kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Kẻ vô loài

 

Lời toà soạn:
 
KẺ VÔ LOÀI là một vở kịch ngắn, trong tập SHORT PLAYS / KỊCH NGẮN của Nguyễn Quỳnh (dưới bút danh J.E. Williams). Tập này gồm 10 vở: The Outcast (2006, Kẻ Vô-loài), The Return (2006, Trở Về), Language (2006, Ngôn-Ngữ), North Mountain (2006, Bắc-sơn), Afternoon Yawning (2006, Ngáp Xế Trưa), Tây-Thi (2006), Intercursus (2006, Dao-cảm), Metaphor (2006, Ẩn-dụ), Vanitas (2005, Ngày Xanh Mòn Mỏi), và Belvedere (1996-2006, Đèo Ngoạn-Mục).
 
Tập SHORT PLAYS / KỊCH NGẮN có lời nói đầu như sau:
 
Established February 28, 2006, except “Belvedere” of 1996 recomposed. These short Drama pieces were originally written in English. The Vietnamese versions are adaptations with some modifications for linguistic purposes without affecting content and context.
 
Những vở kịch ngắn này được khởi sự viết từ ngày 28 tháng 2, 2006, ngoại trừ vở “Đèo Ngoạn-Mục” viết năm 1996, và được bố-cục lại. Hầu hết được trước-tác bằng Anh-ngữ, rồi chuyển sang Việt-ngữ với một vài thay đổi về mặt ngôn-ngữ, chứ không xâm-phạm nội-dung.

 

___________

 

KẺ VÔ-LOÀI

 

KỊCH NGẮN MỘT MÀN HAI CẢNH

 

CẢNH MỘT

 

Uỷ-viên: Anh có mù không?

Hải: Thưa Uỷ-viên, tôi không mù.

Uỷ-viên: Không mù nghĩa là anh có thể thấy được chứ gì?

Hải: Thưa ngài vâng.

Uỷ-viên: “Thưa ngài?” (Nhìn quanh rồi nhìn hội-đồng có năm người) Các đồng-chí có nghe anh ta gọi tôi là gì không?

Hội-đồng: (Có người cười, có người gật đầu.) Có nghe. Anh ta gọi Uỷ-viên là “Ngài”.

Uỷ-viên: (Lấy ngón tay chỉ vào mặt Hải). Này, anh nghe cho kĩ. Tôi có hai điều muốn nói với anh. Chớ có hỏi han lôi thôi. Điều thứ nhất: Tôi là công-bộc của dân chứ không phải là thứ quan-liêu cứt đái trưởng-giả. Điều thứ hai: Vất cái cục phân trên mắt anh đi nếu anh nói anh không mù. Anh hiểu tôi nói gì không?

Hải: Thưa đồng-chí, tôi hiểu.

Uỷ-viên: Hiểu gì? Anh là cái đéo gì? Anh đâu phải là đồng-chí với tôi!

Hải: Tôi ... Tôi xin lỗi Uỷ-viên.

Uỷ-viên: Nếu anh không mù anh hãy bỏ cái dấu-hiệu trí-thức rởm ấy đi.

Hải: (Đưa tay sờ gọng kính) Kính đọc sách của tôi? Tôi cận-thị.

Uỷ-viên: Cận-thị? Thì cứ nói là “nhìn gần không rõ” hoặc “có mắt cũng như không”. Anh vừa nhìn gần không thấy và có mắt cũng như không.

Hải: (Bỏ kính ra) Tôi nhìn gần không thấy gì cả.

Uỷ-viên: Thiển-cận! Chúng tôi đâu có bảo anh đọc sách. Đâu có phải lúc nào anh cũng đọc sách. Thế thì việc gì anh cứ phải đeo kính “trí-thức” giữa quần chúng làm gì. Đó là dấu hiệu của ngoan-cố. Anh có biết rằng trí-thức là hạng người vô tích-sự hay không?

Thành-viên Một: (Chỉ vào đống giấy trên bàn) Đồng-chí. Gió! Tập-giấy tự-thú của anh ta!

Uỷ-viên: (Vội vã dùng hai tay giữ đống giấy. Ông ta giở phớt qua, và tò mò nhìn vào vài trang viết tay) Hừm. Nhiều ra phết. Hai tuần tự-thú. Cha anh làm gì?

Hải: Thầy giáo.

Uỷ-viên: Dạy gì?

Hải: Dạy chữ Nho!

Uỷ-viên: Anh làm gì?

Hải: Tôi là sinh-viên trường Bách-nghệ Paris.

Uỷ-viên: Đã hai mươi bảy mà anh vẫn chưa học xong?

Hải: Tôi cũng không ngờ tôi phải học lâu thế.

Uỷ-viên: Tại sao anh phải sang Tây học?

Hải: Cũng là cái “mốt”. Với lại giáo-dục bên Tây tốt.

Uỷ-viên: Giáo-dục thuộc-địa mà tốt à? Ngửi lồn đầm chưa? (Cả uỷ-ban cười)

Hải: Ồ. Tôi xin ...

