kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Kỷ nguyên của những chiếc mũ

 

KỊCH 3 HỒI

 

HỒI MỘT

 

Phòng ban thông tin văn hóa huyện, miền núi. Trang trí sơ sài, một bàn giấy.

Ông Kỷ, 55 tuổi.

Tài, 30 tuổi.

 

Ông Kỷ: (ngồi sau bàn giấy bừa bộn, ngẩng đầu lên nhìn) Nào vào đây, gì mà thập thà thập thò thế. Cơ quan nào? Cần gì liên hệ mà đến muộn thế? (nhìn đồng hồ tay, lẩm bẩm) Sắp hết giờ bố nó rồi.

Tài: (rón rén) Thưa ông... Thưa ông...

Ông Kỷ: Thưa gì mà thưa lắm thế. Này, đồng chí thuộc cơ quan nào? Cần liên hệ việc gì? Trình bày chóng lên, tôi chỉ còn dăm phút thôi đấy, vắn tắt vào. Mời đồng chí ngồi.

Tài: Dạ, (hít một hơi dài) thưa ông, số là thế này. Tôi có gởi bản thảo tập thơ Hương thời gian xanh cho ban duyệt và xin giấy phép xuất bản...

Ông Kỷ: (cắt lời) A à à, thế ra là nhà thơ, là thi sĩ đấy (rót nước trà cho mình, nhấp giọng, đứng dậy chắp tay sau đít, đi lại). Hương thời gian, hương thời gian, mà còn xanh nữa cơ! Ghê nhỉ, kinh dị nhỉ, huyền bí nhỉ, trừu tượng nhỉ! A, mà này, cậu tên gì thế? Công tác cơ quan nào?

Tài: Thưa ông, Lê Văn Tài ạ. Tôi hiện là giáo viên trường phổ thông cơ sở tại nông trường An Lâm ạ.

Ông Kỷ: (gật gù) Văn Tài, Văn Tài. Thâm thúy nhỉ. Ngày xưa thì Văn Cao, nay thì Văn Tài. Các ông nghệ sĩ này gớm thật. Lại còn có cả Văn Tý nữa chứ. Tẩm ngẩm tầm ngầm mà chết voi cả đấy. Thế họ Lê à?

Tài: Vâng, thưa ông.

Ông Kỷ: Thế bà con họ hàng ra sao với bí thư Lê Khoan?

Tài: Dạ, thưa không ạ.

Ông Kỷ: Thế bố mẹ tên gì? Ở đâu?

Tài: (bối rối) Dạ, Lê Văn Lương và Phạm Thị Diệu ạ.

Ông Kỷ: Thế họ ngoại có bà con chi với đồng chí Phạm Năng không?

Tài: Dạ, thưa cũng không ạ.

Ông Kỷ: Cũng không, cũng không nữa à? (dằn giọng) Thế sao lại làm thơ?

Tài: (ngơ ngác) Dạ... dạ...

Ông Kỷ: Này, tôi hỏi nhé, có bà con chú bác cô dì cậu mợ nào ở trung ương không?

Tài: Thưa không, hoàn toàn không có ai ạ.

Ông Kỷ: Thế có gì che đầu không? Thôi, tôi cụ thể nhé, thế này, có ô dù gì không?

Tài: (hiểu, cáu kỉnh) Thưa không, mà tại sao...

Ông Kỷ: Không quen biết ô dù gì sất mà làm thơ, táo bạo nhỉ? (gật gù, mèo vờn chuột) Này, tôi bảo cho nhé, đừng nghĩ rằng ở đây xa xôi cách trở mà múa gậy vườn hoang nhé. Cả nước này nhà thơ đếm trên đầu ngón tay thôi nhé, đừng tưởng vần điệu nhăng nhít rồi lên ngồi ngang vị, đồng nghiệp, đồng hành với Tố thi sĩ, Bảo Định thi sĩ, Tế thi sĩ, Cù thi sĩ , Xuân thi sĩ nhé. Tôi hỏi có biết gieo vần chỉn chu không đấy? Biết làm câu đối mừng xuân không?

Tài: (ấp úng) Thưa không, thưa chưa...

