Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 7
Viết về một nền văn học quá độ

Trên vách tường u ám trong căn nhà nhỏ tối tăm, ở một miền đất heo hút nghèo vào hàng bậc nhất Trung Hoa, diễn tả trên những thước phim của Trương Nghệ Mưu, vẫn thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng thị thành xa: vành môi khoé miệng mấy giai nhân màn bạc, đường da nét thịt những siêu người mẫu...

Nhà đạo diễn giải thích: người dân quê không có một ý niệm rõ rệt nào về những hình ảnh đó, họ chỉ đơn giản nghiêng mình theo cái thịnh hành của thành thị; và khi đem cái hào nhoáng thị tứ chồng lên trên cái u tối nghèo nàn của một miền đất xa xăm, tác giả muốn khắc hoạ nên cái bi - hài của những thân phận chậm tiến [1].

Văn học Việt Nam, ví như gian nhà nhỏ heo hút, cũng bi hài tương tự như thế, qua nhiều đời.

Đó là những bức tranh đậm nét mực Tàu của nền văn học cổ, rồi những hoạ phẩm rực rỡ lãng mạn, hiện thực, tượng trưng, siêu thực hay hiện sinh sau này. Hết thảy đều hiện diện như những chuẩn mực chưa bao giờ đạt được và những ước vọng chưa bao giờ thành tựu. Luôn luôn. Luôn luôn có cái gì đó lừng khừng, thiếu trọn vẹn. Chuẩn mực, nhưng ngờ vực. Ước vọng, lại đố kỵ. Ngờ vực, nó rụt rè, không đi đến rốt ráo tận cùng của cái gì cả; như cái dục và cái hài của văn học cổ điển Trung Hoa chẳng hạn, những cái mà, ít ra, đã làm cho nền văn học đó... 'người' hơn. Đố kỵ, nó ngại ngần, không vươn đến đỉnh điểm của bước đường hiện đại mà cứ bập bềnh cái bập bềnh của một con thuyền quá độ: bờ này đã rời mà bờ kia hãy còn chập chờn phía trước, xa xa, như một ảo ảnh [2].

Sự... quá độ văn học này cũng bắt nguồn từ những cội rễ văn hoá nào đó. Văn hoá chúng ta, xét trên nhiều khía cạnh, cũng có cái gì đó làng nhàng, thiếu trọn vẹn, thiếu sự rốt ráo, tận cùng.

Như một đặc điểm: cụ thể và trừu tượng, một đề tài không mới [3]. Thiên về cái cụ thể, chúng ta xa lạ với những gì trừu tượng, khái quát; tuy nhiên không phải chúng ta hoàn toàn không biết trừu tượng, lắm khi chúng ta trừu tượng ra phết.

Nhưng thường, trớ trêu thay, điều đó chỉ thể hiện ở những nơi lẽ ra chúng ta phải... cụ thể. Như một sự trái khoáy: cần phải nhìn vấn đề từ một phối cảnh lớn, chúng ta câu nệ với những tiểu tiết lặt vặt; cần phải đâu ra đó ngọn ngành, chúng ta thường phô diễn bằng những tầm nhìn thật rộng.

Cá tính ấy, theo tôi, có lẽ là biểu hiện của một ám ảnh bất an, của tâm lý thủ thế và giữ miếng. Ngại va chạm. Ngại đối diện với bề mặt gai góc của vấn đề. Ngại gánh chịu trách nhiệm và ngại bộc lộ cái yếu cái dở của mình. Và như thế, nếu không thu mình dựa dẫm đám đông: Toét mắt là tại hướng đình / Cả làng toét mắt riêng mình em đâu, thì cũng tránh né bằng một văn hoá sống ỡm ờ, phiếm định: Làm trai cứ nước hai mà nói, hay: Người khôn ăn nói ỡm ờ / Để cho đứa dại nửa ngờ nửa tin....

