kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Tây-Thi

 

"Cái thân Tây-tử trông ch?ng điện Tô."
Nguyễn Gia-Thiều, Cung-Oán Ngâm-Khúc

 

KỊCH MỘT MÀN MỘT CẢNH

 

Bóng tối nhạt dần để lộ Trường Giang vĩ đại. Trên đầu thuyền có tàn lọng bên cạnh những ngọn đuốc chập chờn, với phướn bay rực rỡ. Việt-Vương Câu-Tiễn ngồi uống trà với sứ-thần của vua Hùng.

 

Sứ-thần: Sông mênh mông, trăng một nửa lưng trời, thành Cô-Tô tắm nắng bình-minh, đài Tây-Thi muốn vượt không-gian.

Câu-Tiễn: Tiên-sinh nói cứ như thơ. Trước kia ở nước Việt người ta hát thế này:

Xuôi tới bến kinh-thành an nghỉ,

Gieo cơ-cầu hùng-vĩ ngày xanh.

Sứ-thần: Đúng là một giấc-mơ hùng-vĩ!

Câu-Tiễn: Từ khi diệt được Ngô, gồm thâu ba nước, người Việt hát rằng:

Tây-Thi đã lên đài iên nghỉ,

Cô-Tô thành hùng-vĩ trời xanh.

Sứ-thần: Tây-Thi quả là một giai-nhân anh-hùng! Nguy-hiểm thật!

Câu-Tiễn: Vua Hùng có nghĩ Tây-Thi là gái Việt không?

Sứ-thần: Vua tôi không quan tâm về điều này.

Câu-Tiễn: Tây-Thi là gái Việt ... của chung Bách Việt.

Sứ-thần: Từ hôm hạ-thần tới đây, lúc nào cũng nghe đại-vương nói tới Bách Việt.

Câu-Tiễn: Bách Việt là đại-tộc không hiểu cỗi-nguồn, nên không hiểu thế nào là đoàn-kết.

Sứ-thần: Gần một nghìn năm, Lạc Việt sống trong thanh-bình và cho rằng “đoàn-kết” hay một liên-bang Bách Việt là một quan-niệm mơ-hồ.

Câu-Tiễn: Tiên-sinh có bao giờ nghe đến thế “Ngô-Việt” không?

Sứ-thần: Xin đại-vương nói rõ.

Câu-Tiễn: Đó là một thế “môi hở răng lạnh” trước kẻ thù chung.

Sứ-thần: Nhưng nay Ngô không còn nữa.

Câu-Tiễn: Ngô không còn kể từ khi Phù-Sai nghe lời Ngũ-Tử-Tư gây hấn với Việt. Tức là “thế Ngô-Việt” mất rồi. Quả -nhân phải làm bộ trở thành chư-hầu của Ngô và xúi Ngô thôn tính Chu, một điều Ngũ-Tử-Tư phản đối đến độ làm mất lòng Phù-Sai. Sau khi Chu bị diệt thì Ngô cũng mệt mỏi. Lúc đó ta nhờ Tây-Thi và Phạm-Lãi diệt Ngô. Chuyện xảy ra i như tiên-đoán của Ngũ-Tử-Tư.

Sứ-thần: Bây giờ đại-vương có cả dải đất lớn phía nam sông Dương-tử.

Câu-Tiễn: Kẻ thù của Bách Việt không phải là Ngô hay Chu. Kẻ thù ấy là bóng ma Hán tộc.

Sứ-thần: Hán tộc?

Câu-Tiễn: Sức mạnh của nó không phải chỉ là quân-sự mà là những thủ-đoạn tư-tưởng. Nó sinh ra lễ-nghĩa để tôn quân, nó sinh ra chữ viết gọi là “linh-tự” để những dân-tộc như Bách-Việt, biết nói nhưng không biết viết, phải cúi đầu thờ nó là thầy. Nó có thể bị thua trong chiến-tranh, nhưng tư-tưởng và ngôn-ngữ của nó vẫn thống trị chư hầu.

Sứ-thần: Lạc Việt chưa bao giờ biết đến điều này.

Câu-Tiễn: Vì xã-hội của Hùng vương còn rất bán khai.

Sứ-thần: Xã-hội Lạc Việt lấy hoà-thuận với trời làm gốc.

Câu-Tiễn: Sai rồi! Làm sao ngồi được cạnh trời?

Sứ-thần: Có lẽ vì đại-vương quen chinh-chiến nên suy-nghĩ rất thực-tiễn và kiêu-hùng.

Câu-Tiễn: Hằng ngày chúng ta “chinh-chiến” với chính mình (đặt tay lên ngực) và với mọi người (chỉ tay vào sứ-thần). “Hoà-thuận” hay “Hoà-bình” là niềm tin của kẻ yếu. “Hoà-thuận” hay “Hoà-bình” trong tay kẻ mạnh là cái kẹo làm mồi nhử thế-gian.

Sứ-thần: Đại-vương không muốn một phút nghỉ ngơi chăng?

Câu-Tiễn: Muốn lắm chứ! Nhưng kẻ thù của chúng ta đang đến.

Sứ-thần: Đang đến???

Câu-Tiễn: Nó có thể đến ngày mai. Ngày mai ở đây có thể là hai ba chục năm, một trăm hay hai trăm năm. Khi đó có thể là ngày tàn của Bách Việt. Tiên-sinh hãy về nói với vua Hùng là nếu cái ngày ấy đến thì “hoà-bình” là “nô-lệ”.