Ông Kỷ: Chưa. Chưa, mà lại mập mờ hương thời gian, hương dĩ vãng, hương quá khứ. Nuối tiếc à, nuối tiếc quá khứ dĩ vãng vàng son à? Không hài lòng với thực tại đất nước à? Bôi bẩn chế độ à? Lại còn tô xanh bôi đỏ nữa cơ chứ. Âm mưu nhét cứt vào mồm lịch sử à?

Tài: (tái mặt) :..

Ông Kỷ: Thế... mũ đâu?

Tài: Thưa đồng chí, mũ gì ạ?

Ông Kỷ: Không ai đồng chí với cậu. Thế mà cũng lập loè ma trơi đom đóm nghệ sĩ với lại trí thức. Không có ô dù thì phải đội mũ, hiểu chưa? Có đầu thì phải che, phải đội. Nếu không có mũ thì đầu là củ khoai lang, hiểu chưa? Đầu để đội mũ, để che ô chứ không phải để tư duy lăng nhăng, thơ thẩn vớ vẩn. Thế là manh mối của tiêu cực phản động, hiểu chưa?... Xem kìa. (vung tay chỉ xuống khán giả) Ai ai cũng đội mũ, che dù cả, thấy chưa? Mũ với dù là để đội đầu, hiểu chưa? Không phải để làm đẹp, làm dáng. Không phải để che nắng che mưa, mà là để làm con người, (dằn lớn giọng) làm con người! hiểu chưa? Hễ là con người thì phải đội mũ, hiểu chưa? Con người khác với súc vật ở cái mũ, súc vật không đội mũ, phải không nào? Có biết yêu nhau cởi nón cho nhau không? Ca dao đấy, đồng dao đấy. Văn hóa dân gian là như thế đấy. Vạn tuế ca dao, muôn năm bản sắc, hiểu chưa?

Tài: (gật đầu vâng dạ liên tục)

Ông Kỷ: Hiểu cái gì? Chưa hiểu gì sất! Tôi bảo nhé, ĐẶC TRƯNG CỦA THỜI ĐẠI LÀ PHẢI ĐỘI MŨ!

Tài: Vâng, thưa vâng...

Ông Kỷ: Thế có biết ai đã nói điều đó không? Không biết phải không? Biết ngay mà! Có chịu học tập chính sách và tiểu sử lãnh tụ đâu mà biết. Chính lãnh tụ đã nói như thế. Bây giờ thì thông chưa? Còn hương thời gian xanh nữa sất?

Tài: Dạ, thôi ạ.

Ông Kỷ: Thế thì xéo cho được việc. (thò tay vào hộc tủ lấy ra một cái mũ bèo nhèo, ném vào Tài) Đội vào đầu cho đến chết nhé. Thời gian với lại quá khứ, với lại dĩ vãng. Lần này thì tôi tha, lần sau thì chớ trách. Xéo cho khuất mắt, xéo!

 

Tài lủi thủi bước ra.

 

Có tiếng hát vang lên sau cánh gà, lớn rồi nhỏ dần:

Ở thời đại mà mỗi con người

lúc vầng trăng kia quá xanh

cần có một giấc mơ

vầng trăng quá đỗi xanh

cần có một giấc mơ

để bị tước đoạt

vầng trăng mãi mãi xanh

để bị tước đoạt,

mãi mãi xanh và bị tước đoạt

...

Màn hạ

 

HỒI HAI

 

Công viên trước tòa soạn báo Tiếng Dân Gào, một nơi nào đó bên ngoài nước.

Ông Chánh, 60 tuổi

Tuệ, 33 tuổi

 

Ông Chánh: (phì phà ống vố, tay thọc túi quần, nhàn hạ ngắm mây trời, ngâm thơ khe khẽ) ...Kìa trăng viễn xứ nhuốm màu quan san ... (lẩm bẩm) Trăng kiêu bạt hay trăng viễn xứ nhỉ? Quái, câu này hay thế mà chừng như mình gặp ở đâu rồi? Thơ mình hay thơ thằng chó nào nhỉ? Trí nhớ dạo này tồi thật, chậc chậc ...

Tuệ: (ngồi trên ghế đá gần đấy, tay lật giở xấp báo chợ, lắc đầu chán ngán, tiện tay nhét cả cuộn vào thùng rác công cộng gần bên) Báo với bổ, văn với chương, thi với phú ...

Ông Chánh: (nghe được, quay lại sừng sộ) Này anh kia, anh chửi tôi đấy à?

