ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [6]: Nhạc cổ điển và... tiếng vỗ của một bàn tay


Sydney Opera House, Concert Hall [photo: djrobd]

 

Khi đi xem những buổi hoà nhạc, chúng ta thường vỗ tay tán thưởng sau mỗi tiết mục đặc sắc. Thật là một cảm giác phấn khởi khi toàn thể khán giả cùng vỗ tay vang dội để nhiệt liệt ngợi khen những nghệ sĩ tài hoa đã mang đến cho mình những khoảnh khắc âm nhạc tuyệt vời. Thế nhưng, đôi khi bạn đang thích chí vỗ tay, thì chỉ có lác đác dăm ba người khác phụ hoạ, hay thậm chí chẳng có ai phụ hoạ, và trong lúc bạn đang ngỡ ngàng, thì thình lình bạn thấy có hàng chục cặp mắt quay lại nhìn bạn, khiến bạn muốn… sởn cả tóc gáy. Đó là cảm giác mà tôi đã trải qua trong lần đầu đi xem hoà nhạc cổ điển ở Úc, và đó là một trong những kỷ niệm khó quên.

Một buổi tối cuối tháng 9 năm 1985, tôi được một người bạn cho một cái vé (như một món quà sinh nhật) để đi xem Sydney Symphony Orchestra hoà nhạc tại Sydney Opera House. Trước đó, từ khi còn ở Việt Nam cho đến khi sang Úc, tôi chưa bao giờ được xem một buổi hoà nhạc cổ điển “thứ thiệt” nào cả, nghĩa là tôi chưa bao giờ có dịp vào trong một thính đường vĩ đại như thế và ngồi im phăng phắc như thế cùng với gần một ngàn khán giả để thưởng thức trọn vẹn từng tiếng đàn tinh tế, từng cử chỉ hấp dẫn của nhạc trưởng và từng động tác nhịp nhàng của các nhạc sĩ trong dàn giao hưởng.

Lần đầu chứng kiến những diễn biến mang tính nghi thức của buổi hoà nhạc, tôi cảm thấy thật thú vị. Trước hết, các nhạc sĩ bước vào sân khấu và ngồi đúng vị trí của mình. Rồi một nhạc sĩ đầu đàn xuất hiện với cây vĩ cầm, cúi chào khán giả, và khán giả vỗ tay chào mừng ông. Rồi nhạc sĩ đầu đàn xoay về phía dàn nhạc, kéo một tiếng đàn, và cả dàn nhạc theo tiếng đàn đó để chỉnh âm. Khán giả ngưng nói chuyện, giữ im lặng trong lúc dàn nhạc đang chỉnh âm. Khi dàn nhạc đã chỉnh âm xong, thì nhạc trưởng xuất hiện, và cả dàn nhạc đứng dậy. Nhạc trưởng cúi chào khán giả, và khán giả vỗ tay vang dội. Rồi nhạc trưởng bắt tay người nhạc sĩ đầu đàn và ra hiệu cho cả dàn nhạc ngồi xuống. Nhạc trưởng bước lên bục, giơ cây đũa lên, và buổi hoà nhạc bắt đầu.

Tôi đã say mê lắng nghe và theo dõi từng cử chỉ hấp dẫn, từng động tác nhịp nhàng diễn ra trước mắt, và khi nốt nhạc cuối cùng của bản nhạc đầu tiên đã chấm dứt, tôi bèn vỗ tay đôm đốp một cách vô cùng khoái trá. Thế nhưng, ngay lập tức, tôi cảm thấy hơi hoảng hốt khi tôi chỉ nghe có tiếng vỗ tay vô duyên của một mình tôi giữa bầu không khí hoàn toàn im lặng của đại thính đường. Tôi nhìn quanh và thấy có hàng chục cặp mắt quay lại nhìn tôi như thể tôi là một tên man rợ từ đâu đi lạc vào đây! Tôi nói thầm thì: “Sorry...”, cảm thấy khá ngượng ngùng, và đoán rằng có lẽ bản nhạc chưa kết thúc, vì ông nhạc trưởng vẫn còn đứng đối diện với dàn nhạc, chứ chưa xoay người lại để cảm tạ khán giả. Thật vậy, ngay sau đó, âm nhạc lại tiếp tục ngân lên...

