|
Mạn đàm về "Làm học trò" của Quốc Bảo
|
|
Chào anh, Tôi rất khâm phục anh ở chỗ anh đã can đảm đứng lên và bằng ngòi bút sắc bén của mình chỉ ra những lỗ hổng của nền âm nhạc Việt Nam; ngòi bút anh như chọc thủng cả những gì sâu kín của cuộc sống muôn màu sau ánh đèn sân khấu hay ở tầm vĩ mô hơn là nền công nghệ âm nhạc nước nhà... Trong đó có bàn luận đến việc chúng ta đang chạy theo xu hướng sao chép từng câu ca, nét nhạc của các nước bạn trong khi bản thân họ lại lười biếng trong việc tìm tòi học hỏi cái mới, cái lạ...Việc anh lên án gay gắt cái trào lưu "rởm đời" ấy tôi xin không bàn đến, mà chủ yếu tìm ra mục đích của việc học hỏi là gì, để từ đó có thể có được nhận thức đúng đắn hơn về việc học như thế nào cho hợp lý...
Anh à, Theo như anh nói : làm nhạc sĩ không khó...Vâng, làm nhạc sĩ không hề khó chút nào, thậm chí là chỉ cần có "vốn lận lưng" vài bài hát là một kẻ vô danh cũng có thể làm nhạc sĩ được. Tôi lại cảm thấy phục anh hơn, anh chỉ ra đúng quá, đúng quá...Anh cũng đã không quên kể lể ra đấy công lao về chuyện đặt nền tảng cho âm nhạc nước nhà trước đây của các bậc tiền bối. Dường như anh cũng đã chứng tỏ được cái nhiệt huyết của một con người có học vấn cao sâu, vâng, nếu không muốn nói là thâm sâu, muốn góp phần "phục hưng" lại những gãy đổ trong nền âm nhạc nước nhà. Nhưng than ôi, anh chỉ là kẻ "độc diễn" trên chiến trường ấy, và anh không hy vọng gì một mình anh có thể làm cái công việc "phục hưng" đó mất rồi...Một tấm lòng có hòai bão lớn biết lo biết nghĩ cho âm nhạc nước nhà chăng? Anh lại còn muốn bàn về nhạc hàn lâm nữa cơ đấy, mà không phải ai cũng có thể nghe được loại nhạc "kén chọn" người nghe và còn đưa ra những nhận xét chính xác về loại nhạc này...Chắc hẳn trình độ học thuật của anh phải đạt đến ngưỡng cao siêu lắm lắm. Nếu như giới trẻ đọc được những dòng này của anh, họ sẽ cảm động khi biết có một tấm lòng cao cả đến như vậy. Hàng triệu con tim sẽ hướng về phía anh, ủng hộ anh (như họ đã từng ủng hộ vậy), không quên mang kèm theo thắc mắc muốn hỏi anh : việc học của anh như thế nào mà anh lại trở thành tâm điểm chú ý cho mọi người đến như vậy?Phải chăng phương pháp học tập của anh khác hẳn so với những phương pháp khác mà anh đã chỉ trích ngay trong bài viết của anh?Những người hâm mộ anh cần lắm lời bàn luận của anh về chính việc hoc của anh, một phần để thỏa trí tò mò, một phần để cho họ noi theo mà học tập,cần kíp để cùng góp sức với anh góp phần "phục hưng" nền âm nhạc nước nhà đấy...
