kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Sự lễ độ vô ích

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

 

JEAN TARDIEU

(1903-1995)

 
La Politesse inutile [*] là một trong số 17 vở kịch ngắn Jean Tardieu gọi chung là théâtre de chambre , hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều đã được đưa lên các sân khấu trên thế giới từ năm 1949 đến nay — đặc biệt ở Mỹ, và đặc biệt hơn nữa, trên sân khấu các trường đại học. Kịch Jean Tardieu tuy được trình diễn với nhiều dàn diễn viên kịch nghệ chuyên cũng như không chuyên, phần lớn vẫn thường xuất hiện tại các sân khấu “thể nghiệm”, “tiền vệ”, hay “bỏ túi”. Người đầu tiên ghi tên Jean Tardieu vào hàng ngũ những tác giả “Sân khấu Phi lý” là kịch tác gia / nhà phê bình sân khấu Anh gốc Hungary Martin Esslin, nhưng với Tardieu, “... cách gọi này không liên quan đến một trường phái thật sự, hay một khuynh hướng đồng nhất, mà là nơi gặp gỡ của những nhà văn độc lập có một bận tâm chung là làm mới những phạm vi và nội dung của nghệ thuật sân khấu...” (Jean Tardieu, “Lời nói đầu” trong Théâtre de chambre, Gallimard, 1966). Ông nhấn mạnh: “... Cuối chân trời công việc tìm kiếm của ông, ông mong có thể khai phá một cách có phương pháp, trong những hình thức đã qua và đã bị vượt qua của nó cũng như trong những khả thi sắp tới của nó, cái guồng máy trí tuệ và vật chất to lớn, mà người ta gọi là Kịch nghệ...” (sđd).
 
La Politesse inutile là một ví dụ mang dấu vết công việc tìm kiếm ấy. Vở kịch ngắn kể một câu chuyện không siêu thực, không hiện thực, cũng không phi hiện thực: trên ngưỡng cửa ra vào, một vị giáo sư triết “giảng” đạo đức cho một sinh viên, bài học hiện sinh chỉ ra cho anh sinh viên biết cần khẳng định sự hiện hữu của mình trước khi thi. ... Ai là người sẽ bảo đảm nhân thân của anh, nếu không là chính anh? Từ những lời lẽ trịnh trọng kiểu Sartre (“Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản”) cộng với những nhận thức kiểu Descartes (ám chỉ đến sự hoài nghi) được Tardieu sử dụng vặn vẹo, bóp méo với chủ ý giễu nhại (Đây là bước đầu từ sự không vừa lòng đến tò mò, từ tò mò đến tìm hiểu, từ tìm hiểu đến thất vọng, từ thất vọng đến âu lo, và... từ lo âu đến tuyệt vọng) đến ba bốn cái tát nẩy lửa đột ngột của Người khách... — điểm nhấn từ chủ nghĩa mục đích, tiến bộ, ảo tưởng nhường chỗ cho những phương tiện, tiến trình “cái gì” rút lui trước “cái như thế nào” đối nghịch ấy, ở đây, rõ ràng tác giả đã dẫn dắt người đọc đến đúng cánh cửa hậu hiện đại.

 

________

 

SỰ LỄ ĐỘ VÔ ÍCH

 

GIÁO SƯ

SINH VIÊN

NGƯỜI KHÁCH

 

Cảnh trên sân khấu là phòng làm việc của Giáo sư. Tận cùng bên trái là một hành lang nhỏ, dẫn đến cửa ra vào. Trước sân khấu bên phải, một cái bàn thấp đựng đầy sách, mấy cái ghế bành và một con cò quắm [**] nhồi rơm, phía sau là một tủ sách cao.

Giáo sư tiễn anh Sinh viên ra đến tận cửa và đang dặn dò những lời cuối cùng. Anh Sinh viên cặp dưới nách một túi sách, tay cầm cái nón bê rê, đang lắng nghe với vẻ mặt cực kỳ kính cẩn.

 

GIÁO SƯ

vẻ trịnh trọng, đưa cao ngón trỏ.

Và trên hết anh phải ghi nhớ, anh bạn ạ, là khi đi thi, cái quan trọng không phải là cái anh biết, cũng chẳng phải là cái anh hiểu, mà là anh là gì...

 

SINH VIÊN

Vâng, thưa Giáo sư.

