ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Chơi tới trào nước mắt


Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên văn tiếng Anh
đăng tại Haaretz Daily [1] ngày 9/3/2010

 

IVO POGORELICH

 

CHƠI TỚI TRÀO NƯỚC MẮT

 

Tuần tới, Ivo Pogorelich sẽ tới Israel làm một tour trình diễn độc tấu. Trong chương trình có Dạ khúc số 2 (Op. 55) và Sonata số 3 của Frederic Chopin, “Valse Mephisto” của Franz Liszt và “Gaspard de la Nuit” của Maurice Ravel.

Trước chuyến đi của Pogorelich, tôi đã gọi điện thoại tới nhà ông ở Lugano (Ý) và có một cuộc nói chuyện ngắn với ông, nhưng đó không phải là một cuộc trò chuyện thoải mái. Ở tuổi 51, Pogorelich không dễ mở lòng mình cho các phương tiện truyền thông. Trước cuộc hội thoại, chúng tôi được yêu cầu phải gửi câu hỏi bằng văn bản — có lẽ để ông có thể tin chắc rằng không có những câu hỏi thóc mách động tới các vấn đề cấm kỵ. Bản câu hỏi đã được gửi và được thông qua, nhưng ngay trong cuộc trò chuyện, được bắt đầu chính xác vào giờ đã hẹn, ngài nghệ sĩ tỏ vẻ như đang phải làm cho xong một bổn phận phiền toái và nói rõ rằng cuộc phỏng vấn không thể kéo dài quá lâu.

Pogorelich sinh năm 1958 tại Belgrade. Ông đã học piano lúc đầu tại đất nước mình, rồi sau đó tại Moscow từ năm 12 tuổi. Năm 17 tuổi ông đã gặp người thầy chính của mình, bà Aliza Kezeradze, nghệ sĩ piano người Georgia.[2]

Giờ đây, ông có thể nhìn lại sự nghiệp 30 năm của mình, sự nghiệp đã có một khởi đầu náo động vào năm 1980 tại cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin ở Warsaw.

 

 

Nghệ sĩ piano Martha Argerich, ủy viên hội đồng giám khảo, đã phản đối việc Pogorelich bị loại khỏi vòng chung kết năm đó và tuyên bố ông là một thiên tài. Cùng năm đó, ông đã kết hôn với Kezeradze, người hơn mình 21 tuổi và là mẹ của một đứa trẻ, sau khi bà đã bỏ chồng mình để lấy ông.

Pogorelich đã trải qua những năm 80 và 90 trong ánh hào quang của một nghệ sĩ thượng đẳng kỳ tài, thôi miên khán giả ở khắp nơi. Ông đã trình diễn các tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc cho Deutsche Grammophon thu âm. Trong năm 1993,[3] được sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, ông đã thành lập một cuộc thi piano mang tên mình ở Pasadena, California. Cuộc thi được tổ chức chỉ có một lần và hai người thắng cuộc được nhận mỗi người 75 ngàn USD. Năm 1996, Kezeradze qua đời và Pogorelich ngừng công diễn một số năm.

Trong lần trả lời phỏng vấn của Die Welt vào năm 2006, ông đã nói về tầm quan trọng của Kezeradze trong đời mình: “Tôi đã phải tái tạo lại bản thân mình. Bà là người rất đòi hỏi. Bà đắm mình trong nghệ thuật, hấp thụ nó, ngấu nghiến nó. Bà là một người thật vạn năng. Bà có tất cả mọi thứ: đẳng cấp, học vấn, nhan sắc, tài năng và cảm xúc. Như một ngôi sao chổi, bà rọi sáng tất cả. Không bao giờ có thể chây ỳ với bà, đó là sự thật, bà luôn luôn hoạt động. Ngay cả khi chết bà vẫn còn là nàng công chúa như đã được sinh ra. Bà bị ung thư gan. Khi bà chết gan bà vỡ, và khi bà hôn tôi lần cuối cùng, miệng bà ộc máu đen, khiến tôi trông giống như Con ma trong Nhà hát. [4] Tóc của tôi bị kết quánh lại bởi máu khô. Tôi không muốn gội đầu. Khi khách khứa mang sâm-banh tới chia buồn với chúng tôi, người tôi vẫn dính đầy máu của bà. Nhưng tất cả mọi người đều hiểu. Điều đó cũng giống như Jackie Kennedy không muốn thay bộ đồ dính đầy óc của chồng. [5] Tôi đã hạnh phúc trong cuộc đời từ khi còn rất sớm. Tôi biết từ nay tôi sẽ phải đứng trên đôi chân của chính mình. Một thời gian dài tôi đã không thể sờ vào đàn piano bởi vì ký ức của tôi tuôn trào như thác Niagara. Cần có thời gian trước khi tôi có thể sáng tạo một lần nữa. Trước kia, các đề nghị và giải pháp đã đến với tôi như những món đồ trang sức được bày trên khay bạc. Aliza biết tôi có thể tự mình làm điều đó. Nhưng tôi cần có thời gian, bởi vì bà đã định hình tôi như mài dao hàng ngày. Khi Aliza đến trong cuộc đời tôi, tôi mới 17 tuổi và việc học piano của tôi đang ở trong ngõ cụt, không đi đến đâu cả. Tôi muốn nhảy múa, nhưng thậm chí cất bước cũng không nổi.”

