|
Ivo Pogorelich: “Cần phải biết lựa chọn đúng trong cuộc đời...”
|
|
Irina Tushintseva phỏng vấn Ivo Pogorelich
đăng tại Orphej – trung tâm phát thanh và truyền hình quốc gia Nga, ngày 25/2/2010
Nguyễn Đình Đăng dịch từ tiếng Nga:
Trong bài phóng sự, Irina Tushintseva trở lại với các lễ hội tại Warsaw nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Frederic Chopin. Đêm qua Ivo Pogorelich đã trình diễn tại khán phòng Warsaw Philharmonic. Đối với những người quen thuộc lịch sử nghệ thuật piano trong 3 thập niên cuối của thế kỷ 20, cái tên này tự nói lên chính mình. Ông là một nghệ sĩ piano khác thường, với tác phong đôi khi có vẻ kỳ lạ, còn lối chơi đàn thì hoặc là thần tiên hoặc là một sự nhạo báng truyền thống. Thái độ đối với Ivo Pogorelich không có sự trung dung. Hoặc say sưa thán phục, hoặc từ chối tuyệt đối. Số phận của Ivo Pogorelich là những năm học tại Nhạc viện Moscow, là một vụ xì-căng-đan tại cuộc thi Chopin lần thứ 10, khi người ta loại ông khỏi vòng chung kết của cuộc thi, và Martha Argerich đã bỏ hội đồng giám khảo để phản đối. Đó là 11 năm im hơi lặng tiếng sau khi vợ ông qua đời vào năm 1996. Cuối cùng, ông đã quay trở lại sân khấu vào ngày 23 tháng 2 vừa qua, chơi concerto No 2 của Chopin. Sau buổi diễn, đặc phái viên Irina Tushintseva của chúng tôi đã nói chuyện được với Ivo Pogorelich. Dưới đây là trích đoạn của cuộc phỏng vấn này.
Thưa ngài Pogorelich, Ngài từng tốt nghiệp Nhạc viện Moscow. Vì sao Ngài đã không trở lại thăm Nhạc viện sau khi rời khỏi nước Nga? Lý do là vì, trong thời tôi học ở đó, Nhạc viện Moscow chẳng khác gì một cái cối xay thịt đối với các tài năng. Chính quyền thì toàn mật vụ,[1] các giáo sư thì tham nhũng. Tôi được xếp vào lớp của hai học trò Neuhaus.[2] Một trong những người thầy đầu tiên của tôi ở Moscow, Evgeny Mikhailovich Timakin, từng nói nhạc công cần tới các buổi hòa nhạc không chỉ để nghe xem phải chơi đàn như thế nào, mà còn để nghe xem không nên chơi như thế nào. Bởi vậy, tôi có thể mô tả những năm học ở Nhạc viện như khoảng thời gian 5 năm tôi đã nghe để hiểu mình không nên chơi đàn như thế nào. Tôi thuộc trường phái piano Tây Âu – Nga có gốc rễ từ St Petersburg. Ý Ngài muốn nói Ngài là người thừa kế trường phái piano của Liszt? Theo trực hệ sư phạm “thầy – trò”, học trò sau đó trở thành thầy, nối tiếp nhau v.v. thì tôi là đời thứ 7 tính từ Beethoven và thứ 5 từ Liszt. Trong lối chơi của tôi, Cô có thể thấy các yếu tố trong sáng tạo của cả hai nhà soạn nhạc này. Những yếu tố nào vậy? Cách ứng xử với đàn piano có hai mặt. Đàn piano cũng giống như một dàn nhạc, nhưng do Beethoven yêu giọng nói của con người hơn tất cả, đàn piano có nhiệm vụ mô tả, dưới ngón tay của nhạc công, hơi thở của tiếng nói con người. Cô có thể thấy chương hai của các sonata là aria theo phương pháp bel canto. Liszt, xuất thân là người Hungary, đã đổ thêm dầu vào lửa, giải phóng phím đàn, khẳng định rằng ông đã thừa hưởng từ Beethoven, và đã truyền lại cho đời sau mạnh mẽ đến nỗi tôi có thể hoàn toàn tự tin để nói rằng, ngay cả tới ngày hôm nay, chơi Chopin theo kiểu Chopin thật sự yếu kém hơn rất nhiều so với những cách trình bày do trường phái của Liszt đã truyền đạt lại. Có nghĩa là hôm qua chúng ta đã được nghe phong cách “phi Chopin” trong trình diễn concerto? Không, Cô đã nghe một tác phẩm thuần túy của tác giả. Chính bản thân Chopin, khi biểu diễn ra mắt ở Warsaw, đã nói: “Đừng nghe tôi, mà hãy nghe âm nhạc của tôi.” Liệu Ngài có một “công thức” của lối chơi tài năng? Công thức rất đơn giản. Hãy làm việc của mình, đừng quá háo danh để rồi khổ như Maria Callas. Thực sự là khó mà cạnh tranh với kim cương của Soraya hay của Farah Diba, nhưng bà ấy thích thế.