Trên Văn Nghệ, nhà nghiên cứu Phong Lê đã viết về những đề thi Văn khó hiểu, những đề thi không chỉ khiến học sinh đau đầu mà cả giới nghiên cứu - lý luận, những giáo sư triết học thâm niên cũng phải thở dài ngao ngán [4]. Thí dụ cái đề thi tốt nghiệp trung học:

Một trong những đặc trưng của tư tưởng triết học Việt Nam là "đạo người". Đó là những yếu tố làm nên đạo lý làm người của dân tộc ta sau này.
1. Anh (chị) hãy cho biết "đạo người" được xây dựng trên những cơ sở triết học nào? Và sự thể hiện của nó. Đạo lý làm người của dân tộc được vận dụng và phát huy ra sao?
2. Để xây dựng đạo lý làm người của dân tộc ta hiện nay, chúng ta phải dựa trên những cơ sở triết học nào?

Phong Lê thắc mắc: Đã nêu rõ rằng "đặc trưng của tư tưởng triết học Việt Nam là đạo người" thì tại sao còn phải đặt ra đến những hai câu hỏi về "cơ sở triết học" của "đạo người"? Tại sao "đạo người" lại là "những yếu tố làm nên đạo lý làm người"? "Đạo người" và "đạo lý làm người" có quan hệ gì với nhau? Ông viết tiếp:

Phải hỏi hơi tỉ mỉ như vậy vì tôi chưa quen nghe hai chữ "đạo người", nó có cái gì từa tựa cái tên "Đạo Dừa" được thờ ở một bãi nổi trên sông Tiền, quãng giữa đường sông từ Mỹ Tho sang Bến Tre. Còn "đạo lý làm người" thì nơi đâu và thời nào mà chẳng có, cần gì phải viện đến triết học hay tư tưởng triết học mới có hình hài?

Đấy, theo tôi, không chỉ đơn thuần là lầm lẫn cá nhân. Đề thi quốc gia phải trải qua bao nhiêu là bước xét duyệt? Nó còn phải sẵn sàng với một đáp án rành rẽ nữa chứ? Được chấp nhận, nghĩa là đã ổn thoả. Khiến cả giới nghiên cứu - lý luận chào thua, nghĩa là đáng ngờ lắm! [5] Tại sao? Tại sao những hiện tượng quái dị như thế vẫn cứ lập đi lập lại?

Thì, hãy bắt đầu từ những cội rễ văn hoá. Không hướng đến cái trừu tượng bát ngát của triết học phương Đông, chúng ta cũng không hướng đến được cái cụ thể thiết thực của khoa học thực nghiệm phương Tây. Chúng ta lắt nhắt, dở dang. Cần phải trừu tượng, chúng ta chi ly, tiểu tiết. Cần phải thiết thực cụ thể, chúng ta phiên phiến mơ hồ. Nói về văn hoá Việt, chúng ta say sưa với những ý niệm chung chung: tiết nghĩa, đạo người, sống sạch chết thơm, gắn bó gia đình làng xã v.v... Tuy nhiên, khi phải đối diện với từng góc cạnh của đời thực, chúng ta lại lúng túng, ngẩn ngơ. Như một cá tính văn hoá, chúng ta - trong những cung cách qua quýt, chung chung - dễ dàng bằng lòng và yên tâm với những khái niệm phiên phiến mơ hồ kiểu "đạo người" cho dù không thể nào hiểu nổi, không thế nào mổ xẻ cho đến rốt ráo, tận cùng.

Nghe nhà phê bình Vương Trí Nhàn kể về cái lần "đỏ rừ mặt, không biết trả lời như thế nào" trước đồng nghiệp Liên Xô. Nghiên cứu và phê bình nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chắc hẳn, ai cũng có thể thao thao bất tuyệt về những "mỹ học Marxist", những "nhân vật điển hình" v.v...; tuy nhiên, đối diện với những câu hỏi đơn sơ về đề tài chủ yếu của văn học Việt Nam đương đại, về những vấn đề và những tác giả được quan tâm hơn hết, những công trình xuất bản chủ chốt v.v..., thì lại lắc đầu ngơ ngác.[6]