Anh, Chắc hẳn cái kim chỉ nam của anh về việc học là làm sao để học cho ra học, còn thói học "rởm đời", học "vẹt" hay học "nửa vời" thì thà mình thất học còn hơn phải không anh??? Anh đã từng viết, hay cũng để tự nhủ với chính mình rằng: " học xong, mình làm cái của mình", và còn nữa nhé:"sản phẩm mình làm ra vẫn đảm bảo ngang vai phải lứa với thầy, chẳng hề thua kém, nên mình không phải mặc cảm". Thế anh đã có tác phẩm/sản phẩm nào "coi cho được" với những người thầy mà anh đã học chưa ? Có câu chuỵên vui như thế này: một thương gia giàu có bậc nhất nhì ở xứ Ả Rập có nuôi 1 con vẹt mà ông ta cho là rất thông minh, có thể nói là thông minh không kém gì con người. Ông ta rất tự hào về con vẹt này, và ông ta đã cho nó đi học( chuyện không tưởng?!!!). Sau một thời gian ông ta muốn kiểm tra xem trình độ con vẹt như thế nào bèn nghĩ ra cách thử tài nó. Ông ta hỏi những câu hỏi khó nhất và con vẹt đều trả lời được tất cả...Ông ta càng thêm tự hào về con vẹt đó, đi đâu cũng khoe là con vẹt ông ta là nhất. Có người kia lại gần con vẹt hỏi: "Thế chủ mày tên gì? ". Ông chủ ngả ngửa người ra vì câu hỏi đó, còn con vẹt nín thinh không nói được lời nào, đơn giản là vì nó không biết câu trả lời ... Vậy đấy anh à, cách học vẹt nguy hiểm như thế đấy. Những người học vẹt thì khó đảm bảo lượng kiến thức cơ bản được chứ đừng nói đến kiến thức nâng cao. Lại có những người học vẹt mà tưởng mình hay, tưởng mình đang đứng trên đỉnh cao của mọi đỉnh cao, đến khi hỏi lại những điều cơ bản thì lại không biết. Ấy nhưng con người khác con vẹt ở chỗ con người không chịu ngậm tăm như vậy đâu anh à, con người phải đưa ra những "alibis" để bào chữa cho mình vì con người có suy nghĩ, con người có thể lấp liếm cái sư học vẹt của mình, cái học mà không sáng tạo, hoặc lại có những người rất sáng tạo đấy chứ, sáng tạo ra những thứ giả dối để "mị dân", để "tinh vi hóa" cái sự học vẹt của mình, cái sự học đang quá tầm thường của mình mà lại tưởng mình đang học những cái phi thường. Thật ra "phi thường" và ""tầm thường" chỉ khác nhau có một chữ thôi phải không anh? Ấy vậy mà nhiều người lại đang ngập lún và nhầm lẫn hai khái niệm ấy, lại còn đi làm "mông muội" người khác thì thử hỏi làm sao anh có thể chiến đấu lại họ được đây? Chỉ mong sao anh không phải là người thuộc hạng này, vì như thế hóa ra những gì anh viết ra giấy trắng mực đen là những gì anh đã và đang "mị dân" à? Mà dẫu có như vậy thì người ta phải phát hiện ra ngay chứ, có đâu để sự "mị dân" và cả "mị người"(bản thân mình), tồn tại lâu dài được? Hay vì anh đã tự mình "tinh vi hóa" cái sự "mụ mị" này nên không ai nhận ra, kể cả bản thân anh? Đấy chỉ là giả dụ mà thôi, vì hiện tại anh vẫn bình an, vẫn được mọi người biết đến phải không anh? Còn biết đến qua thái độ như thế nào thì mọi người ai cũng hiểu...