Tuệ: (ngạc nhiên) Chào ông, ồ không, tôi nói với chính tôi đấy mà. Tôi lỡ giọng hơi lớn tiếng làm phiền đến ông ư? Xin ông tha lỗi.

Ông Chánh: (nghiêm mặt, làm dữ) Tôi nghe rõ ràng nhé, anh đừng chối. Lở mồm với lở miệng thì về nhà mà thoa pomade. Mẹ kiếp, đừng đùa với tôi nhé, thằng này hiền lành nhưng không phải dễ hiếp đáp, chụp mũ, bôi nhọ, xuyên tạc đâu nhé.

Tuệ: Ô, ông đừng nóng. Ông hiểu nhầm rồi, tôi không có ý nói ông, tôi nói với chính tôi, chính tôi cơ mà.

Ông Chánh: Anh đừng chối, tôi nghe rõ ràng nhé, tôi có tuổi nhưng không điếc. Con nít như anh thì biết chó gì văn chương thi phú mà khệnh khạng? Đồ bơ sữa vong bản, mất gốc, chó thật!

Tuệ: Ơ, cái ông này...

Nghe xô xát ồn ào, đám đông (từ khán giả) tụ lại xem náo nhiệt (tràn lên sân khấu).

Ông Chánh: Các ông, các bà xử giùm tôi chuyện này. Gã này miệt thị chữ nghĩa văn hóa dân Nam ta. Khinh bỉ nề nếp, phong hóa ta. Bôi nhọ lịch sử ta. Phản bội chính nghĩa ta. Chà đạp xương máu anh em ta. Bóp vú bản sắc dân tộc ta. Cưỡng hiếp tinh thần nhân bản khai phóng và tự do sáng tạo ta. Nhổ nước bọt vào truyền thống ông cha ta...

Tuệ: (tái mặt) Không, không...

Ông Chánh: Đồ đón gió trở cờ. Ăn cháo đái bát. Hại dân hại nước. Đồ... đồ mù màu. Ta hỏi chứ mũ anh đâu? Anh là đỏ hay là vàng? Xác nhận đi, minh định lập trường đi, tuyên xưng đức tin đi ...

 

(Đám đông lao nhao:

Nào nào, minh định đi, tuyên xưng đi!

Hoan hô, chính nghĩa tất thắng!

Đả đảo chủ nghĩa ngoại lai giẫy chết ...

Nhiễu âm chói tai)

 

Ông Chánh: (nói lớn át tiếng mọi người) Tất cả mọi người đều đội mũ, riêng hắn lại không. Tôi hỏi bà con chứ như thế là lập dị hay thiên tả? (với Tuệ) Nào, trả lời đi. Trả lời ngay tại đây đi. Tại sao anh không đội mũ? (với mọi người) Để cho hắn nói, xin mọi người để cho hắn nói.

 

(Mọi người cùng lên tiếng:

Để cho hắn nói, để cho hắn nói...

Bà này, có im đi để cho hắn nói không?

Ông bảo ai vậy, ông là ai mà lệnh cho tôi im?

Câm ngay, câm ngay! Cái con mẹ hàng cá này láo?

A, cái thằng già dịch này, trí thức trí ngủ gì mày? Đồ đểu cáng...

Để cho hắn nói, để cho hắn nói...

Không một ai im tiếng. Hỗn loạn.)

 

Ông Chánh: (đứng lên ghế đá, cao hơn tất cả, làm mọi người chú ý) Tại sao? Tại sao anh chưa đội mũ? Đây là thời đại mọi người đều phải đội mũ, mọi cộng đồng đều phải đội mũ, từ Paris đến Afghanistan đều đội mũ, từ Saddam Hussein đến George Bush đều đội mũ, tất tất thảy thảy đều đội mũ. Anh không mũ anh là chiên ghẻ, nghe rõ chưa? Đội mũ có nghĩa là có đầu óc trên thân thể. Có đầu óc mới có suy tư. Có suy tư mới ra dáng con người, ra dáng hiện hữu. Anh chỉ hiện diện trên đời sống này khi anh đội mũ, bằng không, anh vô danh, rỗng vắng, diệt, tuyệt. Hiểu chưa? ... Vỡ ra tí nào không? Này đội vào. (Ông chụp lên đầu chàng trai chiếc mũ có tự lúc nào như trò ảo thuật) Rồi, thế thế... Nói đi, tuyên xưng đức tin đi để khỏi hổ thẹn với gia tiên, dân tộc...

