ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Đặng Thái Sơn trả lời phỏng vấn của Elijah Ho [phần II]


 

Nguyễn Đình Đăng dịch từ

 

 

Đã đăng: [phần I]

 

ĐẶNG THÁI SƠN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA ELIJAH HO

[phần II]

 

Ông đã ngồi ghế giám khảo tại hai cuộc thi Chopin gần đây nhất ở Warsaw. Ông cho rằng liệu Chopin sẽ phải nói gì về thời đại của chúng ta và cách biểu diễn ngày nay?

Tôi nghĩ rằng Chopin sẽ thực sự thích và bị cuốn hút bởi cây đàn piano hiện đại, bất kể đó là Steinway, Fazioli, hay Yamaha. So với thời của Chopin, ngày nay các đàn piano hiện đại có khả năng thể hiện âm nhạc rất lớn. Về các phòng hòa nhạc thì tôi không dám chắc lắm. Đó là nói về mặt vật chất.

Nhưng về mặt trình diễn, tôi chắc không chỉ Chopin, mà ngay cả những thế hệ trước chúng ta một chút – những bậc thầy của quá khứ, họ có thể cho rằng thanh niên ngày này chơi quá to và quá nhanh. Chơi như vậy chắc đánh mất linh hồn của âm nhạc. Với Liszt, điều này đôi khi có thể được. Âm nhạc của Liszt thuộc loại âm nhạc rất hào nhoáng và ngoạn mục! Nhưng với Chopin, tất cả nằm trong sự bí mật, tâm tình của âm nhạc. Tôi nghĩ rằng Chopin có thể sẽ thích nghe một số tác phẩm của ông được chơi với nhịp độ chậm hơn.

 

Nhiều người đã ngạc nhiên bởi Yulianna Avdeeva đã trên tài Ingolf Wunder và thậm chí cả Daniil Trifonov tại cuộc thi Chopin năm ngoái. Ông có đồng ý với sự phân ngôi thứ tại chung cuộc đối với các nghệ sĩ này tại cuộc thi Chopin không?

Thực ra, trên trang web của cuộc thi, đây là lần đầu tiên bạn có thể xem tất cả các chi tiết kết quả bỏ phiếu. Thực là một cuộc cách mạng khi được theo dõi các thành viên ban giám khảo bình chọn cho mỗi ứng cử viên qua các vòng như thế nào. Thật thú vị khi xem bảng kết quả bỏ phiếu đó (Cười).

Trong vòng chung kết của cuộc thi, tất cả các giám khảo đều đồng ý rằng trình độ thí sinh rất cao – thậm chí có thể là mức cao nhất trong toàn bộ lịch sử của cuộc thi từ trước tới giờ. Vì lý do này, hầu hết các giảm khảo thích chọn ra hai người cho giải nhất. Tôi ghi tên Yulianna Avdeeva và Ingolf Wunder làm lựa chọn hàng đầu của tôi.

Nhưng tôi muốn nói rằng Wunder thực sự có phần gần với sở thích của riêng tôi hơn. Có lẽ Yulianna đã chơi ổn định hơn trong cuộc thi này, cô đã chơi rất ổn định trong suốt cả bốn vòng. Trình độ của cô thực sự rất cao. Thành ra là, cuối cùng mỗi giám khảo đã chọn ra người mình thích nhất, CỘNG với Yulianna (Cười). Vì vậy, cuối cùng, cô ấy đã đạt điểm rất cao.

 

Ông nghĩ thế nào về Daniil Trifonov, người sau đó đã giành giải nhất tại cuộc thi Tchaikovsky vào năm 2011?

Chúng tôi vừa diễn cùng nhau tuần trước ở Ba Lan tại Liên hoan Chopin. Cho tới giờ tôi đã diễn cùng cậu ấy hai lần. Lần đầu tiên tại Đức năm ngoái, ngay sau khi cuộc thi Chopin. Chúng tôi chia sẻ sàn diễn, cậu ấy diễn nửa đầu, tôi diễn trong phần sau. Và tuần trước là một buổi biểu diễn chung với nhiều nghệ sĩ piano.

