ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Đặng Thái Sơn trả lời phỏng vấn của Elijah Ho [phần III]


 

Nguyễn Đình Đăng dịch từ

 

 

Đã đăng: [phần I] - [phần II]

 

ĐẶNG THÁI SƠN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA ELIJAH HO

[phần III]

 

Có nhiều lời đồn đại về trí nhớ và việc học piano một cách dễ dàng của Mikhail Pletnev. [1] Ông đã bao giờ gặp Pletnev chưa?

Tôi đã từng gặp Pletnev. Hồi còn học ở Nhạc viện Moscow, Pletnev, Pogorelich, và tôi cùng sống trong một ký túc xá sinh viên. Không dễ gì mà nói chuyện được với họ đâu, vì họ biết giá trị của họ (Cười). Nhưng trước cuộc thi Chopin tại Ba Lan năm 1980, đã có các buổi thi thử, và tôi đã được xếp thứ nhất sau các vòng thi thử của Liên Xô. Thế là, cả hai người này bắt đầu tò mò muốn biết về tôi. Pletnev có lần đã đến nghe tôi chơi tại một buổi hòa nhạc. Pogorelich cũng mời tôi đến phòng mình để nghe đĩa.

Hồi đó, tại Moscow, không dễ gì có được các đĩa nhạc phương Tây. Chúng tôi chỉ có các đĩa của các nghệ sĩ Liên Xô hay Đông Âu. Nhưng Pogorelich có kênh mua đĩa từ Tây Âu. Và khi anh ấy mời tôi vào phòng mình nghe đĩa, thì đó là một đặc ân lớn (Cười).

Cũng lạ là tuy Pletnev cùng lứa với Andrei Gavrilov,[2] nhưng hai người này hoàn toàn khác nhau. Gavrilov chơi có vẻ hơi trực giác hơn, hơi hoang dại một tí. Tuy nhiên, Pletnev thì tuyệt vời, lối chơi trí tuệ của ông… Đối với ông, mọi thứ đều thật dễ dàng.

Tôi nhớ có lần giáo sư Fliyer, thầy của Pletnev, bảo Pletnev: “Được rồi, bây giờ cậu về tập concerto này của Beethoven nhé.” Pletnev về nhà và quên béng phải tập concerto nào của Beethoven. Thế là, ông tập cả 5 concerto, và buổi học sau, ông đã mang đến tất cả 5 concerto mà ông đã tập thuộc lòng và sẵn sàng chơi (Cười).[3]

 

Ông có cho rằng các nghệ sĩ piano trẻ cần nghiên cứu các bản ghi âm nổi tiếng của các bậc thầy trong quá khứ không?

Tôi nghĩ rằng đó luôn là việc có ích, nhưng cần có sự hướng dẫn. Việc đó có thể có lợi, nhưng cũng có thể rất có hại. Các nghệ sĩ vĩ đại luôn có nhân cách vĩ đại, và nếu một đứa trẻ chưa hiểu được sự khác nhau giữa các tính cách cũng như những ý định và tinh thần của các nhà soạn nhạc, thì có thể bị một ảnh hưởng rất tiêu cực. Các nghệ sĩ trẻ có thể sẽ có khuynh hướng kết hợp cả hai. Vì vậy, tốt nhất là lắng nghe có sự hướng dẫn, có một người nào đó giảng nghĩa những cái họ phải nghe.[4]

 

Ông nghĩ sao về hiện tượng Lang Lang?

(Cười) Tôi nghĩ rằng anh ta là người đặc biệt. Đặc biệt ở Trung Quốc, anh ta tựa như một hình mẫu mà nhiều người phải noi theo. Tôi thấy cần dè dặt hơn về điều này.