 

 

Nghe lại thu âm của Pogorelich một lần nữa khẳng định một thực tế nổi bật: ông có lối chơi piano kinh ngạc và cách diễn xuất cực đoan, kích động một loạt phản ứng ngay trong một tác phẩm duy nhất.

Ví dụ, trong Mozart Sonata K 331 (Deutsche Grammophon, 1995) phần andante mở đầu nghe lôi cuốn, lãng mạn và quá ngọt ngào. Hoàn toàn là “Mozart vị Pogorelich”. Phần minuet và trio thật tuyệt vời và chương kết, “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”, thực sự là rất khác thường.

Trong cuộc phỏng vấn Pogorelich nói rằng các tác phẩm được ông chọn trong tour diễn lần này mang một chủ đề thống nhất. “Chopin, Liszt và Ravel hiểu rõ giá trị của đàn piano,” ông nói. “Khả năng âm thanh của piano đã tạo cảm hứng cho cả ba vị này. Các dạ khúc của Chopin thể hiện tình cảm riêng tư thân mật. Các sonata của Chopin được sáng tác muộn hơn và là sự tích hợp các hồi ức. Valse Mephisto của Liszt là loại âm nhạc tuyệt đẹp, và tạo cơ hội để khoe sự điêu luyện kỹ thuật. Đối với Gaspard của Ravel, đây là một nhạc phẩm tự thân nói lên tất cả và tôi chỉ nói rằng Ravel đã viết tác phẩm này như để chơi trong cuộc thi. Năm nay tôi 51 tuổi và tôi đã chơi Gaspard từ khi tôi còn rất trẻ. Nhạc phẩm này đã mang lại cho tôi rất nhiều cảm hứng.

 

Có phải “ Islamey ” của Balakirev và “Gaspard” là các nhạc phẩm khó chơi nhất cho piano không?

Hoàn toàn không. Các nhạc phẩm khó nhất là các bản nhạc dựa vào văn hóa dân gian. Các nhạc công dân gian — những người trình diễn đích thực của âm nhạc dân gian — đạt tới trình độ hoàn hảo mà các nhạc công cổ điển không đạt được bởi các nhạc công dân gian chơi một nhạc phẩm rất nhiều lần và vượt xa về độ trau chuốt cũng như sự tinh tế trong cách biểu hiện. Do đó “ Mười hai vũ khúc Tây Ban Nha ” của Enrique Granados, hay các tác phẩm của Isaac Albeniz là thuộc loại khó nhất — mặc dù không có nhiều notes.”

Pogorelich cho biết mẹ ông là người Serbia và điều này đã kết nối ông với văn hóa Ottoman. “Người cha quá cố của tôi là người Croatia, kết nối với văn hóa Hy Lạp, La Mã và sau đó là Áo và Ý“, ông nói.

 

Ông nghĩ gì về cuộc xung đột đẫm máu giữa Serbia và các nước ở Nam Tư cũ? Ông có cho rằng có phe nào chính nghĩa hơn không?

Kích động dân chúng nổi khùng hành động bạo lực thì dễ, nhưng hiếm có các cuộc chiến tranh chính nghĩa,” ông nói, và nhắc đến các khoản tiền từ thiện lớn mà ông đã quyên góp để xây dựng lại Dubrovnik ở Croatia và trợ giúp Sarajevo, thủ đô của Bosnia. “Bạn hãy hỏi câu tiếp theo đi.”

