kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Vở kịch "Bà Mẹ Khỉ": một thành công mới của nghệ thuật sân khấu đương đại

Hai năm trước đây, tức là năm 1998, sau khi vở kịch Bà Mẹ Khỉ (Monkey Mother) của Tạ Duy Bình ra mắt lần đầu như một tác phẩm vừa được thử nghiệm, bà Pamela Payne, phê bình gia của tờ Sun Herald đã nhận định: "Bà Mẹ Khỉ, dự án mới nhất của đoàn Citymoon, một đoàn kịch Việt-Úc, cho thấy sự phát triển của một ngôn ngữ nghệ thuật và một viễn kiến khác lạ. Bà Mẹ Khỉ là một cơn xoáy lốc của những hình ảnh từ huyền thoại và đời sống đương đại phản chiếu vào nhau, được trình bày bởi ba diễn viên gợi cảm và đầy tài năng."

Lần này, từ đêm thứ Năm 19/10/2000 đến Chủ Nhật 5/11/2000, vở Bà Mẹ Khỉ lại xuất hiện như một tác phẩm đã thực sự hoàn thiện, với bốn diễn viên mới, âm nhạc mới, cảnh trí sân khấu mới, cách dàn dựng mới, và kịch bản được bổ sung thêm bốn màn mới.

Vở Bà Mẹ Khỉ là một sự khai triển và tiếp tục khám phá những ngôn ngữ hình thể tân kỳ mà Tạ Duy Bình và đoàn kịch hiện đại Citymoon đã thể nghiệm suốt nhiều năm qua. Kho từ vựng hình thể phong phú của vở kịch là sự tổng hợp của những đường nét thể hiện đương đại, của kịch câm, cách tạo âm, võ thuật (đặc biệt là kung fu) cùng những phong cách sân khấu cổ truyền Việt Nam, qua đó, một tác phẩm hấp dẫn và đầy sức mạnh được hình thành như một chứng cứ hùng hồn về khả năng diễn tả tân kỳ và về đường lối nghệ thuật sân khấu đa văn hoá đương đại.

Với âm nhạc, ánh sáng và những chuyển động hình thể khéo léo lạ lùng của bốn diễn viên, vở kịch đã mở màn bằng một không khí huyền ảo như trong chiêm bao hay thần thoại. Các diễn viên vừa tạo âm bằng những chữ, những câu thơ, lại vừa tạo hình bằng chính cơ thể mình. Họ là cây lá, chim muông, côn trùng, tảng đá, thác nước... Họ cũng là những linh hồn thời tiền sử hiện về thấp thoáng như ảo ảnh... Rồi tiếp theo đó là những màn kịch bi hài đầy chất thơ, kết hợp tài tình những đường nét diễn xuất truyền thống và đương đại, những chất liệu cổ điển Đông phương và tiền phong Tây phương. Qua đó, vở kịch liên tục đem đến cho người xem những bất ngờ không thể đoán trước. Thử kể lại đây vài hình ảnh:

Một nhà tiên tri hay một vị thần núi với khuôn mặt vừa dữ dằn vừa nhân từ ngồi chơi thuyền giấy một cách ngây thơ như cậu bé bên dòng nước, vừa thổi xuống nước, vừa hắt nước vào thuyền giấy, ngờ đâu lại tạo nên những sóng gió bão tố trên đại dương khiến bao nhiêu thuyền bè bị tàn phá và con người phải đương đầu với những giờ phút tử sinh. Một bà mẹ khỉ nhặt được một cậu bé sống sót sau cơn bão biển, trôi dạt vào bìa rừng, và nuôi dạy cậu lớn lên, bất chấp lời tiên tri đen tối của thần núi; không nói một lời, nhưng những động tác của hai diễn viên thực sự thể hiện được hình dáng và tình mẫu tử của loài khỉ một cách rất tài tình và cảm động. Một chàng trai Việt và một cô gái Úc hẹn hò và tâm tình bên bãi biển; họ nói ít, và nói như thơ, nhưng động tác của họ thể hiện được một cảm giác hoang mang về tương lai không thể diễn tả bằng lời. Một chàng trai Việt đối thoại với hình bóng của bà mẹ Việt đứng sau màn, nhưng lời nói của mỗi người nghe chỉ như độc thoại, và động tác của họ lại làm toát lên được những dằn vặt về quá khứ và khát vọng về tương lai của người Việt tị nạn. Một đám hề bất ngờ xuất hiện với một điệu nhạc thời trang và những cử chỉ khôi hài, nhưng lại trình diễn một bài hát rất chua chát về sự tiến thoái lưỡng nan của con người trong cuộc xung đột văn hoá. Một cặp tình nhân trẻ, chàng là người ở sơn lâm, nàng là con gái của thủy thần, trao đổi với nhau những lời như trong thần thoại, nhưng lại làm bật lên sự mâu thuẫn về văn hoá và màu da của đời sống đương đại. Một chàng trai cô đơn đứng cô đơn giữa rừng núi và biển cả, đọc lên những lời thơ trừu tượng, nhưng với động tác và nét mặt, đã diễn tả được nỗi hoang mang của thế hệ trẻ hôm nay giữa hai nền văn hoá. Một cô gái da trắng, sau ngày đám cưới với chàng trai Việt, đã trút bỏ bộ quần áo Tây phương để mang vào chiếc áo dài Việt Nam, nhưng động tác của cô lại thể hiện sâu sắc cuộc chiến đấu với bản thân để tự lột xác mình như con rắn lột da. Một cuộc xô xát giữa một bà mẹ chồng người Việt và một cô dâu người Úc rất dữ dội, nhưng tính chất cách điệu của động tác tuồng cổ và bầu âm thanh đầy tiếng trống chầu, trống chiến và nhạc tuồng, lại khiến mọi sự như thể chỉ xảy ra trong tiềm thức hay ác mộng. Cảnh bà mẹ Việt qua đời cùng lúc với con dâu Úc hạ sinh bé trai đầu lòng được thực hiện chỉ với những tiếng ho và tiếng khóc cùng lời độc thoại của người thanh niên Việt, nhưng lại toát ra một xúc động sâu sắc và những ý nghĩa biểu tượng về sự qua đời và ra đời, về sự trao truyền và kế thừa văn hoá, về lòng hy sinh và tình yêu cao đẹp của con người...

