Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 7
Thập thành: Chuyện bên lề

Tuy rằng hội hoạ chiếm hết phần lớn trong kinh nghiệm sau đây của người viết, thực chất của câu chuyện là bản sắc của người nghệ sĩ sáng tạo nói chung và áp lực của kim tiền. Đông Tây, cổ kim, vô số giai thoại được tạo dựng chung quanh người nghệ sĩ. Những giai thoại này có khi thay đổi cả diện mạo con người, trong khi chính tác phẩm mới là khuôn mặt thật và mãi mãi của người nghệ sĩ.

Khá lâu về trước, tranh tôi vẽ được bày bán ở một nhà bán tranh (art gallery) tại Nữu Ước. Một hôm, ghé thăm, ngồi nói chuyện với ông chủ tên F., người Mỹ gốc Pháp. F. hỏi tôi có hộp “đồ nghề” trong xe không. Tôi nói có; ông bảo tôi làm ơn đi lấy rồi sẽ cho xem cái nọ hay lắm. Tò mò tôi xách “đồ nghề” đi theo F. lên lầu trên, nơi chứa hàng trăm hoạ phẩm của gallery. F. mở cửa kho, kéo ra một bức tranh sơn dầu khá lớn. Tôi nhận ra ngay tác phẩm của C.Y., một tên tuổi của trường phái Paris. Ông chủ đưa tay xoa xoa một vạt lớn màu vàng đất sét (ochre) của bức tranh rồi giải thích: Hôm kia có bà khách Park Avenue [1] tới chơi, thích bức này lắm, muốn mua. Ngặt cái là bả rất không ưa màu vàng đất sét này, bảo phải chi nó là nâu sẫm (burnt umber) thì ký cái chi phiếu ngay, không bớt một xu. Bà khách vừa ra khỏi cửa, tôi bốc điện thoại gọi ngay Paris hỏi C.Y. còn có bức tương tự nào với màu nâu sẫm không. C.Y. nói không có nhưng giải quyết vấn đề liền tay. C.Y. bảo kiếm một ít sơn dầu màu nâu sẫm ấy quẹt đại lên chỗ vàng đất sét đó là xong. Còn dặn là nhớ trộn thêm vào nhiều siccative, dầu làm cho sơn chóng khô.

Tuần sau có thể mời bà khách đến chơi xem tranh. Nếu cần, cứ nói là mới nhận được, gửi hoả tốc từ Paris sang!

Ông F. bảo tôi (năm ấy chưa tới 30) giúp một tay, lấy sơn dầu màu burnt umber mà tô lên che lấp màu ochre đi. Tôi ngần ngừ, rồi từ chối: “Làm gì kỳ quá! Ông muốn làm thì làm đi, sơn cọ đây.” F. cười hề hề: “Cậu ngại hả? Muốn tôi làm hả? Thì làm!” Ông cầm ống sơn tôi cho mượn, bóp phọt một đống nâu sẫm trên vạt màu vàng đất sét rồi lấy cọ phết đều ra. Không tới nửa tiếng, xong.

Chuyện xảy ra đã gần bốn mươi năm mà trong một thời gian dài mỗi lần nhớ lại tôi cứ cảm thấy… lợm giọng như thể chứng kiến một cảnh tượng gớm ghiếc. Tuổi tác, chúng ta nghe nói, có thể thay đổi những định kiến kiên cố nhất. Ngày nay tôi không còn lợm giọng nữa vì nghĩ rằng trong toàn cảnh bút pháp của C. Y. cái vạt màu đó là vàng đất sét hay là nâu sẫm thật ra chẳng nhằm nhò vào đâu. Hoạ sĩ chìu chuộng khách, gallery thu được tiền, nhà giàu mua được tranh, mọi người hài lòng. Cớ chi tôi lại nhăn nhó?

Tuy nhiên, từ lâu tôi vốn quan niệm rằng công việc sáng tạo của một nghệ sĩ có tính cách bất khả xâm phạm. Một quan niệm có thể xem như kiêu kỳ và lỗi thời. Tôi không còn “lợm giọng” nữa nhưng vẫn cho rằng việc làm của hoạ sĩ C.Y. là một phản bội. Một phản bội được nguỵ trang dưới cái lốt thoả hiệp.

