kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Thằng bù nhìn – Độc thoại giữa trời
Hoàng Ngọc Biên dịch & giới thiệu

 

 

Jean Tardieu (1903-1995) là nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và là một trong những người viết về nghệ thuật độc đáo nhất của nước Pháp. Ông sinh ở Saint-Germain-de-Joux năm 1903, trong một ngôi làng nhỏ ở Jura, xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ: cha là họa sĩ Victor Tardieu (sau này là người sáng lập trường Mỹ thuật Đông dương ở Hà Nội), mẹ là một nhạc sĩ đàn harpe, môn đệ của Saint-Saëns. Là một trong những gương mặt quen thuộc của sinh họat văn nghệ Paris, những bài thơ đầu tiên của ông xuất hiện trên tạp chí La nouvelle revue française năm 1927 đã được nhiều người chú ý và ngưỡng mộ. Sau thời gian quân dịch ở Việt Nam trở về Paris (1932), ông từng tham gia in ấn và xuất bản sách báo Kháng chiến, bắt đầu kết thân với Aragon, Éluard, Queneau, Seghers và Frénaud, tiếp tục làm thơ, viết kịch, làm việc cho Viện Bảo tàng quốc gia, rồi nhà xuất bàn Hachette, và hoạt động lâu năm trong ngành phát thanh. Jean Tardieu mất ngày 27 tháng Giêng năm 1995 ở Créteil, để lại cho hậu thế một gia tài thơ ca và sân khấu đồ sộ, không những trên quê hương ông mà còn khắp thế giới.
     Ngoài những vở kịch nổi tiếng (trong Théâtre de Chambre, 1955; Le Professeur Froeppel, 1978; La cité sans sommeil, 1984; những vở kịch in trong La comédie du drame, 1984 – trong số có L’Épouvantail; L’Archipel sans nom, 1991), những bài văn xuôi đầy chất thơ (La Part de l’ombre, 1972), những công trình tìm kiếm hình thức thơ ca (Formeries, 1976), tự truyện (On vient chercher Monsieur Jean, 1990), và nhiều bài viết tuyệt đẹp về nghệ thuật tạo hình, những tác phẩm thơ Jean Tardieu để lại cho chúng ta như Accents, Le témoin invisible, Jours pétrifiés, Monsieur Monsieur, Une voix sans personne, Histoires obscures, Colloques et Interpellations, Margeries... cho thấy một tiếng nói luôn luôn tươi, mới, và mỗi bài thơ là một sân khấu không cường điệu trong đó chữ viết và sự im lặng, đêm và ngày, mơ và thực cùng một lúc biểu hiện bi kịch của con người.
     Tardieu bước vào kịch một phần có thể nói là do tình cờ... lịch sử. Và do một khám phá làm ông thất vọng: đáp ứng lời mời của bạn là Francis Ponge, lúc bấy giờ đang phụ trách tạp chí Action, cơ quan văn hóa của đảng Cộng sản Pháp, Jean Tardieu (tương đối ít dấn thân chính trị hơn F. Ponge) nhận lời phụ trách trang sân khấu, và sau đó đã thường xuyên lui tới các nhà hát, để rồi đi đến một sự vỡ mộng: “Tôi kinh ngạc nhận ra là nghệ thuật sân khấu, so với các loại hình nghệ thuật khác, đã chậm tiến xét về phong cách, hình thức lẫn nội dung... một thứ tầm thường, hiện thực giả, câu nệ trường qui, nhất là trong hài kịch nhẹ, vẫn được thực hiện một cách thật là khủng khiếp... Bầu khí sân khấu thời hậu chiến của chúng ta quả là xám xịt, chậm tiến và cực kỳ tầm thường!” (Causeries devant la fenêtre). Từ cái nhìn thất vọng ấy, nằm trong số những kịch tác gia thường được kết chung dưới nhãn hiệu “sân khấu phi lý” thời bấy giờ: Ionesco, Beckett, Audiberti, Obaldia... – những người cùng nhận ra yêu cầu vượt khỏi những phương thức kịch đã bị vét cạn kiệt quệ, dùng hình thức hài để thể hiện nỗi ám ảnh hư vô, sự trống rỗng và sự tan rã tuyệt đối những giá trị tinh thần thời hậu chiến – Tardieu bắt đầu viết kịch, và tuy đôi khi bị coi chỉ là một tác giả sử dụng nghệ thuật sân khấu cho những “trò chơi ngôn ngữ” của mình, ông vẫn thực sự đã tìm được một vị trí riêng cho mình. Những vở kịch của ông được dàn dựng tuyệt đẹp ở nước ngoài như Đức, Tây Ban Nha, đặc biệt là ở Mỹ, trên các sân khấu chuyên cũng như sân khấu thể nghiệm ở các trường đại học trong vòng mươi năm gần đây cho thấy nhận xét này là có cơ sở. Kịch Tardieu, mặc dù thường khác nhau về thể loại, hoặc về đề tài, lúc nào cũng tập trung quanh một chủ đề chung: một thứ hài hước thường khi cay nghiệt, và lúc nào cũng chứa đựng những khía cạnh bi kịch, lẫn với cái lạ thường, cái phi lý. Khởi đi từ một thực tại ngày thường, người đọc lạc vào một thế giới tưởng tượng bất an, đầy hiểm nguy, làm liên tưởng đến những kỷ niệm đã qua của cuộc đời, của số phận con người.
     Thằng Bù nhìn được chuyển ngữ từ nguyên tác L’épouvantail – Monologue de plein air trong tập kịch La comédie du drame (Folio, Gallimard, 1984) chính là một trong những thí dụ điển hình của sân khấu Tardieu.
     Năm 2001 nhà Trình bầy đã xuất bản Thư Hà Nội* của Jean Tardieu với phần chú thích tường tận cuốn Lettre de Hanoï (Gallimard, 1997), tác phẩm gom những lá thư nhà văn trẻ tân binh quân dịch ở Hanoi gửi cho Roger Martin du Gard.
Hoàng Ngọc Biên