 

GIÁO SƯ

Ta bước chân vào đời, chính là do con người, và chỉ duy nhất do con người mà thôi.

 

SINH VIÊN,

cực kỳ nghiêm chỉnh và nói ấp úng.

Vâng, vâng, chắc chắn thế, thưa Giáo sư.

 

GIÁO SƯ

Ta còn có thể nói hơn thế: Nếu anh không hiện hữu, anh sẽ không thể có tham vọng sẽ trở thành bất cứ gì... (Đột nhiên với giọng hùng hồn phẫn nộ). Làm thế nào, một kẻ tự phụ, anh có thể dám trình diện đi thi để lấy một cái bằng Quốc gia, nếu anh trước tiên không tự tin về con người hiện hữu của mình? Vậy thì ta hỏi anh, ai là người sẽ bảo đảm cái nhân thân của anh, nếu không là chính anh?

 

SINH VIÊN

Em... em... quả là em đang tự hỏi như thế, thưa Giáo sư.

 

GIÁO SƯ

dịu dàng như một ông bố, chứng tỏ cơn giận của ông không phải là một trò đùa.

Đấy! Ta thấy anh đã đặt được câu hỏi chủ yếu rồi đấy. Đây là bước đầu từ sự không vừa lòng đến tò mò, từ tò mò đến tìm hiểu, từ tìm hiểu đến thất vọng, từ thất vọng đến âu lo, và... (giọng ngọt ngào) từ lo âu đến tuyệt vọng. Thôi đi đi, anh bạn, và chúc anh may mắn!

 

SINH VIÊN

giọng nhiệt tình.

Ồ! cám ơn, xin cám ơn, thưa Giáo sư. Quả thực... Làm sao ông... nghĩa là... cái gì... em muốn nói... cám ơn về tất cả những gì...

 

GIÁO SƯ

vỗ lên vai anh này với thái độ ban ơn trìu mến.

Đâu có gì, anh bạn, đâu có gì. Ta muốn anh tạo được một sự nghiệp may mắn và bổ ích. Và anh hãy nhớ kỹ câu châm ngôn này: Bản thể là phẩm cách của Con người, cũng như Con người là phẩm cách của Bản thể. (Ông lại đưa anh ta ra đến tận cửa) Nào, hẹn gặp lại nhé!...

 

SINH VIÊN

Hẹn gặp lại ông, thưa Giáo sư. (Giáo sư mở cửa, anh Sinh viên bước ra, và trong bóng tối, anh va vào một người nào đó đang bước vào.) Ồ! Xin lỗi!... Thưa Giáo sư, ông có khách đến thăm đây.

 

GIÁO SƯ

giọng uy nghi.

Cho khách vào!

 

Anh Sinh viên đi ra. Bước vào là một người đàn ông dáng vẻ vừa tầm thường, vừa thong dong — bộ điệu coi thường và như đang nghĩ tới chuyện gì khác. Người này ve vẩy một chùm chìa khoá. Đến lúc ấy, trước thái độ của ông Giáo sư, người ta cảm thấy chắc chắn là, đối với Người khách, ông đang lâm vào một tình thế lệ thuộc đáng ngại. Tuy nhiên ông vẫn giả vờ làm ra vẻ vô tâm và vui vẻ.

 

GIÁO SƯ

Ấy! Vào đi. Anh thấy đấy tôi vui mừng được gặp anh. (Xoa hai bàn tay vào nhau.) Anh mạnh giỏi chứ?

 

Người khách không trả lời, hiển nhiên là với vẻ xấc láo và đưa mắt uể oải xem xét căn phòng.

 

GIÁO SƯ

giọng yếu hơn.

Tôi vừa nói: Anh mạnh giỏi? Có lẽ anh chưa nghe tôi hỏi?

 

NGƯỜI KHÁCH

nhún vai.

Tất nhiên là có!

