ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Sonate Polyphonique


Nhạc phẩm độc tấu piano, do Đặng Hữu Phúc sáng tác từ 23/11/1977 đến 13/2/1978 (phần Introduction và Sonate), rồi từ 31/8/1978 đến 4/9/1978 (phần Final). Chính tác giả trình tấu và thu thanh nhạc phẩm này tại đài Tiếng Nói Việt Nam năm 1978.

 

Nghe nhạc:

[mp3, 13’18”, gồm 3 phần: Introduction, Sonate & Final]

 

Đọc bản nhạc:

[pdf, Introduction, Sonate & Final]

 

Thính giả cũng có thể nghe riêng các phần:

[mp3, 9’49”, Introduction & Sonate]

[mp3, 3’29”, Final]

 

Và đọc bản nhạc đã chia thành các phần:

[pdf, Introduction & Sonate]

[pdf, Final]

 

 

Giới thiệu bản SONATE POLYPHONIQUE

cho đàn piano solo của Đặng Hữu Phúc

 

Thấm thoắt thế mà đã 33 năm rồi, kể từ tết năm 1978 ấy... đời người quả là “Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi”. Từ một chàng trai 25 tuổi, nay đã gần 6 chục...

Thời điểm ấy, Việt Nam “Phong trần đến cả sơn khê, tang thương đến cả hoa kia cỏ này” (Nguyễn Gia Thiều). Khẩu hiệu của những ngày ấy là “Thay trời đổi đất, sắp xếp lại non sông”. Khấu phần lương thực phân phối có cả hạt bo bo, chiến tranh biên giới Tây Nam đang xảy ra, chiến tranh biên giới phía Bắc có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Khi đó tôi đang là sinh viên của cả hai khoa Sáng tác và Piano tại Trường Âm nhạc Việt Nam (Ô chợ Dừa, Hà Nội), cũng như mọi người dân Việt, tôi vẫn phải tồn tại và hi vọng.

Điều kiện sống đã khó, còn tìm được một không gian yên tĩnh có cây đàn piano để sáng tác lại khó hơn nữa. May mắn cho tôi khi đó là người thầy piano quý mến của tôi, cô Tào Hữu Huệ, đưa cả gia đình về Trung Quốc ăn tết trong 3 tháng và nhờ tôi trông nhà. Thật là “thiên tải nhất thì”.

Đó là một căn phòng ở của 5 người, rộng khoảng 25m2, có 1 chiếc piano droit hiệu Forter của CHDC Đức, trên tầng hai khu tập thể Nhạc viện, và tôi đã hoàn thành phần “Sonate” trong thời gian đó

 

Đặng Hữu Phúc trong căn phòng của gia đình bà Tào Hữu Huệ, tết năm 1978.
(Tranh chì than của Chu Hoạch)

 

Sau khi hoàn thành cả 3 phần (Introduction – Sonate – Final). Tôi đã biểu diễn toàn bộ bản Sonate polyphonique này nhiều lần. Đáng nhớ nhất là đêm Recital của tôi ở trụ sở Hội Nhạc Sĩ 51 Trần Hưng Đạo ngày 15/11/1978. Địa điểm đó là nơi duy nhất có thể biểu diễn nhạc thính phòng ở Hà Nội khi ấy. Trong buổi diễn đó tôi chơi piano từ đầu tới cuối. Tác phẩm của tôi hôm đó gồm 5 bài Romance cho tenor và piano, Tam tấu cho flute-cello-piano, Ba bức tranh cho soprano và 2 piano, Suite cho piano, và kết thúc bằng bản Sonate polyphonique.

 

Đặng Hữu Phúc trong Recital 15/11/1978.

 

Khán giả trong Recital 15/11/1978 của Đặng Hữu Phúc.
(Ta có thể thấy từ trái qua : Văn Cao, Vĩnh Cát, 2 vợ chồng giáo sư piano Ghenxler,
Đinh Quang Hợp, Trần Thu Hà, Nguyễn Đình Tấn, Phạm Tuyên, Phạm Đình Sáu...)

 

Nhạc sĩ Văn Cao chúc mừng Đặng Hữu Phúc sau buổi diễn.
(Góc phải ảnh là cô Tào Hữu Huệ; góc trái là giáo sư piano Nga, Ghenxler và chị Trần Thu Hà)

 

Lần biểu diễn đáng nhớ thứ hai bản nhạc này là vào tháng 12 năm1988. Tôi được đi tham dự Liên hoan “Gặp gỡ các nhạc sĩ trẻ các nước XHCN lần thứ nhất” tại Liên Xô cũ (lần thứ nhất cũng là lần cuối cùng luôn, vì sau đó Liên Xô sụp đổ hoàn toàn). Đây là lần đầu tiên tôi được ra nước ngoài, hồi đó xuất ngoại là một thứ đặc quyền đặc lợi chẳng bao giờ dành cho một người sống ngay thẳng như tôi.

