kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Phỏng vấn Godot
Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ & viết lan man

 

 

Raymond Federman (sinh năm 1928, hiện sống tại Hoa Kỳ) là tiểu thuyết gia, kịch tác gia, nhà thơ, phê bình gia và dịch giả. Từng là giáo sư và trưởng khoa văn chương của nhiều viện đại học, tác giả của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, và từng đoạt nhiều giải thưởng văn học lớn, Federman là một khuôn mặt quan trọng của văn chương hậu hiện đại.

 

 

PHỎNG VẤN GODOT

 

                            H:        Mông xừ Godot, ông sống ở đâu vậy?
                            Đ:        ?
                            H:        Mông xừ Godot, ông bao nhiêu tuổi?
                            Đ         ?
                            H:        Mông xừ Godot, ông làm gì kiếm sống?
                            Đ:        ?
                            H:        Mông xừ Godot, ông có để râu không?
                            Đ:        ?
                            H:        Mông xừ Godot, ông sẽ đến chứ?
                            Đ:        ?
                            H:        Mông xừ Godot, ông có bao giờ...?
                            Đ:        !

 

 

Phỏng vấn Godot – Phần I

 

Um – Ông bạn có biết ta vừa làm chuyện gì không?

Laut – Chuyện gì?

Um – Trò chuyện với Godot...

Laut – Sao có thể thế được! Bao nhiêu năm nay ta vẫn cố tìm cách chuyện trò với ổng, nhưng ta không sao tìm ra ổng được...

Um – Dễ ợt, ta đi vào tìm trong Google trên internet. Ta chỉ việc đánh chữ Godot, thế là ta có ngay điểm mạng của ổng và địa chỉ e-mail của ổng.

Laut – Bạn đừng có mà coi thường ta như thế, Godot trên internet?

Um – Đâu có, thật đấy! Sao lại không, Godot ổng cũng là một người thường như bao nhiêu người khác, cái tên Godot là một phần ngôn ngữ của chúng ta, và văn hóa của chúng ta.

Laut – Cái điểm mạng của Godot nó thuộc loại gì nào?

Um – Ô rất đơn giản, bạn biết đấy, rất thanh tao. Một thứ vùng đất không bóng người trong khoảng không xi-béc-nê-tic mênh mông.

Laut – Cho ta địa chỉ cái điểm mạng của ổng đi, ta muốn nhìn tận mắt.

Um – Ô, ta không thể làm thế. Godot có bắt ta hứa là sẽ không đem cho bất cứ ai địa chỉ e-mail và cái điểm mạng của ổng, nếu không ta sẽ bị phạt.

Laut – Quả thật là bạn giỡn mặt với ta!

Um – Hãy nghe đây, nếu như bạn không muốn tin ta, thì hãy quên mọi chuyện đi.

Laut – Được, bạn cứ kể chuyện kia đi nhưng mà đừng có bảo là bạn có gửi một cái e-mail cho Godot và ổng đã trả lời bạn.

Um – Ấy có đấy, một thư trả lời rất ngắn. Chỉ có vài chữ thôi. Bạn biết đấy, Godot ổng không nhiều lời lắm đâu.

Laut – Thế ổng nói gì với bạn nào? Nói rằng ổng bằng lòng chuyện trò ấy à?

Um – Không, ổng nói: “I have no views to enter.” Ổng nói đúng y như vậy đó.

Laut – Bằng tiếng Anh?

Um – Đúng, bằng tiếng Anh.

Laut – Hẳn là bởi vì nếu nói tiếng Pháp ổng không thể chơi chữ với chữ entretien. Ta không có cái tien để vào, nói vậy thật là nghe không được. Và điều này chứng tỏ Godot ổng là người nói hai thứ tiếng.

Um – Ấy Godot còn hơn cả những người nói hai thứ tiếng nữa!

        Godot ổng nói đủ thứ tiếng. Ổng nói cả những tiếng chưa ai biết trên đời này.

