kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Kiều

 

(Kịch một màn)

 

NHÂN VẬT:
Đạm Tiên
Kiều
Nguyễn Du

 

Sông Tiền Đường. Quá nửa đêm. Mây tạnh. Qua rặng liễu bên bờ sông người ta thấy thấp thoáng trên cao vằng vặc một vầng trăng bạc. Gió lạnh thổi từng đợt.
Bến sông vắng vẻ, không một bóng thuyền. Kiều đứng nép dưới gốc liễu, tà áo bay phất phơ. Nét mặt kìm nén xúc động. Lời nói đứt quãng, rời rạc.

Kiều: Ôi! Trớ trêu sao! Ta lại tìm đến con sông oan nghiệt này.

Tiếng thở dài. Nhắm mắt một lúc rồi lại mở ra nhìn vào khoảng không trước mặt.

Duyên phận gì đã gắn đời ta với nó? Ta đã một lần phó thác cho trời nước mênh mông chốn này cũng vào một đêm như đêm nay mà giờ đây, thật éo le thay... Hay chính ta đang là một con sông đi lạc hôm nay tìm về nguồn? Bao nhiêu những oán hận chất chồng, liệu Tiền Đường mi có rửa sạch cho ta đêm nay?

Xa xa thoáng có tiếng động của một mái chèo khua trên mặt nước. Rồi từ phía bên kia sông xuất hiện một bóng trắng, tiến đến gần chỗ Kiều đứng. Đến giữa dòng sông, nơi ánh trăng trải ra những lớp vàng trên nước, người ta nhận ra đó là một thiếu nữ, mắt ngọc mày ngài, tay cầm chèo, dáng thướt tha yểu điệu, tóc tung bay trong gió. Con thuyền tiến sát đến bờ.

Kiều: (kêu lên thảng thốt) Đạm Tiên! Chị Đạm Tiên!

Đạm Tiên: Thúy Kiều!

Đạm Tiên cặp thuyền, bước lên. Họ ôm chầm lấy nhau khóc mừng rỡ một hồi lâu.

Kiều: (tay áo thấm nước mắt) “Trời còn để có hôm nay?!”

Đạm Tiên: Chị vẫn chờ em ở con sông này. Chị biết sẽ có ngày em trở lại đây.

Kiều: Em vẫn tưởng sẽ không bao giờ còn gặp lại chị nữa.

Đạm Tiên: Không, em ơi, số phận đã ràng buộc hai ta với nhau từ buổi sơ ngộ.

Kiều: Em vẫn thấy chị hiện về trong giấc mơ của em.

Đạm Tiên: Âu “ cũng người một hội một thuyền đâu xa.”

Kiều: (chợt đẩy Đạm Tiên ra và chuyển sang giọng hờn dỗi) Khi bị ép gả cho tên thổ quan, em đã quyết một lòng giũ bỏ tất cả, giũ bỏ những bất hạnh oan khiên theo đuổi cuộc đời em ở trên con sông này, sao ngày ấy chị ở đâu mà không đến rước em đi?

Họ không còn ôm lấy nhau nữa. Đạm Tiên quay đầu nhìn ra con sông, nói trong tiếng thở dài.

Đạm Tiên: Lần ấy chị đã nói với em, em không nhớ sao? Rằng tấm lòng thành của em đã thấu tận đất trời. Rằng em đã được rút tên ra khỏi sổ đoạn trường từ đấy. Cuộc đời của em sẽ trở nên tươi sáng. Sẽ chấm dứt tất cả trái ngang. Em sẽ đoàn viên với những người thân yêu sau những tháng năm lưu lạc.

Một đám mây bỗng che khuất vầng trăng. Trong chốc lát, bến sông trở nên tối hẳn lại. Kiều nói to, phẫn uất.

Kiều: Như vậy mà gọi là tươi sáng được sao? Một đời sống mà tự thân nó đã là một sự thất bại, là một tai ương, một bất khả phục hồi, liệu một đời sống như thế còn có một viễn cảnh nào được coi là tươi sáng không?

Đạm Tiên: Vận rủi vẫn không chịu buông tha em sao?

Kiều: Giá mà chị biết em đã phải tiếp tục cưu mang cái kiếp người lầm lạc và nhơ nhớp ấy như thế nào, sau lần cuối cùng hai ta gặp nhau trên con sông này! (giọng càng lúc càng tràn ngập cảm xúc) Chắc chị vẫn còn nhớ trước đây em đã một lần tìm đến cái chết để giải thoát ở Lâm Truy, nhưng em đã không đạt được sở nguyện, vì họ đã cứu sống em. Họ không muốn em chết. Cả hai lần quyên sinh, họ đều tìm mọi phương cách để làm cho em phải sống. Phải sống, chị biết để làm gì không? Để cho số phận tiếp tục đùa cợt với em. Để cho em bị đoạ đày thêm nữa nơi đất khách quê người. Để cho bất hạnh tiếp tục dày vò thể xác em, xé nát con tim em. (ngừng lại, thở hổn hển một lúc, nước mắt chảy dài trên gương mặt)

(giọng bỗng thấp hẳn lại) Để cho em gặp lại chàng. Ôi trớ trêu! Dựng lên làm chi một cuộc tái ngộ đớn đau này? Có ê chề nào hơn cái ê chề này không? (ôm lấy ngực, người chực đổ ập xuống)

Đạm Tiên: (nắm lấy cánh tay của Kiều, đỡ nàng dậy, nói dịu dàng) Thúy Kiều! Em!