Tôi phải nói rằng nếu chúng ta nói về Chopin và các nghệ sĩ Lãng mạn, thì Trifonov là một chàng rất lãng mạn, rất say sưa. Cậu ấy thực sự là một tài năng rất lớn và chơi theo một phong cách rất tự nhiên. Không có gì giả tạo. Tôi phải nói rằng cậu ấy đã thực thay đổi và trưởng thành rất nhiều sau cuộc thi Chopin. Điều này giải thích vì sao cậu ấy đã thắng tại cuộc thi Rubinstein và Tchaikovsky sau nàỵ

Tại cuộc thi Chopin, tôi có nói chuyện với cậu ấy. Cậu công nhận rằng có một cái gì đó không ổn định trong lối chơi của mình. Tôi cho rằng cậu đã chơi tốt nhất trong vòng hai và ba, còn trong vòng đầu tiên có lẽ cậu đã chơi chưa thuyết phục lắm. Đặc biệt là tại vòng chung kết, khi chơi concerto, cậu nói rằng đó là lần đầu tiên cậu chơi với dàn nhạc, cậu đã chơi quá nhanh và vội vã hơn mọi khi.

Vì vậy, Chopin vào lúc đó là có lẽ không nằm trong giai đoạn sung sức nhất của cậu. Nhưng sau các buổi diễn này, sau khi đã được khởi động, lối chơi của cậu đã trở nên thực sự rất tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng Daniil Trifonov là một cái tên mà chúng ta sẽ còn nghe nhiều lần trong tương lai. Cậu ấy sẽ trở thành một trong những nghệ sĩ piano quan trọng cho thế hệ trẻ kế cận.

 

Khoảnh khắc âm nhạc vĩ đại nhất mà ông từng trải nghiệm là khi nào?

Có lẽ đó là buổi công diễn đầu tiên của tôi tại cuộc thi Chopin (Cười). Sau này người ta thường hỏi tôi, “Anh đã làm thế nào mà thắng cuộc?” Và tôi chỉ trả lời như thế này, “Bởi vì lúc đó tôi như một trinh nữ trên sân khấu!” (Cười). Đó là buổi công diễn đầu tiên của tôi và tất cả mọi thứ đều là cực mới, do đó, cực trong lành và tinh khiết – tất cả chỉ xảy ra có một lần thôi. Tất nhiên, nếu nói đến việc nghe một nghệ sĩ khác, biểu diễn trực tiếp, một người mà lối chơi ở tầm khiến tôi cảm thấy mình không thể nào với tới được, thì đó là Vladimir Horowitz.

 

Điều gì trong lối chơi của Horowitz đã gây ấn tượng với ông nhất?

Khi đó tôi vẫn còn ở Nhạc viện Moscow, và chuyện làm thế nào mà tôi lọt vào được buổi hòa nhạc của Horowitz tại Moscow năm 1986 thì thật giống như một bộ phim trinh thám Hollywood vậy (Cười). Phải vượt qua 7 hàng rào kiểm soát thì mới lấy được vé để vào nghe buổi hòa nhạc chỉ diễn ra một lần duy nhất này. Có nhiều cảnh sát, người soát vé, và tôi đã chui vào thành công.

Đó thật là một buổi hòa nhạc không thể nào quên. Tôi vẫn còn như nghe thấy trong tâm trí tôi tiếng đàn piano của ông (Giọng thành kính). Tiếng đàn, lối nhấn ngón của ông, và làm thế nào mà ông đạt đến tầm mà dường như không gì có thể ảnh hưởng đến ông cả, điều đó thật kinh ngạc. Buổi hòa nhạc đã được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Thường thường khi lên sân khấu, chúng ta đều rất hồi hộp, nhất là khi hình dung cả thế giới đang theo dõi! Nhưng Horowitz thản nhiên bước ra sân khấu và nhìn vào ống kính máy quay như một đứa trẻ nhìn đồ chơi của mình!

Ông chơi âm nhạc thứ thiệt trên sân khấu như không để ý gì tới xung quanh. Ông đã chuẩn bị tinh thần để không gì có thể làm phiền ông. Buổi diễn của ông không có vẻ như một buổi hòa nhạc, mà như ông chỉ ngồi đó chơi nhạc. Ông bắt đầu với các Sonatas của Scarlatti, và có cảm giác như ông đang nói chuyện với thính giả, nhưng bằng tiếng đàn. Tới giờ tôi vẫn có thể thấy mọi thứ như rõ ràng hiển hiện.