Trong lúc tôi vừa bắt đầu tiếp tục theo dõi cuộc trình tấu, thì một ông già Úc ngồi cạnh tôi rón rén đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ có in chương trình biểu diễn. Ông chỉ một ngón tay vào trang sách đã mở ra, tôi nhìn xuống và thấy nhạc phẩm đầu tiên có nhan đề là Symphony No.2 của Gustav Mahler, gồm 5 chương. Tôi nhận ra ngay rằng “bản nhạc” đầu tiên vừa chấm dứt là chương 1 (“Allegro maestoso”), và bây giờ là bắt đầu chương 2 (“Andante moderato”), rồi sẽ còn thêm ba chương nữa...

Lúc đó tôi mới hiểu ra rằng người ta không vỗ tay giữa các chương nhạc, mà đợi cho đến khi nhạc phẩm hoàn toàn kết thúc thì mới vỗ tay. Tôi có cảm giác vừa xấu hổ vừa buồn cười khi thấy mình giống y như một anh chàng ngớ ngẩn đi lạc vào chốn cung đình! Thế nhưng, nhờ có cuốn sách chương trình, tôi cảm thấy an tâm ngay, và tôi đã thưởng thức trọn vẹn cả năm chương của Symphony No.2, trước khi tôi được tự do vỗ tay dữ dội cùng với toàn thể khán giả...

Vỗ tay xong, tôi trao lại cuốn sách chương trình cho ông già Úc, nhưng ông bảo tôi: “You keep it for the second part of the concert...” (“Anh cứ giữ nó để dùng cho phần nhì của buổi hoà nhạc...”) Tôi nói: “Thank you very much, sir...” và thật lòng biết ơn ông già Úc tử tế ấy.

Sau này, tôi mới biết rằng không chỉ thỉnh thoảng mới có những “chàng ngố” như tôi, mà thậm chí có những người da trắng tướng mạo sang trọng, y phục chỉnh tề, cũng đôi khi “vỗ tay không đúng lúc” trong những buổi hoà nhạc, và họ cũng bị “hớ” như tôi vậy. Thế nhưng, đôi khi cũng có những người cố ý “vỗ tay không đúng lúc” để bày tỏ tình cảm nồng nhiệt của họ, bất chấp cái “lễ nghi” thường lệ, và sự nồng nhiệt của họ đã khiến toàn thể khán giả cùng vỗ tay theo.

Gần đây nhất, trong buổi hoà nhạc Pepe Romero: Guitar from the Heart (tại Sydney Opera House, tối thứ Bảy ngày 2 tháng 8 năm 2014), ngay sau khi Pepe Romero cùng Sydney Symphony Orchestra vừa chơi xong chương 1 (“Allegro con spirito”) trong bản Concierto de Aranjuez của Joaquín Rodrigo, thì có một nhóm người Úc vỗ tay, và lập tức toàn thể khán giả cùng vỗ tay vang dội. Pepe Romero bèn đứng dậy, cúi đầu cảm tạ, và nhạc trưởng Tito Muñoz cũng xoay lại để cảm tạ khán giả, trước khi an vị để tiếp tục trình tấu chương 2 (“Adagio”). Thú vị thay! Khi chương 2 vừa kết thúc, khán giả lại vỗ tay vang dội, và Pepe Romero và nhạc trưởng Tito Muñoz lại cảm tạ một lần nữa; và khi chương 3 (“Allegro gentile”) kết thúc, thì trận vỗ tay vang ầm như sấm và kéo dài tưởng như bất tận, khiến Pepe Romero và nhạc trưởng Tito Muñoz phải trở lại sân khấu ba lần và cả dàn giao hưởng phải đứng dậy ba lần để cảm tạ khán giả.

Tôi chẳng biết đích xác cái lệ “đừng vỗ tay giữa các chương nhạc” ấy sinh ra từ thuở nào, nhưng ngẫm nghĩ thì thấy nó cũng có những lý do chính đáng. Một bài giao hưởng hay một bài hoà tấu được nhạc tác gia viết ra với những chương nhanh và chậm, sôi nổi và trầm lặng nối tiếp nhau để cấu tạo nên một tổng thể, một kiến trúc tinh vi chứa đựng những diễn biến của cảm xúc và tư tưởng. Những chỗ ngừng lại giữa các chương cũng là những thành phần cần thiết thuộc về cái kiến trúc đó. Vì thế, những tràng vỗ tay bất ngờ xen vào những khoảng im lặng giữa các chương có thể khiến cho cuộc thưởng thức mất đi sự trọn vẹn.