Nghệ sĩ piano có nhiều loại khác nhau. Một số có thể tạo ấn tượng tức thời. Nhưng cũng cần hiểu rõ thế nào là trình độ cao nhất và giá trị của các nghệ sĩ. Bạn chỉ có thể học điều này khi được giáo dục. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mỗi thị hiếu có một loại nghệ sĩ và Lang Lang là một loại. Tuy nhiên, anh ta không thuộc loại nghệ sĩ hợp với tất cả mọi người.

 

Các nhạc sĩ vĩ đại trong quá khứ từng nói rằng để phát triển và trưởng thành như một nhạc sĩ, cần đọc và tìm hiểu về thế giới và các nghệ thuật khác quanh ta.

Tôi cho rằng có cái còn quan trọng hơn việc học tập tất cả mọi thứ và nghệ thuật quanh âm nhạc, đó là sự trải nghiệm cuộc đời. Ta thường nói rằng “Nghệ thuật phản ánh cuộc đời”. Cuộc sống cá nhân của chúng ta và nghệ thuật của chúng ta liên kết mật thiết với nhau. Nếu bạn chỉ tập đàn đêm ngày, bạn sẽ không thu nhận được gì hết. Bạn phải thực sự có gì để nói với âm nhạc của bạn, và bạn chỉ có điều này từ kinh nghiệm cuộc đời. Bạn phải nếm trải niềm vui, hạnh phúc, nỗi khổ sở, sự đau đớn của cuộc đời, tất cả mọi thứ. Khi đó, bạn sẽ có cái để thể hiện trong âm nhạc của bạn.

 

Ngoài âm nhạc, có loại hình nghệ thuật nào khác thực sự thu hút trí tưởng tượng của ông không?

Tôi luôn yêu thích nhiều loại nghệ thuật khác nhau. Có lẽ một trong những loại gần đây nhất, kết hợp các thời đại và công nghệ, là điện ảnh. Điện ảnh giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian để tìm hiểu những điều khác nhau (Cười). Như bạn biết đấy, do hoàn cảnh mà tôi đã bị thiệt thòi nhiều thứ trong thời thơ ấu của mình, nhưng những bộ phim đã cung cấp cho tôi một số kiến thức về những điều mà tôi không được trải nghiệm. Ngoài ra, cấu trúc, các lớp lang của một bộ phim, những xung đột, tương phản, ánh sáng, cảm giác về không gian và thời gian trong phim cũng giúp tôi trong việc chơi đàn.

 

Ông nghĩ gì về các yếu tố tinh thần trong âm nhạc?

Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đi theo con đường chính thống, như thường là phải thế, chúng ta cần cố gắng nắm bắt ý nghĩa tinh thần, những tư tưởng và thông điệp của nhà soạn nhạc mà chúng ta trình diễn. Làm như vậy có nghĩa là chúng ta đang đạt mục tiêu của người thể hiện nhạc phẩm. Ngày nay, trong âm nhạc, có vẻ như chúng ta thấy nhiều tính cách của nghệ sĩ biểu diễn, thậm chí có lẽ còn nhiều hơn so với tính cách của nhà soạn nhạc. Nhưng tôi tin rằng tôi thuộc về những người đang cố để được xếp vào nhóm đầu tiên.

 

Liệu thế hệ trẻ có tương lai bảo đảm trong nhạc cổ điển không?

Tôi nghĩ rằng vai trò của nhạc cổ điển trong xã hội thì vẫn còn đó, nhưng bây giờ đã rất khác xưa. Ngày nay, chúng ta phải chấp nhận ảnh hưởng của công nghệ, và internet rõ ràng là có vai trò. Thông tin ngày nay cứ như rừng, và chúng ta cần phải biết chọn lọc hơn.

Nói vậy, ý của tôi là chúng ta phải cẩn thận khi lựa chọn nghề nhạc. Các nhạc sĩ hàng đầu không bao giờ gay go cả, họ sẽ chỉ nhận được nhiều hợp đồng hơn mà thôi. Nhưng nghệ sĩ piano trên thế giới hiện nay có rất nhiều loại, và có thể sẽ không có đủ chỗ hoặc thị trường cho nhiều người trong số họ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc liên quan tới âm nhạc mà các sinh viên âm nhạc có thể làm được.

