|
Tình cờ được gặp vài nhân vật của Henrik Ibsen
|
|
I Phải dùng hai chữ “tình cờ” vì khi tôi còn là sinh viên khoa đạo diễn, Henrik Ibsen không phải là kịch tác gia mà tôi thấy gần gũi với mình. Khi cần phải chọn một tác giả cùng thời với ông, tôi thích August Strindberg (1849-1912), nhà viết kịch Thụy Ðiển hơn. Có lẽ vì nhà trường dành quá nhiều giờ cho Henrik Ibsen mà không có dòng nào cho August Strindberg. Hà Nội cũng dịch kịch của ông khá nhiều, so với những kịch tác gia nước ngoài khác. Có lẽ một phần vì tôi không thích những câu phân tích mà người ta cứ muốn phải gắn liền với Ibsen. Nói đúng hơn, chúng tôi thích trên nền những văn bản có sẵn, chúng tôi được làm cái nghề nghiệp mà chúng tôi đã được đào tạo như một nhà khoa học, cọng với quyền được MƠ của một nghệ sĩ chứ không phải là những công chức làm sân khấu. Sau lần hụt đi du học tại Ba Lan vào giờ chót, tôi cứ nghĩ rằng con đường xuất ngoại tắc nghẽn luôn với mình. Chẳng ngờ, do là một trong những người nữ viết kịch hiếm hoi trong giai đoạn những năm đầu mở cửa, tình cờ tôi được tổ chức Phụ Nữ Viết Kịch Thế Giới mời đi Úc. Sau chuyến đó, quen được nhiều người có tấm lòng với Việt Nam, đặc biệt với miền Nam, có những dịp tụ tập giữa những người trong ngành Sân khấu và Giáo dục, họ thường “hú” tôi đi. Những chuyến đi như thế thường khó khăn trăm bề. Không phải do nhà nước, hội chuyên ngành cử đi, bạn cũ ở nước ngoài không ưa, mà đồng nghiệp mới ở trong nước thì cứ thắc mắc sao “con đó” được đi hoài vậy. Tôi lúc đó độc thân, đi dạy, coi học trò như “em”(chuyển sang sau nầy, coi như “con”), chữ để dạy không có nguồn “sạc” thêm vào, riết rồi cũng mòn, sợ dạy mãi sẽ thành “kẻ bịp bợm”. Có người mời đi, thấy mình cũng chẳng có gì để mất. Thôi thì đi được cứ đi, rồi ráng để dành tiền mà đi xem thêm, lượm được mớ kiến thức mới nào, lận lưng về dạy tiếp. Cứ vậy mà khoảng 1995, tôi “trôi” tới London. Sau “workshop” về Sân khấu Giáo dục với Geoff Gillham, tôi bắt đầu kiếm các vở mình đã có xem qua kịch bản bằng tiếng Việt để lùng sục đi xem. Một cô gốc Ấn, bạn của Vàng Anh, đánh dấu các nhà hát không nên bỏ qua ở London. Một cái vé xem kịch lúc đó đắt bằng năm tháng lương giáo viên dạy kịch của tôi. Anh Nguyễn Ðăng Thường và bạn anh vừa mua vé giùm, vừa tặng cho tiền vé Miss Saigon. Vở đó cùng Bóng ma nhà hát Opera diễn ở Nhà Hát lớn đâu khoảng trên hai ngàn người. Hedda Gabler của Henrik Ibsen thì diễn ở rạp chỉ khoảng hai trăm người. Lúc đó gần như chưa ai nhắc đến kịch bản nầy ở Việt Nam. Nhắc đến Henrik Ibsen, ở Việt Nam thường nói đến Nhà búp bê, Hồn ma bóng quế, Brand, Peer Gynt. Tôi chọn vở đó để xem vì câu quảng cáo khá quyến rũ: “Vai nữ chính trong vở kịch nầy là vai diễn mơ ước của các nữ diễn viên vì sự vinh dự và thách thức khi được đóng.” Bản dựng không hoa-lá-cành gia giảm thêm bớt của ngôn ngữ đạo diễn. Có lẽ nhờ vậy, mà một khán giả từ một nước xa xôi châu Á như tôi thấy vô cùng ấm áp, gần gũi như đang cùng sống với từng nhân vật chứ không thấy xa lạ như khi xem Miss Saigon cho anh lính từ rừng về nhảy đạp cả lên bàn thờ tổ tiên cha mẹ và rút súng định bắn đứa trẻ mấy tuổi đầu lai Mỹ. Cảm giác khi xem xong, thấy lời quảng cáo quả không ngoa. Có nhà