Một vở kịch dài một giờ rưỡi và đầy thử thách nghệ thuật như vậy, nhưng với bốn diễn viên: Mỹ Linh, Nathalie Hankinson, Đỗ Khoa, và Hoàng Ngọc Tuấn, mọi đường nét và khía cạnh của diễn xuất đều được thể hiện hết sức trọn vẹn. Điều này chứng tỏ cả bốn đều có đầy bản lĩnh sân khấu.

Mỹ Linh thủ vai bà mẹ khỉ trong rừng sâu và bà mẹ Việt tị nạn. Chị đã tốt nghiệp Trường Sân Khấu ở Việt Nam vào năm 1979, và sau đó, chị đã tham gia nhiều đoàn kịch chuyên nghiệp như đoàn Bông Hồng và đoàn Kim Cương. Ở Sydney, chị được nhiều đồng hương biết qua các tiết mục kịch truyền thanh trong vai Bà Chín Sydney. Vào năm 1992, chị cũng đã viết một số kịch bản truyền thanh cho đài SBS. Chị cũng tham gia nhiều đoàn cải lương ở Sydney, và gần đây nhất, chị thủ vai bà mẹ trong vở kịch "Đã Muộn Rồi" của Lê Châu Quỳ. Tuy nhiên, vở Bà Mẹ Khỉ là một kinh nghiệm nghệ thuật mới lạ đối với chị: chị phải diễn bằng tiếng Anh và phải tập luyện những động tác hình thể hết sức tân kỳ của sân khấu quốc tế đương đại.

Natalie Hankinson đóng vai con dâu người da trắng và con gái của thủy thần. Chị tốt nghiệp Cử Nhân về Kịch Nghệ ở đại học Wollongong vào năm 1999. Sau đó, chị đã tham gia nhiều vở kịch như "Moon Children", "Strike Me Lucky", "Kidstakes" và "A Doll's House". Chị cũng trình diễn đọc thơ trên đài ABC qua tác phẩm "Conversation with A Dead Poet". Vở Bà Mẹ Khỉ là một thử thách lớn đối với chị, vì chị phải học động tác tuồng cổ, động tác võ thuật Đông phương và học hát tiếng Việt.

Đỗ Khoa là một tài năng trẻ đầy triển vọng. Trong vở Bà Mẹ Khỉ, anh thủ vai người con trai của sơn lâm và người thanh niên Việt tị nạn. Không chỉ là diễn viên, anh đã từng là kịch tác gia và đạo diễn. Trước đây, anh đã diễn với đoàn Citymoon trong các vở như "Journeys West", "Reclaim the Streets", ngoài ra, anh còn hợp tác với đoàn Urban Theatre Projects trong các vở "Chạy Vòng Vòng","Subtopia", "Tabernacle" và "Individuals Only". Gần đây, anh đã viết kịch bản phim "Delivery Day" cà được đài truyền hình SBS tài trợ để thực hiện. Phim đã quay xong, và đây cuốn phim đầu tiên về đời sống người Việt ở Sydney. Năm 2001, anh sẽ cộng tác với Urban Theatre Projects như kịch tác gia kiêm đạo diễn của vở "Camp Villawood". Đỗ Khoa còn là một nhà hoạt động xã hội rất tích cực. Tháng 2 vừa qua, anh được tổ chức Living in Harmony chọn làm đại biểu của Úc để tham dự đại hội Action 2000 Anti-Racism Youth Tour ở Canada. Đến với vở Bà Mẹ Khỉ, Đỗ Khoa có cơ hội dấn thân vào sân khấu hình thể, một loại hình đầy sáng tạo và thử thách.