Tuệ: (la lớn) Này, tôi cần thêm ba cái mũ nữa

Ông Chánh: Mang về nhà à? Mang về cho bố mẹ à? Mấy cái?

Tuệ: (nổi khùng) Hai cái cho hai đầu gối, và một cái cho đầu buồi!

Ông Chánh: Thằng này láo. Đánh bỏ mẹ nó đi bà con...

 

(Đám đông đồng thanh:

Đánh bỏ mẹ nó! Đánh bỏ mẹ nó!

Sao mày thúc vào mạng mỡ bà?

Con mẹ hàng cá này... này!

Sao mày giằng mũ tao?

Mũ tôi đâu?

Mũ tôi đâu rồi??)

 

Có tiếng hát vang lên sau cánh gà,át cả mọi tiếng, mọi người đột nhiên im lặng lắng nghe, tiếng hát khởi đầu lớn rồi nhỏ dần:

... Ở thời đại mà mỗi con người

vầng trăng ấy xanh quá đỗi

không nhận ra tiếng nói mình

vầng trăng ấy quá xanh

vang lên từ đất

mãi mãi xanh

dội ra từ đá,

mãi mãi xanh

vọng âm

vầng trăng ấy  mãi mãi xanh

ai nghe tiếng ai kêu khan giữa đồng

kêu khan giữa đồng...

 

Màn hạ

 

HỒI BA

 

Khung cảnh thiên đàng, hoặc một nơi nào đó không như trần gian, tùy theo sự hình dung sắp xếp của đạo diễn.

Thượng đế

Các thiên thần

Tài

Tuệ

Ông Kỷ, Ông Chánh và Đạo diễn.

 

Tài đi ra hai tay ôm lấy đầu, đã đội mũ, rên rỉ

Tài: Sao thế này, sao lại thế này, sao tôi lại hèn hạ thế này, Trời ạ!

Thượng đế: Chớ kêu tên ta vô cớ.

Tài: Chuyện gì nữa đây? Đồng chí là ai?

Thượng đế: Ngươi mới gọi tên ta. Ta chính là danh xưng ngươi vừa gọi.

Tài: Trời ạ, lại một thằng càn rỡ muốn hiếp đáp mình nữa, thế này là thế nào hả trời?

Thượng đế: Đó đó, ngươi kêu ta một cách lộng ngôn bất kính.

Tài: Ông hâm vừa vừa thôi, gì mà bất kính với lộng ngôn. Ông làm như ông là lãnh tụ, là chủ tịch, là... là bí thư. Trang phục gì mà quái gở thế này? Này, thưa ngài, thế... mũ ngài đâu?

Thượng đế: Ta nói cho ngươi hay, ta còn cao quí hơn tất cả những danh vị trần gian mà ngươi vừa nói. Ngươi quả thật không biết ta là ai à?

Tài: Tôi không cần biết ông là ai, bí danh là gì, công tác đơn vị nào. Mũ ông đâu?

Tuệ đi vào, đầu đội mũ, hai tay cầm hai cái mũ khác dáo dác và ngó sững khi thấy thượng đế.

Tuệ: Đúng vậy, mũ ông đâu? Tại sao ông không đội mũ?

Thượng đế: Mũ? Ta không bao giờ đội mũ? Các ngươi mù sao không thấy vầng hào quang rạng rỡ tỏa ra từ vầng trán thông tuệ của ta?

Tuệ: Ừ nhỉ, ông tỏa hào quang. Nhưng dù sao cũng phải có mũ.

Tài: Đúng vậy, phải có mũ. Phải có mũ để phân biệt giữa con người và súc vật . Biết ai nói điều đó không? Không biết phải không? Biết ngay mà, có chịu học tập chính sách và chiêm nghiệm tham khảo cuộc đời lãnh tụ đâu mà biết.

Tuệ: Tớ thì tớ đếch cần biết lãnh tụ lãnh cảm gì, nhưng dứt khoát đã là con người là phải đội mũ, không chừa một ai. Cần phải đội mũ để chứng tỏ rằng có đầu óc, có đầu óc là có khả năng suy tư... là không phải chiên ghẻ của cộng đồng. (lẩm bẩm) Mẹ kiếp, sao mình nói y chang như thằng khốn kia thế nhỉ?