Laut – Vâng, chắc chắn thế. Vậy thì bạn làm gì khi ổng bảo bạn là ổng không có “views to enter?”

Um – Ta gửi cho ổng một cái e-mail thứ nhì giải thích cho ổng hiểu cái đó không sao bởi vì những cái views của ổng ta đâu có quan tâm. Giải thích rằng thì là ta chỉ muốn có một tí đối thoại thân mật với ổng, về bất cứ chủ đề gì. Xem xem mọi chuyện có ổn thỏa cho ổng không. Sức khỏe ổng, tình hình tài chánh của ổng, đời sống gia đình của ổng nếu như ổng có một đời sống gia đình. Và ta còn nói rõ là nếu cuộc đối thoại mang hình thức một cuộc chuyện trò thì đấy sẽ thuần túy là chuyện ngẫu nhiên thôi, không có chút chủ ý hay phương hướng gì.

Laut – Thế rồi sao nữa?

Um – Ổng trả lời: “Đồng ý đối thoại.” Rồi ổng nói thêm: “Ông biết không thưa ông Um, người ta thường cảm thấy rất lonely và nản chí, khi người ta phải một mình chiến đấu với sự nói một mình.”

Laut – Ổng có nói vậy sao? Tội nghiệp ông Godot. Vâng cái cảnh cô đơn ghê gớm ổng đang sống với ổng hẳn phải là gay go lắm.

Um – Bạn biết đấy, cái điều ổng nói với ta nghe cảm động lắm. Và nói cho bạn biết, ổng muốn là ta đến giúp ổng chiến đấu chống lại cái cảnh nói một mình. Ổng còn gọi ta bằng cái tên của ta, là Ông Um.

Laut – Vâng, lạ thật. Chuyện tin còn không nổi. Thế thì, cái gì đã xảy ra sau đó?

Um – Ấy, chúng ta gặp nhau tại một nơi bí mật.

Laut – Ở đâu?

Um – Á, cái này thì ta không cho bạn biết được. Godot đã bắt ta hứa là sẽ không bao giờ tiết lộ cái nơi chúng ta đối thoại với nhau.

Laut – Cái đó thì hiểu được. Ổng không muốn có những đám đông đến quấy rầy ổng. Nhưng với ta, là bạn thân của bạn, dù sao bạn cũng cho ta biết được chứ?

Um – Không thể được. Đây là một vấn đề thành tín tinh thần đối với Godot.

Laut – Thành tín tinh thần! Này anh bạn Um thân mến của ta bạn chẳng dám chơi gì cả. Bạn mà cũng bày đặt làm cái điều thành tín tinh thần. Từ khi nào thế?

Um – Từ khi ta gặp Godot. Đấy!... Được rồi, bạn có muốn nghe cuộc đối thoại của chúng ta hay không đây? Ta đã thu băng từng tiếng một.

 

 

Phỏng vấn Godot – Phần II

 

Laut – Bạn thu vào băng cassette những gì Godot nói ấy à! Không thể có chuyện ấy! Có nghĩa là bạn sẽ bảo ta rằng Godot đã cho phép thu vào băng những lời ổng nói?

Um – Không, ổng không hề biết là ta thu băng. Ta không có xin phép ổng. Ta đã giấu cái máy thu băng trong túi. Bạn biết cái máy thu băng bạn từng cho ta nhân kỷ niệm ngày sinh của ta đấy. Cái máy Sony nhỏ xíu. Ta có cảm tưởng như mình là gián điệp.

Laut – Làm như vậy với Godot bạn quả là đáng tởm. Ta ta tin rằng bạn như thế là đi đoong rồi. Godot sẽ dứt bạn. Bạn không hiểu rằng Godot cái gì cũng biết, cái gì cũng thấy, cái gì cũng nghe, cái gì cũng sờ được, cái gì cũng đánh hơi được?

Um – Thì có chứ, ta biết Godot có năm giác quan như ai nấy, nhưng ổng không dùng tới bao giờ.

Laut – Bạn lại bịa cái gì ra nữa đấy?!

