kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Vở kịch Tìm Trâu - Cuộc hành trình về với chân tâm
(Dân Việt số 1/03/2001)

Vở kịch Tìm Trâu trình diễn vào đêm Chủ Nhật 25/2/2001 tại khuôn viên chùa Phước Huệ đã để lại trong tôi, và chắc là trong lòng tất cả các khán giả, một ấn tượng khó quên. Thật ra, vở kịch này đã diễn lần đầu vào đêm Thứ Bảy 24/2/2001, nhưng vì tôi không kịp đăng ký để giữ vé, nên đêm diễn thứ nhì tôi mới đi xem được. Là một Phật tử thích đọc kinh sách và thăm viếng chùa chiền suốt nhiều năm qua, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một tác phẩm nghệ thuật được dàn dựng với quy mô lớn do sự hợp tác của hai đoàn kịch (Citymoon và Powerhouse), hai kịch tác gia (Hoàng Ngọc-Tuấn và Bruce Keller), ba đạo diễn (Tạ Duy Bình, Michael McLaughlin và Bruce Keller), ba nhạc sĩ (Hoàng Ngọc-Tuấn, Reza Achman và Angela Grima), và một tập thể hơn 30 diễn viên, vũ công, nhạc sĩ và hướng dẫn viên, để khai triển triết lý từ Thập Mục Ngưu Ðồ của Thiền Tông. Vở kịch này có rất nhiều điểm độc đáo mà tôi xin cố gắng trình bày phần nào dưới đây.

Trước hết, TÌM TRÂU là một thể loại kịch rất hiện đại. Theo ghi chú trong tờ chương trình, đây là thể loại "site-specific peripatetic performance" (chúng ta không có thuật ngữ tương đương trong tiếng Việt, nên tôi xin tạm dịch dài dòng là "trình diễn di động theo kiến trúc của khuôn viên"). Thật vậy, vở kịch này không có một sân khấu nhất định, mà sử dụng trọn bộ khuôn viên của chùa để dàn dựng, và cùng một lúc, tại mỗi địa điểm đặc thù của khuôn viên lại có một màn kịch diễn ra. Ðể thưởng thức, khán giả được chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm được hướng dẫn theo một lộ trình riêng biệt theo hình vòng tròn, hết xem màn này đến địa điểm khác. Cuối cùng, ai cũng được xem đủ tất cả các màn kịch, nhưng mỗi nhóm được xem theo một trình tự khác nhau. Theo lời giải thích của các thuật viên, "không có một con đường nào duy nhất là chân lý tuyệt đối, mà có rất nhiều con đường để tìm trâu."

"Con trâu" ở đây là hình ảnh tượng trưng cho cái chân tâm của mỗi người. Chúng ta đi tìm trâu, vì chúng ta đã để lạc mất chân tâm. Trong Thập Mục Ngưu Ðồ của Thiền Tông, hành trình tìm trâu có tất cả mười bước:

1. Tìm Trâu

2. Thấy Dấu

3. Thấy Trâu

4. Bắt Ðược Trâu

5. Chăn Trâu

6. Cưỡi Trâu Về Nhà

7. Quên Trâu, Còn Người

8. Người và Trâu Ðều Quên

9. Trở về Nguồn Cội

10. Thõng Tay Vào Chợ

Những điểm độc đáo mang tính triết lý của vở kịch TÌM TRÂU thì rất nhiều, nhưng rõ nhất là việc dàn dựng mỗi chặng của hành trình tìm trâu tại một địa điểm đặc thù của ngôi chùa. Bước số 1 (Tìm Trâu) khởi sự ở tiền đình của chùa. Sau đó, các bước từ bước số 2 đến bước số 7 diễn ra rất thích hợp ở Cầu Giải Khổ, Hồ Sen, Ðại Hồng Chung, Nhà Bếp, Hội Trường Ða Dụng, và tượng Phật Thích Ca dưới gốc Cây Bồ Ðề. Bước số 8 (Người và Trâu Ðều Quên) diễn ra trong Hậu Ðình của chùa, là nơi để tro của những người đã qua đời. Bước số 9 (Trở về Nguồn Cội) diễn ra ngay trong Chánh Ðiện, với các vị sư áo vàng tụng kinh Bát Nhã. Và bước thứ 10 (Thõng Tay Vào Chợ) đưa khán giả trở ra tiền đình để bước vào cuộc đời.

Ðiểm độc đáo là các diễn viên hầu hết là người trẻ tuổi, chỉ khoảng 25 tuổi trở xuống, và đến từ nhiều nguồn gốc chủng tộc khác và nhiều tôn giáo khác nhau, từ Anglo-Saxon đến Trung Ðông, từ Thiên Chúa Giáo đến Hồi Giáo. Trong trang phục của họ, họ là đại diện của nhiều tầng lớp và nghề nghiệp khác nhau trong đời sống, từ vị đại sư cho đến anh nấu bếp, từ cô nghệ sĩ cãi lương đến anh ca sĩ nhạc rap. Như thế, vở kịch muốn nói, dù ở tầng lớp nào, nghề nghiệp nào, dù đến từ văn hoá nào, chủng tộc nào, mỗi người đều có thể và cần phải bước vào hành trình tìm lại chân tâm.

