|
Những chiếc mặt nạ
|
|
Trung thu năm ấy trời trong và dịu. Giữa lòng thành phố vẫn có thể thấy trăng. Trăng vằng vặc sáng. Trăng chảy trong từng kẽ lá của hàng cổ thụ dọc hai bên đường phố biển miền Trung. Trăng dát bạc lên những căn nhà mới xây, lên toà nhà Bưu Điện Trung Tâm và tháp truyền hình cao vút. Anh đưa vợ và con gái đi chơi trung thu. Nhiều năm qua, đã thành lệ, cứ đến ngày lễ, ngày hội, anh cùng vợ và đứa con gái dạo quanh phố phường trên chiếc xe bóng lộn trước con mắt ngưỡng mộ của bạn bè và người quen. Dưới con mắt của mọi người: họ là một cặp thật đẹp đôi, gia đình họ thật hạnh phúc. Anh vừa bước qua tuổi ba mươi lăm, đang là giám đốc một doanh nghiệp làm ăn phát đạt. Vợ anh còn quá trẻ với chức vụ nặng nề của giám đốc một trung tâm trực thuộc cấp sở. Con gái họ luôn dẫn đầu cả lớp về thành tích học tập, lại vẽ giỏi, hát hay. Năm nay, chiếc xe đưa họ dạo chơi phố phường được thay thế bằng chiếc Altis thời thượng và đắt tiền của hãng Toyota danh tiếng. Hẳn nhiên, hạnh phúc của họ được nhân lên gấp bội trên thứ văn minh vật chất của trí tuệ nhân loại vào thiên niên kỷ thứ ba, thứ tiện nghi luôn là nỗi khát khao, thèm muốn, thèm muốn đến quay quắt của đám thị dân. Sau khi đến một vài điểm vui chơi và phát quà trung thu dành cho trẻ em do chính quyền thành phố tổ chức, anh vòng qua những con đường chính để đến chùa Long Hải, nơi diễn ra buổi lễ chính của ngày rằm tháng tám. Xe anh phải xuyên qua quảng trường trung tâm. Phía trước nhà hát lớn, đối diện với công viên, đèn sáng rực, người ta bày bán những chiếc mặt nạ trên những chiếc xe đẩy. “Ba ơi, mua cho con mặt nạ.” Con gái anh reo lên. Xe phanh gấp. Anh vốn chiều con. Được làm điều gì cho con vui anh sung sướng lắm. “Tôi chỉ có một đứa con gái duy nhất mà,” anh thường đùa khi bạn bè phê phán: nuông chiều quá con cái sinh hư. “Con chọn cái nào?” Anh hỏi. Con bé phân vân trước đám mặt nạ đủ loại, kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc. “Sao mặt nạ nào cũng thấy ác!” Vợ anh vụt nói. “Đâu có. Có cái cũng đáng yêu đấy chứ.” Anh nói. Vợ anh không biết anh thật hay đùa. Con gái anh chọn lấy chiếc mặt nạ yêu tinh. “Sao con lại thích cái này?” Vợ anh có vẻ không vừa ý. “Con thích.” “Sao con không chơi lồng đèn?” “Con không thích.” “Lồng đèn không thích lại thích mặt nạ.” Vợ anh làu bàu. Trong niềm hứng khởi bộc phát bất ngờ, anh mua cho anh và đề nghị mua cho vợ chiếc mặt nạ Vợ anh ngăn lại: “Kỳ quá, lớn rồi còn mua đồ chơi trẻ con làm gì?” “Đây đâu phải chỉ là đồ chơi cho trẻ con.” Anh bảo. Thế là anh mua. Con bé đeo vào chiếc mặt nạ nó thích. Hai chiếc kia nó cầm suốt buổi đi chơi. Và rồi họ đến chùa và đi vào. Sân chùa đông nghịt người. Điện sáng trưng, nhìn rất rõ mặt người, nhưng anh không nhận ra người quen. Anh nghĩ: có lẽ cặp vợ chồng nào ở đây cũng vậy, cả thiên hạ ở đây đều vậy, không ai nhận ra ai. Điều kỳ lạ là cái thành phố chỉ hơn hai trăm ngàn dân, trong đêm hội, người ta tụ tập về nhưng thấy toàn là người xa lạ nhau. Dẫu vậy, anh có cảm giác tiếng mõ, câu kinh và mùi nhang khói đã kéo con người ta xích lại gần nhau hơn. Nghe kinh thì thấy gần Phật mà. Trăng, kinh và Phật luôn khiến con người ta làm việc thiện. Anh thấy tâm mình tịnh lạ thường. Anh nhìn vợ. Nàng không biết chồng đang nhìn mình. Nàng vẫn với cái vẻ hờ hững, lạnh lùng và có chút cay nghiệt bởi đôi môi tai tái và luôn mím chặt. Càng về khuya, trăng càng sáng, trong không gian có chút hơi sương lúc trời chớm thu. Con gái anh rất vui. Nó cứ nấn ná, chưa muốn về. “Phật cuốn hút con rồi phải không?” Anh hỏi. “Con ghét ba.” Vợ anh có vẻ không mặn mà gì với chùa chiền, kinh, phật. Dù sao, buổi đi chơi vẫn rất thành công. Họ trở về nhà với niềm vui riêng. Và họ tiếp tục cuộc vui tại nhà. Lúc chiều, vợ anh đã chuẩn bị bữa tiệc, hiển nhiên không phải là bữa tiệc chay. Anh thường bảo: “Tôi không thể là đệ tử trung thành của xì dầu.” Hồi học phổ thông và còn