Sứ-thần: Làm sao đại-vương có thể hình dung ra sự-kiện kinh-hoàng ấy. Giống như căn bệnh của con người hoang-tưởng?

Câu-Tiễn: Cứ cho là hoang-tưởng. Quả-nhân sống với lòng dạ của con người. Mổ lòng dạ nó ra quả-nhân thấy một dãy những kinh-hoàng: Hán tộc sẽ dạy cho các phiên bang trong đó có Bách Việt xây nhà kiểu chữ Công chữ Quốc. Muốn nói một lời cho có văn-minh thì thay vì nói “cha con” phải nói là “phụ tử”, thay vì nói “chồng vợ” phải nói là “phu thê”, thay vì nói “nước non” phải nói là “sơn thuỷ”, thay vì nói “bạn bè” phải nói là “bằng hữu”, thay vì nói “đẹp” thì phải nói là “mĩ”, thay vì nói “trái phải” phải nói là “tả hữu”... Nó biết quan-niệm trong cách nói. Cho nên, tất cả những gì của trí-tuệ nó nắm. Những gì thô-thiển là của man-di. – Là ta! Trừ phi ta có quan-niệm trong cách nói và viết.

Sứ-thần: Đại-vương đang sống trong ác-mộng!

Câu-Tiễn: Ác-mộng đấy! Này tiên-sinh, tôi nói nhỏ, kẻo người ta cười tôi là thằng mất dạy... Thay vì viết “địt” phải viết là “giao-cấu”, thay vì viết “đầu cặc” phải viết là “qui-đầu”, thay vì viết “con buồi” thì phải viết là “dương-vật”, thay vì viết “lồn” phải viết là “âm-hộ” thay vì viết “lông lồn” phải viết là “âm-mao”. Vì chữ Việt “tục” còn chữ Hán “thanh”.

Sứ-thần: Tại sao thế?

Câu-Tiễn: Còn phải hỏi! Hán tộc sẽ cho ta bức màn văn-hoá. Cho ta vay chữ viết và tiếng nói không cần trả lãi. Đó là bức màn nô-lệ, đến độ ta bảo tiếng nước ta, “nôm-na là cha mách qué” mà “mách qué là mẹ mách xiên”. Tức là bết lắm. Ta gọi tiếng của nó, chữ của nó là “linh-tự”. Tất cả chỉ vì chúng ta là những con người nô-lệ từ khi còn trong bụng mẹ.

Sứ-thần: Thế thì mẹ chúng ta là nô-lệ còn gì?

Câu-Tiễn: Còn phải hỏi!

Sứ-thần: Nếu thế Tây-Thi không còn nữa?

Câu-Tiễn: (Lắc đầu) Kẻ chinh-phục được tất cả những gì vĩ-đại. Không như Bách Việt, Hán tộc chiêm-ngưỡng Tây-Thi vì Tây-Thi là người đẹp anh-hùng. Nó cần khuôn-mẫu anh-hùng.

Sứ-thần: Như thế Việt mất Tây-Thi?

Câu-Tiễn: Việt mất Tây-Thi không phải vì Hán tộc mà vì Việt không biết đưa Tây-Thi vào linh-tượng.

Sứ-thần: Linh-tượng là lí-tưởng mà ở đây là cái Đẹp lí-tưởng ban đầu?

Câu-Tiễn: Đúng! Ở Lạc Việt có mấy người được như tiên-sinh?

Sứ-thần: Nhưng kẻ thù nào có thể vượt qua được con sông dài, lớn và hiểm trở thế này?

Câu-Tiễn: Nó vượt qua dễ dàng khi có những tên bán nước.

Sứ-thần: Ai?

Câu-Tiễn: Những kẻ có quyền trong tay như quả-nhân và tiên-sinh. Những kẻ được nó phong làm Lạc-tướng, Lạc-hầu. Những kẻ ấy chỉ đến với dân khi quyền-hành bị mất.

Sứ-thần: Từ nãy hạ-thần thấy đôi mắt đại-vương rực lửa. Có thể những điều đại-vương vừa nói sẽ trở thành chuyện thật.

Câu-Tiễn: Thuyền đã tới bến. (Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn. Cầu hạ từ thuyền xuống bến.)

Sứ-thần: (Đứng dậy vái Câu-Tiễn) Hạ-thần xin tạm biệt.

Câu-Tiễn: Tiên-sinh về Cổ-Loa. (Trao cho sứ-thần cái hộp) Trong này có lụa Trữ-La. Ta tặng vua Hùng. Trữ-La là quê của Tây-Thi. Một thôn chuyên dệt lụa. Xin tiên-sinh ân-cần thưa với vua Hùng rằng, giữa Bách Việt đừng nhìn nhau dửng dưng như kẻ qua đường.

Sứ-thần: Xin lĩnh í đại-vương. (Sứ-thần đã đặt chân lên cầu).

Câu-Tiễn: Khoan đã.

Sứ-thần: Đại-vương còn điều gì dạy bảo.

Câu-Tiễn: Mấy câu thơ ban nãy còn thiếu phần kết-luận.

Sứ-thần: (Quay lại, đứng thẳng rồi cúi đầu) Xin đại-vương cho nghe tiếp.

Câu-Tiễn: Để ta đọc lại từ đầu. Mong vua Hùng sẽ hiểu:

Tây-thi đã lên đài iên-nghỉ

Cô-Tô thành hùng-vĩ trời xanh

Một mai chim Việt tan đàn

Nếu còn ngu dại thôi đành phận con!

 

MÀN

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021