|
ĐI.COM [6]
|
|
N nói, đôi lúc em cảm thấy có lỗi với anh vì sự thờ ơ của mình. Để thấm đòn hiu hắt, tôi nhẩy xe lên Đắc Nông. Thị trấn lạnh và khô. Nhà cửa lam nham. Những cô gái K’Ho lắc mông trên con đường bị xói lở. Tôi vào phòng trọ và nói: “Cho tôi một cô gái.” “Tất cả các em hôm nay đều có kinh,” người chủ cho biết. Tôi hỏi lại: “Chỉ có một phiên bản sao?” Người chủ bảo vâng. Thế thì hiu hắt thật. Tôi lang thang vào đồi chè. Những căn chòi giả lá được dựng trên các sườn đồi, trống hoác. Mỗi chòi có một cô gái. Tôi đếm được 52 phiên bản dân tộc khác nhau. Họ không mời chào để bảo lưu một huyền thoại sống động trong ca dao, như thật. Nhưng tôi không thể làm một thằng phải gió với một nỗi chán chường bất định. Hàng ngày tôi đi bộ lên một con dốc để vào quán cà phê có cô gái K’Ho đen nhẻm nhưng duyên dáng. Cô khá nghiêm trang. Tôi thường ngồi đến trưa chỉ để nhìn cô đi qua đi lại với đôi chân to chắc nịch. Một hôm cô nói với tôi: “Ngày mai em không bán nữa.” Tôi hỏi: “Sao vậy?” “Em đi lấy chồng,” cô vui vẻ cho biết. Tôi chúc cô hạnh phúc và bảo ngày mai tôi không uống cà phê nữa. Cô hỏi lại y như tôi “Sao vậy?” Tôi nói “vì không có em.” “Không có em thì cà phê vẫn ngon mà,” cô gái dỗ dành. Tôi bảo tôi muốn lên núi sống với cô. Cô cười thật tươi: “Ông xạo quá.” Tôi cũng cười: “Nhưng nếu tôi không xạo thì thật đáng chán, đúng không?” Muội nói truyện của anh lúc nào cũng có những cô gái. Tôi bảo và vài thứ khác. Muội nói anh thử viết không có gái xem sao. Tôi bảo không có gái thì tôi sống làm gì. Thằng con của Phượng cũng nói với tôi: “Tình yêu là một cái gì đó xa xỉ. Cháu không mường tượng được là cháu có thể yêu một ai đó, cho dù đó là nữ hay nam. Những cái mà ta gọi là mối quan hệ thật quá uỷ mị. Chỉ có sự thích ứng là cần thiết.” Tôi bảo thích ứng cũng là một ái lực. Nó bảo không phải đâu. “Thích ứng là thích ứng. Cả cái người ta gọi là tình yêu tổ quốc cũng vớ vẩn. Tổ quốc là một khái niệm trừu tượng cổ điển bị các nhà chính trị lợi dụng cho tham vọng quyền lực của họ. Chỉ có chế độ xã hội là cụ thể, nó áp đặt con người trong cơ chế của nó. Có thể xấu hoặc tốt. Chẳng có lý do gì người ta lại phải bám vào một mảnh đất khi có những mảnh đất tốt hơn, những chế độ xã hội đẹp hơn.” Thằng này vô tổ quốc, tôi nghĩ. Dường như nó đọc được ý nghĩ của tôi. Nó nói: “Khi người ta vô tính thì mọi ràng buộc trở nên vô nghĩa. Những người như Giêsu, Thích Ca, Trang Tử, Karl Marx làm gì có tổ quốc.” “Vậy thì cái giấc mơ da vàng mà cháu đang theo đuổi là gì?” “Nó chẳng là gì cả. Nó chỉ là cái lý của sự vận hành.” “Cái lý ấy là ĐI.COM?” “Cháu không biết ĐI.COM.” Muội cũng nói: “Em chỉ có một cái tổ cò. Ở đó, em tạo nên thế giới theo ý em muốn.” Thế giới của Muội là những hình nhân, phóng tưởng cái chết. Và Muội huỷ diệt mình như thể là cách để đi đến tận cùng sự sống. Đôi khi, tôi cũng cảm thấy xót xa. Những mẩn đỏ nổi lên khắp người Muội vì rượu và thiếu ngủ. Lúc đầu Muội còn uống thuốc, sau đó Muội bảo đó là body art, không ngứa không đau thì kệ bà nó. Tôi không định hình được cái tổ cò của Muội. Dường như nó rất bé, cũng dường như nó rất to. Tôi chưa bao giờ đi hết cái tổ cò ấy. Những hình nhân của Muội có khi là rơm, có khi là những vòng dây kẽm, có khi là cả một khối đá. Muội mất hút ở trong đó. Tôi