Anh ơi, Không thể phủ nhận âm nhạc đã và đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, và tất nhiên, nó không thể làm nên cuộc sống của chúng ta. Đúng, chuyện báo giới đang làm ầm ĩ chuyện đạo nhạc không phải vì nền âm nhạc nước nhà đang đi xuống mà điều cốt yếu là xác định ra những người mà việc học của họ đang theo trường phái "nửa vời", như anh gọi, hay "rởm đời" như công chúng vẫn gọi.Người ta chỉ muốn nhặt nhạnh những hạt sạn từ nền công nghiệp âm nhạc vì không lẽ nguời thưởng thức âm nhạc cứ mãi bị "mụ mị" bởi những "con sâu làm rầu nồi canh" trong âm nhạc nhứ thế hoài sao anh? Rõ ràng công chúng đang chuẩn bị làm một cuộc cải cách, không phải cải cách hành chính gì cả, mà cải cách, mà giúp đỡ những "con sâu" ấy lấy lại cân bằng, giúp những người đang có thói "nửa vời" đó được có dịp học lại( không phải ôn lại) những chuẩn mực đạo đức, phẩm giá của những người làm nghệ thuật đối với công chúng. Không biết anh có để ý không, chưa bao giờ ở ta lại dấy lên một loạt những phong trào như vậy, thi nhau mà vạch trần những tác phẩm "nửa vời",những đứa con mà họ chỉ là người đỡ đầu, còn cha me ruột của nó thì không ai biết mặt, chỉ đến khi có người biết được thì chuyện con nuôi con ruột mới được làm sáng tỏ mà thôi. Tất cả mọi người đang từng bước, từng bước củng cố lại địa vị khán giả của mình cho đúng bản chất trong sáng của nó, và cũng là giúp nền âm nhạc Việt Nam được trong sáng hơn, sạch sẽ hơn, để có thể hội nhập được với nền âm nhạc quốc tế ngoài kia kìa anh ạ...Nói như thế để thấy rằng âm nhạc là một phần không thể thiếu của cuộc sống, dù nó là ai, dù nó có làm nên cuộc sống con người hay không. Anh có biết chăng con người đang điều khiển guồng máy âm nhạc để cỗ máy ấy có thể tạo ra những tác phẩm âm nhạc phục vụ cho đời sống giải trí của con người, chứ không phải âm nhạc biến thành thứ công cụ rẻ tiền phục vụ cho những mục đích trục lợi cho riêng bản thân mình...Âm nhạc cần lắm chứ tiếng nói chung của cả cộng đồng trong việc làm sáng tỏ, chỉ ra những khuyết điểm đang vốn phát sinh theo nhịp thời gian. Nhưng âm nhạc cũng là kẻ rộng lượng nhất đấy, sẵn sàng tha thứ cho anh dù cho anh có làm tổn thương nó như thế nào đi nữa, chỉ có những người đang đứng ở vị trí điều khiển nó mới có những hành động "cải cách" như vậy.Vì vậy sẽ là một dấu hỏi nếu như nhạc sĩ tự tách mình ra khỏi âm nhạc, như vậy cũng là tách rời khỏi quần chúng, vì âm nhạc vốn không của riêng ai, mà là của quần chúng phải không anh? Như vậy, theo như anh nói: cái đau, cái bất hạnh của kẻ học vẫn là bất hạnh và đau... Nhưng có điều này muốn hỏi anh: cái đau, cái bất hạnh đó là do đâu mà ra? Dường như nó không thật với những gì anh đã nêu ra. Thật ra, cái bất hạnh, cái đau đó có giống như cái đau của công chúng khi biết ra, hiểu ra mình đã bị lừa dối, bị làm cho "mụ mị" đi? Hay đó là cái đau mà anh đang phải gánh lấy, không phải gánh lấy, tất nhiên, cái đau của công chúng, mà vì một nỗi đau nào khác, một nỗi đau mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu ? Câu trả lời, cố nhiên, nằm ở cái tâm của anh, cái tâm của quần chúng, và có điều, nó vẫn đang hiện hữu trong anh, vô hình mà như trước mắt, cố chạy trốn nhưng lại không thoát khỏi? Câu trả lời, vâng, công chúng đã có, và, công chúng vẫn đang mong đợi, mong đợi một câu trả lời xuất phát từ trái tim của anh, chứ không phải xuất phát từ bóng tối trong tâm hồn anh. Và điều đó không phải là khó làm đối với anh, một học giả "có học" thật sự, chỉ là đưa ra câu trả lời như thế nào cho phù hợp mà thôi, anh nhỉ?
|