[3] Bà ấy đã sa ngã như một nghệ sĩ và đã hủy hoại tài năng của mình. Nghệ sĩ phải siêng năng, phải biết đánh giá cao công việc của mình. Đó là những gì tôi làm. Gidon Kremer [4] hình như có lần nói về Ngài rằng có “hội chứng Ivo Pogorelich” – tạo hiệu ứng, gây ấn tượng, làm thính giả kinh ngạc. Có phải thế thật không? Tôi không nhận xét về những nhận xét của các đồng nghiệp. Đơn giản là Ngài bỏ chúng ngoài tai? Không, tôi không nhận thấy chúng. Tôi không có thời gian. Tôi là người rất bận rộn. Ngài cảm thấy thế nào khi diễn tấu với dàn nhạc? Nói chính xác hơn, Ngài làm việc với dàn nhạc như thế nào, bởi vì Ngài thường có những cách diễn xuất bất ngờ, còn dàn nhạc là một cơ cấu rất bảo thủ và có sức ỳ lớn? Dàn nhạc trong buổi tập hoặc buổi hòa nhạc là một chuyện, còn ở nhà lại là chuyện khác. Các nhạc công trong dàn nhạc phải tập luyện. Đa số họ không tập luyện. Ngài đánh giá trình độ chuyện nghiệp của dàn nhạc “Sinfonia Varsovia” tối qua chơi thế nào? Tôi hài lòng vì thái độ của họ.
Trong cuộc sống cái gì giúp Ngài hiểu âm nhạc và các bản nhạc được tốt hơn? Có thể là thơ phú hay văn chương chăng? Ngài coi trọng cái gì hơn? Xuất thân. Bên mẹ tôi là từ Đế chế Ottoman, văn hóa phương Tây thông qua cha tôi. Sau đó, sự lựa chọn đúng trong cuộc đời. Giả sử Chopin không gặp George Sand, thì số trang sách ngớ ngẩn của bà ta sẽ ít đi, còn số châu báu của nhà soạn nhạc này để lại sẽ nhiều hơn. Trong cuộc sống, cần phải biết lựa chọn đúng ...
*
Buổi hoà nhạc của Ivo Pogorelich ở Warsaw đã được tính toán ngay từ đầu như một thử nghiệm. Các nhà tổ chức đã cố tình sắp xếp gần như đối chọi nhau trong hai đêm liên tiếp không chỉ diễn cùng một tác phẩm của Chopin, concerto số 2, mà còn cả hai nghệ sĩ hoàn toàn khác nhau là Rafał Blechacz[5] và Ivo Pogorelich, để công chúng được quyền lựa chọn. Chopin của Blechacz truyền thống, xúc động, rực rỡ, luôn luôn dễ tiếp thu, dễ chịu và u buồn. Chỉ có điều, với cách tiếp cận này, bạn thấy ngạc nhiên làm thế nào mà một người như Chopin lại có thể trở thành sứ giả nghệ thuật của cả nước, ngay cả nếu như cả đời ông chỉ sáng tác có polonaises và mazurkas thôi. Té ra rằng còn có một Chopin khác – Chopin của Ivo Pogorelich – vượt ra ngoài những gì được phép và vượt ra ngoài các quy ước, một Chopin táo bạo, đầy nghị lực, bí ẩn, quyến rũ nhưng đồng thời cũng nguy hiểm như một liều ma túy. Và, nếu bằng cách đẩy hai nghệ sĩ piano đối mặt nhau, các nhà tổ chức lễ hội muốn tạo ra hai thế giới âm nhạc hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có cùng một cái tên là Chopin, thì bằng cách này họ đã thành công.
Dịch xong ngày 28/3/2012
Có thể nghe cuộc phỏng vấn này
tại đây.
Irina Tushintseva – tốt nghiệp ngành âm nhạc học tại Nhạc viện Moscow, thạc sĩ lịch sử âm nhạc tại Northwestern University (Chicago), hiện là phóng viên Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quốc gia Nga.