Đối với cuộc xung đột Israel-Palestine, Pogorelich nói, về mặt nguyên tắc, ông đồng ý với cách tiếp cận của Daniel Barenboim[6] và dự định sẽ trình diễn với dàn nhạc West-Eastern Divan của Barenboim. “Tôi đang lên kế hoạch tổ chức một liên hoan âm nhạc cho các nhạc công trẻ, tại Lugano, sẽ khai trương vào năm 2011. Trong năm 2012 hoặc 2013 tôi sẽ mời dàn nhạc của Barenboim.

 

 

Là một nghệ sĩ biểu diễn, ông cảm thấy thoải mái hơn tại các buổi công diễn trực tiếp hay biểu diễn trong phòng thu âm?

Thu âm chỉ diễn ra khi nào bạn đã chơi một tác phẩm hàng trăm lần tại các buổi công diễn. Trong các buổi công diễn mọi thứ trôi theo cảm hứng. Thu âm là việc lưu trữ tư liệu.

 

Chuông điện thoại réo trong các buổi hòa nhạc có làm gián đoạn sự tập trung của ông không?

Chuông điện thoại di động không làm phiền tôi. Một khán giả nam 94 tuổi đã qua đời ngay trong lúc tôi đang chơi tại một buổi công diễn ở Rome. Tôi vẫn tiếp tục.

 

Làm thế nào mà ông lại quay sang thiết kế đồ trang sức?

Tôi coi đó như một giải pháp cho những giờ phút cô đơn.

 

Như thế nào là một thiết kế đồ trang sức đẹp?

Khi ngay lập tức món đồ trang sức gợi ham muốn ăn cắp nó. Đó là một bản năng nguyên sơ.

Tiếp tục cuộc phỏng vấn, Pogorelich nói cha ông từng là một động viên bơi lội nghiệp dư, từng tham gia thi bơi lội.

 

Vậy ông cũng bơi rất nhiều chăng?

Chủ yếu là bơi trong nước mắt.

Một chủ đề nhạy cảm trong các cuộc phỏng vấn với Pogorelich là quan hệ giữa ông với em trai mình, Lovro Pogorelich, 40 tuổi, cũng là một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp và có riêng một liên hoan âm nhạc tại Croatia.[7]

 

 

Trong các cuộc phỏng vấn trước Ivo thường trả lời các câu hỏi về em trai mình bằng một cái nhún vai hoặc một câu ngắn gọn rằng đó là điều cấm kỵ. Khi tôi phỏng vấn ông cách đây vài năm, ông đã nói với tôi: “Tôi không thể nói về lối chơi của chú ấy . Chú ấy có một cách tiếp cận khác, thuộc một thế giới khác. Tôi không đi nghe các buổi công diễn của chú ấy.”

Bây giờ, trả lời câu hỏi liệu ông có sẵn lòng nói điều gì đó về sự nghiệp của em trai mình, ông chỉ nói, “Không ai có thể ngăn được tình yêu dành cho âm nhạc.”

 

____________

Phụ lục:

IVO POGORELICH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BRYCE MORISON

đăng tại Gramophone tháng 1 năm 1993

(Nguyễn Đình Đăng trích dịch)

 

Thẳng thắn mà nói, mục tiêu của tôi là làm sáng tỏ, trau chuốt tinh tế, và làm sống động những gì có trong nhạc phẩm. Bạn có biết, sau khi bức bích hoạ trên trần nhà thờ Sistine[8] được phục chế, bộc lộ tất cả hào quang đầu tiên của nó, thì công chúng đã có những phản ứng tiêu cực. Nhiều người đã bức xúc bởi màu sắc rực rỡ lộ ra và cho rằng các nhà phục chế đã lừa đảo hoặc tự ý sửa lại.