Uỷ-viên: Anh có biết là Bác Hồ đã từng sống và làm việc ở Ba-lê không?

Hải: Người ta nói Bác có làm thợ hình.

Uỷ-viên: Anh chẳng biết gì cả. Thảo nào học mãi không xong. Nói cho anh ta biết (quay về phía uỷ-ban) Có đồng-chí nào làm ơn nói cho anh ta biết Bác Hồ đã từng làm gì ở Ba-lê đi?

Thành-viên Hai: Ở Ba-lê Bác Hồ thành-lập đảng Cộng-sản Đông-dương. Trong số các lĩnh-đạo Cộng-sản quốc-tế, Bác còn ở trên Mao và Stalin.

Hải: Vậy hả? Thế mà tôi không biết!

Uỷ-viên: Bác Hồ còn luyện “Thiên-linh Cái” ở Lào, cho nên Bác ghê-gớm lắm, cỡ Mao Chủ-tịch và Lenin không đáng xách dép cho Bác.[*]

Hải: Giời ơi!

Thành-viên Một: Các nhà nhân-bản ở Tây ngưỡng-mộ Bác. Họ thường đến văn-phòng của Bác để thăm hỏi Bác, và cùng Bác tranh-đấu cho tự-do dân-chủ.

Hải: Ô! Bác có cả văn-phòng?

Uỷ-viên: (Nhìn Hội-đồng) Thứ “chết-tiệt” chẳng đáng “ngâm-tôm”.

Thành-viên Ba và Năm: Khoảng trưa mai Tú Thiều đến đây. Rồi sẽ tính.

Thành-viên Một: Tôi đề-nghị tạm thời cho anh ta quét sân và phụ đầu bếp.

Uỷ-viên: Nghe được đấy! Nhất trí chứ?

Hội-đồng: Nhất trí!

Uỷ-viên: (Nhìn Hải soi mói) Anh có biết nấu cơm Tây không?

Hải: Không nhiều lắm.

Hội-đồng: Tốt. Ngày mai làm một món đi!

Uỷ-viên: Sắp tối rồi. Chổi rễ đâu?

Người quét nhà: (Người quét nhà là một cụ già từ nãy vẫn ngồi bên thềm, thỉnh thoảng cười cười khi nghe câu chuyện. Cụ đứng dậy dơ chổi lên) Chổi rễ đây!

 
Một tiếng đại-bác nổ rung chuyển căn nhà. Người nào cũng đứng dậy sững sờ và ngây như tượng đá, chỉ có Hải là vội vã nằm sấp trên mặt đất. Một dẫy những tiếng nổ khác dồn-dập như một cuộc giao-tranh dữ-dội trong đó có tiếng súng lớn, tiếng người, tiếng chó, và tiếng chân người dồn dập. Nhưng chỉ khoảnh khắc sau, sự hỗn-độn tan đi, chỉ còn tiếng đại-bác cứ “dập-dình như giã-gạo” mà thôi. Uỷ-viên thét lên: “Địt mẹ nó tấn-công mình rồi! Các đồng-chí cứ bình-tĩnh. Theo tôi!”

 

 

CẢNH HAI

 

Hải: Anh ạ, ngồi đây nhìn qua bức mành tre em thấy nắng vàng rực rỡ. Em thấy gió lướt trong bụi, trong cây trong vườn. Một buổi trưa tháng Hai đẹp quá mà lòng chẳng vui! Em nhớ đến bài thơ Tố-Hữu làm khi ông ta ở trong tù: “Tôi đã nhường cơm, mớm nó ăn. Đủ làm sao được, thiếu không-gian!” Em chả làm gì mà bị nhục lắm! Họ có làm phiền anh không?

Tú Thiều: Họ chỉ xem những gì chú khai có đúng không. Anh chỉ có 15 phút với chú mà thôi.

Hải: Em đâu ngờ lại được gặp anh.

Tú Thiều: Chán quá! Anh chẳng nhận được thư nào chú gửi từ Pháp về quê. Nếu chỉ nhận được một cái thôi, anh đã khuyên chú chớ có hồi-hương.

Hải: Em đâu có biết tình trạng thế này. Ở Pháp người ta nói khác!

Tú Thiều: Thầy U chưa biết chú đã về Việt-nam. Đừng thăm Thầy U lúc này.

Hải: Cũng là lỗi ở em. Họ không cho em đeo kính cận.

Tú Thiều: Thôi thì cứ theo họ mà làm. Nghe nói tối qua Tây nã đại bác về đây?

Hải: Vâng. Em sợ quá! Nghe nói tự-vệ sẽ rút khỏi đây. Có lẽ giờ này họ đã đi rồi.

Tú Thiều: Nếu tối nay Tây nã đại-bác nữa thì sáng sớm ngày mai nó sẽ cho ca-nô đổ bộ để càn quét vùng này. Nếu thế chú tìm cách nói với họ chú là tù-nhân. Chú còn giữ giấy tờ gì ở Ba-lê không?