Um – Thì chính ổng nói với ta như thế. Ổng bảo ta rằng sử dụng những giác quan của mình để nắm bắt thế giới chung quanh chỉ là chuyện tinh thông bình thường. Cần phải hiện hữu ở phía bên kia những giác quan.

Laut – Godot đã nói thế? Bạn hiểu sai rồi... hoặc nữa, phải chăng nói như thế có nghĩa là cần phải sống trong cái không giác quan? Ở chỗ này, ta chẳng hiểu gì cả. Thế bạn không xin ổng một lời giải thích sao?

Um – Không ta chẳng xin giải thích gì cả bởi vì ta hiểu ngay ổng muốn nói gì. Nhưng cũng có thể ta đã nghe không rõ những gì ổng nói.

Laut – Bạn không thu vào băng sao?

Um – Không, không có thu phần này, bởi lẽ bạn thấy đấy, đúng ngay khi ổng nói với ta đến chỗ ấy, cuộn băng từ trong máy của ta hết. Ta sắp để vào một cuộn khác, nhưng Godot bảo ta là ổng đã mệt rồi. Và ổng bỏ đi. Đột nhiên, ổng biến mất, vù một cái, y như ổng tan thành bụi trong không gian.

Laut – Đột nhiên tan mất như thế? Như một màn ảo thuật?

Um – Vâng đột nhiên. Úm ba la một cái là xong. Không còn Godot nữa, y như ổng chưa hề có mặt ở đấy.

Laut – Có lẽ mọi thứ ấy bạn đều nằm mơ cả?

Um – Đâu có, ta còn có cuộn băng ghi âm đây để chứng minh đúng là ổng. Bạn có thể nghe giọng của ổng đây. 

 

 

Phỏng vấn Godot – Phần III

 

Laut – Giọng ổng hẳn phải nghe khàn khàn, phải thế không nào? Thế thì, các người đã nói với nhau những gì?

Um – Ô, không có gì đặc biệt. Ta hỏi ổng dăm ba câu, và...

Laut – Những câu hỏi thuộc loại gì?

Um – Thuộc loại những câu hỏi mà người ta đem ra hỏi ai đó khi người ta gặp cái ai đó ấy lần đầu tiên. Trước hết ta hỏi ổng nhiêu tuổi.

Laut – Ổng hẳn phải là già.

Um – Ổng không có vẻ già. Đúng ra ổng có vẻ quê một cục.

Laut – Quê? Bạn nói thế là có nghĩa gì? Ta không hiểu.

Um – Có vẻ y như ổng không thuộc thế kỷ bọn ta. Bạn hiểu ta muốn nói gì chứ?

Laut – Vậy thì ổng nhiêu tuổi?

Um – Ổng không nói. Ổng chỉ nhún vai một cái như để cho thấy là ổng không biết.

Laut – Điều này dễ hiểu bởi chắc ổng là người bất tử.

Um – Khi ta hỏi ổng ở đâu, lại một lần nữa cùng một cái nhún vai ấ, nhưng là với một chút cười mỉm, ý như muốn nói người ta có thật sự biết mình ở đâu không?

Laut – Hỏi thế thì ngu thật, bạn Um thân mến ạ! Một kẻ như Godot tất nhiên phải ở khắp nơi và cùng lúc chẳng ở đâu cả.

Um – Ta biết, nhưng dù sao ta cũng muốn biết ổng sẽ trả lời như thế nào. Biết đâu đấy. Tiếp theo ta hỏi ổng làm gì sinh sống. Lại một cái nhún vai, nhưng lần này thì ổng phá ra cười.

Laut – Ông già Godot thông minh hơn bạn tưởng. Tất nhiên Godot không có đi làm. Ổng không cần đi làm. Ổng thất nghiệp kinh niên. Rốt cuộc, là ổng chẳng tiết lộ gì với bạn cả.

Um – Ta đâu có ở đó để ổng tiết lộ cái này cái kia cho mình. Ta chỉ muốn xem xem ổng có để râu hay không.