không muốn tìm bất cứ một ý nghĩa nào trên những tác phẩm của Muội. Nàng bảo em không thích kiểu ưa triết lý của anh. Triết lý cũng chỉ là sự áp đặt. Mắc mớ gì mà phải làm rắc rối cái vốn đơn giản. Tôi bảo triết lý là một khủng hoảng thừa. Nó cũng giống như bệnh ghẻ. Ngứa và lây lan. Để tìm sự an bình, tôi vẫn đến tổ cò của Muội, nằm giữa những hình nhân. Tôi cảm thấy những nền văn minh đi qua như những bóng ma. Nhiều khi tôi thấy Muội thật xa cách. Thằng nhỏ con của Phượng lại nói về chuyện tổ quốc. Nó bảo tổ quốc cũng như một cái áo rách. Cần phải quăng vào sọt rác. Cái nơi người ta sinh ra chẳng có ý nghĩa gì. Trên mặt đất này không có chỗ nào thiêng liêng hơn chỗ nào. Vấn đề của thế giới hiện đại là sự tranh chấp quyền kiểm soát trí tuệ con người. Điều này nó đã vượt qua tất cả các biên giới địa lý và văn hoá. Nó đang đi gần đến ĐI.COM và tôi rùng mình khi nghĩ rằng ĐI.COM đã tự phân tán, biến thể và xâm nhập vào con người. ĐI.COM tạo ra các khuynh hướng và thúc đẩy các hành động. Những kẻ như thằng con Phượng, bằng các nguyên tắc thích ứng, đã kết nối những con người cùng một khuynh hướng tạo nên một mạng lưới xuyên quốc gia. Khái niệm về vùng miền, lãnh thổ trở thành lạc hậu và được thay thế bởi tính trào lưu. Bởi thế sự cực đoan cũng trở nên khốc liệt hơn. Ở giữa những trào lưu là khoảng trống thủ cựu của những niềm tin cũ. Ông Đạo Tiếng xây một bảo tháp cho linh hồn mình. Dân quanh vùng Bảy Núi gọi là tháp Sám Hối. Không biết từ bao giờ đã hình thành một niềm tin trong dân gian rằng, những ai muốn sám hối về tội lỗi hay quá khứ của mình vào trong tháp Sám Hối đấm ngực ăn năn thì sẽ được giải trừ nghiệp chướng. Và khi thành tâm hối cải, tiếng đấm ngực sẽ âm vang. Ba nghìn thế giới của chư Phật sẽ rung động. Cái tháp vào một cửa, ra một cửa. Cửa vào là tử, cửa ra là sinh. Kẻ nào không biết điều ấy, đi lại con đường cũ sẽ muôn đời trầm luân. Ngày tôi đến Angkor Wat trên đất Miên, tôi đã nhìn thấy những tảng đá bở vữa ra. Từng thế kỷ đổ sụp. Những linh hồn không còn nơi trú ngụ bay túa ra như một đàn cào cào đen, gây nên những trận ôn dịch làm chết hàng triệu người và súc vật. Ông Đạo Tiếng bảo cần phải đưa những linh hồn này về Bảy Núi. Tháp Sám Hối trở nên chật chội. Những linh hồn chồng chất lên nhau tạo ra một khối màu óng ánh như ngọc bích. Khối ngọc bích ban ơn phước cho những ai tin thờ và sờ mó vào nó. Khi Diệu An bỏ Hà Nội đi Châu Đốc và tìm vào Bảy Núi. Ông Đạo Tiếng đón Diệu An dưới chân núi Cấm. Nàng không ngạc nhiên vì sao ông ta lại biết để đón nàng. Đạo Tiếng đưa Diệu An đến tháp Sám Hối và làm cho nàng một cái cốc gần đó. Năm 2050, ông Đạo Tiếng đã là một người giàu có. Tháp Sám Hối là con gà đẻ trứng vàng của hắn. Tiền cúng dường của bá tánh ngày nào cũng đầy ắp trong cái hòm lớn đặt giữa tháp. Buổi tối hắn đếm tiền. Buổi sáng hắn tụng kinh và giảng kinh sách dưới bậc thềm. Chính quyền dùng áp lực bắt hắn phải nộp tiền vào công quĩ và chỉ cho phép hắn được quyền sử dụng 20% vào mục đích tu sửa và quản lý bảo tháp. Tuy thế, hắn vẫn là người giàu có. Không một ai đến tháp Sám Hối mà không được ăn uống. “Hãy sống mà ăn năn vì ngày tận thế sắp đến.” Diệu An nói với tôi: “Em có cảm giác ông Đạo Tiếng là người bịp bợm.” Tôi hỏi tại sao? Diệu An bảo “anh ấy chỉ nói về