|
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [9]: Thế nào là “hát hay”?
|
|
“Hát hay không bằng hay hát!” Chúng ta vẫn thường nói như thế, nhưng người nào hát thì cũng muốn mình hát hay, và người nào nghe hát thì cũng muốn nghe những tiếng hát hay. Nhưng hát như thế nào là “hát hay”? Trước hết, tôi muốn mời các bạn cùng thưởng thức tiếng hát thuần khiết không nhạc đệm (a cappella) của Tania Libertad (1952~), nữ danh ca nhạc pop ở Mexico (người gốc Peru), qua ca khúc Alfonsina y el Mar (“Alfonsina và Biển”), nhạc và lời của Ariel Ramírez và Félix Luna. Ca khúc này diễn tả cái chết của Alfonsina Storni (1892-1938), nữ thi sĩ lừng danh trong văn chương Argentina và châu Mỹ-Latinh. Tương truyền rằng lúc 1 giờ sáng ngày 25 tháng 10 năm 1938, Alfonsina Storni đã đi ra khỏi nhà, đến bờ biển La Peria, rồi bước một cách chậm rãi vào nước biển cho đến khi chìm khuất vào đáy nước. Tania Libertad - Alfonsina y el Mar Tôi cho rằng Tania Libertad đã hát bài Alfonsina y el Mar (“Alfonsina và Biển”) một cách tuyệt vời, và hiếm có ca sĩ khác hát được như thế. Sau khi nghe Tania Libertad hát bài “Se equivocó la paloma” (thơ của thi sĩ Tây-ban-nha Rafael Alberti do nhạc sĩ Á-căn-đình Carlos Guastavino soạn thành ca khúc), văn hào Bồ-đào-nha José Saramago (Nobel Văn Chương 1998) viết: “Lần đầu tiên tôi nghe Tania Libertad hát, đó là một sự mặc khải đến từ trên cao - từ một nơi mà chỉ có một tiếng hát thuần khiết mới vươn đến được, riêng một tiếng hát trên thế giới, không có một nhạc cụ nào đệm theo. Tania hát bài ‘Con bồ câu’ của Rafael Alberti không có nhạc đệm (a cappella), và mỗi nốt đã chạm vào một sợi dây trong tâm hồn tôi cho đến khi tôi hoàn toàn choáng váng trong ánh sáng chói ngời.” Tania Libertad là một tiếng hát tuyệt vời trong lĩnh vực âm nhạc phổ thông, còn trong âm nhạc cổ điển thì nữ danh ca opera Montserrat Caballé nói về tiếng hát của nữ danh ca opera Maria Callas (1923-1977) như thế này: “Bà đã mở ra một cánh cửa mới cho chúng tôi, cho tất cả ca sĩ trên thế giới, một cánh cửa xưa nay vẫn khép kín. Sau cánh cửa đó, không chỉ những nhạc phẩm tuyệt vời mà cả sự diễn đạt tuyệt vời xưa nay đã ngủ say. Bà đã trao một cơ hội cho chúng tôi, những người hậu sinh, để chúng tôi có thể làm được những điều trước kia dường như bất khả.” Đó là những lời ca ngợi dành cho những tiếng hát tuyệt vời nhất. Thế nhưng, những lời ca ngợi ấy vẫn không cho chúng ta thấy rõ thế nào là “hát hay”. Montserrat Caballé chỉ diễn tả sự phong phú ngoại hạng của tiếng hát Maria Callas, một tiếng hát đã khai mở những cách diễn đạt vô cùng mới mẻ và làm sống lại những nhạc phẩm tuyệt vời đã bị quên lãng trong quá khứ. José Saramago chỉ nói đến sự truyền cảm sâu sắc tột bậc trong tiếng hát a cappella của Tania Libertad. Đọc những lời này, chúng ta lại càng thắc mắc hơn nữa: thế thì họ đã diễn đạt như thế nào trong tiếng hát của họ khiến cho ai cũng phải công nhận rằng họ hát hay, và liệu những người khác có thể hát hay như họ nếu hiểu được những bí quyết của họ? Nếu chúng ta đến hỏi những giáo sư thanh nhạc: “thế nào là hát hay?” thì có lẽ chúng ta sẽ nghe họ trình bày một số những điều kiện căn bản của một tiếng hát hay, đại loại như thế này: tiếng hát có khả năng thể hiện chính xác cao độ, cường độ, trường độ và tiết tấu của những nốt nhạc; tiếng hát có âm vực rộng hơn hai bát độ và có khả năng di chuyển dễ dàng, nhạy bén và chính xác giữa các quãng cao thấp khác nhau của giọng hát, từ giọng ngực đến giọng óc và ngược