Mặt trăng bắt đầu ló dạng. Quang cảnh chỗ hai người đứng sáng dần lên. Gió vẫn thổi nhẹ, cành liễu la đà trên mặt nước.

Kiều: (giật phắt cánh tay lại, trở nên mỉa mai) “ Hoa tàn rồi lại thêm tươi. Trăng tàn rồi lại hơn mười rằm xưa”. Rõ thật là miệng lưỡi mị dân của phường chính trị chuyên lường gạt đám người cùng khổ. Không. Không có số phận nào ở đây cả. Chỉ có họ. Chính họ là thủ phạm.

Đạm Tiên: Họ? Nãy giờ chị cứ nghe em nói họ, nhưng họ là ai mới được chứ?

Kiều: Họ là Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du. Chính họ đã làm cuộc đời hai chúng ta trở thành bi kịch.

Đạm Tiên: (vẻ sửng sốt) Em nói sao? Sao lại có Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du trong chuyện này? Họ đã làm chi đời chúng ta?

Kiều: Đúng thế! Họ là thủ phạm.

Đạm Tiên: Chị thật sự chưa hiểu ý của em.

Kiều: Họ đã sáng tạo ra chúng ta và gán cho chúng ta một cuộc đời theo ý định của họ vì những mục đích hoàn toàn vị kỷ. Một kẻ, để thực hiện giấc mộng tìm kiếm một chút danh hão cho tài mọn về chữ nghĩa. Còn một kẻ bất đắc chí, yếm thế kia, mượn văn chương để phân bua với người đương thời và hậu thế về sự bất tài và nhu nhược của mình. (lên cao giọng) Và vì thế, họ đã làm khổ lây chúng ta.

Đạm Tiên: (vẫn chưa hết sửng sốt) Hóa ra chúng ta không có thật sao? Chúng ta chỉ là những nhân vật tiểu thuyết thôi sao? Thế còn cuộc đời chìm nổi của hai ta, sự bất hạnh của chị và của em, những khổ đau hai chúng ta đã trải qua, lẽ nào cũng là giả tạo? Chúng thật không có một ý nghĩa nào hay sao?

Hai người bây giờ đã ngồi xuống gốc cây, họ ngồi sát bên nhau, vai tựa vào nhau, nhìn ra ngoài con sông chảy bình yên trong đêm.

Kiều: (giọng trở nên tha thiết, đằm thắm) Chúng ta quả thật là những nhân vật tiểu thuyết. Chúng ta là những nhân vật hư cấu. Nhưng hiện hữu của chúng ta không hư cấu. Khổ đau của chị và của em là có thật. Mười lăm năm phiêu bạt của em là hoàn toàn có thật.

Đạm Tiên: Có nghĩa là họ là thủ phạm đã làm cho cuộc đời của chị phải ra nông nỗi này, phải không? (nghẹn ngào) “Sống làm vợ khắp người ta. Khéo thay thác xuống làm ma không chồng”?

Kiều: (quay nhìn vào mặt Đạm Tiên, tha thiết) Chị ạ, sau tất cả những năm tháng truân chuyên, em đã hiểu ra rằng, không có số phận nào chi phối cuộc đời chúng ta cả. Cái gọi là sổ đoạn trường chỉ là tuồng bịa đặt. Em những tưởng bao nhiêu thăng trầm dâu bể trong cuộc đời của Nguyễn Du sẽ làm cho ông trở thành nhân đạo và sẵn lòng đoái thương đến những người chịu cùng thân phận hẩm hiu, bạc bẽo như ông; ông sẽ thay đổi, nếu không nhiều, thì ít ra cũng đem đến cho đoạn kết cuộc đời hai chúng ta một chút ánh sáng ấm áp. Nhưng buồn thay, ông ấy chỉ lộ ra chân tướng kẻ sĩ của một nước nhược tiểu trung thành mù quáng với phương Bắc, ông đã tiếp tay với Thanh Tâm Tài Nhân để xô đẩy hai chị em mình xuống tận cùng vực thẳm kiếp người.

Đạm Tiên lắng nghe, càng lúc càng tỏ ra ngỡ ngàng. Nét mặt nàng trầm tư, xa vắng.

Chị ơi, đã đến lúc các nhân vật phải bước ra ngoài tác phẩm, phải cất lên tiếng nói giành quyền sống, quyền được định đoạt tương lai của mình.

Đạm Tiên: Chúng ta sẽ làm gì bây giờ? Chị đã quá quen thuộc với đời sống do số phận, ồ không, (mắt liếc nhìn Kiều) do họ… xếp đặt, chị sợ một sự thay đổi xáo trộn đường đột nào đó diễn ra sẽ đem đến những hậu quả mà chị không thể lường được. Dầu gì thì cũng đã…

Kiều đứng lên, thong thả vuốt lại tà áo và vén mớ tóc trên trán. Nàng bước đi chậm rãi chung quanh gốc cây liễu, im lặng không trả lời. Một lúc thì dừng lại, mắt nhìn ra sông; nơi ấy trăng đã lên cao và dát một lớp ánh sáng vàng nhẹ lên mặt nước.