tương lai và dùng cái tương lai ấy để hù doạ người ta.” Tôi bảo làm tiên tri mà không nói về tương lai thì nói cái gì. Ít ra thì cũng để người ta sống tốt hơn. Diệu An có vẻ như tỉnh ngộ về một điều gì đó. Nàng bảo “em không ở đây nữa.” Tôi bảo ở đâu thì cũng vậy, dù em có muốn giải thoát hay không. Cứ ở yên đây mà tự tu. Nhưng tu là gì thì đừng hỏi. Diệu An nhập thất. Từ ngày đó ông Đạo Tiếng không nói năng gì nữa. Ai hỏi gì về đạo, hắn chỉ chắp tay lạy và niệm Nam mô a di đà Phật. Cho đến khi ông Đạo Tiếng chết, người ta kiểm kê được hắn đã xây dựng tổng cộng 49 ngôi chùa lớn nhỏ và một tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ gần hai triệu đô la Mỹ. Có lúc tôi tưởng như chỉ còn có một mình trên đời. Tôi không biết phải sống như thế nào. Và chết như thế nào. Một người đàn bà tôi đã gặp ở đâu đó nói rằng, con người vẫn không ngừng trùng tu những di tích kỳ vĩ được làm nên bằng xương máu của mình để nhìn ngắm. Ở giữa sự lớn lao và tầm thường, vinh quang và hèn mọn, điều ý nghĩa nhất có thể là được làm tình như một con người đơn giản, được ăn uống như một người khỏe mạnh, được ngủ nghỉ như một con người an bình. Thoát khỏi mọi nỗi ám ảnh. Đêm trước khi giã từ cuộc đời, ông Đạo Tiếng đã phá giới xuống núi tìm gái, sau đó ăn một tô phở và ngủ không dậy nữa. Xác Đạo Tiếng được tìm thấy trong một khách sạn và người ta mang về vất trong nhà xác bệnh viện tỉnh Châu Đốc. Năm ấy hắn 85 tuổi. Năm 2055, trong lúc tôi và N vẫn ngồi trong quán cà phê chờ giờ lên đường, thằng con của Phượng bước thẳng đến chỗ tôi, tự kéo ghế ngồi. Nó nói: -Bác nên giả điên vài năm. Cần phải thoát ra khỏi cơ chế thích ứng, nếu không bác sẽ bị nguy hiểm. Bác không đủ sức chịu đựng đâu. -Bác cũng muốn mọi chuyện xong đi. Tôi nói. -Chẳng có chuyện gì xong được, trừ khi bác tự quyết định chấm dứt cuộc đời mình. Tôi nhớ đến ông Đạo Tiếng và cách hắn chết. Tôi nhủ thầm, mình sẽ đi vào trong giấc mơ và không về nữa. N cầm tay tôi, nhưng dường như tôi không còn cảm thấy có bàn tay ấy. Năm 2006. Tôi và Tiến sang Campuchia chơi. Chúng tôi leo lên Angkor Thom, Angkor Wat, núi Phnom Bakheng và ra Biển Hồ. Cảm giác leo lên đỉnh Angkor Wat cũng không sướng hơn hớp một ngụm cà phê kho nóng hổi của ông chủ quán người Tàu trong một hẻm nhỏ ở Phnom Penh. Nhiều thứ đã mất đi, như ly cà phê kho không còn tìm thấy ở Sài Gòn. Tôi đã uống một quá khứ cũng như tôi đã bước đi trên những lối đi thấm đẫm máu, nỗi thống khổ và sự tan nát của con người trên những phiến đá của tham vọng vĩnh cửu. Tôi không hiểu được điều gì đã khiến tôi muốn ở lại xứ Miên bần cùng và trễ nải kia, mặc dù đa phần những người Việt Nam sống trên đất Miên đều nghèo hèn. Tôi không tin là Phnom Penh hấp dẫn vì nó giống Sài Gòn trước 1975. Có một nỗi niềm bí ẩn và cao cả hơn cả sự tự do của xã hội mà người sống trên xứ chùa tháp thụ hưởng. Nỗi niềm ấy giống như nguồn cội mà người ta muốn quay về hơn là một thách thức lôi cuốn của một vẻ đẹp khác. Nhưng mãi đến năm 2050, tôi mới có dịp trở lại Campuchia. Thành phố Phnom Penh tràn ngập người Hoa và những người lai Tàu. Người Miên bản xứ không ai bảo ai, họ tự tìm về Siem Reap và sống quanh khu vực đền đài cổ. Nhiều vùng nông thôn rộng lớn bị bỏ hoang. Ngoài các biến động chính trị không đáng kể do các phe nhóm