Suốt đời, từ ngày cầm cây bút cây cọ vung vít “sáng tác”, nghĩa là cách đây gần nửa thế kỷ, tôi đã khăng khăng tin tưởng rằng làm văn nghệ thì phải cương quyết giữ gìn cái ý chí của mình: Không vì danh lợi mà “đánh đĩ” cây bút cây cọ, v.v... Nói cụ thể: Không để cho khách chơi tranh và đồng tiền của khách ảnh hưởng đến cái vẽ của mình. Ấy vậy mà mới đây thôi, tôi có điều nghi hoặc. Bản thân tôi vẫn giữ phép tắc ấy cho cây bút của mình. Nhưng tôi đã có cái nhìn khác, có lẽ đúng đắn hơn, về việc áp dụng nguyên tắc ấy vào đời sống người khác.

ϖ

Tuổi “hoa niên” của tôi ở Việt Nam nhằm vào thời kỳ mọi sự trong đời sống bắt đầu nhuốm vẻ nghiêm trọng. Mẹ tôi là người hiền lành, “thương khó” [2] nhưng cha tôi là một người rất nghiêm nghị. Ông thương vợ con, thương người nhưng ông thi hành một thứ kỷ luật cứng rắn đối với gia đình và bản thân. Trong nhà thì vậy, ngoài ngõ thì đó là thời Nhật đuổi Pháp, Việt Minh cướp chính quyền, những vụ bắt bớ, thủ tiêu xảy ra liên miên. Rồi những cuộc tản cư, hồi cư, ăn ở chuệch choạc, thiếu thốn. Ấy vậy mà ở tuổi 13, 14 tôi lại đâm đầu vào cái mê hồn trận của sách vở. Dĩ nhiên, như bao nhiêu người đồng thời, tôi yêu Thơ Mới, Tự lực Văn đoàn… Nhưng thần tượng của thằng bé không phải là tráng sĩ Tiêu Sơn của Khái Hưng, hay chàng Dũng của Nhất Linh. Thuở ấy, người hùng của tôi đã là ông… Đào Tiềm, hiệu là Uyên Minh đời Tấn bên Tàu! Lâu về sau, đọc được mấy dòng ông Nguyễn Hiến Lê viết về ông Đào, khoái tỉ lắm [3].

Tôi đi học xa với cái não trạng ấy. Ở Pháp, tôi đụng vào những ông Đào Tây phương. Thằng bé vô tình hay hữu ý để qua một bên những hoạ sĩ tài danh của những thời đã qua, được vua này chúa nọ yêu chuộng, rượu thịt vàng lụa ê hề [4] và chỉ chú tâm vào các nghệ sĩ “ngược ngạo” của thế kỷ 20 cận kề. Paul Cézanne thi trượt ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, rút lui về quê dưới Aix-en-Provence sống ẩn dật, vẽ lui vẽ tới mấy trái táo quèn, về sau được tôn vinh là cha đẻ của nền hội hoạ hiện đại. Ở tuổi đôi mươi, cùng bạn bè, tôi quen một nhà văn già người Pháp, năm ấy đã khoảng bảy lăm, được ông kể cho nghe: Các cậu mê Modigliani lắm hả? Các cậu sinh sau đẻ muộn chỉ biết hắn qua sách vở. Tớ, tớ biết rõ hắn lắm. Cái thằng! Lúc nào cũng làm dáng. Mũ đen vành rộng, áo choàng đen dài chấm gót, quấn cái khăn đỏ... Bộ tịch vậy chứ ở dơ số một. Và ngang tàng số một. Có bữa, chính mắt tớ trông thấy, hắn vẽ chân dung chớp nhoáng cho bọn du lịch ngồi uống lai rai ởû quán Dôme, ngoài Montparnasse. Du khách chê bai hình vẽ “không giống”, kỳ kèo sao đó, “Modi” nổi sùng cầm cả xấp portraits xé toẹt rồi đưa cho khách, nói: “Biếu quí vị, lần sau đi “va-te” [5] lấy mà dùng!”

Được nghe kể về “Modi” như vậy, lại càng ngưỡng mộ. Ta phác hoạ theo cái ý của ta, ta đâu vì mấy đồng phật lăng mà phải vẽ cho vừa ý các ngươi. Đây, không ưng thì lấy mà... chùi đít!