 

Ông đã bao giờ gặp Sviatoslav Richter, Emil Gilels chưa?

Tôi đã có nhiều dịp để gặp Richter. Tất nhiên, tôi đã nghe nhiều buổi hòa nhạc của ông tại Moscow. Lần đầu tiên chúng tôi thực sự gặp nhau là tại Nhật Bản. Hồi đó, ông có liên hoan âm nhạc riêng mình. Ông đã lên kế hoạch trình diễn trong ba buổi tối liên tiếp.

Buổi đầu tiên dành cho âm nhạc t.k. 18, buổi thứ hai: t.k. 19, và buổi thứ ba: t.k. 20. Ông đã trình diễn hai buổi và tự dưng không muốn diễn buổi cuối cùng nữa. Vì vậy, mọi người cuống lên, và hãng tổ chức biểu diễn phải tìm một người có thể diễn thay thế ông.

Họ đưa cho ông một danh sách các nghệ sĩ piano có thể diễn thế – với điều kiện là người được chọn sẽ phải chơi nhạc t.k. 20. May thay trong mùa diễn đó, tôi đã chơi nhiều nhạc phẩm của Prokofiev, Scriabin, và Debussy. Vì vậy, sau khi xem xét danh sách các nghệ sĩ piano mà hãng đưa cho ông, Richter đã chọn tôi làm người diễn thế ông.

Thế là, sau những buổi diễn này, chúng tôi đã gặp nhau vài lần. Sau đó, ông đã mời tôi trình diễn tại liên hoan âm nhạc của ông tại Moscow, tại bảo tàng mỹ thuật Pushkin vào mùa Giáng Sinh.

Trước đàn piano, Sviatoslav Richter trông giống như một con sư tử – đầy sức sống và đam mê. Nhưng như một con người, ông là người cực kỳ giản dị, thậm chí còn hơi nhút nhát. Ông đã khiến tôi cảm thấy rất thoải mái ngay từ phút đầu tiên gặp ông. Điều này làm tôi bị sốc.

Tôi chỉ thấy Emil Gilels trong các buổi hòa nhạc, và ông là một người hơi khó gần. Thầy tôi, Vladimir Natanson, rất thân với gia đình Gilels. Nhưng tôi không bao giờ dám tiếp cận ông ấy (Cười).

 

Ông đã dạy các master-class trên toàn thế giới. Ông có thấy sự khác biệt nào trong hoạt động biểu diễn, trong kỹ thuật, và trong cách chuẩn bị giữa các sinh viên phương Đông và phương Tây?

Chắc chắn có một số khác biệt. Trên thực tế, ở Nga, người ta có xu hướng tránh tất cả các loại bài tập cơ học. Tất cả mọi thứ đều được kết nối với các nhạc phẩm. Bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật khi bạn được gắn với âm nhạc. Nhưng có thể đây không phải là vấn đề liên quan tới cách tập của từng cá nhân, mà là vai trò của người thầy và cách họ huấn luyện học trò. Ở Nga, khi bạn luyện kỹ thuật, bạn được huấn luyện thực sự. Các giáo sư ngồi với bạn và bỏ hàng giờ để luyện kỹ thuật cho bạn. Nhưng kiểu dạy này không phổ biến ở Mỹ. Những cách huấn luyện này thường mất rất nhiều thì giờ và có thể ở Mỹ, người ta có xu hướng tìm nhiều giải pháp hợp lý để khắc phục kỹ thuật. Người Nga có lẽ chơi đàn chủ yếu bằng trực giác, và kỹ thuật có lẽ không phải là vấn đề được họ quan tâm hàng đầu. Họ có xu hướng khám phá khía cạnh tinh thần và tính cách của âm nhạc, thực sự là như vậy.

 

 

-----------

Đã đăng:

Mối quan hệ của tôi với Chopin rất đặc biệt. Tôi ra đời trong chiến tranh ở Việt Nam, và khi tôi còn bé, chúng tôi đã phải sơ tán vào vùng núi. Tất nhiên vào thời đó không có điện, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều để học tập âm nhạc và có được các bản nhạc. Vật chất và thông tin bị thiếu thốn đủ đường... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021