đảng phái tạo nên, đời sống trên xứ Miên vẫn tiềm ẩn những khốc liệt. Hàng triệu người lây lất bên Biển Hồ. Họ như những chiến binh điêu tàn chờ ngày quật khởi. Những đứa bé bảy tám tuổi vẫn ở truồng vì không có quần áo. Chúng lang thang giữa các bức vách và lẫn lộn với đất. Thần linh đã bỏ quên họ. Bởi họ đã quên cầu nguyện. Trong mắt họ, Phật tính đã mù, chỉ còn cái bóng của thần Shiva toả sắc. Khi ĐI.COM xuất hiện, những người Hoa tha hương đã biến sức mạnh kinh tế của mình thành sức mạnh chính trị. Hằng đêm, những người mặc quần áo đen ra đường kêu rú. Không một người da trắng nào dám ở lại Campuchia, ngoại trừ các nhân viên sứ quán. Trên đường Monivong, tôi tận mắt chứng kiến cảnh một phóng viên người Nga bị đám đông nuốt chửng khi anh ta có ý định quay phim đám đông điên cuồng ấy. Thật không thể tưởng tượng anh ta lại có thể tan biến nhanh thế. Ngay khi bước vào quán, tôi đã chú ý đến anh với một bộ râu của người Hồi giáo và một màu da nâu hồng. Tôi ngồi xuống bàn bên cạnh. Cũng như tôi, anh ta đến Campuchia với một ước muốn được nhìn thấy sự thay đổi. Khi tiếng gầm rú của những người mặc đồ đen đến gần, anh ta lao ra đường và chĩa thẳng ống kính vào họ. Tôi kịp nhìn thấy có một khuôn mặt rất giống Mao Trạch Đông thời trẻ. Đám đông nhanh chóng tràn qua anh ta. Sau đó không còn một dấu vết nào, kể cả cái máy quay phim. Anh ta đã bị đám đông ăn thịt. Một cách giết người phi tang mà nhà chức trách tuy biết nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
[còn tiếp]
Đã đăng:
ĐI.COM [1] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Một nửa trái đất bị bao phủ trong bóng tối sợ hãi. Mỗi ngày lại có một tin đồn mới về sự xuất hiện của “ĐI.COM.” Chưa ai dám khẳng định là mình đã nhìn thấy “ĐI.COM,” nhưng tất cả các chính phủ, các phương tiện thông tin đều không thể trấn an dân chúng thoát khỏi sự hoang mang... (...)
ĐI.COM [2] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
... Chúng ta còn đầy một thế kỷ trước mặt. Và chúng ta sẽ phải khóc trước ĐI.COM. Tôi đã biết gì về ĐI.COM ở thời điểm năm 2005 khi ĐI.COM chưa xuất hiện? Tại sao tôi lại hỏi? Tại sao tôi buột miệng nói ra? Tôi không hiểu được khi viết những dòng này người tôi lại ớn lạnh... (...)
ĐI.COM [3] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
... Tôi đã nhận thấy những dấu hiệu can thiệp của ĐI.COM vào đời sống mình và tôi không muốn ĐI.COM có thể làm điều gì đó với bất cứ một sinh linh nào khởi phát từ tôi... (...)
ĐI.COM [4] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
... N nói “ĐI.COM” là cảnh giới của những phản ứng xâu chuỗi, nó kết nối các tâm cảm dị biệt vào một trường và tạo nên sự bùng phát vô thức tập thể theo cấp độ lũy tiến hệ số cá nhân được kết nối. Tôi bảo cho dù “ĐI.COM” là gì hay không là gì thì cũng không bao lâu nữa sẽ đến lượt anh bị xô đẩy vào cái đám đông mù quáng kia... (...)
ĐI.COM [5] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Năm 2049, tình trạng nhiễm sóng của cơ thể con người đã trở nên trầm trọng. Nó làm cho hệ ý thức trở nên nhoè nhoẹt. Trên những khoảng chồng lấn của các nếp gấp tư duy bị ĐI.COM xâm nhập, ý thức không thể phát hiện, ở đó ĐI.COM phát ra mệnh lệnh và tạo ra tính tương thích mặc định. Con người hành động theo ĐI.COM mà không hề biết... (...)
|