 

-----------------
* Jean Tardieu, Thư Hà Nội, do Nguyễn Thu Hồng và Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ, 96 trang, ảnh bìa của nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân (Hà Nội), in chung với bài viết "Jean Tardieu: Những ngày Hà Nội" của Hoàng Ngọc Biên, Nhà xuất bản Trình bầy, 2001.

 

_________________________________

 

Tranh của Claire Forgeot cho bìa sách La comédie du drame

 

THẰNG BÙ NHÌN

độc thoại giữa trời

 

Sân khấu cho thấy – hay tượng trưng - một cánh đồng lúa mênh mông vắng ngắt, cuối một buổi chiều thu.

Phía trước người ta dựng một “thằng bù nhìn” kiểu cổ điển: một thứ hình người trên giá trông như “một chàng nộm” cao lớn.

Hắn mặc quần áo rách rưới (may bằng những mảnh ráp nối rất nhiều màu), nhồi bằng rơm và giẻ rách.

Hắn giang hai tay thành hình chữ thập, hai bàn tay làm bằng những chiếc găng cũ đã rách. Cái đầu, mà người ta chỉ còn nhìn thấy có mỗi chùm râu và những hàng râu mép xồm xoàm, cùng với lông mày rậm rạp, đội một chiếc nón dạ cũ thủng lỗ.

Hắn nói giọng khàn, kéo dài, hơi giống giọng một người say rượu.

Ta có thể cho hắn một thứ giọng nói địa phương – vùng Berri, Bourgogne, hay Auvergne, chẳng hạn - thỉnh thoảng giọng cáu gắt.

 

Ghi chú: Diễn viên thủ vai này cần “dùng kỹ xảo” trong cách giả trang sao cho có thể che giấu hai cánh tay dọc theo thân mình, bên dưới quần áo rách.