Cuộc đời tôi ở Moscow đã có bước ngoặt lớn khi tôi gặp vợ tôi, Aliza Kezeradze, học trò của Nina Pletsheeva, người từng học với Ziloti — học trò của Liszt. Aliza khẳng định rằng Pletsheeva chơi piano thậm chí còn hay hơn cả Rachmaninov. Dưới sự hướng dẫn của Aliza, tôi đã biến đổi từ một nghệ sĩ dương cầm giỏi nhưng tầm thường thành một cái gì đó ngoại hạng. Điều này đã làm các vị chức trách chính thống không hài lòng. Họ tôn trọng chất lượng buổi biểu diễn tốt nghiệp nhạc viện của tôi (gồm “Op. 11” của Beethoven và “Gaspard” của Ravel) nhưng đã làm to chuyện với cách trình bày của tôi. Đó là chuyện thường xảy ra, họ chỉ muốn nghe những gì họ muốn nghe. Tôi đã phải đương đầu với thứ chính thống và định kiến kiểu này suốt cuộc đời tôi. Dù sao, Moscow đã nhanh chóng đánh mất dấu ấn của nó, thứ chất lượng mà nhờ đó nó đã được tôn kính. Nhạc viện đã đầu hàng quá sớm, quay ra luyện các thí sinh nhằm giành thắng lợi tại các cuộc thi âm nhạc, khác xa việc đào tạo tài năng thực sự một cách lâu dài và cẩn thận. Giáo dục đại trà đã thay thế chất lượng cá nhân và đó là lý do tại sao ngày hôm nay, cả ở Nga và các nơi khác, một nghệ sĩ piano này có thể chơi quá giống một nghệ sĩ khác, bởi vì đã không được đào tạo để làm việc siêng năng cho sự phát triển tiếng đàn có cá tính của riêng mình, nhằm hướng tới một kỹ thuật cực kỳ chuẩn xác.

 

 

____________________

Chú giải của người dịch:

[1]Haaretz (Đất nước) là tờ nhật báo lâu đời nhất của Israel, được thành lập năm 1918, có ấn bản bằng tiếng Hebrew và tiếng Anh.

[2]Aliza Kezeradze (1937–1996) — nghệ sĩ piano người Georgia, thầy dạy piano của Ivo Pogorelich. Bà là học trò của Nina Pletsheeva. Bà Nina Pletsheeva là học trò của Alexander Ziloti (1863–1945). A. Ziloti là học trò của Nikolai Rubinstein, Piotr Tchaikovsky. Từ 1882 tới 1886 A. Ziloti theo học nghệ sĩ piano huyền thoại Franz Liszt tại Weimar. Một trong các học trò đầu tiên của A. Ziloti là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano vĩ đại Sergei Rachmaninov (1873–1943).

[3]Trong nguyên văn tác giả ghi nhầm thành 1994.

[4] Con ma trong Nhà hát (Le Fantôme de l’Opéra) là tên cuốn tiểu thuyết của văn sĩ Pháp Gaston Leroux (1868-1927), xuất bản lần đầu tiên vào năm 1909, và sau đó được dựng thành phim và kịch.

[5]Đó là bộ đồ dạ màu hồng, có cổ bẻ màu xanh nước biển sẫm, do nhà may Chez Ninon tại New York may riêng cho Jacqueline Kennedy vào năm 1961, sau khi chồng bà, John F. Kennedy, tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, khuyên vợ nên xài “hàng nội” thay vì hàng Pháp. Jackie đã mặc bộ đồ này khi ngồi cạnh chồng mình trên xe hơi tại Dallas vào ngày 22/11/1963 khi ông bị bắn trúng đầu. Máu và óc của chồng bà bắn toé dính đầy bộ áo váy của bà. Lúc Jackie tháp tùng quan tài của chồng lên phi cơ “Không lực 1” (Air Force One) để bay từ Dallas về Washington D.C., trợ lý riêng của bà đã chuẩn bị một bộ đồ mới cho bà thay, nhưng bà lắc đầu và nói: “Không, cứ để cho chúng nó nhìn thấy những gì chúng nó đã gây ra.” Mãi tới 5 giờ sáng ngày hôm sau, Jackie mới chịu thay đồ. Mẹ bà đã gói kín bộ đồ dây máu và óc của tổng thống Kennedy trong bao nilon và cất giữ trong nhiều năm. Bộ đồ dính máu và óc đó hiện được bảo quản trong phòng tối bí mật thuộc Viện Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ tại Maryland ở nhiệt độ 18 – 20 độ C, độ ẩm 40% và không khí được thay đổi 10 phút một lần.