Laut – Thế ổng có râu không?

Um – Không, hôm ấy thì không. Ổng hoàn toàn nhẵn nhụi. Ổng còn chải tóc láng cón, với một đường ngôi đàng hoàng rẽ một bên.

Laut – Bạn có chắc đó là Godot không?

Um – Ta chắc quá đi chứ. Theo bạn nghĩ thì có cả thảy mấy ông Godot trên đời này?!

        Một ông là đủ quá rồi, bạn có biết đời này sẽ rắc rối và gay go ra sao nếu ở đâu cũng có những ông Godot?... Ta có hỏi ổng có cách gì ổng cho ta biết chừng nào ổng định đến hay không: đến đây, thì ổng đưa hai tay lên trời để cho biết là ổng không nghĩ gì đến chuyện này cả.

Laut – Cái ấy không lạ. Có lẽ cái động tác cánh tay đưa lên trời kia muốn nói là ổng chẳng có ý định đến gì ráo. Được và còn gì nữa?

Um – Hoàn cảnh mỗi lúc càng tuyệt vọng. Nhưng ta đã biết trước như vậy rồi. Rốt cuộc ta không kiềm chế nổi và ta đã hỏi thỉnh thoảng ổng có hôn ai không.

Laut – Ô, ác thật. Sao thật sự như vậy được! Bạn không có hỏi ổng như thế chứ?

Um – Có, ta đã hỏi như thế. Và bạn biết ổng đã trả lời ra sao đấy. I used to could. Bằng tiếng Anh. Vâng, bằng tiếng Anh.

Laut – I used to could! Nhưng mà ở Texas người ta vẫn nói như thế. Bạn đừng có mà nói với ta là Godot từ Texas đến.

Um – Cũng sẽ là một cái gì rồi, hả? Sẽ là chuyện động trời đấy!

Laut - Tôi có thể đã làm thế thời trước đây, ổng đã nói như thế?

Không tin nổi... Được, rồi sau đó?

Um – Không gì cả. Đấy là chỗ kết thúc cuộc chuyện trò của chúng ta. Đến lúc này thì ổng biến mất.

Laut – Chỉ có thế thôi? Ta không sao tin nổi rằng bạn đã có cái cơ hội, cái may mắn có thể có được trọn sự thật về Godot và đấy là tất cả những gì bạn có thể nói cho ta biết?! Quả là bỏ phí thời gian và công sức! Ta có thể bảo đảm với bạn là nếu ta có thể có được cuộc chuyện trò như thế thì chắc chắn ta đã biết hết mọi chuyện về ổng rồi, biết tất!

Um – Ta không muốn buộc mình nhiều quá. Ổng thì lại quá dễ thương.

Laut – Người ổng có cao to?

Um – Không, chỉ la 8 ½ x 11.

Laut – Sao lại 8 ½ x 11? Đúng kích thước của một tờ giấy!

Um – Vâng, kích thước của một tờ giấy ở Mỹ.

Laut – Nếu ta là bạn, ta sẽ không đem nói với ai như thế. Hãy tượng khắp thế giới người ta sẽ hốt hoảng như thế nào. Godot, 8 ½ x 11!

Um – Thế thì sao? Trên đời này có ai hoàn toàn đâu.

 

HẾT

 

______________________________________

 

Năm ba dòng nghĩ đến đâu viết đến đấy về Federman, Beckett và Godot

 