Đêm tháng 9 năm 1985 ấy, khi tôi vỗ tay đôm đốp ngay sau chương 1 (“Allegro maestoso”) trong bản Symphony No.2 của Gustav Mahler, rõ ràng là tôi đã vỗ tay rất nhảm nhí, vì lúc ấy tôi đâu có biết Gustav Mahler đã ghi chú rất kỹ rằng chương 1 phải được trình bày “Mit durchaus ernstem und feierlichem Ausdruck” (“với sự diễn tả hoàn toàn trầm trọng và nghiêm trang”). Những tiếng vỗ tay giòn giã một cách ngớ ngẩn của tôi chắc hẳn đã làm hỏng cảm giác thưởng thức đúng mực của những khán giả sành điệu.

Nhưng tôi nghĩ rằng cái lệ “đừng vỗ tay giữa các chương nhạc” ấy cũng không nên áp dụng quá tuyệt đối. Chẳng hạn, ngay sau chương 1 (“Allegro con spirito”) của bản Concierto de Aranjuez thì khán giả vỗ tay tán thưởng ầm ĩ cũng rất thích hợp, vì chương ấy rất hào hứng và là chương để cho nhạc sĩ guitar ra sức khoe tài. Rất hiển nhiên, lúc vừa đàn xong nốt nhạc cuối cùng của chương ấy, khuôn mặt của Pepe Romero đã bừng lên niềm sung sướng và hãnh diện khi được hưởng một tràng vỗ tay vang dội từ khán giả.

Cách đây gần hai thế kỷ rưỡi, chính nhạc tác gia vĩ đại Wolgang Amadeus Mozart cũng đã bày tỏ sự sung sướng khi nghe khán giả vỗ tay ở cuối mỗi chương nhạc, thậm chí ông còn cố tình cài những đoạn nhạc hấp dẫn giữa chương nhạc để câu cho khán giả vỗ tay. Trong lá thư ghi ngày 3 tháng 7 năm 1778 gửi cho thân phụ là Leopold Mozart, ông đã kể lại buổi trình tấu bài Symphony No.31 tại Paris như sau: “Bài giao hưởng bắt đầu... và ngay giữa chương allegro có một đoạn nhạc mà con đã cảm thấy chắc chắn là nó sẽ làm khán giả thích thú, và đúng là họ đã vỗ tay ầm lên; nhưng ngay từ lúc đang sáng tác ra đoạn đó con đã biết nó sẽ gây tác động như thế nào, nên con đã cho nó lặp lại một lần nữa ở cuối chương, và khán giả lại đứng dậy gào lên ‘Da capo!’ (Hãy chơi lại từ đầu!) ... Như con đã đoán trước, khán giả kêu “suỵt!”, bảo nhau giữ im lặng khi đoạn nhạc giảm nhẹ xuống, nhưng ngay khi họ nghe đoạn nhạc mạnh trở lại thì họ bắt đầu vỗ tay. Ngay sau khi bài giao hưởng kết thúc, con đã rời nhà hát trong niềm vui sướng...”[1]

Đến thế kỷ 19 thì một số nhạc tác gia bắt đầu cho rằng tiếng vỗ tay có thể làm hỏng bầu không khí nghệ thuật của một nhạc phẩm đang được trình tầu. Robert Schumann mong muốn rằng khán giả biến thành “những ngôi đền bằng đá” trong khi nghe hoà nhạc.[2] Còn Felix Mendelssohn thì ghi lời căn dặn trên bản Symphony No.3 rằng dàn nhạc hãy chơi liên tục, không dừng lại giữa các chương, để tránh “những sự gián đoạn dài lê thê thường xảy ra”!

Thế rồi, từ lúc nào chẳng rõ, những quan điểm cá nhân của một số nhạc tác gia đã làm nẩy ra cái lệ (đôi khi có vẻ khá khắt khe như một thứ nghi lễ) “đừng vỗ tay giữa các chương nhạc”. Tuy nhiên, trong gần 30 năm sinh hoạt âm nhạc ở Úc, tôi đã có rất nhiều lần trao đổi với những nhạc sĩ chuyên nghiệp về chuyện khán giả “vỗ tay giữa các chương nhạc”, và nhạc sĩ nào cũng nói giống nhau, rằng họ luôn luôn vui vẻ đón nhận những tràng vỗ tay của khán giả, ngay cả khi khán giả “vỗ tay không đúng lúc”, nhưng họ cũng nghĩ rằng đối với một số nhạc phẩm thực sự cần có một không khí lắng đọng sau mỗi chương nhạc, thì họ sẽ cảm thấy hài lòng hơn nếu khán giả biết “nhịn” cho đến khi nhạc phẩm hoàn toàn chấm dứt thì mới vỗ tay.