 

Ông có lời khuyên nào cho các sinh viên đang phấn đấu đạt theo tinh thần âm nhạc Chopin?

Tôi nghĩ, ngày nay, thế hệ trẻ có nhiều phương tiện kỹ thuật để tìm đến nơi họ muốn trong âm nhạc. Trên Youtube bạn có thể tìm thấy mọi thứ vào mọi lúc.

Thách thức lớn hiện nay nằm ở chỗ Chopin là một nhạc sĩ lãng mạn, và âm nhạc của ông gắn liền với những cảm xúc thực sự, có lẽ thậm chí còn hơn thế, một cảm xúc rất riêng tư trong tâm hồn. Ngày nay, với tất cả các thông tin và công nghệ hiện đại, bao vây và tăng tốc cuộc sống, sự hoàn thiện của kỹ thuật số có xu hướng làm mọi thứ trở nên nghiêng về lý trí hơn. Nhưng người ta không thể chơi Chopin mà không trải nghiệm cuộc sống.

Tiếp xúc với con người là điều rất quan trọng. Nếu bạn yêu một người, thì ngày nay có nghĩa là gì? Gửi e-mail ư? Gửi tin nhắn ư? Nhưng bạn cần phải trải nghiệm những cảm xúc, sự phấn khích khi chờ đợi một bức thư tình được gửi đến trong hòm thư, phải nhìn thấy và sờ vào những nét chữ bằng mực trên bức thư mà người yêu của bạn đã tự tay viết. Những điều này thật tươi mới và trực tiếp đối với những cảm xúc của ta. Và như vậy, ngày nay, việc tiếp xúc với thiên nhiên, với con người, đúng là có khó khăn hơn trước. Đó là tất cả những trạng thái khác nhau của cảm xúc con người.

 

Theo quan điểm của ông, mục đích của Nghệ thuật trong xã hội là gì?

Nếu chúng ta nhìn kỹ vào thực tế cuộc sống ngày nay, rất nhiều người còn có những khó khăn lớn ngay cả trong những điều cơ bản như sinh tồn. Thế giới này có rất nhiều vấn đề thực sự. Nghệ thuật không chỉ cần cho mục đích giải trí, mà đó còn là một nền giáo dục — một nền giáo dục rất quan trọng.

Nghệ thuật mang lại mặt tích cực cho cuộc sống. Đó là vấn đề về cái đẹp, về lòng can đảm, và về nhân loại. Âm nhạc chỉ nâng người ta lên cao hơn. Bạn không bao giờ có thể nghe âm nhạc tuyệt vời mà lại cảm thấy kinh tởm — đơn giản là vì âm nhạc không đưa bạn tới phía tiêu cực. Trong các nghệ thuật khác, có thể phân định mặt tích cực và mặt tiêu cực dễ dàng hơn, nhưng với âm nhạc, bởi ngôn ngữ quá trừu tượng, mọi thứ đều đi thẳng đến cái đẹp và tính nhân văn.

 

Ông muốn để lại những ấn tượng gì cho những người hâm mộ ông, và có phải đó là âm nhạc mà ông từng có thời mơ ước và coi là tất cả?

Mơ ước của tôi rất khiêm tốn. Tôi phải làm gì đó cho đất nước tôi. Ba mươi năm đã qua kể từ cuộc thi Chopin 1980, vậy mà vẫn chỉ có mình tôi là người duy nhất gây dựng được một sự nghiệp quốc tế. Vì vậy, đó là lý do tại sao, tôi ngày càng dành nhiều thời gian cho giảng dạy — không chỉ ở một trường, mà còn tại các master-class trên toàn thế giới. Tôi cố gắng khích lệ thế hệ trẻ tại Việt Nam, chúng tôi đã có một cuộc thi quốc tế ở đó (lần tới sẽ là lần thứ hai). Chúng tôi cũng cấp học bổng cho các nghệ sĩ trẻ.