ở với cha mẹ, hàng tháng, anh phải ăn chay bốn ngày vào các thời điểm giữa và cuối tháng nhưng anh không sao chịu nổi xì dầu và cơm nhạt, anh cứ phải vét từng chút thức ăn mặn của ngày hôm trước còn sót lại. Sau này, khi lên đại học, lấy vợ, đi làm, anh không kiêng cữ bất cứ món gì có thể ăn được. Mẹ anh thường mắng: ”Mày là thằng ăn tạp.” “Vật dưỡng nhơn mà mẹ,” anh trả lời. Một lần mẹ anh bảo: “Giết vật là sát sanh, sát sanh là làm điều ác, con ạ.” “Thế giết người là gì hả mẹ?” “Mả mẹ mày, cứ lý sự. Ráng mà tu nhơn tích đức, còn để đức về sau.” Đôi lần anh nghĩ: Con người sinh ra không ăn chay được có phải đã mang trong mình cái bản chất độc ác? Anh lại tự thanh minh và an ủi mình: tu tại tâm. Anh chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tin vào điều gì. Anh chỉ có một niềm tin duy nhất, không suy suyển, đó là niềm tin vào chính bản thân mình. Nhưng liệu con người ta có thể tu tại tâm mà hoàn toàn không có gì ràng buộc? Khi thức ăn đã bày biện trên bàn, anh xuýt xoa: “Ngon quá.” “Anh chẳng bao giờ tu được.” Vợ anh bảo. Anh không hiểu đó là lời nói đùa hay lời quở trách. Anh luôn có cảm giác rằng anh chưa bao giờ hiểu vợ. Anh cũng biết chắc rằng vợ anh cũng không thể nào hiểu anh, dù họ đã sống với nhau tròn một giáp. Anh thì cứ luôn nửa đùa, nửa thật. Còn vợ anh cứ ẩn mình trong cái vỏ ngôn ngữ luôn làm anh hài lòng mà anh không sao bóc tách ra được. Nàng luôn biểu hiện vẻ đoan chính của người đàn bà đức hạnh. Tuy nhiên, đôi lần anh bắt gặp ánh mắt của vợ bùng lên vẻ căm ghét và ghê tởm cái trò nửa đùa, nửa thật của anh. Nhưng biết làm sao được? Anh vốn vậy. “Cái thiện không chỉ dành cho kẻ tu hành.” Anh nói, “Cái ác dành cho ai, hả ba?” “Mọi người.” “Anh lại đầu độc con.” “Đó là việc thiện.” Anh nói. Một lần nữa, vợ anh không biết anh thật hay đùa. Họ liền nhớ đến những chiếc mặt nạ. Con gái anh háo hức chạy đi và cầm lấy những chiếc mặt nạ giấy đặt trên chiếc bàn kiếng của phòng khách. “Mình cùng đeo vào nghen. Thử có nhận ra nhau không.” Anh nói. “Mặt nạ chỉ là thứ ác.” Vợ anh nói, khuôn mặt đanh lại. “Cứ nghĩ nó thiện.” “Con ghét ba.” Con gái anh nói. Anh không muốn điều đó là sự thật. Con cái ghét bỏ cha mẹ là điều xấu. “Nào, bây giờ cùng đeo mặt nạ lên nào.” Anh cười và giục. Bọn họ có vẻ lưỡng lự. Cuối cùng, họ cùng lúc đeo lên khuôn mặt mình những chiếc mặt nạ. Họ chợt thảng thốt. Trước mặt họ là những con người xa lạ. Không khí tê đọng hồi lâu. Con gái anh phá tan cái im lặng chết người: “Con không nhìn thấy ba má. Con chỉ nhìn thấy những người gớm ghiếc.” Một lần nữa cả hai vợ chồng họ co rúm người lại. Điều con gái họ nói là điều mà cả hai vợ chồng họ đang trông thấy. Thế là cuộc vui muộn của đêm trung thu đã bị hỏng bét. Đêm hôm đó, mỗi người trong căn phòng riêng, họ soi mình trước gương. Họ đeo mặt nạ vào rồi tháo ra, tháo ra lại đeo vào đến tận khuya. Cứ mỗi lần chiếc mặt nạ được đeo lên mặt, họ không còn nhận ra chính mình. Trước mắt họ, trong gương, là một con người khác, một con người xa lạ với khuôn mặt nửa người nửa quỷ. Vậy thì con người thật của họ là con người nào? Con người trong gương hay con người trước gương? Ai dám bảo rằng con người trước gương là con người thực, còn con người trong gương là con người không thực? Và ai dám khẳng định rằng con người trong gương là con người ảo, còn con người trước gương là con người không ảo? Ngày hôm sau và những ngày tiếp theo, họ cứ soi mình truớc gương cùng chiếc mặt nạ với nỗi ám ảnh không thể cưỡng. Rồi lúc gặp nhau họ bàng hoàng nhận ra rằng trước mặt họ là những con người luôn đeo những chiếc mặt nạ của đêm trung thu. Một buổi chiều, trong giờ cơm, anh hỏi: “Hai mẹ con còn giữ mặt nạ không?” “Con đã xé nó rồi.” “Hôm trước, em đã ném nó qua cửa sổ.” “Ba còn giữ hả?” “Ba đã đốt nó.” Mọi người cùng nhìn nhau. Họ giật bắn người. Những chiếc mặt nạ đã bị huỷ nhưng sao khuôn mặt mọi người vẫn là khuôn mặt đang đeo mặt nạ?
|