Thượng đế: Quả thật đầu óc ngu muội của các ngươi đã tối tăm đến độ không nhận biết ta rồi.

Tài:Tôi biết đồng chí là ai chứ. (cười) Nếu không ở trại cải tạo thì cũng từ nhà thương điên ra. Thế ông bảo tôi là ai nào?

Thượng đế: Đương nhiên ta biết các ngươi là ai, nhưng ta muốn chính các ngươi nhận diện ra mình.

Tuệ: Trời ạ! Lũ kia đã điên rồi, giờ lại thêm hai thằng điên nữa.

Thượng đế: Chớ gọi tên ta vô cớ. Ta không điên, chính bọn ngươi có mắt mà mù lòa.

Tuệ: Ông là Trời à, mà có là ông trời thì cũng phải đội mũ. Này đội mũ vào không chúng nó đánh cho bây giờ. (ném cho thượng đế một chiếc mũ)

Thượng đế: Đúng vậy, ta là trời, ta là thượng đế. Ta không bao giờ đội mũ, ta sáng tạo ra muôn loài muôn vật. Có thấy cái chi kia không? (chỉ tay lên trời) Đúng vậy, (nói với Tài) đúng như tâm hồn thi sĩ nhạy cảm của ngươi nhận biết, đó là vầng trăng non, ta tác tạo ra nó khi ta còn cảm hứng. Còn gã kia, (với Tuệ) ta không nói về cái máy bay kia đâu, đời sống bon chen máy móc đã làm tâm hồn ngươi khô cằn chai sạn không còn khả năng cảm nhận cái đẹp, cái nên thơ là gì. Ngươi cần phải chay tịnh và tiết dục để trở nên trong sáng, hiền hòa như các thiên thần kia.

Tuệ: Ừ, thì ngài là ông trời. Nhưng con người chúng tôi cũng đang trưởng thành để làm những ông trời đấy. Dăm năm nữa thôi là chúng tôi sẽ tạo ra hằng loạt ông trời. Ông có biết cloning là gì không nào?

Thượng đế: Ngươi chớ nên thử thách chủ của ngươi vốn là kẻ cao cả bao trùm càn khôn vạn vật. Thường khi thì ngươi ngó ngó, có lúc ngươi nhìn nhìn, nhưng ta bảo cho ngươi biết rằng ngươi chưa bao giờ thấy. Ta sáng tạo ra muôn loài muôn vật...

Tài: (thẫn thờ, lẩm bẩm một mình): Sáng tạo, sáng tạo... đã bao lâu rồi mình không còn biết đến nó? Đã bao lâu rồi mình không đặt bút lên trang giấy để viết lên một điều gì sâu lắng và nồng cháy? Đã bao lâu rồi những động từ chết cứng, những danh từ phù phiếm xa lạ, những tĩnh từ vô hồn và nhạt nhẽo? Đã bao lâu rồi chữ nghĩa là những xác chết nổi bềnh trên mặt giấy hoang vu, hay đông cứng trong những cuốn tự điển dày cộp mục nát. Sao mình mãi khao khát một điều gì mà mình không thể biết? Tại sao quá nhiều người nói. (hỏi lớn) Tại sao quá nhiều gười nói, mà không một ai nghe?

Thượng đế: Ta luôn lắng nghe những lời than thở của ngươi, vì ngươi là con cái ta.

Tài: (giọng tâm sự) Này ông trời, ông có cô đơn như  tôi không? Ông có cô đơn như con người không?

Thượng đế: Ta không cô đơn, vì ta là kẻ sáng tạo ra sự cô đơn, ta sở hữu và ban phát nó. Chỉ những kẻ sẽ phải qua đời và hư mất mới cô đơn. Ta hằng có đời đời, ta mênh mông và kì vĩ. Ta chẳng thể cô đơn. Ta không thể cô đơn.(chợt hoang mang, chùng giọng thì thầm một mình) Hay ta sáng tạo ra cô đơn nên ta cô đơn gấp hai lần những kẻ cô đơn?

(chợt tỉnh) Không, không, ngoài ra ta còn vô số tôi tớ. Ta không cô độc thì làm sao ta cô đơn? (gọi các thiên thần) Nào ra cả đây!