Lại nghe, từ một luận án về chính sách kiểm duyệt của nhà nước CHXNCHVN, trình bày tại một đại học Úc: đối tượng của chính sách là con người, và con người Việt Nam, từ xưa đến nay, đều cực kỳ... gỗ đá. Họ, nếu không diệt dục như những bậc chân tu thì cũng bất lực như những hoạn quan: không ai thích... lông bông với sex cả. Xem, cho thuê lậu phim khiêu dâm: ngoại lệ. Những dâm thư kiểu Vụ án thành Paris hay Bảy đêm khoái lạc v.v..., những thứ mà, có một thời, học sinh sinh viên cần mẫn chép tay chuyền nhau đọc: ngoại lệ. Sự hoành hoành của nạn mãi dâm: ngoại lệ. Và, lùi về xưa hơn nữa với Chùa Bà Banh, với Hồ Xuân Hương, với tranh Hứng Dừa, với những ca dao tục-thanh: ngoại lệ.

Không hẳn chỉ là... giáo điều, là duy ý chí hay duy-chính-sách. Nặng nợ hơn, thâm sâu hơn là những cội rễ văn hoá: bằng lòng với những khái niệm chung chung phiếm định và ỡm ờ, những gì nằm bên ngoài quán tính suy nghĩ đều bị chúng ta máy móc dồn ép vào ghetto ngoại lệ. Nếu văn hoá, một cách chung chung, cổ xuý con người sống sạch chết thơm, cổ xuý thuỷ chung tiết nghĩa thì những gì không phù hợp với chiếc thước đo văn hoá đó rồi sẽ trở thành ngoại lệ! Ngoại lệ và ngoại lệ. Không phù hợp với nếp nghĩ đã nhập tâm thì, dù gắn bó và phổ biến bao nhiêu đi chăng nữa, cũng trở thành nạn nhân của nền độc tài ngoại lệ hoá! Ngoại lệ hoá đến độ, có gần thế kỷ nay, tám mươi phần trăm dạng thức kết cấu tiếng mẹ bị liệt vào hàng ngoại lệ! [7]

Lai rai, trong nhiều bài viết đăng tải trên các nội san tôn giáo, tôi lại nhận thấy thái độ, có thể nói, hiu hiu tự đắc của vài ba tác giả khi nói về sự "phù hợp" giữa những phát kiến khoa học - nhất là của vật lý - với vũ trụ quan của Phật Giáo. Đại khái, từ ngàn xưa Phật Giáo đã quan niệm thế giới như thế, như thế; và đại khái, đến tận hôm nay, sau những chặng đường thật dài, khoa học mới vươn đến những kết luận như thế, như thế. Chậm!

Tôi không bài bác tín ngưỡng. Tôi cũng không bàn chuyện phù hợp hay không. Tuy nhiên, tôi không thể không nói lên rằng trong vẻ hiu hiu tự đắc ấy có cái gì đó thực là ngây ngô và trẻ con!

Ngây ngô là vì, những điều gọi là chân lý như thế, thường, cũng rất là... phiếm định: phần lớn chúng phụ thuộc vào cách diễn dịch hơn là tự thân khái niệm. Giả như giới khoa học đì đến một kết luận khang khác thì, biết đâu được, từ những khái niệm ấy họ cũng có thể diễn dịch nên một sự "phù hợp" khang khác nào đó?

Trẻ con là vì, ngay cả khi đấy là những chân lý tuyệt đối đi nữa, thì để có thể nhận thấy sự chậm chạp của khoa học, họ vẫn phải trông nhờ vào... khoa học, phải dựa dẫm vào đó như vị trọng tài, như là chuẩn mực của sự đúng đắn. Chỉ đứng trên đôi chân mình, làm sao họ có thể hiu hiu tự đắc?