Hải: Còn. Giấy cư-trú và thẻ sinh-viên ở đại-học Bách-khoa.

Tú Thiều: Giời ơi tốt quá. Chúng không tịch-thu những giấy đó à?

Hải: Dường như họ cũng không để í đến. Này Anh, nếu Tây không đến thi sao?

Tú Thiều: Đó là điều anh sắp bàn với chú. Chú có thấy nhiều dân tản-cư đến đây không?

Hải: Có. Nhiều người ở đây cũng tản-cư.

Tú Thiều: Anh nghe nói tối qua Tây nó nã đại-bác cả tiếng mới ngừng phải không?

Hải: Vâng. Người ta bảo tối nay nữa thì không còn gì!

Tú Thiều: Tây nó quyết định kiểm-soát vùng này. Đây là kế-hoạch của Jean de Lattre de Tassigny. Tối qua mấy giờ nó pháo?

Hải: Khoảng sáu rưỡi.

Tú Thiều: Nó sẽ nã khoảng giờ đó tối nay. Khi nghe tiếng đại-bác đầu tiên, chú phải nhập vào dân tản-cư ngay. Lúc đó công-an cũng bận. Còn tư-vệ lo chuyện Tây đến chứ chuyện vớ-vẩn như của chú và chuyện dân chả có nghĩa gì.

Hải: Em hi-vọng thế!

Tú Thiều: Đêm qua dân tản-cư đi đâu?

Hải: Đi đâu! Nó nã khiếp quá. Nhưng đêm nay họ quyết định đi về Hưng-yên nếu không thì muộn mất vì thế nào cả vùng này cũng bị bao vây.

Tú Thiều: Tốt. Họ sẽ đến ngã ba, điểm duy nhất ở phía nam cách đây khoảng ba tiếng. Khi tới ngã ba ấy chú rẽ về tay phải. Đi độ năm cây chú sẽ thấy đê Tứ-kì. Chú rẽ về tay phải trên đê để đi về phía bắc. Đi ở ven chân đê. Đừng rẽ vào Xuân-nẻo làng mình, nguy-hiểm lắm. Cứ đi về Mĩ-xá, tìm đến nhà cô Mĩ. Làng Mĩ-xá là điểm dân tản-tư dừng chân để nghe ngóng tin-tức chính xác trước khi quyết định về Hải-dương hoặc Hải-phòng. Chồng cô Mĩ quen biết nhiều. Cậu ấy chứa tổ-tôm và nhận đổi tiền từ Hồ sang Đông-dương. Cậu ấy rất hiểu tình-thế và sẽ giúp chú về thành. Còn tiền không?

Hải: Nó lấy hết rồi.

Tú Thiều: Anh cho chú một trăm tiền Hồ, tức khoảng hai chục Đông-dương.

Hải: Em cảm ơn anh!

Tú Thiều: Chú phải đến nhà cô Mĩ trước khi trời sáng. Thế là chú có hai cách thoát thân.

Hải: Em quên không hỏi anh bây giờ ra sao?

Tú Thiều: Anh cũng chẳng sao. Anh đã đóng cửa trường. Họ bảo anh lên mạn ngược, phía Tây-Bắc. Họ nhờ anh dạy phổ-thông cho cán-bộ trẻ và bộ-đội. Có thể anh cũng phải dịch truyền-đơn sang tiếng Pháp. Nghe nói ở trên ấy có một số Tây đào-ngũ và Tây có cảm-tình với Đảng làm việc nữa.

Hải: Sao anh không đi với em?

Tú Thiều: (Cả hai bước ra sân) Anh phải nghĩ đến Thầy U và các em còn nhỏ. Đời anh kể như đã muộn rồi. Kìa tự-vệ đến! Anh chúc chú may mắn, và hãy nhớ câu này:

Thà đi biệt-tich cho xong,

Đừng quay lại trước phương Đông mịt mù.

Hải: (Cúi đầu chào tự-vệ, nhưng lớn tiếng nói với Tú Thiều) Em sẽ là người dân gương mẫu. Hằng ngày em quét cái sân này và làm mọi việc uỷ-ban giao phó.

Tú Thiều: Chớ có hồ-đồ thì khốn đấy.

Hải: Anh cứ tin em. Người ta nói Bác Hồ bảo ông Trần Đức Thảo hãy học từ dân.

Tú Thiều: Còn chú thì sao?

Hải: Em phụng-sự dân.

Tú Thiều: (Nói với tự-vệ) Thằng em tôi còn phải học nhiều!

Tự-vệ Một: (Nhìn Hải thở dài) Chẳng qua cũng vì liếm gót giầy Tây lâu quá mà thôi!

 

 

HẠ MÀN

 

_________________________

[*]Ngày nay ở Sàigòn (2006) một vài người có học ở miền Nam trước 1975 qủa quyết rằng Bác Hồ luyện Thiên-linh Cái tới bậc thượng-thừa.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021