lại; tiếng hát đầy đặn và có độ vang tốt như một nhạc cụ tốt; tiếng hát có khả năng làm chủ và sử dụng hơi thở một cách thích nghi; tiếng hát có khả năng thay đổi âm sắc một cách tinh tế tuỳ theo nhu cầu diễn tả cảm xúc của lời ca; tiếng hát có khả năng sử dụng hơi rung (vibrato) một cách thích nghi; tiếng hát phát âm những lời ca một cách chính xác và rõ ràng; tiếng hát làm chủ những kỹ thuật tạo âm khác nhau và ứng dụng những kỹ thuật ấy một cách tự nhiên, dễ dàng; tiếng hát có độ bền (có thể hát liên tục nguyên một buổi độc diễn, và tiếp tục hát trong những ngày sau đó một cách hoàn hảo, mà phẩm chất âm thanh vẫn nguyên vẹn); tiếng hát có khả năng trình diễn trong nhiều loại âm nhạc khác nhau, nhiều phong cách khác nhau, với một nhận thức mỹ học vững vàng và tinh tế; ... vân vân và vân vân. Nghe xong một số những điều kiện căn bản như thế, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắc mắc và nêu ra hàng loạt câu hỏi, chằng hạn: Vì sao có những ca sĩ chỉ hát trong một phong cách và một loại âm nhạc, nhưng vẫn được nhiều người khen là hát hay? Vì sao những ca sĩ lừng danh như Astrud Gilberto, Sade Adu,... hát không có hơi rung mà vẫn được hàng trăm triệu người say mê? Vì sao một tiếng hát khàn, rè và thô như tiếng hát của Louis Armstrong (1901-1971) mà vẫn được thế giới xem như một trong những tiếng hát bất hủ? Ngược lại, vì sao có nhiều người đã tốt nghiệp thanh nhạc từ các nhạc viện, nghĩa là đã trải qua ít nhiều những điều kiện căn bản của một tiếng hát hay, nhưng khi đi trình diễn trước công chúng thì vẫn không thể chinh phục được khán thính giả? Và vô số những câu hỏi khác... vân vân và vân vân. Thật ra, để giải đáp những câu hỏi như thế thì không khó: Người ta vẫn có thể hát hay trong một phong cách và một loại nhạc; nếu người hát xác định được thế mạnh của mình trong một phong cách và một loại nhạc nào đó, và họ chú tâm rèn luyện tiếng hát của mình riêng trong giới hạn đó, thì họ vẫn có thể trở thành những ca sĩ tuyệt vời. Hát có hơi rung hay không (và rung nhanh hay chậm, nhiều hay ít) thì tuỳ thuộc vào nhu cầu diễn tả cảm xúc của mỗi bài hát. Những bài hát có phong cách nhẹ nhàng, thân mật, như những lời thầm thì tâm sự, mà đem hơi rung vào thì nhiều khi nghe như một thứ cảm xúc giả tạo; ngược lại, khi hát những bài chứa đựng cảm xúc dâng trào mạnh mẽ, mà hát thiếu hơi rung thì có thể trở thành nhạt nhẽo. Ở một phương diện khác, tiếng hát của mỗi người thì cũng tương tự như một thứ nhạc cụ; có những nhạc cụ có tiếng rung (vibrato) và có những nhạc cụ không có tiếng rung; và nhạc cụ nào cũng có thể tạo ra âm nhạc tuyệt vời nếu nhạc sĩ biết khai thác tối đa những khả năng của nó. Một tiếng hát không có hơi rung, hay một tiếng hát khàn, rè và thô, vẫn có thể tạo ra âm nhạc tuyệt vời nếu người hát biết sử dụng nó một cách đúng mức trong những bài hát thích hợp với nó. Louis Armstrong đã chinh phục thế giới qua bài hát What A Wonderful World (nhạc và lời của Bob Thiele [George Douglas] và George David Weiss) vì ông đã sử dụng tiếng hát khàn, rè và thô của riêng ông để diễn tả những cảm xúc và ý tưởng của bài hát một cách vô cùng sâu sắc và chân thành. Louis Armstrong - What A Wonderful World Trong khi đó, rất nhiều ca sĩ tốt nghiệp thanh nhạc, với giọng hát rất mượt mà, trau chuốt, lại thất bại trước công chúng, vì họ chỉ trình bày những màn khoe giọng và khoe kỹ thuật, chứ tiếng hát của họ chưa chạm đến những chiều sâu và những góc cạnh vi tế của cảm xúc trong bài hát mà họ cần