Tôi không mỉa mai. Tôi chỉ mượn một thí dụ như thế để nói lên sự cách biệt giữa hai chiều hướng văn hoá: hướng đến những chân lý chung chung phiếm định hay hướng đến những chân lý cụ thể và giới hạn. Chung chung thì ngàn đời đúng đắn, ngàn đời tĩnh tại, ngàn đời không tiến bộ và không một ứng dụng thiết thực. Trong khi đó, hướng đến những mục tiêu cụ thể và giới hạn, con người đã từng bước từng bước khám phá những chân lý cụ thể và tìm kiếm những ứng dụng cụ thể. Làm thế, họ phải đương đầu với nguy cơ bị bác bỏ, bị chứng minh là sai lầm trong một tương lai gần hay xa; tuy nhiên, một lần sai lầm là một lần tiến bộ, bởi, có nâng tầm hiểu biết lên một nấc cao hơn thì con người mới ý thức rằng mình đã sai lầm.

Văn hoá giữ miếng của chúng ta khác hơn: không có cái ngàn đời tĩnh tại mà cũng không có cái cụ thể tận cùng. Cứ lưng chừng, dang dở: tĩnh tại với cái ngăn ngắn trước mắt và cụ thể với cái lặt vặt, cũng, trước mắt.

Trong văn học, cá tính ấy, trước hết, là sự lừng khừng trong thái độ nhập cuộc, là tính cách nước đôi trong sự chọn lựa..

Vung vẩy cây bút trên tay ai cũng, nói như Trần Huyền Trân, khao khát "làm mưa gió". "Mưa gió" của những giá trị văn chương đích thực và rời xa những lôi cuốn... phi văn chương, xa rời những ràng buộc phù thế. Những thị hiếu tầm thường, chẳng hạn. Những con số đầu sách tiêu thụ ngất trời, chẳng hạn. Rồi những ánh hào quang choá mắt của thứ văn chương màu mè son phấn. Tuy nhiên, một cách thành thực, đối mặt với đời sống và văn chương; có người cầm bút nào mà không loay hoay nấn ná giữa hai phía? Nửa thì khao khát những giá trị sáng tạo đích thực; nửa thì thèm thuồng, tiêng tiếc với những hào quang phù thế. Và rồi, văn chương chúng ta, rốt cuộc, cứ làng nhàng nửa nọ nửa kia. Đích thực hay giải trí, nó cũng không hướng đến được cái tuyệt đích tột cùng ở từng thể loại. Ai cũng có thể, một cách sẵn sàng, liệt chưởng Kim Dung vào hàng văn chương giải trí, tuy nhiên, cả ở lĩnh vực này, đã có ai viết được như thế hay chưa?

Và, trong văn học, sự nhập cuộc nước đôi ấy còn thể hiện trong những tư thế tranh luận thật... phiếm định.

Tranh luận là một tiến trình trao đổi kiến thức và quan điểm để tìm kiếm một lời đáp, một sự thật hay một lối thoát nào đó. Có thể nó vĩ đại, cao cả. Có thể nó thường thường bậc trung thôi. Tuy nhiên, luôn luôn, nó luôn luôn đòi hỏi một sự nhập cuộc trọn vẹn và sòng phẳng: phê phán tới cùng và đón nhận sự phê phán phản hồi tới cùng. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn, sự sòng phẳng ấy rất hiếm hoi. Những ý đồ một chiều, chẳng hạn. Và, tệ hơn, cái trò thủ thân "nước hai mà nói": Tôi không phải là nhà văn! Tôi không phải là nhà lý luận! Tôi cũng không phải là nhà triết học! Tôi cũng không chỉ trích, chỉ nhân sự bất bằng mà có lời... góp ý, đại khái thế này thế kia! Một chiến thuật tranh luận đầy... miễn dịch.

Và như thế, thường, một cách đầu voi đuôi chuột, cuộc tranh luận nào cũng khai mở với những bồn chồn háo hức để rồi đóng lại với những điều vụn vặt, với những tiếc rẻ và, thậm chí, những ân oán cá nhân. Rốt cuộc là những vấn đề đặt ra, tức những bế tắc lớn của nền văn học, hiếm khi được suy xét đến tận cùng rốt ráo. Đó cũng chính là đặc điểm... không trọn vẹn của văn học chúng ta.