phê bình nước ngoài cho rằng có điểm nào đó tương đồng giữa Hedda Gabler và Nora trong Nhà búp bê vì cùng có những khát vọng muốn “thay đổi một cách quyết liệt số phận của những người chung quanh để thoả giấc mơ vươn đến tự do và độc lập của chính họ.” Bi kịch của Hedda Gabler là một bi kịch “chọn sai” qua một đạo cụ cực kỳ quan trọng trong vở kịch. Ðó là công trình nghiên cứu của Lovbog, người tình cũ của Hedda Gabler. Chọn Tesman là chồng dù không yêu, cô con gái của một vị tướng vẫn muốn giữ họ Gabler của cha như một nỗi tự hào mà cả người tình cũ lẫn người chồng chẳng ai thay thế nổi. Nếu công trình của người tình cũ được công bố thì không những sự nghiệp Tesman, người chồng mới cưới của Hedda Gabler, bị tiêu tan, vợ chồng Hedda Gabler không thể trả nợ mua nhà mới, và điều quan trọng hơn nữa là với sự chăm sóc của người tình mới của Lovbog là Thaia, Lovbog đã tỏa sáng. Mà Thaia, hiện là vợ của Thẩm phán Elvstred nhưng khi hai người cùng học một trường, là một đứa vẫn bị Hedda Gabler khinh thường. Khát vọng hướng về tự do và độc lập của hai người phụ nữ ấy của Ibsen quả có gần gũi với phụ nữ Việt Nam nhưng đoạn kết của họ thì vẫn có sự bình thản thậm chí lạnh lùng của phụ nữ phương Tây. Nora bỏ chồng, bỏ cả con (khác với cô Diệu trong Lá sầu riêng, “cá chuối đắm đuối vì con” của Việt Nam). Hedda Gabler thì thẳng tay liệng công trình nghiên cứu quan trọng bỏ quên của người tình cũ vào lò sưởi, rồi… tự tử. Cuộc đời cô, do cô chọn sai và thiếu sự xóa bớt mình để ngời sáng người mình yêu, đã như một vở kịch tồi mà cô không muốn đóng tiếp nữa, cô tự đóng lấy màn, mặc ai còn vấn vương chữ Danh, chữ Tình… muốn diễn tiếp.
II 2001, được dự cuộc họp mặt ở Bergen, Na Uy với nhóm Sân khấu Giáo dục Thế giới (IDEA), rồi sang Oslo chơi, tôi lại không có dịp xem vở nào của Henrik Ibsen trên chính quê hương ông. Chỉ có ghé được viện bảo tàng của Edward Munch, tác giả bức Scream (tức “The Cry”) nổi tiếng, và xem được một đoạn phim ngắn của một nữ họa sĩ trẻ chiếu ngay trong viện bảo tàng ấy. Tranh của Munch vẽ một thiếu nữ nằm kề bộ xương của tử thần. Cô họa sĩ trẻ quay cảnh đào lên một bộ xương thật, và cũng cho một cô gái khoả thân nằm ôm như đang làm tình với bộ xương ấy thật. Bạn tôi là Trương Kim Anh, dịch giả của vở Nhà búp bê của Henrik Ibsen từ tiếng Na Uy ra tiếng Việt nói loại “nghệ thuật đương đại” kiểu nầy chắc khó chấp nhận ở Việt Nam. Cùng năm đó, tại Tanzania, gặp một Giám đốc Trung Tâm Trao Đổi Văn Hóa Châu Âu ở Bangladesh, anh rủ tôi tham gia dựng kịch của Henrik Ibsen để dự một Festival - Hội Thảo chuyên về Henrik Ibsen ở Bangladesh do Na Uy tài trợ vào năm 2002.. Một nhóm chúng tôi đã chuẩn bị một cách rất “tự lực” để đem Nhà búp bê đi. Giờ chót, vì nhiều lý do, cả nhóm đành phải ở nhà. Tôi đành phải gửi tới bài tham luận “Nụ cười từ chối số phận làm búp bê của phụ nữ Việt Nam”. Bài nầy có in trong sách sau Hội thảo và in lại trong một Festival - Hội thảo khác về Phụ nữ trong các ngành Nghệ thuật ở Philippines năm 2003. Mùa thu 2003, ở Washington D.C., cùng với nhóm Art Synergy ở Chicago, trước khi đi dọc dòng sông Mississipi, tôi đòi đi xem kịch và hên là kiếm được vở Ghosts khá quen thuộc của Henrik Ibsen (mà Hà Nội dịch là Hồn ma bóng quế). Trong kịch bản gốc, người mẹ không muốn con trai bị nhiễm thói trăng hoa của người cha nên đã nó đi học thật xa để thoát khỏi mối ám ảnh đó, chẳng ngờ cậu con cũng không thua kém bố và cuối cùng người mẹ nhận biết con trai mắc bệnh giang mai. Vở của tôi được xem thì đạo diễn và cả biên tập chỉnh cho cậu bị vướng HIV. Ấn tượng nhất là cảnh cuối, đứa con trên hai mươi tuổi không một miếng vải che thân như được trở về hình hài trẻ thơ ngày xưa bên vú mẹ.
III Trong bốn tháng ở New York vào mùa đông 2003, dưới sự bảo trợ của Asian Cultural Council (Hội Ðồng Văn Hoá Châu Á), có những vở diễn độc đáo họ thường kiếm vé cho tôi coi. Tôi còn được xem một bản dựng Nhà búp bê khá thú vị ở một nhà hát nhỏ ngay bên kia chân cầu Brooklyn. Nhà hát ấy kiếm đâu ra các diễn viên đều là những người lùn, trừ nhân vật chính Nora là có kích thước bình thường. Ý tưởng đạo diễn thể hiện ra khá rõ ràng: “Mọi thứ đều chui ra từ váy của Nora.” Những ngày cuối ở New York, tình cờ tôi quen được Thái Hoà Lê. Lúc đó Hoà đang theo học ở trường dạy kịch nổi tiếng nhất New York là Actors Studio, nơi mà xưa kia James Dean, Marylyn Monroe đã có đóng tiền học qua. Tôi có đến xem một buổi lên lớp với vở Nhà búp bê. Chương trình học ở đó nhẹ nhàng, thiên về thực hành nhiều hơn lý thuyết như ở Việt Nam. Henrik Ibsen được coi như tác giả phải có trong chương trình thực hành mà tiêu biểu là Nhà búp bê.
IV Hành trang rời New York của tôi có khá nhiều kịch bản, được lựa với hy vọng sẽ là những món ăn tinh thần dùng được cho khán giả của chúng tôi. Trong đó có một vở của Henrik Ibsen: An Enemy of the People. Tôi mua vở nầy vì một lần ngồi xem tôi dựng vở cải lương Cơn giận của rừng trong đó có người đứng ra tố cáo nạn phá rừng để rồi trở nên đơn độc và bị đe doạ sinh mạng không những mình mà cả những người thân. Một bác sĩ cho biết trong đại học y của cậu bên Mỹ có dạy cả vở Một kẻ thù của nhân dân này. Trong vở, một bác sĩ có uy tín trong cộng đồng lên tiếng cảnh báo về nguồn nước dùng cho nhà tắm công cộng — điểm chính yếu thu hút du khách trong mùa nghỉ — đang bị ô uế vì thấm qua vùng đất của một nhà thuộc da, có thể gây bệnh cho du khách đến vùng đó.Viên bác sĩ đã tưởng mình sẽ được hoan nghênh vì cứu được thị trấn thoát khỏi cơn ác mộng gây bệnh tật cho du khách, nhưng thực tế ngược lại, ông bị dân địa phương kết án là “một kẻ thù của nhân dân.” Một tờ báo lúc đầu đứng về phía ông. Về sau, dưới áp lực của viên thị trưởng ở đây, cũng là người anh em với ông, họ đã rút bài của ông ra. Con ông đi học bị đánh, nhà ông bị liệng đá, chính ông bị cô lập, tẩy chay. “Thảm họa” rình chờ ông bác sĩ cũng như thị trấn... chỉ vì “cộng đồng không chịu nhìn thẳng vào sự thật.” Ðây là vở khiến một thời người ta đã xếp Ibsen vào loại tác giả “nổi loạn, kẻ đập phá thần tượng và phong tục cổ truyền, có ý muốn phá bỏ bất cứ hệ ý thức nào, kể cả của chính ông.” Cũng đã có lúc, người ta cho là Henrik Ibsen bị tụt hậu so với sự tiến lên của thế giới. Tôi thuộc nhóm những người không đồng ý với ý kiến đó. Bởi vì còn có nghệ thuật đạo diễn, chúng tôi vẫn còn có quyền MƠ giấc mơ dang dở của Henrik Ibsen theo kiểu của từng cá nhân của chúng tôi.
