ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt


Nguyễn Đình Đăng dịch từ bản tiếng Nga
“Ivo Pogorelich: Tôi ngưỡng mộ Israel”,
đăng tại Nautilus ngày 5/3/2010
(trang tin tiếng Nga của Israel,
bản gốc đăng tại “Tin tức”, Israel ngày 4/3/2010)

 

Vào trung tuần tháng Ba tại một số thành phố ở Israel sẽ có các buổi biểu diễn của nghệ sĩ piano người Croatia-Serbia Ivo Pogorelich – một trong những nghệ sĩ diễn tấu khác thường nhất trong thời đại chúng ta, một nghệ sĩ mà có những người khen ngợi hết lời, còn những người khác lại mắng nhiếc thậm tệ.

 

Sự nghiệp quốc tế của ông đã khởi đầu từ một vụ xì-căng-đan tại cuộc thi Chopin ở Warsaw vào năm 1980. Pogorelich khi đó đã không lọt vào vòng chung kết, và ủy viên hội đồng giám khảo Martha Argerich đã bỏ ra về để phản đối, sau khi tuyên bố hội đồng đã loại một thiên tài. Chàng trai 22 tuổi Pogorelich khi đó đã từng đoạt vài giải thưởng, nhưng chính sau trận thất bại tại Warsaw mà ông đã được mời biểu diễn tại Carnegie Hall ở New York.

Những buổi hòa nhạc hôm nay của Pogorelich cũng không bình thường ngay từ bề ngoài. Ông yêu cầu phòng hoà nhạc phải chìm trong bóng tối, chỉ có phím đàn là được chiếu sáng. Các tempo ông chọn, và ngay cả cách phân câu, đôi khi có vẻ rất quái chiêu. Nhưng không ai có thể dửng dưng trước lối chơi của ông.

Nghệ sĩ bậc thầy này đã nói chuyện với tôi qua điện thoại từ Lugano (Thụy Sĩ), nơi ông hiện đang sống. Tôi nghe thấy cả tiếng đàn grand piano. Rõ ràng tôi đã làm gián đoạn buổi dạy của ông với ai đó. Ông hơi cáu, trả lời nhát gừng, nhưng đôi khi nổi hứng và bắt đầu nói chuyện ...

 

Ông thấy đâu là mục tiêu lý tưởng của các nghệ sĩ biểu diễn – thể hiện mình thông qua âm nhạc của người khác hay là làm một phương tiện truyền tải những ý tưởng của nhà soạn nhạc?

Bản nhạc chỉ là những ký hiệu chết. Nhiệm vụ của tôi là đưa vào một cái gì đó sống động.

 

Và vì vậy mà đôi khi phải bỏ qua các chỉ dẫn của tác giả?

Tôi có cách ứng xử chuyên nghiệp đối với bản nhạc. Chính trong chuỗi liên kết liên tục “thầy – trò”, tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt và đời thứ 7 tính từ Beethoven (Aliza Kezeradze – bà giáo không chính thức tại Moscow, sau đó là vợ của Pogorelich, người đã vì ông mà bỏ cả gia đình để chạy từ Liên Xô sang phương Tây – là chút của Liszt tính theo hệ sư phạm. V.L.).[1] Tôi thuộc trường phái piano Tây-Âu Nga.

 

Có nghĩa là ông cho rằng mình đã lĩnh hội được những bí mật đọc hiểu các bản nhạc một cách chính xác qua truyền thống truyền nghề bằng miệng?

Tôi không “cho rằng“, mà đó là một thực tế lịch sử.

 

 

Cách đây 2 năm, ông đã đòi ban lãnh đạo cuộc thi Chopin phải công bố biên bản các cuộc họp của hội đồng giám khảo năm 1980. Đó là cái gì vậy, một sự báo thù muộn màng chăng?

Họ mời tôi làm giám khảo. Và tôi yêu cầu họ công bố điểm số của cuộc thi năm 1980.[2] Tại cuộc thi đó đại diện của Liên Xô đã cho tôi 0 điểm.[3] 0 điểm! Như thể tôi không hề chơi đàn tí gì! Tiện đây nói luôn rằng, khi đó, không chỉ một mình Martha Argerich phản đối. Cuộc thi đã bị gián đoạn 48 tiếng đồng hồ. Chỉ sau khi có sự can thiệp của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ba Lan, người ta mới thuyết phục được các ủy viên giám khảo ở lại, những người trước đó đã tuyên bố bỏ Warsaw ra về. Riêng Argerich là vẫn không chịu khuất phục. Tôi cho rằng nếu bạn là một giám khảo và chấm điểm các thí sinh, bạn phải chịu trách nhiệm về cách đánh giá của mình. Hãy cứ để họ công bố! Có Trời mới biết được cái gì hiện đang diễn ra ở đó. Đem trao giải thưởng chủ yếu cho những người từ Viễn Đông...