 

GIÁO SƯ

Tốt, tốt lắm. Như vậy là sức khỏe của anh tốt. Tôi vui mừng biết được tin này. Chúng ta sẽ có được một thời khắc dễ chịu để chuyện trò với nhau... Bây giờ thì, anh ngồi xuống đi chứ... (Người khách vẫn đứng) Không ngồi? Không sao! Anh cứ thoải mái. Tôi hiểu mà: chắc hẳn anh đã phải đi nhiều giờ như thế kia và anh muốn làm cho hết tê chân chứ gì? Vậy thì, tốt, tốt, anh cứ làm gì tùy thích. Về phần tôi, xin phép anh cho tôi được ngồi, bởi vì hôm nay tôi đã trải qua một ngày rất vất vả. (Ông ngồi xuống.) Vâng, dạy học là một nghề rất đẹp, nhưng mệt quá, anh không nhận thế sao? (Hớn hở) Phần thưởng, ấy là ta cảm thấy được sống giữa những tâm hồn trẻ trung, rung động, nồng nhiệt, đầy kỳ vọng và lòng tin! Phần thưởng, ấy là sự kính trọng mà ta nhận được từ những học trò xuất sắc nhất trong số đó, vâng, ngay cả những học trò nghịch ngợm nhất, ấy là...

 

NGƯỜI KHÁCH

đưa ngón trỏ chỉ vào cổ ông Giáo sư

Kia kìa...

 

GIÁO SƯ

Này này, này này, cái gì thế?

 

NGƯỜI KHÁCH

hầu như đọc lên từng chữ, giọng khinh thường.

Cái cà vạt của ông... đeo lệch...

 

GIÁO SƯ

chỉnh lại quần áo.

Ồ, xin lỗi! Xin tha lỗi. Tôi cứ nói, tôi cứ nói, cứ nói mãi, và tôi không để ý là...

 

NGƯỜI KHÁCH

vẫn cùng một kiểu.

Đâu có sao... Trong lúc này thì đâu có sao!

 

GIÁO SƯ

cố gắng mìm một nụ cười.

Vả chăng, xin anh tha lỗi cho nếu như tôi nói quá nhiều về con người của mình! Một đề tài quả là rất xoàng! anh là người cần cho tôi biết cảm tưởng của mình, cho biết là anh có thích cái thành phố này hay không, anh đang định làm gì... anh cứ nói đi, tôi sẽ rất hân hạnh được nghe anh nói... (Người khách vừa nhìn lên không trung vừa huýt sáo.) Anh không sao biết được là tôi quan tâm đến mức độ nào tất cả những gì liên quan tới anh. Nhưng có lẽ vì khiêm nhường nên anh không muốn nói ra? Vâng, cái liêm sỉ của những con người tự hào... Nhưng tôi xin anh hãy cứ coi tôi như một người bạn và xin hãy cho tôi cái vinh dự được anh tin cậy hoàn toàn.

 

NGƯỜI KHÁCH

giọng tàn bạo.

Không-chút hứng-thú.

 

GIÁO SƯ

bắt đầu cảm thấy không được thoải mái và càng làm ra vẻ thân ái hơn nữa.

Ôi! Coi kìa! Anh nói đấy nhé!... nhưng tôi nhớ ra rồi: có lẽ anh muốn ăn một cái gì: một miếng biscuit, hay một chút rượu nho chăng? Tôi sẽ gọi vợ tôi...

Ông đứng lên.

 

NGƯỜI KHÁCH

đột nhiên hớn hở.

Ông, ông mà cũng có một người vợ à! A! Lạ chưa! (Anh ta cười ác độc.) A! a! một người vợ! a! không tin được!... thật là kỳ cục!...

 

GIÁO SƯ

rất bối rối, nhưng cố gắng giữ vẻ thân ái.

Chắc chắn rồi! Tôi có vợ! người vợ tận tụy nhất đời, tuyệt diệu nhất, số một...

 

NGƯỜI KHÁCH

xẵng giọng.

Thế đủ rồi...

 

GIÁO SƯ

bột phát hãnh diện.

Thế thì rốt cuộc, anh à, anh muốn giở trò gì với tôi đây? Cái thái độ của anh đối với một con người có địa vị và công lao như địa vị công lao của tôi, nó là cái gì đây? (Hơi nổi nóng một chút.) Anh có biết là anh đang có chuyện với một vị giáo sư tiếng tăm, hiện được các đồng nghiệp quí mến, các sinh viên quí trọng, những người thân chung quanh thương mến không? Tôi bắt đầu nhận ra...

 

NGƯỜI KHÁCH

mỉa mai và đe doạ, và như đã bắt đầu thấy cuộc chuyện trò trở nên thích thú.

A! ông bắt đầu nhận ra?