Sự không trọn vẹn này còn bắt nguồn ở một tín niệm: cái thực.

Như một tín niệm lâu đời: văn chương thì phải thực, phải diễn tả cái thực, và diễn tả một cách thực... thực. Có người chê bai những nhà văn như Mai Thảo khi, những nhân vật phong lưu cùng mình của ông ta, không... thực chút nào. Họ sinh sống bằng nghề ngỗng gì? Đào đâu ra lắm tiền mà mà hào hoa đến thế? Tương tự, lại có những nhà phê bình Marxist Việt Nam, trong cái chiến dịch ồn ào sau 75, nghiêm nghị phê phán cái không... thực của chưởng Kim Dung: làm sao mà những Trương Vô Kỵ hay Dương Quá có thể nhởn nhơ hành hiệp mà không hề vướng bận với chuyện sinh nhai? Và, mới đây, Tố Hữu cùng những bạn bè cùng hội cùng thuyền của ông, đã... bị xúc phạm nặng nề, đã trịnh trọng hội thảo về những gì nên và không nên với Trần Đăng Khoa; kẻ đã, qua Chân dung và đối thoại, rao bán chuyện nhà thơ lớn của chế độ tả chiến thắng Điện Biên không... thực chút nào!

Nhưng, trong văn học, đâu mới là cái... thực?

Dĩ nhiên, có nhiều điều đáng nói về những tác phẩm của Mai Thảo, tuy nhiên cái đáng nói không phải là ở đấy! Nếu ông ta "cho" nhân vật của mình hoặc tấm vé số độc đắc, hoặc một bản chúc thư khá khẩm ngay từ đầu, câu chuyện sẽ... thực hơn chăng? Nếu những nhân vật của Kim Dung, cũng tương tự thế, "tình cờ" phát hiện một kho báu nào đó, chuyện hành hiệp của họ sẽ bớt hoang đường hơn hay chăng? Cái mà Kim Dung nhắm đến là sự lôi cuốn của những tình tiết sôi động, đầy bất ngờ, và, nếu có thể, chuyển tải những quan niệm nhân sinh - lịch sử nào đó: đó là cái đẹp riêng của tác phẩm, dù là văn chương giải trí. Còn nếu Tố Hữu phải lên tận Điện Biên mới có thể làm thơ... Điện Biên thì, với cùng một quan niệm như thế, chao ơi, nền văn chương của thế giới này sẽ nghèo nàn biết bao?

Sự lấn cấn trong tín niệm về cái thực và tính thực ấy còn đưa đến sự lấn cấn trong quan niệm về đề tài và sứ mạng của văn chương.

Lấy thí dụ thơ. Có một quan niệm khá phổ biến rằng thơ phải gắn bó với... tình; không tình, thơ chỉ là những vần điệu không sinh khí. Nói rộng ra, cả văn cả thơ, phải gắn bó với cái gì đó đáng nói, những đề tài gắn liền với cõi nhân sinh, với vận mệnh chung v.v...; đừng nên... vớ vẩn với những điều như một... cơn ngứa, như một giọt cafe đặc sánh đang nặng mình nhỏ xuống sau khi thấm qua mấy lần phin lọc!