 

Ồ, chẳng riêng gì ở đó đâu!

Và tại Nhạc viện Moscow, Sergei Dorensky[3] có thời đã nhận thí sinh không cần thi tuyển từ những đối tượng mà cha mẹ họ có khả năng hối lộ ông ta một viên kim cương ít nhất 4 carat.[4] Và Vera Gornostaeva[5] cũng đã làm như vậy, thêm vào đó, còn làm việc cho KGB[6] ...

 

 

Hay thật, làm thế nào mà ông có được những thông tin chính xác như thế?

Từ Moscow. Thôi được, cái đó chẳng thú vị gì, bạn hãy hỏi câu tiếp theo đi.

 

Ông có vẻ dị ứng với các cuộc thi piano. Tuy nhiên, có lần ông đã tổ chức một cuộc thi của riêng ông.

Đúng, vào năm 1993. Cuộc thi đó đã có một giải thưởng tiền mặt rất cao và nhiều sáng kiến các loại. Ví dụ, không hạn chế tuổi tác. Thoạt tiên, người dẫn đầu là một nghệ sĩ dương cầm từ Đài Loan Edith Chen (cô này nay đã đổi tên thành Gwhyneth Chen). Khi cô ấy gửi đĩa thu âm tới vòng sơ tuyển, chơi concerto số 3 của Rachmaninov với dàn nhạc giao hưởng Đài Bắc, tôi không tin rằng ở tuổi 19 lại có thể chơi được như vậy, và đã yêu cầu phải có xác nhận chính thức danh tính của bản thu âm. Và tôi đã có xác nhận đó. Nhưng trong quá trình của cuộc thi, nghệ sĩ piano đồng thời là nhà soạn nhạc người Úc Michael Kieran Harvey đã trình diễn một sonata mà Carl Vine vừa viết tặng anh hay đến nỗi bà vợ nay đã quá cố của tôi, khi đó là chủ tịch hội đồng giám khảo, bắt đầu vỗ tay, mặc dù ban giám khảo cần giữ vẻ ngoài bình thản. Thế là phải chia đôi giải thưởng. Mỗi người trong họ nhận được 75 ngàn USD. Tôi rất tự hào về những người thắng cuộc của mình. Tiện thể nói luôn, tháng 12 năm tới, tôi sẽ tổ chức tại Lugano và Locarno một series 6 buổi hòa nhạc. Sẽ có 4 buổi hòa nhạc trình làng các nghệ sĩ mới và hoàn toàn rất trẻ.

 

 

Còn cuộc thi mang tên ông thế là chỉ được tổ chức có một lần. Tại sao vậy?

Khi vợ tôi qua đời vào năm 1996, tôi không còn hứng thú gì đến cuộc thi đó nữa (Tôi phải thêm vào rằng trầm cảm nghiêm trọng đến nỗi Pogorelich trong vài năm phải ngừng biểu diễn – V.L.).

 

Ông đã không tới nước chúng tôi từ năm 2003...

Đúng, một gián đoạn khá lớn. Tôi ngưỡng mộ Israel. Tôi nhắc lại để bạn nhớ rằng tôi đã biểu diễn ở nước các bạn từ khi những nghệ sĩ lưu diễn tại Israel và Nam Phi còn bị đưa vào “sổ đen”. Mặc dù hồi đó tôi mang hộ chiếu đỏ của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Nam Tư, tôi đã đến “quê hương của những người Do Thái Phục quốc (Zionists).” Hồi đó tôi 24 tuổi. Bây giờ tôi 51 tuổi, nhưng tôi đến với các bạn vẫn với niềm vui sướng đó. Và lại còn đem theo cả gia đình mình nữa: con trai nuôi của tôi, bạn gái tôi và con trai cô ấy. Tôi hy vọng sẽ không chỉ biểu diễn, mà còn cho gia đình tôi xem đất nước Israel.

 

Dịch xong ngày 17/3/2012

 

____________________

Chú giải của người dịch:

[1]Trả lời phỏng vấn của Manuel Brug năm 2006, Ivo Pogorelich cho biết thầy của Aliza Kezeradze cũng từng là học trò của Theodor Leschetizky (1830 – 1915). T. Leschetizky là học trò của Carl Czerny (1791-1857) – học trò của L.V. Beethoven. Như vậy theo sư phạm hệ, Ivo Pogorelich là đời thứ 7 tính từ Ludwig van Beethoven.