[6]Daniel Barenboim (sinh năm 1942 tại Argentine, gốc Nga Do Thái) — nghệ sĩ piano kiêm nhạc trưởng, mang 4 quốc tịch: Argentine, Israel, Palestine và Tây Ban Nha, hiện là giám đốc âm nhạc của Nhà hát La Scala (Milano), nhà hát quốc gia opera Berlin, và Staatskapelle Berlin. Ông cũng là giám đốc dàn nhạc trẻ West-Eastern Divan tại Sevilla (Tây Ban Nha) gồm các nhạc công Israel và các nước thuộc thế giới Arab, do ông và cố học giả Edward Said sáng lập năm 1999. Barenboim từng được nhiều danh hiệu và giải thưởng, trong đó có Hiệp sĩ của Anh quốc, Bắc đẩu Bội tinh của Pháp, huân chương Thập tự Liên bang của Đức, 7 giải Grammy cho các đĩa thu âm. Barenboim từng là chồng của nghệ sĩ cello huyền thoại Jacqueline Du Pré (1945–1987) từ năm 1967 cho tới khi Du Pré qua đời vào năm 1987 vì mắc bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis). Năm 1988 Barenboim kết hôn với nghệ sĩ piano Elena Bashkirova, người mà Barenboim đã giấu Du Pré, có quan hệ từ 1980. Elena Bashkirova (sinh năm 1958) là con gái của giáo sư piano Dmitri Bashkirov, thầy của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn. Barenboim có hai con trai (sinh năm 1983 và 1985) với Elena Bashkirova. Trong xung đột Israel – Palestine, Barenboim nổi tiếng là người đã công khai phê phán việc Israel chiếm đóng Palestine. Quan điểm của ông như sau: “Thay vì phó mặc số phận của khu vực cho các nhà chính trị và ngoại giao — những người chỉ ngày càng vướng vào cái mạng nhện của các đường lối chính trị đúng đắn giả tạo, chúng ta cần tạo khả năng cho các công dân đứng lên. Những hành động dân sự tích cực chỉ xuất hiện ở những công dân được khai sáng. Để cổ vũ điều này, cần phát triển một thế hệ các trí thức mới.” (Nguyên văn: public intellectuals — tức là những học giả vượt lên trên hoạt động chuyên môn đơn thuần của mình để tham gia vào các vấn đề chung của xã hội như chân lý, công lý, thời đại, v.v.)

[7]Lovro Pogorelich (sinh năm 1970) — nghệ sĩ piano người Croatia, em trai Ivo Pogorelich. Khi còn nhỏ Lovro học piano từ cha mình, Ivan Pogorelich, sau đó từ năm 12 tuổi, học Konstantin Bogino — nghệ sĩ và nguyên là thầy dạy piano tại nhạc viện Gnessinykh ở Moscow (1973-1978) sang sống tại Nam Tư từ năm 1978. Từ 1987 Lovro bắt đầu sự nghiệp biểu diễn, và đã trình diễn (độc tấu và cùng dàn nhạc) tại nhiều nơi ở Croatia, cũng như tại các nước châu Âu, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản. Lovro Porgorelich còn giảng dạy piano tại nhạc viện Zagreb thuộc Đại học Tổng hợp Zagreb, hiện sống tại Zagreb — thủ đô của Croatia — và Moscow.

[8]Sistine Chapel — nhà thờ trong Cung điện Giáo hoàng tại Toà Thánh Vatican ở Rome (Ý). Nhà thờ Sistine nổi tiếng vì kiến trúc và được trang trí bởi các bức bích hoạ khổng lồ của các danh hoạ thời Phục Hưng, trong đó có bức bích họa rộng 1100 m2 do Michelangelo vẽ lên trần nhà thờ từ năm 1508 tới 1512 dưới sự tài trợ của Giáo hoàng Julius II. Hai mươi bốn năm sau (1536–1541) Michelangelo lại vẽ tiếp lên toàn bộ bức tường sau điện thờ của nhà thờ Sistine bức bích hoạ “Ngày phán xử cuối cùng” (kích thước 13.7x12m). Bức bích họa trên trần và “Ngày phán xử cuối cùng” tại nhà thờ Sistine đã được phục chế lại trong những năm 1980–1994. Trong quá trình phục chế, lớp bụi bẩn hàng thế kỷ bao phủ bề mặt các bức bích hoạ này đã được tẩy rửa, khiến nhiều chi tiết không thấy trước kia lộ ra cùng màu sắc rực rỡ. Người ta cũng xóa những lá nho được vẽ đè lên các bộ phận sinh dục của các hình người trong các bức bích hoạ này. Những lá nho này đã được hoạ sĩ Daniele de Voltera vẽ theo quyết định của hội đồng giáo hội thế giới sau khi Michelangelo qua đời (1564). Việc phục chế này đã gây nhiều tranh cãi, người khen nhiều, kẻ chê cũng không ít. Những người phê phán cho rằng phục chế đã xoá đi nhiều sửa đổi của chính Michelangelo cũng như các hắt sáng, bóng tối, và các chi tiết a secco (vẽ bằng chất kết dính dùng lòng đỏ trứng gà lên vữa ướt) (Xem hình so sánh một chi tiết trước và sau khi phục chế tại đây).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021