Nhưng, thơ - mẫu mực như thơ Đường - có tình đâu? của Trần Nhân Tông, của Phạm Ngũ Lão, hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng có tình đâu? của Nguyễn Trãi - trừ bài ghẹo cô bán chiếu ra và vài bài thơ ngắn khác - cũng đâu phải là tình? Lớp người lãng tử, lớp người thiền sư, lớp người hùng, rồi lớp người quân tử; với họ, hoặc chỉ có tình của gió trăng, hoặc tình nam nữ là cái gì tục luỵ, hoặc là cái gì làm ươn hèn khí phách nam nhi, là vặt vãnh so với cái chí của bậc chính nhân. Họ phải hướng về cái gì đó lớn hơn, cao cả hơn. Mỗi người mỗi kiểu và mỗi thời mỗi kiểu. Rồi khi con người cá nhân xuất hiện, tình yêu của hắn đã trở thành điều đáng nói, đáng ca tụng, "đáng" đến độ trở thành một thứ tôn giáo văn chương của mấy thế hệ viết - đọc. Và, nếu đã đi đến tuyệt đích của bản thể cá nhân, những điều như cơn ngứa của hắn có đáng nói hay không? Có lẽ có mà cũng có lẽ không, đơn giản là bởi, vấn đề còn ở chỗ hắn ngứa như thế nào và sẽ thể hiện điều đó như thế nào!

Đến sứ mạng của văn chương, gọi là tải đạo, qua hình ảnh những nhà văn lẽo đẽo cây... thập giá trên vai. Trông cứ như những đấng cứu thế bất đắc chí. Lập đi lập lại trong những bài phỏng vấn, những suy nghĩ, "tản mạn" hoặc "gẫm lại", về một thời văn hay một đời văn, bao giờ cũng thấy rặt một giọng ai oán thở than về cây thập giá nặng trĩu đôi vai! Ngay trong lời nói đầu của Chân dung và Đối thoại, đã thấy Trần Đăng Khoa than vãn về thân phận "ì ạch" vác cây thập giá đèo bòng từ tấm bé. Đã tự giao, hay ít ra, tự ý thức ở mình một sứ mạng vinh quang đến thế mà sao vẫn than thở! Thèm cái cao cả của sứ mạng nhưng lại tiếc cho cái hấp dẫn của đời tục? Hay chỉ nhắc đến như một thói quen, một cái mốt, một sáo ngữ? Cái nào cũng dở dang quá, lấn cấn quá!

Mà không chỉ riêng trong văn học. Ở khía cạnh xã hội, những quan niệm lấn cấn về cái thực đó còn phần nào đưa đến những nỗ lực đầy... lấn cấn, lấy thí dụ nỗ lực hiện đại hoá. Nói như Trang Tử, "Hiểu trăm bộ phận trong mình con ngựa không phải là hiểu con ngựa, cái gọi là con ngựa có trước một trăm bộ phận ấy", khát vọng hiện đại hoá của chúng ta cũng chỉ lanh quanh trong giới hạn của "một trăm bộ phận" chứ không vươn đến cái tận cùng "có trước một trăm bộ phận". Nhớ lại những ngày duy tân: khát vọng ấy chỉ hực lên với những tó tóc cắt ngang cái rụp, những cánh áo the thâm ném xó, rồi, cao hơn nữa, với những cải cách chữ viết, cải cách việc học chứ không đi xa hơn, sâu hơn trên khía cạnh tư duy.

Và, mãi cho đến hôm nay, chúng ta vẫn cứ ngờ vực, vẫn không thoải mái với những trào lưu hiện đại, với những xu hướng thẩm mỹ băn khoăn tìm kiếm cái đẹp trong cái thực... thực cùng cực.

Cái thực, trong sự tìm kiếm sâu thẳm đó, luôn biến đổi. Cái thực, trong những nhận thức đó, khuất lấp đến độ ranh giới giữa khám phá và phát minh đã mờ nhạt hẳn: tìm thấy cái thực mà cũng như... sáng tạo nên cái thực. Nếu nhà vật lý lượng tử phải nhờ đến những thiết bị đo lường thật phức tạp mới có thể, một cách gián tiếp, nắm bắt được bản chất thực của vật chất thì người nghệ sĩ cũng phải tìm kiếm sâu hơn, xa hơn so với những lề lối cổ điễn. Người hoạ sĩ lập thể nhìn hình thuẫn của cái miệng ly trong phối cảnh thường mà hướng về cái thực tròn trịa của nó, và như thế, từ cái ly cho đến cây đàn, khuôn mặt người v.v..., cái "thực" ghi nhận trong con mắt thường đã bị phá tung để có thế phát lộ những cái thực sâu hơn. Cứ thế, trong nhiều phương cách khác nhau, và trên những lĩnh vực khác nhau. Những cái thực thực một cách siêu thực. Và rồi, từ cái siêu hiện thực, họ còn hướng đến cái ngụy hiện thực đầy chông chênh của thế kỷ 21: ngụy bởi sự mơ hồ của ý nghĩa khi bị tái chế, bị khúc xạ hay bị dìm sâu qua nhiều tầng ngôn ngữ khác nhau: ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ xã hội, ngôn ngữ truyền thông, ngôn ngữ chính trị; ngụy bởi thế đứng đan kết, phụ thuộc vào nhau của hết thảy những gì làm thành cái thực của xã hội đương đại.