Các thiên thần lũ lượt kéo ra.

Tuệ: Cái bọn hề này ở đâu mà ra lắm thế?

Thượng đế: Chúng không là hề như ngươi tưởng, ta sáng tạo ra chúng, thổi cho chúng có linh hồn như những con chữ của tên này, hay ốc vít dây nhợ của ngươi. Nhưng ta, chính ta sáng tạo ra muôn loài muôn vật. Chính ta tạo ra sự sống và sự chết. Chính ta là kẻ dựng mọi vở kịch trên đời. Nghe rõ chưa, mọi vở kịch trên đời! Chính ta cho kẻ này hạnh phúc, bắt kẻ kia đau khổ, chính ta cho kẻ này sống, cho kẻ kia chết, kẻ này...

Tuệ: Không, không phải ông. Mà chính tôi. Ông có thể tạo tôi ra, nhưng ông không có quyền  bắt tôi sống mãi. Chúng tôi sẽ sống cho đến khi nào chúng tôi muốn chết, và lúc ấy chúng tôi sẽ tự  quyết định và xử lý cái chết của mình. (thì thầm) Thời điểm ấy đã đến. Ôi, tôi chán ngán cái trần gian khốn nạn và buồn tẻ này quá rồi! Tôi sẽ chết đây!

Thượng đế: Không! Ta không cho phép ngươi làm chuyện đó. Vì, chính ta sáng tạo ra muôn loài muôn vật. Một sợi tóc trên đầu ngươi rơi...

Tuệ: (vung tay, trong tay từ lúc nào đã có một khẩu súng) Ông không thể cản tôi đâu, sống là quyền của ông nhưng chết là quyền của tôi. Ông có dám chết như chúng tôi không? (kê súng vào màng tang như muốn bóp cò)

Các thiên thần la khóc, vụt chạy tán loạn.

Thượng đế: Không, ngươi không được phép! Ta, ta sáng tạo ra muôn loài muôn vật. Ta không cho phép ngươi chết.

Súng nổ, Tuệ ngã vật xuống.

Tài: (kêu rú lên) Ôi điên rồ, mọi người điên rồ rồi! Không phải vở kịch nào cũng phải có tự sát và súng nổ vào đoạn cuối. Sáng tạo không thể đi vào lối mòn như thế.

Thượng đế: (lẩm bẩm, giọng lạc thần) Ta, ta sáng tạo ra muôn loài muôn vật. Hắn không thể chết. Không thể chết! Nhưng sao hắn lại chọn cái chết? Sao hắn muốn chống lại ta? (nói lớn) Kịch của ta không thể sáo mòn và tầm thường như thế!

Tài: Đạo diễn ơi, đạo diễn đâu rồi?

Từ sau cánh gà, đạo diễn, ông Kỷ và ông Chánh hốt hoảng chạy ra.

Đạo diễn:(vung tay lên trời, thất vọng) Không phải vậy, không phải như vậy. Các người có chịu diễn theo kịch bản giùm tui không, chết cả lũ bây giờ! Trật tự, trật tự...(lắp bắp, với khán giả) Xin bà con cô bác bình tĩnh. (với các diễn viên) Trật tự, trật tự... Không được, không thể, các người không được diễn cương trái với kịch bản mà trên đã duyệt như thế! Tắt đèn, tắt đèn làm lại đi, tắt đèn đi! Chết cha tôi rồi!

Thượng đế: Mũ, mũ của các ngươi đâu?

Khán giả bên dưới: (hỗn loạn) Trả tiền lại, trả tiền vé lại ...

Tài: (gào lên) Đúng vậy, mũ các ông đâu?

Các thiên thần (đồng loạt): Mũ các người đâu, mũ các người đâu? (với Thượng đế) Mũ ngài đâu? (hỏi nhau) Mũ ông đâu, mũ đâu, mũ đâu...?

(Khán giả bên dưới hỗn loạn: Trả tiền lại, trả tiền vé lại...)

Đèn tắt. Sân khấu đột nhiên im lặng khoảng 15 giây.

Một giọng của ai đó hỏi vọng lên:

Mấy cha nội ơi, kịch hết chưa mà đào hổng ra hát?

 

Màn hạ

HẾT

 

02/11/04

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021