 

GIÁO SƯ

Đúng thế, tôi bắt đầu nhận ra cái thái độ xúc phạm kỳ cục của anh đối với tôi. Rốt cuộc, anh muốn gì đây?

 

NGƯỜI KHÁCH

đứng phắt dậy và bước đến nhìn ngay mặt ông Giáo sư.

Ông muốn biết tôi muốn gì?

 

GIÁO SƯ

khiếp sợ và bước lùi về phía trái.

Vâng, đúng thế, tôi muốn biết...

 

NGƯỜI KHÁCH

mỗi lúc càng đe doạ.

Ông muốn biết hả, nói đi nào? Vậy thì, nó đây! (Một cách dữ tợn, anh ta lấy lòng bàn tay và lưng bàn tay liên tiếp tát ông này ba hay bốn cái mạnh. Ông Giáo sư ngã vật xuống đất và lật nhào cái bàn thấp và sách vở. Người khách lấy lại bình tĩnh như chính mình vừa hoàn thành một nghĩa vụ vất vả nhưng cần thiết và hướng về phía khán giả. Giọng trịnh trọng.) Tôi sẽ không giải thích chuyện này với các người. Chắc hẳn là nó đã xảy ra từ lâu lắm rồi, mãi từ một kỷ niệm xấu. Tôi đến đây là từ đó mà đến, để cảnh báo và cũng để mở mắt cho các người. (Hạ thấp giọng, một ngón tay để lên môi.) Suỵt! Có ai đó đang ngủ và có thể nghe tiếng tôi... Tôi sẽ trở lại... (Anh ta rón rén bỏ đi.)... vào ngày mai.

 

Màn hạ.

 

1947

 

_________________________

[*]Vở kịch được Ari và Youri Demeure đưa lên sân khấu ở Bruxelles năm 1950.

[**]ibis: cò quắm — một loại chim cò hay hạc có mỏ khoằm, sống ở ven hồ hoặc những nơi có khí hậu ấm áp.

 

 

---------------
“Sự lễ độ vô ích” dịch từ nguyên tác “La politesse inutile” trong Jean Tardieu, Théâtre de chambre — Nouvelle édition revue et augmentée (Paris: Gallimard, 1966). Được biết năm 1995, trong khuôn khổ viện trợ của Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam, cuốn sách đã được Nhà xuất bản Văn học (Hà Nội) và Nhà xuất bản Kailash (Paris) ấn hành trong Tủ sách Les Classiques — nhưng đáng buồn (cho cả hai nhà xuất bản khả kính ấy), là sách — in cách nay đúng mười lăm năm — còn rớt quá nhiều lỗi và chúng ta không thấy có phần errata, cũng chưa thấy có phản ứng từ người đọc. Chỗ đáng lo hơn, là loạt ấn hành “viện trợ” này gồm khá nhiều sách, do đó rất có thể những đầu sách khác cũng không được hưởng sự chăm sóc đúng mức và cần thiết?

 

 

Đã đăng:

THƯ HÀ NỘI [II]  (truyện / tuỳ bút) 
... Ngày hôm sau, nếu là chủ nhật, tôi sẽ đi dạo một mình ở đồng quê, cùng với anh bạn thân trẻ tuổi hoạ sĩ Lê Phổ; chúng tôi sẽ cùng tìm những vẻ đẹp của đồng quê, không khí yên tĩnh hẻo lánh của một sân chùa cổ, tôi có thể thảo luận về những giá trị của bức tranh bạn tôi vừa mới vẽ, hãy còn hơi quá chịu ảnh hưởng Gauguin. Rồi chúng tôi sẽ để dành nhiều thời gian dài chuyện trò, ngồi trước một tách trà nhỏ xíu, trong căn phòng yên tĩnh nơi ngày xưa giữa những bình cổ Trung Hoa, cha ông của bạn tôi, những vị quan đại thần và cũng là “mạnh thường quân”, từng tiếp các hoạ sĩ và các nhà thơ... [Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ] (...)
 