Hời hợt với bản chất của cái thực, chúng ta cũng hời hợt trong quan niệm về cái thuần nhất, và do đó, ngờ vực cái mới cái lạ.

Tính thuần nhất, có thể nói, đã là một tiêu chí văn hoá và thẩm mỹ lớn. Nhưng trên thế gian này, biết tìm đâu ra sự thuần nhất? Đời sống ví như một dòng chảy miên man, bất tận; và, nói như Heraclitus, không ai có thể nhúng chân hai lần vào cùng một thứ nước sông, đơn giản bởi vì sông luôn luôn chảy. Để thuần... Việt, chúng ta có nên búi lại tó tóc rồi "buông quần lá toạ" hay chăng? Mà làm thế hẳn cũng chưa đủ: chúng ta còn phải đóng khố cởi trần, phải xâm mình cho giống hệt thuỷ quái thuồng luồng v.v..., thậm chí còn phải lui mãi, lui mãi về tận những bản Mường heo hắt sương mù trên núi đồi Việt Bắc! Tôi nhớ bếp lửa khoai vùi / Đồng chí nớ vui vui/ Đồng chi nớ dạy tôi dăm ba chữ/ Đồng chí mô nhớ nữa... câu thơ về những chàng trai kháng chiến hồn nhiên của Hồng Nguyên; rồi: Về đây mặc áo the, đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng lời ngô khoai, kể chuyện tình bằng hạt lúa mới, và về đây nghe gọi tiếng xưa..., lời hát của Lê Quang Lộc... Tất cả, gợi nên cái gì đó chân quê và thuần nhất. Bàng bạc trên những thổ âm "mô", "nớ", bàng bạc trên những lời ca dao gợi nhớ tiếng xưa, trên cánh áo the, đôi guốc mộc, còn nghe thoang thoảng mùi ngô khoai vùi bếp lửa hồng. Chân quê, thì, chân quê! Tuy nhiên, đấy lại là một sự pha tạp rất... toàn cầu: để đến được đất Việt, những ngô hay khoai ấy còn phải băng cả nửa vòng trái đất, từ Mỹ Latin tìm đường đến Philippines, rồi từ đây còn phải lòng vòng thế nào đó mới có thể bắt rễ ở đất Việt: cái xa lạ, khi đã gắn bó, đã trở thành cái chân quê, cái thuần nhất.

Một thí dụ như thế, có lẽ, phần nào thô thiển. Tuy nhiên, chính vì phiên phiến mơ hồ, không đi đến chỗ trọn vẹn, không đào sâu vào ý nghĩa tận cùng ở bản lai diện mục của cái thực và cái thuần nhất nên chúng ta mãi ngờ vực và đố kỵ trước cái mới cái lạ. Gần nửa thế kỷ sau lời... tiên tri:

... Chúng mày mới khai sinh

Đã vội gì khai tử

Cha chúng mày

Đọc sách Tây

Khoái dữ

Một chữ vắt trên đầu

Một câu cài dưới khố

Là thơ

Tự do

Của thời đại Cộng Hoà

Hãy về đây

Những vần thơ con hoang thời đại

Cha chúng mày trót dại

Đẻ chúng mày thiếu tháng thiếu năm

Dù dệt tơ bện lụa chúng mày nằm

Dù mặc áo trăm màu sặc sỡ

Kỳ dị quái gỡ

Đời nhìn phút chốc quên ngay

Bấm đốt ngón tay

Thương chúng mày trẻ dại...

