Phần lớn bài vở trong Việt số 2 này đều tập trung vào chủ đề "sống và viết ở hải ngoại". Bài vở khá phong phú và ý kiến cũng rất phân tán. Có người chỉ nhắm mục đích trao đổi một kinh nghiệm; có người có tham vọng nâng vấn đề lên bình diện lý thuyết; có người bi quan, có người lạc quan. Rất khó tìm ra điểm chung giữa các bài viết trong số báo này. Âu đó cũng là điều bình thường trong những sinh hoạt trí thức. Và cũng bình thường nữa, nếu trong những bài ấy, có điểm gì có thể đụng chạm đến những cách suy nghĩ quen thuộc của chúng ta. Đăng tải một số bài viết có thể gây tranh luận ấy không những chứng minh tính chất dân chủ trong sinh hoạt trí thức mà còn tạo cơ hội để độc giả có thể có cái nhìn tổng hợp, từ nhiều quan điểm dị biệt, hình dung ra bức tranh hoàn chỉnh với những góc sáng và tối khác nhau của nền văn học Việt Nam ở hải ngoại.
Đặc biệt thú vị trong số chủ đề này là hai bài viết từ Hà Nội: một của Phạm Xuân Nguyên về việc giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Tây phương và một của Đỗ Minh Tuấn về quá trình tiếp xúc của riêng anh với nền văn học Việt Nam ở hải ngoại.
Tuy dung lượng bài vở tập trung vào chủ đề khá lớn, trên Việt số này, bạn đọc sẽ có dịp thưởng thức khá nhiều sáng tác có giá trị, từ một bài tuỳ bút mới và đặc sắc của nhà văn Võ Phiến đến những bài thơ mang ý hướng cách tân rất rõ của những cây bút không chịu đứng yên trong lối mòn của sự sáng tạo.
Nhưng thế nào là cách tân? Đó sẽ là chủ đề của Việt số 3, ra vào tháng Giêng 1999: "Cái mới trong văn chương". Chủ đề này được nảy ra từ một câu văn của nhà phê bình Richard Kostelanetz - vốn được trích dẫn làm đề từ trên Việt số 1: "Lúc trước có lần tôi nghĩ, từ góc độ một phê bình gia, rằng văn chương hay không cần phải mới. Dần dần, tôi tin rằng một tác phẩm tốt hơn phải vừa mới vừa hay... Sau đó một thời gian, tôi lại thấy rằng một tác phẩm sẽ không có hiệu quả gì cho tương lai nếu nó không mới... Giờ đây, tôi thấy thực rõ ràng rằng chỉ mang tính cách tân triệt để thôi, một tác phẩm cũng đã đủ giá trị."