ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Đố ai vẽ được? Đố ai xoá được?


 

gửi anh Lê Thành Nhơn ở một thế giới khác...

 

Thuở anh Lê Thành Nhơn còn sống, trong những lần gặp nhau quanh bàn rượu, anh vẫn thường yêu cầu tôi hát những ca khúc của tôi mà anh yêu thích. Trong số đó, có hai bài liên quan đến hội hoạ: bài "Cái dường như là..." và bài "Đố ai vẽ được, đố ai xoá được?".

 

*

 

Tôi viết bài "Cái dường như là..." vào năm 1979, trong thời gian tôi ở trọ nhà nhạc sĩ Lê Uyên Phương sau những ngày tháng lang thang từ Nha Trang vào Sài Gòn. Ca từ của "Cái dường như là..." là những ý tưởng xuất phát từ cái nhìn của tôi trước những tác phẩm hội hoạ trừu tượng. Thuở ấy, nhà anh Lê Uyên Phương thỉnh thoảng có các bạn nghệ sĩ ghé chơi. Họ là những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và hoạ sĩ. Có vài hoạ sĩ đem tranh trừu tượng đến "khoe" với bạn bè, vì loại tranh ấy không còn được phép triển lãm ở bất cứ nơi nào nữa. Trong những dịp như thế, anh Lê Uyên Phương giúp bạn đặt những bức tranh tựa lưng vào ghế hay chân bàn quanh phòng khách, rồi anh pha trà và mời mọi người ngồi xuống sàn nhà để cùng thưởng lãm. Đó là những dịp vui, thường bắt đầu bằng việc uống trà và xem tranh, tiếp theo là một cuộc bàn bạc, tâm sự, rồi cuối cùng là uống rượu và đàn hát. Trong những dịp "triển lãm" tranh trừu tượng như thế, tôi vẫn thỉnh thoảng nghe người xem hỏi hoạ sĩ một câu rất ngây thơ: "Bức này vẽ cái gì vậy?", và tôi cũng thường chứng kiến cảnh các hoạ sĩ loay hoay trả lời cho câu hỏi ngây thơ ấy, và kết quả của những câu trả lời ấy, tôi đoán, là cảm giác thất vọng âm thầm. Hoạ sĩ thất vọng âm thầm vì người xem không hiểu mình, và người xem thất vọng âm thầm vì không hiểu nổi những điều hoạ sĩ cố gắng nói.

Để giúp các anh bạn hoạ sĩ giải quyết cái "công án" ngây thơ do người xem đặt ra: "Bức này vẽ cái gì vậy?", tôi viết ca khúc "Cái dường như là...", và đem ra hát trong những dịp như vậy. Tuy nhiên, tranh trừu tượng chỉ là một cái "cớ" để tôi viết ca khúc này. Qua đó, tôi muốn nói về sự bất xác, bất khả tư nghị của những điều mật thiết nhất của đời sống. Ca từ như sau:

[tôi sẽ thu âm tiếng hát và đưa lên Tiền Vệ trong một ngày gần đây]

 

Không phải là sắc, không phải là màu, không phải là sáng, không phải là chiều.
Là 'cái dường như' trùm khắp mọi tinh cầu...
Không phải là nét, không phải là đường, không phải là bóng, không phải là hình.
Là 'cái dường như' nằm trong cuộc tử sinh...
Không phải là máu, không phải là lệ, không phải là da, không phải là thịt.
Là 'cái dường như' hô hấp không biết mệt...
Không phải là xác, không phải là hồn, không phải là thú, không phải là người.
Là 'cái dường như' đi đứng trong cõi đời...
Không phải là nước, không phải là đồi, không phải là đất, không phải là trời.
Là 'cái dường như' mà ai cũng thấy rồi...
Không phải luận lý, không phải tưởng tượng, không phải lập ngôn, không phải dụng từ.
Là 'cái dường như' mà nhân loại thường nói...
 
Dường như là mình, dường như là ai...
Dường như là gần, dường như là xa...
Dường như là rồi, dường như là sẽ...
Dường như là còn, dường như là mất...
Dường như là thân, dường như là thể...
Dường như là con, dường như là người...
 
Không phải là tóc, không phải là tai, không phải là mắt, không phải là môi.
Là 'cái dường như' mà ta thường tắm gội...
Không phải là lá, không phải là chim, không phải là cá, không phải là em.
Là 'cái dường như' mà ta thường âu yếm...