Hoàng Ngọc Tuấn là một tên tuổi rất quen thuộc với cộng đồng người Việt chúng ta. Trong vở Bà Mẹ Khỉ, anh thủ vai nhà tiên tri và thần núi. Anh cũng là người viết nhạc cho vở này. Chúng ta có lẽ ai cũng đã nghe và biết nhiều về anh trong lãnh vực âm nhạc và văn học. Tuy nhiên, Hoàng Ngọc Tuấn cũng dấn thân rất nhiều vào kịch nghệ. Anh đã viết nhạc cho hơn mười vở kịch hình thể, và anh đã từng thủ vai chính trong vở "The Return" cùng với Tạ Duy Bình, một vở kịch được giới phê bình Úc nhiệt liệt khen ngợi. Anh cũng là kịch tác gia kiêm nhà soạn nhạc cho vở "Finding the Buffalo" khai triển trên Thập Mục Ngưu Đồ của Thiền Tông, vở này sẽ công diễn vào tháng 2/2001 và cũng sẽ được đoàn Citymoon dàn dựng dưới tài đạo diễn của Tạ Duy Bình và Bruce Keller. Trong vở Bà Mẹ Khỉ, Hoàng Ngọc Tuấn đã hy sinh cạo nhẵn bộ tóc tài tử cho nghệ thuật để phù hợp với vai trò một nhân vật mang tính thần thoại, dùng âm nhạc để điều khiển định mệnh con người. Với bộ đầu trọc và khuôn mặt sơn vàng như nghệ và chiếc áo choàng màu vàng, anh xuất hiện huyền ảo và độc đáo, khi thì hiền như thiền sư khi thì ác như phù thủy, một tay tạo nên cả đau khổ lẫn hạnh phúc cho con người từ khi chào đời đến khi nhắm mắt.

Bài trí sân khấu được thực hiện một cách đơn giản nhưng tân kỳ. Sau sân khấu, Pierre Thibaudeau trình bày ba bức phông phủ vải màu tượng trưng cho rừng núi, biển cả và đô thị. Trên sàn diễn, có một hồ nước hình tròn tượng trưng cho chu kỳ vĩnh cửu của nước; và bảy gốc cây tượng trưng cho cảnh rừng. Thế nhưng, tất cả những bức phông và các vật dụng đều có thể di chuyển liên tục để tạo nên những không khí và hoàn cảnh khác nhau. Ánh sáng là cả một nghệ thuật tinh vi. Qua tài thiết kế của Richard Montgomery và tài điều khiển của Phil Haywood, ánh sáng góp phần làm sân khấu trở thành một không gian huyền ảo và đầy ý nghĩa. Âm nhạc còn đóng một vai trò quan trọng hơn nữa. Từng cấp độ tình cảm, từng trạng huống, từng khung cảnh của vở kịch đều gắn bó mật thiết với âm nhạc của Hoàng Ngọc Tuấn. Ở đây, nhạc đã tạo nên một chiều sâu khác, bên ngoài ngôn ngữ và động tác của diễn viên.

Vở kịch không chỉ đơn giản có một cốt truyện như đa số kịch bản thông thường của Việt Nam. Bà Mẹ Khỉ là vở kịch gồm hai câu chuyện xen lẫn vào nhau, nhưng luôn luôn trôi chảy song song với nhau. Câu chuyện cụ thể nhất nói đến cuộc xung đột và hoà giải về văn hoá giữa một bà mẹ Việt và con dâu người da trắng, sự mâu thuẫn về quan niệm sống giữa thế hệ già và thế hệ trẻ tị nạn, qua đó, mỗi người, cả người Việt lẫn người da trắng, cả thế hệ già lẫn thế hệ trẻ, đều phải biết hy sinh và dẹp bỏ lòng tự kỷ để có thể sống hoà hợp. Song song với câu chuyện này, là câu chuyện mang tính thần thoại hay ảo ảnh, nhằm tạo nên một gợi ý về thế giới nội tâm thầm kín và những khát vọng thâm sâu của mỗi con người. Để có thể tạo được sự nhất quán hết sức tinh tế này giữa hiện thực và huyền thoại, chúng ta không thể không nhắc đến vị trí của người cố vấn dàn dựng, Bruce Keller, một kịch tác gia kiêm đạo diễn tiền phong của Úc, một người am tường về văn hoá và nghệ thuật truyền thống Việt Nam, một người đã cùng Tạ Duy Bình dựng rất nhiều vở thành công về những khía cạnh đời sống và vấn đề văn hoá của người Việt tị nạn.

Sự thành công cao nhất của nghệ thuật sân khấu đương đại là ở chỗ nó thể hiện được những ý tưởng, những triết lý, những xúc cảm, những ấn tượng không thể kể lại hay diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường. Ngay cả giữa kịch bản trên giấy và tác phẩm đã được dàn dựng hoàn tất trên sân khấu cũng có một khoảng cách rất lớn, huống hồ là một lời ghi nhận ngắn ngủi của người xem kịch. Do đó, những điều ghi nhận ở đây chỉ là một nét nhỏ và đầy thiếu sót về một tác phẩm nghệ thuật đầy công kỹ và tài ba. Độc giả phải đến với vở kịch để thưởng thức tận mắt, thì mới cảm nhận được hết những điều mà ngôn ngữ đành bất lực.

Sydney, 22/10/2000


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021