác phẩm cực lực ca ngợi, thán phục, họ, tức là cuốn Những người đã qua nói trên đây. “Trong các cháu lớn thân cận” của Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam, cho đến nay chưa có người nào có những phát biểu nhiệt liệt như thế. Đặc biệt đối với Hoàng Đạo, người bác chưa từng gặp mặt, ông đọc kỹ tác phẩm, phân tích và tán thưởng tận tình. Và có lần dưới chế độ đệ nhất cộng hoà, sau một cuộc đảo chính thất bại, Thế Uyên nghe tin tính mạng Nhất Linh bị đe doạ, liền tìm đến gặp người bác, tình nguyện theo bác để bảo vệ trong trường hợp hiểm nguy (Những người đã qua, trang 14).
 
Giá trị của những bảo vệ cùng tán dương ấy như thế nào hãy khoan nói đến, duy tấm lòng của ông đối với các bậc trưởng thượng thật đáng quí.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021