Kiều: Bây giờ thì em chẳng còn làm được gì để thay đổi dòng chảy của đời mình được nữa rồi. Họ đã băm vằm, dẫm nát nó rồi. Nhưng… (quay lại nhìn Đạm Tiên, lúc ấy vẫn đưa mắt nhìn theo Kiều, giọng xúc cảm) em vẫn còn cơ hội, cơ hội cuối cùng để hiện hữu em mang dấu ấn của em, để nó mang ý nghĩa do chính em lựa chọn.

Đạm Tiên: Em muốn nói cơ hội gì?

Kiều: Cơ hội được chết.

Đạm Tiên bất ngờ vì câu trả lời, nàng đứng dậy.

Kiều: Phải. Nếu đã không thể lựa chọn được cuộc sống như mong muốn thì chúng ta phải giành lấy cho mình quyền được tự định đoạt cái chết của chính mình. Chúng ta đòi quyền được chết. Quyền được chết một cái chết hoàn toàn riêng tư. Một cái chết không nhân danh ai và không phục vụ cho một cái gì.

Im lặng. Im lặng bao trùm lấy hai người. Họ, mỗi người vào lúc ấy, đứng cách xa nhau. Họ nhìn nhau. Trong sự yên tĩnh của đêm, tiếng con sông chảy mơ hồ. Kiều bước vài bước đi ngắn rồi dừng lại sát mép sông, mắt nhìn ra xa.

Đạm Tiên: Chị bối rối quá. Đêm nay sao lòng chị bỗng sợ sệt. Một nỗi sợ sệt mơ hồ, như cảm giác của một người đứng bên vực thẳm nhìn xuống dưới chân. Thúy Kiều ơi, em đã trở thành một con người khác, hoàn toàn lột xác.

Một lúc sau, Kiều từ từ quay đầu lại nhìn Đạm Tiên. Nàng nhìn vào mắt Đạm Tiên rất lâu. Một cái nhìn sâu lắng, cháy bỏng.

Kiều: (từ tốn) Phải. Em đã quyết định làm một con người khác. Em phải đi tìm cho em một cuộc sống tự do. Vĩnh biệt chị.

Sau câu nói, Kiều đột ngột gieo mình xuống sông, thật nhanh và gọn gàng, như đường bay của một con chim én. Đạm Tiên hét lên một tiếng thất thanh, lao tới. Nhưng không kịp. Nàng đứng bất động nhìn mặt nước cho đến khi nó phẳng lặng trở lại, rồi ngước mặt nhìn lên trời, gương mặt đẫm nước mắt lấp lánh ánh trăng. Ánh đèn sân khấu tối dần và tắt hẳn.
 
Một lúc sau, ánh sáng trở lại. Từ một góc sân khấu, Nguyễn Du bước ra, quay mặt về phía khán giả.

Nguyễn Du: (giọng tâm sự) Thật đáng thương cho hai cô gái. Tôi đã chứng kiến và tôi đã nghe thấy hết. Ngay từ đầu, tôi đã quyết định không xuất hiện vì tất cả lòng kính trọng dành cho họ. Tôi chờ đợi giây phút này đã quá lâu, giây phút họ ý thức về thân phận của mình và đứng lên đòi quyền sống một cuộc sống độc lập, cũng là giây phút mà tôi sung sướng được từ bỏ tư cách làm tác giả của mình. Có lẽ bây giờ Thúy Kiều đã hài lòng vì đã tự mình chọn cho mình một kết cục như ước vọng. Tôi còn có thể mong muốn gì hơn với tư cách là một nhà văn? Một tác phẩm khi đã xuất hiện thì số phận của nó cũng như của các nhân vật trong tác phẩm đó không còn thuộc về tác giả của nó nữa. Số phận của Thúy Kiều từ giờ phút đó sẽ do nàng và đám đông độc giả các thế hệ định đoạt. Tôi không còn ảnh hưởng gì nữa đối với các nhân vật của tôi và đám đông bên ngoài tác phẩm. Tôi có thể làm được gì? Suy cho cùng Nguyễn Du cũng là một nhân vật không có thật, một nhân vật hư cấu, một nhân vật bước ra từ những trò ảo thuật không lường của những sức mạnh dục vọng mù quáng. Nguyễn Du cũng không hơn gì Kiều, cũng chịu sự chi phối của đám đông đương thời và mai sau. Suy cho cùng chúng ta đều như thế cả, đều là nhân vật hư cấu, chúng ta hiện diện ở đây để làm tròn vai diễn cho đến khi tất cả hạ màn.

Màn hạ dần. Ánh đèn sân khấu tối dần lại. Nguyễn Du bước đi cho đến lúc khuất hẳn. Vọng lại tiếng ngâm của ông “... Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như...”
 
Đèn tắt hẳn.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021