Hai “cánh tay thằng bù nhìn” sẽ được đỡ bằng một cái gậy luồn ngang sau vai và xâu qua tay áo.

Khi màn kéo lên hay vén ra, và ánh sáng rọi dần lên màn, thằng Bù nhìn đang lẩm bẩm vài tiếng không rõ, ngắt bằng những tiếng càu nhàu.

Hắn ngáp dài.

 

BÙ NHÌN, giọng ban đầu nhão và đục

và sau đó mỗi lúc một rõ hơn

 

Xin chào xin chào, tôi quá chán

trên cái cánh đồng mênh mông này

đi qua đây chẳng có mống nào trông giống tôi!

 

Một tiếng nấc cà khịa và cười nhạo.

 

Giống như Bù nhìn tôi đây.

 

                  Một lát.

                  Người ta nghe tiếng gió và sau đó là tiếng rít nhỏ cách quãng.

 

Đứng thẳng và một mình thời tiết nào cũng vậy,

dân trong làng cắm tôi ở đây

để dọa lũ chim ăn trộm

để ngăn chặn chúng đánh cắp hạt gieo

rồi thì là lúa chín rồi thì là lúa gặt.

 

                                          Hắn lại ngáp.

 

Mỗi năm người ta đưa tôi đến tận đây

trên chiếc xe chở ở trại

và đây chính là cả một cuộc vui cho ai nấy –

lũ đĩ chó chết –

khi chúng dựng tôi lên trên cánh đồng,

và tôi phải vừa cảnh giác vừa bất động, trong khi Trái đất

quay hết nửa vòng!

Bọn trẻ thì vừa cười vừa vỗ tay

chẳng thèm để ý tới nỗi khổ của tôi,

chẳng thèm để ý tới cái nắng sắp thiêu đốt tôi

cái lạnh và mưa sắp làm tôi tê cóng!

Sau đó thì giã từ mọi người nhé, người ta bỏ đi

và giễu cợt chúc tôi may mắn

bởi vì tôi còn lại một mình giữa đất cày

với áo quần lỗ chỗ

không cách gì bước được một bước. Các người thấy không!

Ngọn gió lắc tôi không nương tay

làm cho cái nón cũ rách rưới của tôi quay cuồng

hai cánh tay dài độn rơm của tôi run rẩy

và làm réo lên một tiếng còi lố bịch đặt trong đầu tôi:

đó là tất cả cử động mà người ta cho phép.

 

                  Một trận gió làm cái còi rít lên ba hay bốn lần.

                  Thằng Bù nhìn cất một tiếng thở dài.

 

Tôi nhớ ngày xưa

khi tôi còn là một đứa bé như những đứa bé khác

với chân tay, mắt thảy đều cử động.

Tôi leo lên tầng nóc nhà

tôi mở những cái rương cũ bụi bặm

đầy những kỷ niệm của tổ tiên

tôi tìm thấy những áo quần cũ.

Tôi thích nhất là bộ đồng phục Quốc quân

của ông cố, từ thời Roi-Bourgeois.

Có bộ đồ vải dạ đen rất nặng

với những cái độn vai trông như một bộ râu đỏ

cái mủ sacô rất cao cái dây đeo gươm bằng da trắng

và cái gươm cái gươm tổ bố lụt nhách.

 

                                          Một tiếng thở dài.

 

Xin chào xin chào, đó là cái thời xa xưa.

Thời tôi lén mang quần áo thải ra ngoài bãi cỏ

phía sau chuồng ngựa. Núp sau mấy cây táo

tôi trịnh trọng mặc quần áo vào

và suốt ngày tôi đã chiến thắng

hết những bọn kẻ thù khủng khiếp

là lũ hoa bồ công anh nữ hoàng trên đồng cỏ

những con ruồi xanh, bướm vàng và trắng dưới nắng.