Đồng thời, việc để lại các băng đĩa ghi âm cũng là việc rất quan trọng. Vậy nên, tôi có chú ý hơn về việc này. Thật vậy, tôi hy vọng để lại một cái gì đó cho thế hệ mai sau.

 

Cảm ơn ông rất nhiều vì đã bỏ thì giờ trả lời phỏng vấn.

Cảm ơn bạn!

 

 

_________________________

Chú giải của người dịch:

[1]Mikhail Pletnev [đọc là Plet-nhiôv] (sinh năm 1957) — nghệ sĩ piano Nga đồng thời là nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc. Pletnev vào học tại Nhạc viện Moscow năm 1974, khi ông 17 tuổi. Năm 21 tuổi (1978), Pletnev đoạt giải nhất piano tại cuộc thi Tchaikovsky, khiến ông lập tức trở nên nổi tiếng thế giới. Năm 1990 Pletnev sáng lập Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Nga — dàn nhạc đầu tiên của Nga không cần nhà nước tài trợ (kể từ năm 1917). Pletnev được tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng trong đó, ngoài giải nhất cuộc thi Tchaikovsly năm 1978, có giải thưởng Lenin Komsomol (1978), giải thưởng quốc gia Nga mang tên Glinka (1982), nghệ sĩ nhân dân CHLB Nga (1989), 3 giải thưởng quốc gia hạng nhất (1995, 2002, 2005), hai huân chương Tổ quốc ghi công (hạng 4 năm 1997 và hạng 3 năm 2007), giải Grammy (2005) cho nhạc thính phòng, giải thưởng Văn hóa châu Âu, v.v. Tháng 7 năm 2010, Pletnev — hiện có một dinh thự tại khu nghỉ mát ở Pataya (Thái Lan) trong khoảng một thập niên gần đây — đã bị dính vào một nghi án ấu dâm với một cậu bé Thái Lan 14 tuổi ở Pataya. Pletnev phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng đã phải hủy đợt lưu diễn tại Anh để tại ngoại hầu tra. Cuối tháng 9 năm 2010 cảnh sát Thái Lan đã xoá bỏ mọi cáo buộc đối với Pletnev và không khởi tố vụ án. Pletnev lại tiếp tục biểu diễn 2 tháng sau đó.

[2]Andrei Gavrilov (sinh năm 1955) — nghệ sĩ piano Nga. Năm 1973, Gavrilov vào học tại Nhạc viện Moscow. Gavrilov đoạt giải nhất piano tại cuộc thi Tchaikovsky năm 1974, khi chưa đầy 19 tuổi và mới vào học một học kỳ tại Nhạc viện Moscow. Gavrilov trở nên nổi tiếng thế giới sau khi diễn thay Sviatoslav Richter tại hội diễn âm nhạc ở Salzbourg cùng năm đó. Năm 1979 nhạc trưởng Herbert von Karajan gửi lời mời Gavrilov thu âm các concertos của Rachmaninov cùng dàn nhạc giao hưởng Berlin do Karajan chỉ huy tại Berlin. Nhưng do phát biểu phê phán chế độ Xô Viết, Gavrilov đã bị Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) hạch sách, bị quản thúc tại nhà, bị tịch thu hộ chiếu, không được xuất ngoại, thậm chí còn bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Tới năm 1984, nhờ sự can thiệp của Mikhail Gorbachev — khi đó là ủy viên bộ chính trị Đảng CS Liên Xô — Gavrilov mới được cấp hộ chiếu ra nước ngoài biểu diễn. Từ năm 1993 tới 2001, Gavrilov ngừng biểu diễn để nghiên cứu tổng phổ, nền tảng tôn giáo và tư tưởng triết học của các nhà soạn nhạc cũng như thay đổi toàn bộ kỹ thuật diễn xuất của mình. Ông bắt đầu biểu diễn lại từ 2001.