Trong thực tế thì hầu hết các buổi hoà nhạc cổ điển đều có in những tờ chương trình với các chi tiết rõ ràng về từng nhạc phẩm. Nếu không thì người giới thiệu chương trình, hay chính nhạc sĩ, sẽ mô tả về nội dung của nhạc phẩm trước khi trình tấu, chẳng hạn: nhạc phẩm này có 3 chương, vân vân và vân vân... Thế là khán giả đều biết để có thể “vỗ tay đúng lúc”, trừ khi... “nhịn” không nổi!

Cách đây mấy năm, trong một cuộc chuyện trò trà dư tửu hậu, nhạc sĩ Nhật-bản Hideo Satoh có nói rằng anh ấy vẫn thích trình diễn suốt cả một bản nhạc nhiều chương mà không phải “bị khen bất ngờ” bởi những tràng vỗ tay, vì không gian im lặng sẽ làm cho cả sự trình tấu và sự thưởng thức đạt đến mức tập trung tối đa. Tôi nói đùa: “Nhưng nếu khán giả nghe anh chơi quá hay, họ không nhịn được, thì họ phải làm gì?” Hideo Satoh đáp một cách khôi hài: “Ồ, tất nhiên là họ có quyền vỗ tay bất cứ khi nào họ muốn... nhưng tốt nhất là họ hãy vỗ tay theo kiểu Thiền, nghĩa là vỗ tay... với một bàn tay!”

 

_________________________

[1]Wolfgang Amadeus Mozart, The Letters of Wolfgang Amadeus Mozart, Vol.1, trans. Lady Wallace (The Project Gutenberg EBook, 2002)

[2]Robert Schumann, Schumann on Music: A Selection from the Writings, trans. & ed. Henry Pleasants (New York: Dove Edition, 1988) 65.

 

 

------------

Đã đăng:

... Thực tế cho thấy số lượng khán thính giả của nhạc cổ điển càng ngày càng giảm sút vì nhạc cổ điển thiếu sức thu hút. Nếu đem được nghệ thuật ứng tấu vào những buổi trình diễn thì nhạc cổ điển sẽ tạo nên một sinh khí mới. Chắc chắn là vậy, vì suốt nhiều ngàn năm qua trên khắp thế giời, hầu hết các nền âm nhạc cổ truyền đều xem trọng nghệ thuật ứng tấu, và khán thính giả âm nhạc ở mọi nơi, mọi thời đều luôn cảm thấy thích thú khi thưởng thức những dòng nhạc ứng tấu đầy bất ngờ của những nhạc sĩ tài hoa... (...)
 
Sau khi bài “Nhạc cổ điển và nghệ thuật ứng tấu” được đăng lên báo, người viết đã nhận được những email rất thú vị từ một số độc giả. Tựu trung những email ấy đều nêu lên một vài câu hỏi đại loại như thế này: “Sau nhiều năm chơi nhạc cổ điển chính xác theo bài bản, bây giờ muốn chơi ứng tấu thì nên bắt đầu từ đâu? Có thể học chơi ứng tấu được không?”... (...)
 
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có đôi lần chứng kiến cảnh một ca sĩ đứng trên sân khấu say mê diễn tả những lời ca... sai. Người dễ dãi có thể nói: “Nhạc giải trí mà, sai vài ba chữ cũng đâu có hề gì...” Thế nhưng, thậm chí đã có những ca sĩ đứng trước hàng trăm ngàn người để hát bài quốc ca khai mạc một sự kiện lớn, mà lại hát sai lời. Thế mới đáng kinh ngạc... (...)
 
Bạn nghĩ thế nào về những cuộc thi đấu biểu diễn nhạc khí? Bạn có thực sự tin vào giá trị của chúng? Có phải chúng là những cơ hội cần thiết để các nhạc sĩ chứng tỏ tài năng đích thực của mình? Nhưng, nhạc sĩ có cần những “đấu trường” để chứng tỏ tài năng của mình hay không? Và liệu rằng kết quả của những cuộc thi đấu ấy có trung thực và khách quan không?... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PETER SCULTHORPE (1929-2014)] ... Peter Sculthorpe đã sống suốt một cuộc đời độc thân nhưng đầy niềm vui và không hề nghĩ đến cái chết. Trong dịp sinh nhật 80 tuổi, ông nói: “Ðừng lo lắng về cái chết. Tôi nghĩ, khi chúng ta ra đi, chúng ta sẽ chuyển hoá linh hồn của mình vào một hoà âm đẹp đẽ nào đó mà mình đã từng là một phần của nó.” Bây giờ, ở tuổi 85, thân xác già yếu của ông đã vĩnh viễn ra đi, nhưng linh hồn sáng rực của ông sẽ mãi mãi ở lại với thế giới này như một hoà âm bất tuyệt... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021