Ðiểm độc đáo khác nữa là phần lời của vở kịch. Phần thuyết trình của các diễn viên trong vai đại sư thì nghiêm trang và đầy chất thơ, trong khi phần đối thoại của các diễn viên khác thì vui tươi, khôi hài và rất nhẹ nhàng nhưng đều mang tính cách ngụ ngôn tương tự như những công án hay giống những mẩu giai thoại Thiền trong Thạch Sa Tập. Do đó, để hiểu hết phần lời của vở kịch sau một lần xem không phải là dễ. Tuy nhiên, khán giả vẫn có thể thưởng thức ý nghĩa của vở kịch qua những động tác ngoạn mục của các diễn viên. Ðây cũng là một điểm độc đáo khác của vở kịch. Các diễn viên được rèn luyện để trình bày và thể hiện rất điêu luyện bằng chuyển động hình thể. Ðó là những động tác kết hợp giữa Ðông phương cổ truyền và Tây phương hiện đại, từ những tư thế võ thuật Thiếu Lâm, Khí Công, đến những hình thái kịch câm. Có xem tận mắt mới thấy hết kỳ công của việc dàn dựng.

Một điểm độc đáo nữa là khán giả, khi xem kịch, thấy mình như thực sự dự phần vào vở kịch, chứ không phải ngồi thụ động nhìn lên sân khấu như trong loại kịch cũ. Trong suốt vở kịch, khán giả đã theo người hướng dẫn để đi đến khắp mọi nơi trong khuôn viên chùa, và sau mỗi màn kịch, khán giả phải nhắm mắt lại để hồi tưởng những gì đã chứng kiến và lắng nghe tiếng chuông chánh niệm. Ngay cả những người thường xuyên đến viếng chùa, nhờ vở kịch này, lại cảm thấy mọi cảnh vật trong chùa sinh động hơn và toát ra nhiều ý nghĩa hơn. Từ chiếc cầu, hồ sen, đại hồng chung, đến cây bồ đề... mỗi nơi đều trở thành một biểu tượng của con đường tìm lại chân tâm. Ngay cả một nơi chốn tưởng như tầm thường là nhà bếp cũng toát lên triết lý sâu xa, với màn kịch "Chăn Trâu", qua đó, những công việc tầm thường như rửa chén, quét nhà, đều trở thành phương tiện để trừng tâm.

Một điểm độc đáo khác là sự phong phú về phong cách diễn xuất. Khán giả được chứng kiến mỗi màn kịch thể hiện theo một phong cách hoàn toàn khác nhau: màn thì khôi hài, màn thì thơ mộng, màn thì nhộn nhịp, màn thì trầm tư sâu lắng. Âm nhạc có lúc bừng lên như triều dâng, lúc thì tĩnh lặng như cơn gió, lúc thì sử dụng phong cách nhạc rap hiện đại, lúc lại sử dụng lối hát cải lương Việt Nam.

Vở kịch TÌM TRÂU dài gần hai tiếng đồng hồ, với mười màn kịch và hai màn múa, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa mà một bài viết ngắn không thể nào bàn hết. Vả lại, chữ nghĩa trên giấy không thể nào diễn tả lại được nghệ thuật sinh động của lời nói, cử chỉ, âm thanh, vũ điệu.

Tôi thiết nghĩ chỉ có cách đến xem trực tiếp từ đầu đến cuối, thì khán giả mới có thể cảm nhận được những ý nghĩa và cái đẹp không thể nói nên lời.

Vở kịch TÌM TRÂU là một hành trình suy tưởng đầy lạc quan và hứng khởi, khởi đầu một cách trầm mạc và kết thúc tương bừng như ngày hội đa văn hoá, khi tất cả khán giả và diễn viên đủ mọi sắc tộc cùng nhảy múa, ca hát với nhau trước tiền đình rộng lớn của ngôi chùa. Ðây là một cơ hội hiếm hoi để chúng ta giới thiệu văn hoá Việt Nam và tinh thần Phật Giáo Việt Nam trước khán giả đa văn hoá. Thật vậy, đây là lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến một sinh hoạt nghệ thuật có quy mô, thu hút một số lượng lớn các nghệ sĩ và khán giả từ nhiều nguồn gốc khác nhau cùng đến để chia xẻ một kinh nghiệm nghệ thuật và tư tưởng nhiều giá trị.

Tôi đến xem, và ra về với một tâm thức hân hoan và an lạc. Vở kịch này sẽ còn để lại những ấn tượng đẹp đẽ và đầy ý nghĩa trong tôi trong tương lai dài lâu.

Sydney 26/02/2001

Chân Ðức


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021