diễn đạt. Nói tóm lại, những điều kiện căn bản mà các giáo sư thanh nhạc nêu ra như trên đây chỉ là những điều kiện mà chương trình giảng dạy thanh nhạc cần đem vào việc rèn luyện ca sinh. Những điều kiện ấy có thể chưa đủ để tạo nên những tiếng hát ngoại hạng, nhưng lại có thể quá thừa để tạo nên những tiếng “hát hay” (riêng trong một phong cách nào đó, một loại nhạc nào đó, hay một bài hát nào đó). Để nói thế nào là “hát hay” một cách tổng quát thì cần phải nói khá dài dòng, nhưng để nói thế nào là “hát hay” khi hát một bài hát nào đó thì có lẽ dễ nói hơn. Có thể nói thế này: Hát một bài hát cho “hay” thì phải biết cách làm chủ và sử dụng tiếng hát của mình để diễn đạt bài hát, mà sự diễn đạt của mình thì thích nghi với ý tưởng, cảm xúc và phong cách thẩm mỹ của riêng bài hát đó. Nói như thế thì có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện thì không phải là dễ dàng. Trước hết, người hát phải biết đọc nhạc, phải có kiến thức căn bản về nhạc lý, vì nếu chưa biết mình hát đúng hay sai nốt nhạc ở chỗ nào, thì chưa có thể nói đến chuyện “hát hay”. Biết đọc nhạc và có kiến thức căn bản về nhạc lý rồi, thì người hát cần phải biết rõ phẩm chất của giọng ca của mình và giới hạn của nó để có thể rèn luyện nó, sửa chữa những khuyết điểm của nó và nâng cao những ưu điểm của nó. Khi đã biết rõ giọng ca của mình rồi, thì người hát mới có thể chọn cho mình những bài hát thích hợp. Khi đã chọn được cho mình những bài hát thích hợp rồi, thì người hát phải đọc rất kỹ cả phần nhạc và phần lời ca của từng bài hát để tìm ra mối liên hệ giữa nhạc và lời trong việc diễn đạt. Riêng về phần lời ca, người hát phải cảm nhận được tính văn chương của nó trong từng câu, từng chữ, vì nếu chưa cảm nhận được tính văn chương của lời ca, thì chưa có thể diễn đạt đúng tầm ý tưởng và cảm xúc của bài hát. Rồi cuối cùng, người hát phải dùng giọng hát của mình để diễn đạt cả nhạc và lời qua một phong cách thẩm mỹ vừa thể hiện được bản sắc của cá nhân mình, vừa thích ứng với tác phẩm. Tất nhiên, những điều trên đây không có điều nào là đơn giản. Mỗi điều đều có những chỗ khó khăn mà người hát sẽ phải trải qua, và còn nhiều điều khác nữa, trước khi có thể hát một bài hát cho “hay”... Tuy nhiên, câu chuyện này xin tạm dừng ở đây, và hẹn sẽ tiếp tục bàn bạc trong những kỳ sau...
------------ Đã đăng:
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [1]: Nhạc cổ điển và nghệ thuật ứng tấu (nhận định âm nhạc) Hoàng Ngọc-Tuấn
... Thực tế cho thấy số lượng khán thính giả của nhạc cổ điển càng ngày càng giảm sút vì nhạc cổ điển thiếu sức thu hút. Nếu đem được nghệ thuật ứng tấu vào những buổi trình diễn thì nhạc cổ điển sẽ tạo nên một sinh khí mới. Chắc chắn là vậy, vì suốt nhiều ngàn năm qua trên khắp thế giời, hầu hết các nền âm nhạc cổ truyền đều xem trọng nghệ thuật ứng tấu, và khán thính giả âm nhạc ở mọi nơi, mọi thời đều luôn cảm thấy thích thú khi thưởng thức những dòng nhạc ứng tấu đầy bất ngờ của những nhạc sĩ tài hoa... (...)
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [2]: ‘Xuất khẩu thành thơ’ trong âm nhạc (nhận định âm nhạc) - Hoàng Ngọc-Tuấn
Sau khi bài “Nhạc cổ điển và nghệ thuật ứng tấu” được đăng lên báo, người viết đã nhận được những email rất thú vị từ một số độc giả. Tựu trung những email ấy đều nêu lên một vài câu hỏi đại loại như thế này: “Sau nhiều năm chơi nhạc cổ điển chính xác theo bài bản, bây giờ muốn chơi ứng tấu thì nên bắt đầu từ đâu? Có thể học chơi ứng tấu được không?”... (...)