V Tôi vẫn thấy Hedda Gabler là một vai diễn hay, muốn giới thiệu với sinh viên mình và khán giả Sài Gòn nhưng không có dịp. Khi Nhà Hát Kịch Việt Nam, dưới sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần của Sứ Quán Na Uy tại Việt Nam, dựng vở nầy vào năm 2004, tôi không có cơ hội được xem. Ðến 2005, khi tiếp xúc với Giám Ðốc Nguyễn Anh Dũng về một vở khác của F. Durrenmatt, tôi nghe anh Dũng kể một giai thoại thú vị về Hedda Gabler mà anh đã được nghe kể khi đến ngôi nhà và được ngồi đúng vào cái bàn của Ibsen đã ngồi để viết kịch. Chính Ibsen thuật lại, khung cửa sổ mở trước mặt cho ông thấy, mỗi sáng, vào đúng giờ đó, có một cô gái đẹp và lạnh lùng, xách chiếc cặp da đen đi ngang, mặt nhìn thẳng, một lát sau thì đi ngược lại hướng đi. Một hôm, ông tò mò bước theo thì thấy cô đi thẳng tới một khu rừng thưa, mở cặp, rút súng, bắn thẳng vào một gốc cây, rồi cất súng, quay về. Cứ thế đều đặn mỗi ngày. Chính đó là nguồn cảm hứng cho ông vẽ nên một vai diễn mơ ước cho bao nhiêu diễn viên nữ trên toàn thế giới. Những phụ nữ Việt Nam chắc chắn sẽ không có súng và sức để làm như thế. Họ có thể bỏ chồng nhưng không thể bỏ con. Còn nhớ, trong bản tham luận “Nụ cười từ chối số phận làm búp bê của phụ nữ Việt Nam” bên cạnh các nữ anh hùng nổi tiếng của Việt Nam tôi còn nhắc đến tích Nam Xương, tích Châu Long để đặt vấn đề Châu Long sẽ cười hay khóc khi được chồng nhờ đi “đóng vai”vợ của bạn mình? Tôi nhắc cả đến những Việt nữ thời chiến tranh có những lúc phải lao vào những công việc mà đàn ông Việt khó sánh ngang: “Sử dụng nhan sắc như là một vũ khí”, đến những câu “Con hư tại mẹ, Cháu hư tại bà” và “Anh buồn có chốn thở than, Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”; và cho thấy “giải phóng phụ nữ” ở Việt Nam về một mặt nào đó, người phụ nữ nơi đây phải cực gấp đôi vì khi ra đường phải làm việc như một người đàn ông và khi về nhà vẫn phải làm mọi thứ của một cô vợ trong thời “chồng chúa, vợ tôi.” Phải, người phụ nữ Việt Nam sẽ không bỏ con như Nora, và cũng sẽ không tự tử kiểu Hedda Gabler hay Miss Saigon. Họ cười. Nụ cười mà nhân vật cô đào già trong vở Sắc của Khưu Ngọc trước khi chết đã nhờ người nhắn lại với người bạn diễn ngày xưa nếu có ai tình cờ gặp lại : “Nếu mặt tôi tái lắm, chỉ cần thoa chút phấn, không phải đánh son, và nhắn với ông ấy, trước khi chết, tôi cười!” Loại nụ cười mà nhiều người (như nhà thơ Trân Sa) sau khi xem tôi diễn đã cho rằng còn ghê sợ hơn tiếng khóc. |