Phần in chữ nghiêng tôi tạm gọi là dẫn nhập trong bản Việt ngữ Phỏng vấn Godot của Raymond Federman đã được chuyển từ bản tiếng Anh của tác giả. Các phần Phỏng vấn Godot I, II, và III được chuyển từ bản tiếng Pháp cũng của tác giả. Như Beckett, một người “bạn lớn” của ông, Raymond Federman là một trong ít tác giả viết cả hai thứ tiếng Anh và Pháp. Tôi đọc Federman không sớm: chỉ từ khi đến Mỹ – năm 1991; cuốn sách đầu tiên tôi đọc và rất thích, The Twofold Vibration (Indiana University Press/The Harvest Press Ltd., 1982 – Federman lấy một ý niệm nhập cảng từ Beckett để đưa vào tác phẩm đa dạng có đủ lịch sử, triết học, bi kịch, hài kịch của mình, nêu rõ ý nghĩa của cuộc đời một người sống sót ở thời đại hậu Holocaust, nhưng đã tìm cách sử dụng một cách riêng độc đáo: sự chuyển động không ngừng, ngược chiều buộc con người định nghĩa đời sống bằng cách nhìn trở lại phía sau và cùng lúc đuổi bắt về phía trước), không phải là tác phẩm đầu tiên của ông, và may thay, cũng không phải là cuốn cuối cùng: Federman hiện đã về hưu ở San Diego, California sau mấy mươi năm dạy văn chương ở các đại học Mỹ và Đức, và vẫn tiếp tục viết lách, sướng thay cho ông Federman, theo cách riêng của mình. Riêng có thể là cách nói hơi quá đáng. Tôi không được quen biết ông Federman, cũng như trước đây cũng chỉ biết các nhà văn Tiểu thuyết mới qua sách vở, nhưng tôi vẫn có thể dễ dàng có cái cảm tưởng không sai lắm về chỗ của ông: Federman là người rất sớm đứng đâu đó giữa các người của nhóm Tiểu thuyết mới ở Pháp (như thế cũng đã quá mơ hồ rồi) và Georges Perec. Vâng, riêng về cái khoản Perec, ai tìm đọc đoản văn đẹp và tới nơi tới chốn tôi vẫn thường nghĩ là không sao chuyển ngữ được của ông, bàn về những lý do tại sao cái tên họ của mình: Federman, tất thấy được những trò chơi chữ viết uốn lượn, bẻ cong, góc cạnh, kéo dài, đảo xuôi đảo ngược là thú vui lớn lao như thế nào đối vói một người viết không tự bắt buộc mình phải sản xuất những nội dung cao siêu. Nhưng ai dám nói trong những thú vui ấy, không thể có nội dung... cao và siêu?

Mặc dù Federman là người có công ăn việc làm đàng hoàng như đã nói ở trên, lại là giáo sư đại học, và là giáo sư danh dự, từng có lần lên cơn tự đặt mình ngang hàng với Homer, Shakespeare, Rabelais, Diderot, Rimbaud, Proust, Beckett, tác phẩm Double or Nothing bán ở Đức tới số lượng 25.000 bản (tiếng Đức, 1986 – trong khi nguyên tác ở Mỹ trong vòng hai chục năm chỉ bán được 3000 bản) vân vân, tôi rất nghi ở ông có một cái gì dễ làm ta “liên hệ” tới Godot và Beckett: thứ nhất, buồn cười hơn cả, là thời gian sống và dạy học ở New York, ngoài vợ con, Federman còn có một con chó tên Sam, và một con mèo tên Vladimir (ai quen với tác phẩm Beckett tất nhiên nhận ra những tên này: hãy tưởng tượng vì thích Nguyễn Du, ta đặt tên chó mèo trong nhà một con là Du và một con là ... Kiều!); thứ hai, căn cứ cái kịch bản Phỏng vấn Godot trên đây, thì giống như Godot, giống như Beckett, Federman nói (và viết) cả hai thứ tiếng – trừ phi ta tin lời ông Um trong kịch bản: “Godot nói cả những thứ tiếng chưa ai biết trên đời này”; thứ ba (chỗ này e không được gần Beckett, vì Beckett có nhiều hình, nhiều kiểu đẹp lắm), trên nhiều tài liệu sách báo tôi có thể còn giữ về vị giáo sư văn chương này từ hơn mười năm nay, những chân dung của nhà văn khi không còn trẻ cái nào cũng tối thui, nhìn không rõ mặt, so với mấy lần nhìn Godot trên các sân khấu ở Salt Lake City cũng như một lần với bạn ở London (nghe nói thành phần diễn viên lần ấy được coi là hay nhất trong lịch sử Godot), mặt Godot trông có phần còn rõ hơn! Và trong những bằng chứng “liên hệ” rõ nhất giữa Federman và Beckett/Godot, rõ hơn cả, và chắc hơn cả, vẫn là việc luận văn Federman trình năm 1963 là một luận văn viết về người cha đẻ của Godot.