____________________ Chú giải của người dịch: [1]Nguyên văn: KGB (КГБ) – từ viết tắt của Комитет государственной безопасности (Ủy ban An ninh Quốc gia) – cơ quan đầu não về an ninh nội vụ, tình báo và mật vụ của Liên Xô (1954–1991). [2]Heinrich Neuhaus (1888–1964) – nghệ sĩ và nhà sư phạm piano nổi tiếng của Liên Xô, gốc Đức, giáo sư Nhạc viện Moscow, tác giả cuốn sách “Nghệ thuật chơi piano” (1958). Các danh cầm piano như Y. Zak, S. Richter, E. Gilels, v.v. đều từng là học trò của ông. Con trai ông, Stanislav Neuhaus, và cháu nội ông, Stanislav Bunin (giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin lần thứ 11, năm 1985), cũng là hai danh cầm piano. [3]Danh ca opera Maria Callas (1923 – 1977) từng có quan hệ tình ái với tỉ phú Aristotle Onassis từ năm 1957, và vẫn tiếp tục quan hệ ngay cả sau khi ông này đã cưới Jacqueline Kennedy – cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ. Pogorelich muốn ví sự cạnh tranh không cân xứng giữa Maria Callas và Jacqueline Kennedy cũng tương tự như sự cạnh tranh giữa công chúa Soraya Esfandairy – vợ hai - và hoàng hậu Farah Diba – vợ ba của quốc vương Iran Mohammad Reza Saha Pahalavi (1919-1980). [4]Gidon Kremer (1947~) – nghệ sĩ violin và nhạc trưởng người Latvia, giải nhất violin cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky năm 1970, bỏ Liên Xô năm 1980 sang sống tại Đức. [5]Rafał Blechacz (1985~) – nghệ sĩ piano Ba Lan, đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin lần thứ 15 (2005).
----------------------- Các bài liên quan:
Tài năng và thiên tài (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Đình Đăng
“Tài năng” (才能) và “thiên tài” (天才) là phiên âm Hán-Việt của hai từ Hán, đều có chung một chữ “tài” (才). Có lẽ vì vậy mà khái niệm “tài năng” và “thiên tài” đôi khi bị sử dụng lẫn lộn, ít nhất là trong tiếng Việt. Hậu quả là thỉnh thoảng tài năng lại được bơm lên thành thiên tài. Thực ra “tài năng” và “thiên tài” là hai khái niệm khác nhau về bản chất... (...)
Bên ni / bên nớ, và Ivo Pogorelich (đối thoại)- Hoàng Ngọc-Tuấn
[ÂM NHẠC & PHÊ BÌNH] ... Và nếu quả thực là có cái sự cố tình đối nghịch giữa miền Đông và miền Tây, hễ bên ni khen tụng, thì bên nớ lại cố ý chê bai, thì những lời khen/chê ấy chẳng có giá trị phê bình gì ráo, mà chẳng qua chỉ là cái “game” để hai bên “chơi nhau” (cho bõ ghét!) mà thôi... (...)
Bên ni là chân lý, bên nớ là sai lầm? (đối thoại) - Chu Hà
[ÂM NHẠC & PHÊ BÌNH] ... Ni và nớ đây là Đông và Tây Hoa-kỳ, một cách tương ứng, hoặc muốn hoán đổi sao đó cũng ô kê, no problema. Đó là về địa dư, về lãnh thổ, và cũng là về sự hình thành của những vùng “cấm địa”, rừng nào cọp nấy... (...)
Piano mùa ma ám (nhận định âm nhạc) - Swed, Mark
... Một trong các tác phẩm huyền ảo nhất của Beethoven, Opus 111, vang lên với những hợp âm trần tục rồi sau đó tan vào tình trạng mất trọng trường, chuyển thành các âm láy bay dần lên thiên đường trong đoạn cuối của các biến tấu. Pogorelich, tuy nhiên, bắt đầu chơi đoạn này tại một điểm xa xăm trong vũ trụ, xa hơn cả vầng trăng đỏ quạch kia, rồi từ đó bay về phía các thiên hà vời vợi... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng](...)
Nghệ sĩ piano Nam Tư – người đã “giết Chopin” (nhận định âm nhạc) - Antic, Zdenko
... Một nhạc sĩ theo dõi cuộc thi nói: “Anh ta có thể sánh với Horowitz. Anh chơi từng note một cách chính xác, đầy cảm xúc, đầy biểu cảm. Anh là toàn bộ dàn nhạc. Anh đã chơi vượt thời đại mình 200 năm” ... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng] (...)
