thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 8]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Có một thời như thế...

 
 

Một thời để yêu...

Địa danh Ban Mê Thuột, thoáng nghe đã thấy xa xôi khuất nẻo như Pleiku, Kontum, Dakto... nơi cao nguyên phía tây, xứ sở của các sắc dân xưa gọi là “Mọi” Sedang, Rhadé hay Jarai, nay đổi là Thượng cho văn minh hơn và bớt kỳ thị chủng tộc. Cái tên Ban Mê Thuột, tôi đã nghe nói tới với các huyền thoại như “Bụi Mù Trời”, “Bùn Muôn Thuở”, “Buồn Muôn Thuở”... tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Và khi tới ở rồi, mới thấy các biệt danh trên đều khá đúng.

“Bụi Mù Trời”: về mùa khô và lạnh, đất đỏ bốc lên thành bụi, phủ đỏ các mái nhà, cây cối, áo quần, màn cửa, bàn ghế... “Bùn Muôn Thuở”: về mùa mưa các con đường không được tráng nhựa biến thành các dòng sông bùn. Nhiều nhà phải làm các thanh sắt gạt bùn khỏi giầy dép, đóng chắc chắn xuống đất ngay trước bậc thềm, trước cửa ra vào. Nhưng còn mục chót là “Buồn Muôn Thuở”, có thể đúng với nhiều người, nhưng không đúng với tôi. Buổi chiều đầu tiên đến thị trấn này vào mùa mưa, tôi ngồi ăn một ly đậu đỏ bánh lọt nơi công trường chính, bên kia đường là nhà thờ bám bụi đỏ nhờ nhờ, cũ kỹ, nhìn lam sơn chướng khí bốc bay như sương mù nhẹ trên mặt đường nhựa láng ướt, tôi chỉ thấy một niềm vui, một sinh lực mới mẻ trong cơ thể. Cuộc đời sinh viên của những âm thanh và cuồng nộ cho lý tưởng này chính nghĩa nọ ở Sài gòn, đã tạm chấm dứt: bây giờ tôi đã thành một giáo sư tỉnh nhỏ đàng hoàng của Bộ Giáo Dục, và quan trọng hơn, là tôi đã lấy Thi làm vợ. Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... dù chưa biết đi đường nào tới nhiệm sở, tối nay ăn quán nào và ngủ nơi đâu trong thành phố nhỏ xa lạ này.

Một thời gian sau tôi bị gọi nhập ngũ cấp tốc cũng từ thành phố này và lần đầu tiên đi GMC của quân đội về Trại Nhập Ngũ số 2 ở Tháp Chàm, rồi vẫn GMC thoáng khí và dễ ngắm cảnh đẹp duyên hải, tôi được đưa đến Quân Y Viện Nha Trang khám sức khoẻ. Và lần này khác bao nhiêu lần trước ở điểm không ai nhắc nhở chi đến 2 kg thịt tôi còn thiếu quân đội cả. Tôi đã nhập một quân trường sĩ quan như bố tôi đã nhiều lần mong muốn, nhưng ông không có được niềm vui nhìn thấy tôi tốt nghiệp: ông chết trong khi tôi còn giữa khoá học. Ngồi khóc ông một mình ven vũ đình trường vắng lặng buổi chiều, tôi nghĩ rằng dù sao ông đã đạt được một trong những điều hằng mơ uớc: Thi, vợ tôi, đã sinh kịp cho ông một đứa cháu đích tôn để ông an lòng trước khi chết, là dòng giống ông không bị tuyệt.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021