Đến nay đã có nhiều tiểu sử Samuel Beckett – của Deirdre Bair, Anthony Cronin, James Knowlson, và nhiều người nữa. Trong khi còn phải chờ bạn tôi ở London viết xong một tiểu sử chính thức của Godot, biết đâu đó, thì vài chữ về tiểu sử Federman chắc cũng ít nhiều làm bạn đọc đỡ mất thì giờ đi tìm: sinh ở Pháp năm 1928, qua Mỹ sinh sống từ năm 1947, học tại Đại học Columbia sau thời gian phục vụ trong quân đội (Triều Tiên, Nhật Bản), Tiến sĩ văn chương Pháp tại UCLA ở Mỹ, dạy học tại đại học New York ở Buffalo và thỉnh giảng tại nhiều đại học nước ngoài, nhất là nước Đức, hiện về hưu ở San Diego, California. Là người dạy tiếng Anh và dạy văn chương, Federman không ngừng mạt sát ngữ pháp, không từ một kiểu viết ngộ nghĩnh nào: cuốn Double or Nothing DON (1971, 1992) gồm 270 trang chữ nghĩa rồng rắn; cuốn sách dày cộm Take It or Leave It TIOLI (1976, 1997) không nhớ bao nhiêu trang bởi vì tác giả không đánh số một trang nào, chỉ nhớ là kèm dưới tên sách có chữ “chuyện kể cường điệu loại đồ cũ để đọc lớn tiếng hoặc đọc đứng hoăc đọc ngồi”. Ông viết rất nhiều, và nhiều thể loại: tiểu thuyết, thơ, kịch, ca kịch hịện đại, nhiều tiểu luận về trào lưu hậu hiện đại vân vân, và nếu như có sức khỏe, con người ấy còn viết nhiều nữa, ghi không hết, mà có ghi e cũng không ghi kịp – ấy là chưa nói đến những rắc rối một người ít thông thạo như tôi đây có thể gặp khi phải... xếp loại.

Sau cùng, tuy vẫn thích đọc và nhìn nhận Raymond Federman là nhà văn lớn hơn nhiều người tưởng, người chuyển ngữ Phỏng vấn Godot này vẫn phải nhấn mạnh một chỗ đặc biệt khác nhau giữa Beckett va Federman: Beckett cho đến khi qua đời, năm 83 tuổi, tối ngày núp trong bóng tối (mặc dù thường làm việc dưới ánh đèn sân khấu) và (mặc dù chụp hình khá nhiều, vẫn) rất ít khi nói về mình: tôi đọc hết những thứ đã xuất bản của Beckett, nhưng thực tình không nhớ đã có đọc diễn văn Nobel của người, và cho đến nay vẫn không tưởng tượng nổi ổng nói gì tại cái chỗ đông người kia, với những ông Hàn lâm khả kính; Federman thì cho đến ngày nay, 76 tuổi, tối ngày xuất hiện (từ 1977 đến nay, ổng đi đọc tác phẩm của mình tại nhiều trường đại học lớn ở Mỹ, từng đi nói chuyện ở Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Áo, Bungari, Rumani, Hungari, Do Thái, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Kenya, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, theo như ông kể lại – nhiều nước quá, nên ghi hết ra đây càng để lộ sự ngu dốt của người viết về cách gọi tên các nước!) và nhờ có internet và dăm ba phương tiện hiện đại khác, đã không ngừng, không bao giờ biết mệt, không bao giờ biết khoang nhượng, tuyệt đối ngoan cường trong việc giới thiệu... Federman.

 

HOÀNG NGỌC BIÊN, Salt Lake City 6.2004

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021