[3]Một bài báo về Pletnev đăng tại tạp chí Студенческий Меридиан (Kinh tuyến sinh viên) năm 1978, mà người dịch đã được đọc tại Moscow ngay sau khi Pletnev đoạt giải nhất piano tại cuộc thi Tchaikovsky, có viết về giai thoại này như sau. Có lần Yakov Fliyer (1912–1977), thầy của Pletnev, bảo ông tập một sonata của Beethoven. Pletnev cho rằng chỉ tập một sonata thì không đủ để hiểu rõ nhà soạn nhạc. Vì thế Pletnev đã tập tất cả 32 sonatas của Beethoven mang tới trả bài cho thầy. Sau này, trong bài trả lời phỏng vấn đăng tại Gramophone vào tháng 11/1989, Pletnev đã nói như sau: “Tôi không phải là một học trò tốt. Tôi hay bỏ học, rồi sau đó cảm thấy mình có lỗi. Tôi thích ngồi nhà nghe đĩa và học được nhiều qua việc nghe đĩa. Fliyer là một nghệ sĩ piano giỏi và là một người thầy giỏi, nhưng tôi chắc tôi là một trò hư của ông. Ông hỏi: ‘Anh sẽ chơi bài gì đây?’ tôi trả lời: ‘Các concerto của Beethoven’‘Concerto nào?’‘Tất cả’. Trên thực tế, tôi không bao giờ có thể chơi tất cả những gì tôi đã chuẩn bị cho ông ấy nghe. Mỗi tuần tôi mang tới một bài mới.” Cũng trong bài trả lời phỏng vấn này, Pletnev nói thời trẻ ông học các bài khó rất nhanh, ví dụ ông đã tập Concerto No 2 của Liszt chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ và sau đó biểu diễn luôn. Pletnev còn là một trong những tài năng hiếm hoi mà trước khi ông đi thi Tchaikovsky mọi người đều đã biết chắc ông sẽ đoạt giải nhất. Thời sinh viên tại nhạc viện Moscow, Pletnev còn chơi cả tennis — môn thể thao mà các nghệ sĩ piano tối kỵ vi sợ hỏng tay.

[4]Trả lời phỏng vấn của Gramophone tháng 11/1989, nghệ sĩ piano Mikhail Pletnev cho biết ông học chơi piano bằng cách nghe đĩa thu âm S. Rachmaninov, V. Horowitz, S. Richter và A. Michelangeli biểu diễn, vì đó là những nhân cách mà ông tin cậy. Sau khi thấy cách họ chơi là thuyết phục, và đã tin chắc rằng họ có cách thể hiện hoàn toàn đầy cá tính, Pletnev coi những gì ông nghe được từ các danh cầm này là chân lý.

 

 

-----------

Đã đăng:

Mối quan hệ của tôi với Chopin rất đặc biệt. Tôi ra đời trong chiến tranh ở Việt Nam, và khi tôi còn bé, chúng tôi đã phải sơ tán vào vùng núi. Tất nhiên vào thời đó không có điện, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều để học tập âm nhạc và có được các bản nhạc. Vật chất và thông tin bị thiếu thốn đủ đường... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
... Tôi chắc không chỉ Chopin, mà ngay cả những thế hệ trước chúng ta một chút – những bậc thầy của quá khứ, họ có thể cho rằng thanh niên ngày này chơi quá to và quá nhanh. Chơi như vậy chắc đánh mất linh hồn của âm nhạc. Với Liszt, điều này đôi khi có thể được. Âm nhạc của Liszt thuộc loại âm nhạc rất hào nhoáng và ngoạn mục! Nhưng với Chopin, tất cả nằm trong sự bí mật, tâm tình của âm nhạc... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021