thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Từ mùa thu
 
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
 
 
VYTAUTAS P. BLOŽĖ
(1930~)
 
Vytautas P. Bložė, nhà thơ và dịch giả, sinh năm 1930 tại Baisogala, Lithuania. Ngay từ tập thơ đầu tay — Septyni Šienpioviai (Bảy chiếc máy cắt rơm) — xuất bản năm 1961, ông đã chứng tỏ là một trong những cây bút làm hồi sinh thi cảm của xứ Lithuania và mở đường cho một ngôn ngữ thi ca mới. Tuy nhiên, thơ đã khiến ông phải chịu đựng thêm rất nhiều gian khổ trong cuộc sống. Từ lúc Bložė còn trẻ, thân phụ và chị ruột của ông đã bị công an Xô-viết bắt giam vì tội "chống lại nhà nước Xô-viết" và, vì thế, ông đã luôn luôn bị KGB theo dõi. Ông đã bị bắt nhốt nhiều lần (lần đầu tiên lúc ông mới 15 tuổi), và ông đã phải sống nhiều năm không có hộ khẩu.
 
Sau tập thơ đầu tay, ông bị nhà nước Xô-viết canh chừng gắt gao. Ông lén lút truyền bá tác phẩm bằng cách chuyền tay. Thỉnh thoảng, cũng có vài tập thơ của ông được cho phép in. Đó là những tập thơ ông cố gắng dùng ẩn dụ để che giấu khát vọng về tự do và nhân phẩm. Ngay cả đến thế, những tập thơ ấy cũng bị giới phê bình tay sai của nhà nước ra sức chê bai, đánh phá. Những tập thơ ông viết vào cuối những năm 60 và suốt những năm 70 bị dán nhãn "phản cách mạng", "phản động". Ông phải giấu thơ bằng cách chôn dưới đất, nhét trong những hộc tủ có ngăn đôi, hay nhét vào các gậm giường, xó xỉnh. Tuy vậy, một số thi tập của ông đã bị phát hiện và bị đốt. Không kiếm sống được bằng thơ, ông dịch sách (của Pushkin, Schiller, Shakespeare, Rilke, Vallejo, và Cavafy) và chơi nhạc mướn tại những hàng quán và tiệc tùng. Năm 1972, ông bị bệnh nặng vì thiếu dinh dưỡng, phải vào nằm trong bệnh viện nhà nước nhiều tháng, trải qua những đợt "chẩn bệnh sai" và bị đối xử tàn tệ. Tuy nhiên, ông vẫn sống sót, và hiện nay sức khoẻ ông rất mong manh.
 
Từ khi khối Xô-viết tan rã cho đến nay, trong đống bản thảo đồ sộ của ông chỉ có một số thi tập được bạn bè giúp đỡ xuất bản: Iš tylinčios žemės (Từ lòng đất im lặng), Žemės gėlės (Hoa đất), Polifonijos (Đa thanh), Sena laužavietė (Chốn cũ của những đống lửa), Žmonės (Con người), và Miko Kėdainiškio Laiškai (Những lá thư của Mikas Kėdainiškis).
 
Tuy tác phẩm của ông chưa được xuất bản đầy đủ, tên tuổi ông vẫn càng ngày càng được khẳng định như một trong vài nhà cách tân quan trọng nhất của nền thơ Lithuania thế kỷ 20, và đã ảnh hưởng sâu đậm đến thế hệ thi sĩ trẻ, cả về cấu trúc bài thơ, đề tài, và phong cách.
 
 

Từ mùa thu

 
ngã gục vì bệnh hoạn tôi nằm giữa cánh đồng mênh mông, mưa tắm rửa tôi: từ cái miệng méo mó của tôi chảy ra một sợi máu và toàn thể nội tạng tôi thối rữa, trong đó bạn có thể nghe âm nhạc của những thức ăn tôi đã ngấu nghiến suốt một đời ô uế: những con trăn, rắn, cóc, trùn, sán, gà, cá, bê, bò, heo, thỏ, cừu, hoẵng, nai chà, lợn lòi, bồ câu, nấm, dâu, cà rốt, bắp cải, lí gai, khoai tây, tiêu, muối — tất cả những thứ đó kêu réo trong tôi với thứ âm nhạc thảm hại của nỗi buồn khi những khúc ruột của tôi thối rữa, với nghệ thuật nói bằng bụng đúng nghĩa, làm khiếp sợ tôi kẻ đã không còn biết mình là ai nữa
 