Trước khi đi, tôi phải gửi tổng phổ và bản ghi âm (tôi đã thu ở đài Phát thanh Tiếng Nói Việt Nam bản sonate này từ năm 1978) để ban tổ chức duyệt trước, và họ đồng ý mời tôi với điều kiện: tôi phải độc tấu bản sonate này trong một chương trình biểu diễn. Lúc này tôi đã phải bươn chải để kiếm sống nên tay đàn đã không còn như xưa; bản nhạc lại cực khó, vì vậy khi sang Matxcơva, tôi yêu cầu phía bạn bố trí đàn cho tôi tập. Thời tiết khi ấy lạnh -15 độ C, anh phiên dịch và tôi nhiều đêm đi tập ở trụ sở Hội nhạc sĩ Liên Xô về, vẫy taxi hàng tiếng đồng hồ mới có, giữa tuyết trắng trời thật vất vả. Và trong buổi diễn ấy, tôi nhớ mãi lần đầu tiên tôi được chơi trên chiếc đàn piano hiệu "Steinway & Sons" mà ở Việt Nam khi ấy chưa có...

Bản Sonate polyphonique này cũng đã được danh cầm Đặng Thái Sơn biểu diễn 2 lần: lần đầu khoảng đầu năm 1980 ở nhạc viện Tchaikovsky, và lần thứ hai năm 1986 ở Hà Nội. Tôi đã chép tặng một bản cho Giáo sư Ghenxler (Nga), thày dạy piano của tôi, trong thời gian ông làm chuyên gia ở Hà Nội, và ông đã cho sinh viên của mình ở nhạc viện St. Petersburg học...

Đã có nhiều người phân tích bản nhạc này để làm luận văn Thạc sĩ ở nước ngoài  như: GS Trần Thu Hà, Tạ Quang Đông, Phạm Lê Hoà (ở Nga)...

 

Phân tích sơ lược bản SONATE POLYPHONIQUE cho piano:

 

Đây là bản nhạc rất khó về kĩ thuật diễn tấu, là thách thức với bất kì pianiste nào.

Bản nhạc gồm 3 phần :

1. Introduction: tạo không gian bao la, trầm ngâm cho suy tưởng, trăn trở, chỉ gợi mở, không có giai điệu rõ ràng...

2. Sonate:

         Phần trình bày:

- Chủ đề chính: gồm 2 nhân tố tương phản. Đây là chủ đề được phát triển xuyên suốt tác phẩm theo kiểu leitmotiv. Trình bầy chủ đề hoàn toàn theo kiểu phức điệu 3 bè Fuga của Bach, sau khi trình bày (từ mesure 23-49) , chủ đề được phát triển mạnh ngay.
 
- Chủ đề hai: tương phản (m 50-115), cũng trình bày theo lối phức điệu, tĩnh lặng, mang chất dân ca miền núi phía bắc Việt Nam. Cũng như chủ đề một, chủ đề hai được phát triển ngay, có lúc trải rộng maestoso, có lúc như khúc nhạc đêm (Nocturne).

         Phần phát triển: tốc độ nhanh (m 116-285), gồm 2 giai đoạn (episode):

- Giai đoạn 1 (m 116-176) chủ yếu phát triển 2 motif của chủ đề chính, tính chất dữ dằn, khốc liệt, tiết tấu luôn biến đổi tạo cảm giác hụt hẫng (5/8; 11/16; 9/16; 7/8; v.v...).
 
- Giai đoạn 2 (m 176-285) trên nền nhịp 5/16 ở tốc độ rất nhanh, đẩy lên cao trào của toàn chương (m 240-259), trong khi đó xuất hiện chủ đề 2 trên nền tiết tấu mô phỏng tiếng trống Ngũ liên (tiếng trống cổ xưa của dân tộc ta để báo hiệu sự nguy cấp như vỡ đê, giặc giã...). Tiếp là phần nối với tái hiện.

         Phần tái hiện: do phần phát triển đã phát triển mạnh chủ đề chính, nên phần tái hiện chỉ xuất hiện chủ đề hai (ở G# mineur), gần cuối có xuất hiện motif của chủ đề chính như tiếng vọng xa xăm: “Kiếp phù sinh trông thấy mà đau”... Hợp âm kết cuối cùng làm ta gợi nhớ đến cách kết ở các fuga của Bach (chuyển từ thứ sang trưởng).

3. Final: (phần kết) Tạo cảnh lễ hội dân gian tưng bừng với nhịp điệu rất nhanh và nhiều biến đổi nhịp (10/8; 5/8; 9/8; 6/8; vv...).

 

Đây chỉ là bản ghi âm DEMO có tính chất giới thiệu tác phẩm, khi nào có điều kiên có bản ghi âm tốt hơn, xin gửi các bạn sau. Xin cảm ơn.

 

Tác giả Đặng Hữu Phúc

 

 

---------------
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021