(Hà Thượng Nhân - Chiêu niệm quái thơ - Tự Do 13.9.1954)

Những đứa "con hoang thời đại" trong hình hài Một chữ / Hai chữ / Mười lăm chữ ấy vẫn chưa chịu khai tử nhưng cái khuynh hướng "tiên tri" khe khắt, đầy đố kỵ ấy vẫn tiếp tục với những cái mới... mới hơn, cái lạ... lạ hơn. Qua rồi thời hiện đại, thế giới đang bước vào những ngày sau hiện đại, và, đó đây, những nỗ lực khai phá hướng đến những thay đổi ở đời sống hay ở nền văn chương của xã hội postmodernism mai hậu vẫn phải gặp những kháng trở tương tự.

Kháng trở từ đâu? Từ sự bằng lòng với cái đang có, đang hiện diện trong gian nhà nhỏ có vách tường u ám điểm xuyết mấy đường nét lộng lẫy thị thành xa có ánh mắt lặng lẽ nhìn lên, nửa khao khát thèm thuồng, nửa rụt rè tự nhủ rằng đấy không thuộc về mình. Cứ mãi chắt chiu tiếc rẻ những cái đẹp, cái nên thơ đầy gắn bó của quá khứ, của một thời kỷ niệm, như cái đẹp của bà mẹ nghèo "Bên kia Sông Đuống", trong thơ Hoàng Cầm:

Mẹ già ta còm cõi gánh hàng rong

Dăm miếng cau khô, mấy lọ phẩm hồng

Vài thếp giấy dầm hoen sương buổi sáng...

(Hoàng Cầm)

Bà mẹ đẹp lắm, đẹp đến nao lòng. Nhưng lẽ nào chỉ vì cái đẹp ấy mà bắt mẹ phải mãi còm cõi gánh hàng rong, còm cõi đếm đi đếm lại dăm miếng cau khô, dăm lọ phẩm hồng và mấy thếp giấy ướt dầm sương sớm?

Bằng không, nền văn học ấy, cũng, ví như gánh hàng của mẹ...

Melbourne 4.11.2000

_________________________

[1]Trương Nghệ Mưu trình bày trong chương trình Movie Show của David & Magaret, đài truyền hình SBS, Australia tháng 7, 2000. Tôi thuật lại theo trí nhớ.

[2]Thường chúng ta nghĩ "quá độ" là sản phẩm của nước VNDCCH, từ "Thời kỳ quá độ tiến lên XHCN". Thực ra chũ này đã được sử dụng trước đó khá lâu, thí dụ như trong những bài viết của Phan Khôi trong mục Ngự Sử Đàn Văn trên tạp chí Phụ Nữ Tân Văn, viết từ những năm 30.

[3]Xem: Nguyễn Hoàng Văn. 2000. "Tinh thần cụ thể". Hợp Lưu số 56. Tháng 4/5.

[4]Phong Lê. 2000. "Đề thi, chuyện chưa vui". Nhân Dân số Thứ Bảy 30.7 (Nhân Dân đăng lại từ Văn Nghệ nhưng không ghi rõ số báo).

[5]Cũng theo Phong Lê, phó giáo sư Nguyễn Tường Lịch đã viết một bài báo để nghị nên đăng tải đáp án của để thi để rộng đường dư luận, để giới nghiên cứu và nhà giáo cùng tham gia bàn bạc. Dĩ nhiên, tác giả đề thi và Bộ Giáo Dục lờ tịt.

[6]Vương Trí Nhàn. 1999. Buồn vui đời viết. NXB Hội Nhà Văn (tr.17)

[7]Vì những lý do khá tế nhị, xin miễn ghi rõ xuất xứ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021