tôi đã tàn phá những gì? bao nhiêu người tôi đã ăn cùng bao nhiêu ý tưởng tôi đã nhồi vào ruột, những lời dối trá tồi tệ ngọt ngào, thứ mật pha loãng khiến loài ong chết trong mớ tóc hói của tôi, trong đó những con trăn, rắn, cóc, trùn, sán, gà, chuột, cá, bê, bò, heo, mèo, nhím, chó taiga, chồn xám, hải ly không có chỗ ẩn nấp — và những con sên ma quỷ đầm lầy bò ra trong một màn mưa hoang vắng giữa cánh đồng xuyên qua những giọt mưa lấp lánh dưới ánh pháo hoa như cung cách quý tộc điên rồ của những cụ tổ nhà tôi trong những lễ hội ở công viên Hoffmann
 
bao nhiêu người tôi đã ngấu nghiến, lây nhiễm những bệnh tật của họ, thói phàm ăn hiếu dục của họ, kiểu khôi hài cục súc Rabelais của họ, những thức uống mửa thốc của họ giờ đây gió rửa sạch cả mưa quét sạch cả, đất gột sạch cả theo bụi bẩn. Tôi sẽ thở hổn hển bao lâu qua chiếc miệng dán băng vô trùng, lục lọi trong tử thi tôi để tìm bằng chứng tội lỗi: tất cả những gì còn lại không để vết tích là chữ ký của tôi, mà tôi đã hất tung toé chung quanh như đá vung loạn xạ đôi chân mình, tự làm mình vướng kẹt và giả vờ ký tên mình trên ổ bánh mì mốc trên thịt bốc mùi ươn trên sữa hư trên cá độc. Và chỉ có con vịt trời thối rữa đã bay vào rơi tõm xuống sình lầy cùng lúc với chiếc linh cữu của thiên đường tôi rơi tõm với những kỷ niệm của những cụ tổ nhà tôi từ những ngày còn chế độ nông nô bò theo sau mọi người như một chiếc đuôi ướt che gió cho những khung cửa sổ, qua đó những ánh đèn xe vận tải rọi xuyên, tiếng sấm nổ ầm ĩ khủng khiếp rung chuyển những tầng trời và những đoàn xe lửa tung vào nhau những xác người da đen cháy thiêu, những tàu thủy chở lá coca nấu thành nhựa thuốc cho chúng tôi: hãy rót tôi ra khỏi những vại chứa nơi tôi sẽ nguội đi, nuốt tôi trôi xuống với trà đậm và nếu nội tạng tôi đau đớn, hãy uống thứ gì trơn nhớt nhưng không phải từ công việc của chính tôi, bởi vì tôi khó tiêu, bệnh hoạn với những nhọt trong dạ dày, xuất huyết triền miên từ những vết thương trong ruột từ thời thơ ấu, những vết thương do những kẻ vô tâm gây nên, những kẻ tôi đã nuốt chửng
 
hãy đặt những chiếc cốc ấy trên những dãy kệ trống không và phủ đầy mạng nhện không có những bức ảnh của tôi, những thứ đã dứt khoát không phù hợp với cái khách thể của tôi khi nó đã trương phình lên giữa những con cá sấu và những con trâu núi tro cây cối và những cuộc thiên tai
 
hãy đến đây và ngồi xuống, khi mưa đã chảy qua trong nơi chốn từ đó tôi sẽ bước ngang qua chân bạn, tôi đã biến thành một con kiến chết đuối trong chính những chất nước nhờn của tôi hãy đến ngồi chốc lát trên hòn đá, dưới đó linh hồn tôi không còn nhấc nổi một vật gì hãy đến ngồi vào chỗ đó nơi tôi đã biến mất ngồi vào một chỗ ẩm ướt vẫn chưa hoàn toàn khô ráo nơi ngay cả mùi thể xác của tôi cũng không còn nữa cái mùi tôi đã chán rồi, hãy đến đặt đầu bạn lên ngực tôi lắng nghe cánh đồng thì thầm thế nào biển cả cầu nguyện thế nào, ánh hoàng hôn lập lại lời tôi thế nào, cơn gió che phủ thế nào lên dấu vết của lưng tôi với cát từ những đụn nhấp nhô trong nghĩa địa của những người còn đang sống
 
 
-------------
Dịch từ bản Anh ngữ của Jonas Zdanys Norman, “From Autumn”, trong World Literature Today, Spring 1998 (vol.72, No.2) 243.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021