Hồi ấy tôi đã là thằng Bù nhìn

nhưng chỉ là với tôi mà thôi

và với cái vinh quang là kẻ còn sống.

 

                              Một lát.

                              Người ta nghe vài tiếng chim: chim sẻ, chim

                              chiền chiện, quạ, v.v...

 

Thời ấy đã qua. Bây giờ đây

tôi vẫn còn phải chiến thắng

nhưng tôi đang đánh lại những người tôi yêu,

những người mà người ta chỉ định cho tôi như là kẻ thù:

đó là con chiền chiện hót cao đến độ ta không sao nhìn thấy

lũ chim sẻ tía lia nói cười, lũ sáo đá

từng đàn sà xuống đồng

lũ chim hét linh cảm lũ én say tốc độ

và lũ quạ với bộ áo quần đen lấp lánh xanh.

Còn tôi là người lính ở tiền đồn

tôi lại không còn có bộ áo đẹp của tổ tiên

và tôi thường phản bội. Khi gió không chịu lay tôi

tôi cứ để các ca sĩ kia tung hoành

ngốn ngấu lúa mì no nê yến mạch

và tôi cười dưới cái mũ thủng lỗ của tôi. Thật là một vố

tôi chơi bọn người trong làng, bọn cai tù, bọn tra tấn tôi!

 

                              Hắn cất tiếng cười ồ ề và ngắn. Một lát.

 

Cứ như thế mà cánh đồng mênh mông

nơi khoảng không thở thật là dễ chịu

nơi cứ mỗi mùa qua để lại một dấu bước ngát hương

bằng một bản án dứt khoát người ta biến nó thành một nhà tù

và hẳn là không có cực hình nào tệ hơn

sự cô đơn không dứt

và sự câm lặng của thế giới này.

 

                              Nhìn lên trời, giọng mãnh liệt.

 

Tại sao ôi tại sao ngươi bỏ ta?

 

                  Một lát.

                  Người ta nghe thằng Bù nhìn càu nhàu dưới hàm râu.

                  Đoạn sau đây sẽ được đọc với giọng “crescendo” mỗi

                  lúc một mạnh hơn.

 

Vì không có câu trả lời

tôi chờ đợi cơn dông như một lời hứa hẹn

giải thoát, nổi dậy.

Tôi đánh hơi thấy cái giờ khắc được tự do

được vĩnh viễn thoát khỏi nơi đây.

Khi trận bão báo hiệu sát mặt đất

bằng tiếng cỏ rì rào

khi mây trên trời ngả màu tối

khi tia chớp xé tan màn chân trời

khi sấm sét nổ vang như tiếng lăn thùng

khi mưa ập xuống như cơn lũ

khi tiếng vang giải phóng ầm lên

làm vỡ tung những khớp gỗ của tôi,

khi ấy tôi sẽ hét lên với mùa hè đã giết chết tôi:

ta đây chính là nạn nhân biết ơn của ngươi.

Nếu sấm sét có đánh chết tôi, càng tốt!

Tôi cũng đã đóng vai trò của tôi, con tin cô độc và bầm dập

bởi lẽ cái mà tôi che chở

không chỉ là mùa màng

mà là con người, toàn cả con người.

Tội ác của người, tôi xin nhận chịu.

Tôi kẻ khốn khổ nhất đời

tôi xin chịu hết một mình! Bởi tôi mà

con người có thể tiếp tục sống, tiếp tục yêu đương để sinh sản

và để gieo rắc ngày càng lan tràn

sự khiếp sợ trên toàn Trái đất

tới chỗ diệt hẳn cái dòng giống

vừa bị nguyền rủa vừa linh thiêng kia...

 

                  Một lát, như để lấy hơi.

                  Ánh sáng mờ đi rất nhanh, đêm tới.

 

Trong khi chờ đợi cái điều phải dến

nhưng không bao giờ hiện ra

trong niềm hi vọng và nỗi sợ

thì hết mùa này lại qua tới mùa khác. Xuân ngày càng xa tôi

rồi hè làm chín mùa màng

nhờ có tôi và cũng ngoài ý muốn tôi.