 

*

 

Bài "Đố ai vẽ được, đố ai xoá được?" tình cờ nẩy sinh sau một lần tôi đọc được một câu chuyện trong sách Phật. Lúc ấy vào năm 1978. Đọc sách gì tôi không còn nhớ (có lẽ là kinh Trường A HàmDìghàgama — chăng?), nhưng tôi nhớ câu chuyện đại khái như thế này:

Một hành giả hỏi Đức Phật: "Bồ Tát là gì?" Phật trả lời: "Bồ Tát là người có hành trạng như con chim. Chim bay không để lại dấu vết trong không khí. Nhưng, chiều xuống, chim về tổ, không bao giờ lạc đường."

Tôi cũng còn nhớ đã có đọc đâu đó rằng một trong sáu phương pháp của Mật Tông nhằm đạt tới thiền định là "giữ tâm như chim sẻ bay ngang qua bầu trời, và không để lại một dấu vết nào." Có lẽ phương pháp này rút ra từ câu chuyện trên.

Đọc xong câu chuyện, tôi nghĩ: "Nếu chim bay không để lại dấu vết trong không khí, thì đố ai vẽ được đường chim bay? Nhưng chim về tổ không bao giờ lạc đường, thì đố ai xoá được đường chim bay?"

Đó là cái "tứ" sơ khởi để tôi viết nên ca khúc "Đố ai vẽ được, đố ai xoá được?". Trong đó, tôi đặt ra một loạt câu hỏi:

 

Cánh tay là cánh chim trời, cánh chim là cánh tay người, ta bay... ta bay... ta bay...
Mắt như hạt nước trên trời, nước mưa từ mắt con người, ta rơi... ta rơi... ta rơi...
Bóng ta là bóng mây trời, bóng mây là bóng con người, ta trôi... ta trôi... ta trôi...
Bước chân ngọn gió ngang trời, bước quanh đời sống con người, ta đi... ta đi... ta đi...
 
Ai vẽ được đường bay của chim?
Ai vẽ được màu sắc của mưa?
Ai vẽ được hình bóng của mây?
Ai vẽ được bàn chân của gió?
 
Đố ai buộc cánh chim trời, trói chim vào cánh tay người, không bay... không bay... không bay...?
Đố ai buộc nước trên trời, trói mưa vào mắt con người, không rơi... không rơi... không rơi...?
Đố ai buộc bóng mây trời, trói mây vào bóng con người, không trôi... không trôi... không trôi...?
Đố ai buộc gió ngang trời, trói chân vào bước chân người, không đi... không đi... không đi...?
 
Ai xoá được đường bay của chim?
Ai xoá được màu sắc của mưa?
Ai xoá được hình bóng của mây?
Ai xoá được bàn chân của gió?

 

Tôi xin đăng lại dưới đây bản ký âm của ca khúc. Giai điệu hết sức đơn giản, sử dụng vài motif nhỏ, lặp lại. Nền hoà âm chỉ xoay quanh ba hợp âm có quãng 7 trưởng (Amaj7, Dmaj7 và Cmaj7). Một ca từ như thế chỉ cần một phương tiện âm nhạc như thế.

 

 

*

 

Mỗi lần tôi hát "Cái dường như là...", Lê Thành Nhơn chỉ nhìn tôi và mỉm cười.

Mỗi lần tôi hát "Đố ai vẽ được, đố ai xoá được?", anh cũng chỉ nhìn tôi và mỉm cười. Có khi anh đòi tôi hát thêm một lần nữa.

Và có một lần, sau khi tôi hát cho Lê Thành Nhơn nghe "Đố ai vẽ được, đố ai xoá được?", anh nói: "Bồ biết không, một ngày nào đó, nếu tôi vất được cái cọ, tôi sẽ vẽ được đường bay của chim..."

Tôi nói: "... Vẽ xong rồi, anh sẽ..."

Anh nói: "... Xoá. Tôi sẽ xoá được đường bay của chim..."

 

Lê Thành Nhơn, bây giờ anh đã vất được cái cọ. Anh đã bay đi như con chim. Nhưng nếu anh đã xoá mất đường bay của anh, thì làm sao tôi có thể tìm gặp lại anh, một ngày nào...?

 

Sydney, ngày giỗ thứ tư của Lê Thành Nhơn, 04.11.2006

 

 

---------
Chú thích tạm thời:
Hôm nay (04.11.2006) độc giả sẽ không tìm thấy hình nốt nhạc ở đầu bài để bấm vào và nghe nhạc như mọi khi, chỉ vì tôi quá bận bịu và chưa kịp thu âm ca khúc này. Tôi sẽ cố gắng thực hiện việc thu âm trong một hai ngày tới. Xin bạn tha thứ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021