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [3]: Khi ca sĩ hát sai lời (nhận định âm nhạc) - Hoàng Ngọc-Tuấn
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có đôi lần chứng kiến cảnh một ca sĩ đứng trên sân khấu say mê diễn tả những lời ca... sai. Người dễ dãi có thể nói: “Nhạc giải trí mà, sai vài ba chữ cũng đâu có hề gì...” Thế nhưng, thậm chí đã có những ca sĩ đứng trước hàng trăm ngàn người để hát bài quốc ca khai mạc một sự kiện lớn, mà lại hát sai lời. Thế mới đáng kinh ngạc... (...)
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [4]: Tranh tài âm nhạc và mặt trái của tấm huy chương (nhận định âm nhạc) - Hoàng Ngọc-Tuấn
Bạn nghĩ thế nào về những cuộc thi đấu biểu diễn nhạc khí? Bạn có thực sự tin vào giá trị của chúng? Có phải chúng là những cơ hội cần thiết để các nhạc sĩ chứng tỏ tài năng đích thực của mình? Nhưng, nhạc sĩ có cần những “đấu trường” để chứng tỏ tài năng của mình hay không? Và liệu rằng kết quả của những cuộc thi đấu ấy có trung thực và khách quan không?... (...)
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [5]: Peter Sculthorpe: một hoà âm bất tuyệt (nhận định âm nhạc) - Hoàng Ngọc-Tuấn
[TƯỞNG NIỆM PETER SCULTHORPE (1929-2014)] ... Peter Sculthorpe đã sống suốt một cuộc đời độc thân nhưng đầy niềm vui và không hề nghĩ đến cái chết. Trong dịp sinh nhật 80 tuổi, ông nói: “Ðừng lo lắng về cái chết. Tôi nghĩ, khi chúng ta ra đi, chúng ta sẽ chuyển hoá linh hồn của mình vào một hoà âm đẹp đẽ nào đó mà mình đã từng là một phần của nó.” Bây giờ, ở tuổi 85, thân xác già yếu của ông đã vĩnh viễn ra đi, nhưng linh hồn sáng rực của ông sẽ mãi mãi ở lại với thế giới này như một hoà âm bất tuyệt... (...)
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [6]: Nhạc cổ điển và... tiếng vỗ của một bàn tay (nhận định âm nhạc) - Hoàng Ngọc-Tuấn
Khi đi xem những buổi hoà nhạc, chúng ta thường vỗ tay tán thưởng sau mỗi tiết mục đặc sắc. Thật là một cảm giác phấn khởi khi toàn thể khán giả cùng vỗ tay vang dội để nhiệt liệt ngợi khen những nghệ sĩ tài hoa đã mang đến cho mình những khoảnh khắc âm nhạc tuyệt vời. Thế nhưng, đôi khi bạn đang thích chí vỗ tay, thì chỉ có lác đác dăm ba người khác phụ hoạ, hay thậm chí chẳng có ai phụ hoạ, và trong lúc bạn đang ngỡ ngàng, thì thình lình bạn thấy có hàng chục cặp mắt quay lại nhìn bạn, khiến bạn muốn... sởn cả tóc gáy... (...)
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [7]: Ôi, sao mà lắm “diva” đến thế! Nhưng... “diva” là gì? (nhận định âm nhạc) - Hoàng Ngọc-Tuấn
Những năm gần đây, báo chí ở Việt Nam rất sính dùng chữ “diva” để ca tụng những nữ ca sĩ “nổi tiếng” trong lĩnh vực ca nhạc quần chúng. Chữ “diva” có sức hấp dẫn đến mức gây ra những cuộc tranh cãi “ai xứng đáng là diva”, và thậm chí người ta còn phát động một cuộc bình chọn “Diva thế hệ mới” và kết quả là ... hàng loạt cuộc tranh cãi khác. Thế nhưng, “diva” có nghĩa là gì vậy?... (...)
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [8]: Khi nhạc sĩ đóng vai... kịch sĩ (nhận định âm nhạc) - Hoàng Ngọc-Tuấn
... Sviatoslav Richter không chấp nhận những lối “diễn cảm” mang tính khoa trương và giả tạo, vì ông là một nhạc sĩ thuần tuý đích thực, nhưng thực tế cho thấy rằng phần đông khán giả đi xem hoà nhạc vẫn mang tâm lý thích xem những lối “diễn cảm” bề ngoài của các nhạc sĩ. Chính vì thế, không ít nhạc sĩ cố tình “diễn cảm” bề ngoài để làm hài lòng khán giả...
|