[2]Cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin lần X diễn ra từ 2 – 19/10/1980, có 149 thí sinh từ 37 nước tham dự. Giám khảo phải cho điểm theo thang từ 1 tới 25 điểm. Tuy nhiên cách tính điểm lần này lại không giống như tại 2 lần trước (thứ VIII năm 1970 và IX năm 1975) và lần sau đó (XI năm 1985), khi số điểm của trung bình của thí sinh tại vòng 1 và 2 được dùng để quyết định chọn thí sinh vào vòng 3. Tại cuộc thi lần thứ X (1980) này, hội đồng giám khảo chỉ dùng điểm của vòng 2 để quyết định chọn thí sinh vào vòng 3.

[3]Hội đồng giám khảo cuộc thi piano quốc tế F. Chopin lần thứ X gồm 25 thành viên. Chủ tịch hội đồng là Kazimierz Kord (1930 -, Ba Lan). Hai phó chủ tịch là Nikita Magaloff (1912 – 1992, Thụy Sĩ) và Frantisek Rauch (Tiệp Khắc). Giám khảo đại diện của Liên Xô là Sergei Dorensky (1931-) – giáo sư, trưởng khoa piano nhạc viện Tchaikovsky, phó chủ tịch hội Fryderyk Chopin và hội Sergei Rachmaninov của Nga.

[4]Tức có đường kính 10.2 mm.

[5]Vera Gornostaeva (1929-) -  nghệ sĩ nhân dân Nga, giáo sư piano nhạc viện Tchaikovsky, chủ tịch danh dự hội nhạc sĩ Moscow.

[6]KGB (КГБ) – từ viết tắt của Комитет государственной безопасности (Ủy ban An ninh Quốc gia) – cơ quan đầu não về an ninh nội vụ, tình báo và mật vụ của Liên Xô cũ (1954 – 1991). Trừ 2 nguồn đã được công bố trên internet, là hồ sơ vụ án của viện sĩ Andrei Sakharovhồ sơ Đảng Cộng Sản Liên Xô, phần lớn các hồ sơ của KGB cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

 

 

-----------------------

Các bài liên quan:

Có thế nào chơi như thế  (nhận định âm nhạc) - Davis, Barry
... Pogorelich là một người tin tưởng tuyệt đối rằng hành động giá trị hơn lời nói suông: “Picasso, chẳng hạn, đã tạo nên các tác phẩm của một đại thiên tài, và người ta hỏi ông lấy cảm hứng từ đâu. Ông trả lời rằng ông đã phải lao động chăm chỉ 8 – 9 giờ liền trước khi cảm hứng đến với ông. Tôi đã không tình cờ mà có ngày hôm nay. Tôi luôn chăm chỉ lao động...” [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng] (...)
 
[Phỏng vấn nghệ sĩ piano IVO POGORELICH] ... Các nhạc phẩm khó nhất là các bản nhạc dựa vào văn hóa dân gian. Các nhạc công dân gian — những người trình diễn đích thực của âm nhạc dân gian — đạt tới trình độ hoàn hảo mà các nhạc công cổ điển không đạt được bởi các nhạc công dân gian chơi một nhạc phẩm rất nhiều lần và vượt xa về độ trau chuốt cũng như sự tinh tế trong cách biểu hiện... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
Mối quan hệ của tôi với Chopin rất đặc biệt. Tôi ra đời trong chiến tranh ở Việt Nam, và khi tôi còn bé, chúng tôi đã phải sơ tán vào vùng núi. Tất nhiên vào thời đó không có điện, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều để học tập âm nhạc và có được các bản nhạc. Vật chất và thông tin bị thiếu thốn đủ đường... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
... Tôi chắc không chỉ Chopin, mà ngay cả những thế hệ trước chúng ta một chút – những bậc thầy của quá khứ, họ có thể cho rằng thanh niên ngày này chơi quá to và quá nhanh. Chơi như vậy chắc đánh mất linh hồn của âm nhạc. Với Liszt, điều này đôi khi có thể được. Âm nhạc của Liszt thuộc loại âm nhạc rất hào nhoáng và ngoạn mục! Nhưng với Chopin, tất cả nằm trong sự bí mật, tâm tình của âm nhạc... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
... Nếu chúng ta nhìn kỹ vào thực tế cuộc sống ngày nay, rất nhiều người còn có những khó khăn lớn ngay cả trong những điều cơ bản như sinh tồn. Thế giới này có rất nhiều vấn đề thực sự. Nghệ thuật không chỉ cần cho mục đích giải trí, mà đó còn là một nền giáo dục — một nền giáo dục rất quan trọng. Nghệ thuật mang lại mặt tích cực cho cuộc sống. Đó là vấn đề về cái đẹp, về lòng can đảm, và về nhân loại... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021