Phản hồi và tranh luận quanh về Ivo Pogorelich và scandal tại cuộc thi piano Chopin năm 1980 [Nguyễn Đình Đăng’s Blog]
Sau khi các bài “Chơi tới trào nước mắt”, “Có thế nào chơi như thế”, “Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt” được đăng, tại mục “Ý kiến bạn đọc” dưới bài “Chơi tới chào nước mắt” đăng tại vnmusic – trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam – đã xuất hiện một số phản hồi (PH) của các độc giả Hoa Cải, Trang An (Ba Lan), LTrinh, yuan yuan, Trung Dung, Trần Ly Ly, Hoàng Ngọc Tuấn (Úc), và tranh luận (TL) giữa Đặng Hữu Phúc và Nguyễn Đình Đăng...
Vinh quang âm nhạc, và thủ đoạn chính trị (đối thoại) - Hoàng Ngọc-Tuấn
[NGHỆ THUẬT & CHÍNH TRỊ] ... Tôi nghĩ rằng, nếu chỉ vì động cơ tham nhũng, thì không đến nỗi Sergei Dorensky phải tàn nhẫn đến mức triệt hạ tuyệt đối Ivo Pogorelich bằng điểm 0. Tôi cho rằng chỉ có động cơ chính trị, tức là phải thực hành chỉ thị của Đảng, mới khiến Sergei Dorensky hành xử tàn nhẫn đến thế, trơ tráo đến thế, đê hèn đến thế... (...)
Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt (phỏng vấn) - Licht, Victor
[Phỏng vấn nghệ sĩ piano IVO POGORELICH] ...”Bản nhạc chỉ là những ký hiệu chết. Nhiệm vụ của tôi là đưa vào một cái gì đó sống động...” [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
Có thế nào chơi như thế (nhận định âm nhạc) - Davis, Barry
... Pogorelich là một người tin tưởng tuyệt đối rằng hành động giá trị hơn lời nói suông: “Picasso, chẳng hạn, đã tạo nên các tác phẩm của một đại thiên tài, và người ta hỏi ông lấy cảm hứng từ đâu. Ông trả lời rằng ông đã phải lao động chăm chỉ 8 – 9 giờ liền trước khi cảm hứng đến với ông. Tôi đã không tình cờ mà có ngày hôm nay. Tôi luôn chăm chỉ lao động...” [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng] (...)
Chơi tới trào nước mắt (phỏng vấn) - Hitron, Haggai
[Phỏng vấn nghệ sĩ piano IVO POGORELICH] ... Các nhạc phẩm khó nhất là các bản nhạc dựa vào văn hóa dân gian. Các nhạc công dân gian — những người trình diễn đích thực của âm nhạc dân gian — đạt tới trình độ hoàn hảo mà các nhạc công cổ điển không đạt được bởi các nhạc công dân gian chơi một nhạc phẩm rất nhiều lần và vượt xa về độ trau chuốt cũng như sự tinh tế trong cách biểu hiện... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
Mối quan hệ của tôi với Chopin rất đặc biệt. Tôi ra đời trong chiến tranh ở Việt Nam, và khi tôi còn bé, chúng tôi đã phải sơ tán vào vùng núi. Tất nhiên vào thời đó không có điện, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều để học tập âm nhạc và có được các bản nhạc. Vật chất và thông tin bị thiếu thốn đủ đường... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
... Tôi chắc không chỉ Chopin, mà ngay cả những thế hệ trước chúng ta một chút – những bậc thầy của quá khứ, họ có thể cho rằng thanh niên ngày này chơi quá to và quá nhanh. Chơi như vậy chắc đánh mất linh hồn của âm nhạc. Với Liszt, điều này đôi khi có thể được. Âm nhạc của Liszt thuộc loại âm nhạc rất hào nhoáng và ngoạn mục! Nhưng với Chopin, tất cả nằm trong sự bí mật, tâm tình của âm nhạc... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
... Nếu chúng ta nhìn kỹ vào thực tế cuộc sống ngày nay, rất nhiều người còn có những khó khăn lớn ngay cả trong những điều cơ bản như sinh tồn. Thế giới này có rất nhiều vấn đề thực sự. Nghệ thuật không chỉ cần cho mục đích giải trí, mà đó còn là một nền giáo dục — một nền giáo dục rất quan trọng. Nghệ thuật mang lại mặt tích cực cho cuộc sống. Đó là vấn đề về cái đẹp, về lòng can đảm, và về nhân loại... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
|