Rồi mùa gặt đến.

Giữa tiếng trục xe inh ỏi

tiến tới chiếc xe ba gác của đám thợ gặt

nhưng họ nom cũng trầm lặng

như cây cối và như sỏi đá quanh đây.

Ngay cả khi ăn những miếng bánh mì lấy được của chim

ngay cả khi uống rượu vang đánh cắp ở những vườn nho

họ chẳng biết phải nói gì:

họ nhìn trời

và trách móc, lo lắng

và họ lắc đầu trước khi trở về nơi trú ngụ.

 

                                                      Một lát.

 

Mùa thu tới với những bóng đêm.

Bọn trẻ bấy giờ đã lớn, chúng không còn liệng đá vào tôi

chúng cũng thế, chúng im lặng,

trước những cuốn sách học, dưới ngọn đèn bàn.

Đôi khi, không còn có ích gì nữa người ta lôi tôi đi

người ta đem vứt tôi vào kho thóc trên một đống củi

người ta quên tôi và tôi sốt ruột chờ đợi, lúc nào cũng một mình

cho tới mùa xuân năm sau.

Thường thường người ta cũng để tôi nằm đó

để tôi chết dần mòn,

kẻ anh hùng và là nạn nhân không đáng gì

của một cuộc chiến tranh quá thời.

 

                  Giọng thấp hơn, với phát âm nghe vừa tâm sự vừa có cái

                  vẻ tinh ranh hồn nhiên, trong khi bóng tối ngày càng tăng.

 

Nhưng đây cũng không phải là chuyện đơn giản!

Tôi sẽ kể các bạn nghe chuyện xảy cho tôi mà không ai biết!

Các bạn đừng đem nói với ai đấy!

Tôi lung lay, tôi lung lay

thế nhưng, lần này thì không cần phải có gió

và thế là dần dần

tôi tìm lại được đôi chân người của tôi

tôi tìm lại được niềm vui được đứng thẳng

và được đổi chỗ đứng theo ý tôi!

Tôi tự rứt ra khỏi chỗ đất

mà tôi được giao để bảo vệ

nhưng chưa một lần tưởng thưởng tôi

và tôi bắt đầu bước ra tới đường

và làm vang dội trên đá tiếng gót sắt của tôi.

 

                              Nó vươn mình, vừa hít đầy hai buồng phổi.

 

A, sống lại lần nữa thật là dễ chịu!

Thế là người chị đã nghe tôi,

chị Đêm tối vừa mù vừa câm của tôi,

người bạn thiết

xuất thân cùng gốc

mà đi thì tôi chẳng biết đi đâu

như tôi.

 

Bấy giờ tôi thấy không gì sướng hơn,

để còn tin rằng tôi hiện hữu,

là đánh thức cơn giận dữ của một con chó

trốn khỏi một trại láng giềng.

Nó cũng thế nó đóng vai kẻ bảo vệ ngu ngốc,

với nó cái gì nhúc nhích đều là kẻ thù.

Với tiếng sủa ăng ẳng quả là nó theo gần kịp tôi.

 

                  Đêm đen hoàn toàn.

                  Tuy nhiên người ta vẫn còn phân biệt – rất mơ hồ –

                  cái bóng của thằng Bù nhìn lắc lư và từ từ bước đi

                  về phía hậu đài.

 

Thế nhưng tôi không sợ. Bọn răng nanh kia còn

có thể rút ra được cái gì hơn nữa từ đống giẻ rách của tôi?

Và cái gì làm cho thiên hạ ai nấy sợ hơn

tiếng sủa của một con chó

hay cái bóng của một con người?

 

                  Người ta nghe tiếng bước đi nặng nề, theo sau là một

                  tiếng chó càu nhàu sủa.

 

 

Hết

 

Gerberoy

7-13 tháng Bảy 1981.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021