THƯ HÀ NỘI [I] (truyện / tuỳ bút)
... Sau ba tháng sống ở đây, tôi tuyệt đối chưa biết gì về người xứ Bắc Kỳ, về cách họ phản ứng, điều họ nghĩ, những phong tục của họ... Và tôi đang sợ năm tới đây phải trở về mà sẽ chẳng biết gì hơn: tất cả những nỗ lực tôi đem ra thử nhằm làm cho mình nhã nhặn, nhân từ, tươi cười và nhằm gây tin cậy nơi những người An-nam tôi nói chuyện, đều sẽ không thể làm cho họ quên được tôi là kẻ tiếm quyền, là tên chinh phục, nhất là, than ôi, tôi đang mặc quân phục của tên lính đánh thuê thô bạo châu Âu!... [Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ] (...)
 
Trò chuyện (thơ)
Trái đất dạo này ra sao? / - Tốt, tốt thôi, tốt cả thôi. // Lũ chó con cũng khá chứ? / - Lạy Chúa, dạ, cảm ơn, cũng khá. // Còn những đám mây? / - Thì cũng bồng bềnh... [Bản dịch của Lê Liễu Chi]
 
Bạn hãy nín cười / trong buổi sáng sớm! // Nói gì, nghĩ gì? Ngày thì / do cứ nài nỉ để được xuất hiện, / ta hãy thú nhận đi, ta hãy thú nhận đi, / nó quấy rầy bạn thân thiết nhất của mình... | Trong cái đêm đen / mà Lịch sử tạo cho ta / tôi mò mẫm bước tới / lúc nào cũng kinh ngạc / lúc nào cũng sững sờ... | Nếu tôi biết viết tôi sẽ vẽ / Nếu tôi có một ly nước tôi sẽ làm nó đông lại và tôi sẽ cất giữ dưới kính / Nếu người ta cho tôi một thỏi bơ tôi sẽ đổ khuôn thành đồng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Trên mặt đất mọi sự tốt đẹp chứ? / — Tốt đẹp tốt đẹp, tốt đẹp lắm. // Mấy con chó nhỏ phây phây chứ? / — Trời ơi vâng cám ơn lắm... | Từ sáng sớm tôi đã nhìn / tôi đã nhìn qua cửa sổ: / tôi thấy những đứa trẻ đi qua. // Một giờ sau, lại là những người lớn... | Bạn có hay tin chưa? / — Quả là chưa! / — Hình như là... / (nhưng bạn hãy can đảm, hãy chờ đợi cái xấu nhất!)... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Vở kịch này bắt đầu như một câu chuyện bình thường trong một siêu thị, và kết thúc một cách bi đát. Cô thiếu nữ rụt rè là nhân vật duy nhất trên sân khấu. Hỏi chuyện cô là một cái loa phóng thanh, chỉ là một tiếng nói không nhân dạng. Giọng hỏi [đàn ông] dần dần biến đổi và sau cùng trở thành giọng một người đàn bà thông báo cho cô thiếu nữ biết — bằng một bài thơ viết dưới dạng lãng mạn — là người ta sẽ dẫn cô ra sông để nhận chìm cô... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Họ thường tụ họp nhau, để chiến đấu / chống lại những kỷ niệm rất dai dẳng. / Mỗi người ngự trong một chiếc ghế bành / và ai nấy bắt đầu kể chuyện... | Những tiếng kêu răng rắc của bàn tủ không thể / đủ làm ông bận tâm suốt thời gian / (bởi lẽ từ lâu ông vẫn chờ đợi / cái không bao giờ có thể xuất hiện)... | Và trong lúc ấy mặt trời làm gì? / — Nó tiêu hết những của cải ta đã đem cho nó... | Con chim to tướng bay trên cánh đồng / giữ cùng nhịp với thung lũng và núi đồi, / chúng ta nhìn thấy chim bay rất lâu / trên bầu trời vô tận... | Những con người bị giấc mộng mình săn đuổi, / giữa giấc ngủ giữa lo sợ cùng tụ lại / trên một khoảng đất trống mở ra làn nước / cống, đen hơn cả đêm đen... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Socrate là bất tử: / thiên hạ vẫn còn nói về ông. / Mà Socrate là một người, / mà thiên hạ vẫn còn nói về người, / vậy thì, người là bất tử... | Tên này có một mình. / Hắn bước đi như một thằng điên / hắn nói với đá lát đường / cười với cửa sổ... | Cái gì đã bắt đầu / cái ấy tất phải kết thúc... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Kịch bản L'épouvantail — Monologue de plein air của Jean Tardieu (1903-1995) — nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và là một trong những người viết về nghệ thuật độc đáo nhất của nước Pháp — do nhà văn Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu.

 

 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021