Cũng vào thời gian đó, tên tuổi hoạ sĩ trẻ Bernard Buffet nổi lên đùng đùng. Một nhà phê bình mỹ thuật đẻ ra một từ mới: misérabilisme [6]. Giới thượng lưu trưởng giả đua nhau mua tranh Buffet chừng nào, giới trí thức nghệ sĩ khinh bỉ, dè bỉu Buffet chừng ấy. Đến khi Buffet mua Rolls-Royce, mướn tài xế riêng, thì ai nấy coi như chàng ta đã từ cấp “đĩ” suông tiến lên hàng “đĩ thập thành”. Thằng bé yêu Đào Tiềm ngày xưa tha hồ lún sâu vào thành kiến của mình. Thành kiến cho rằng tự bản chất người nghệ sĩ mang tính phản kháng, đối nghịch với xã hội chung quanh. Thành kiến cho rằng người nghệ sĩ bảo vệ bằng tất cả mọi cách cái chí hướng của mình, coi danh vọng, lợi lộc như rác rưởi... Thành kiến cho rằng người nghệ sĩ giữ khí tiết như người phụ nữ giữ trinh. Nếu ý nghĩa của chữ trinh có thể đổi thay theo thời thế thì cái khí tiết của người nghệ sĩ lại được ôm cứng lấy như một chân lý bất di bất dịch.

Cũng dễ hiểu thôi nếu du khách không bằng lòng vì Modigliani phác hoạ chân dung họ theo lối ông đã từng vẽ Béatrice Hastings, Blaise Cendras, Soutine,v.v. “Modi” đã không ngồi xuống vẽ lại theo lối thông thường để chiếm lấy cảm tình của du khách – và mấy đồng phật lăng còm. Nét bút của “Modi” phóng túng mà sang trọng, sơ sài mà vững chãi, ung dung mà quyết liệt, thành quả của bao công phu tìm tòi và rèn luyện. Ông không thể phụ phàng nét bút ấy. Từ bỏ nó không khác gì chọn cái chết. Khủng khiếp hơn cả cái chết. Chết mới chỉ là giã biệt. Giã biệt sự sống, giã biệt người thân, giã biệt nghệ thuật. Từ bỏ nét bút của mình, từ bỏ bút pháp của mình, là cầm dao mà tự rạch mặt rạch mày, thay đổi cả diện mạo của mình. Người nghệ sĩ không thể tự huỷ như thế.

Tài hoa thì thật tài hoa, nhưng Modigliani nghèo túng, bệnh hoạn, nghiện ngập, cùng quẫn. Năm “Modi” chết thảm trong một nhà thương thí ở Paris, hoạ sĩ đồng thời Pablo Picasso đã từng đi qua Thời kỳ Xanh, Thời kỳ Hồng, Lập thể Phân tích, Lập thể Tổng hợp, đã bước vào Thời kỳ Tân Cổ điển sau chuyến du ngoạn La Mã, Pompéi với Jean Cocteau và lấy người đẹp Olga Koklova làm vợ. Chưa tới tứ tuần (Picasso lớn hơn Modigliani 3 tuổi) Picasso đã bước lên đài danh vọng quốc tế. Tên tuổi ông vang lừng hai bờ Đại Tây Dương.

Hai thiên tài của Paris, thế kỷ 20: Cả hai đến từ Nam Âu, một từ Tây Ban Nha, một từ Ý Đại Lợi, hai quốc gia có truyền thống hội hoạ phong phú và lâu dài. Hai cá tính đam mê quyết liệt. Tuy vậy, đời sống, số phận của họ lại vô cùng khác nhau.

Mới đây, được đọc một bài viết của Nguyễn Minh Quân [7] càng làm cho tôi suy nghĩ thêm về công việc sáng tạo và áp lực của đồng tiền. Ông Nguyễn viết: (...) “Fyodor Dovstoyevski và Honoré de Balzac, cả hai suốt một đời cứ bị câu thúc chuyện áo cơm, phải viết nhanh để trả nợ, nhưng các tác phẩm của hai nhà văn này vẫn là những tuyệt tác văn chương của nhân loại. Nước ta có Vũ Trọng Phụng. Đã viết trong ‘cơn ho lao và dưới ngọn đèn tù mù’ để kiếm chén cơm cho một gia đình, ‘viết để nuôi bà, nuôi mẹ, nuôi vợ và nuôi thân’. Nhưng văn chương của ông cũng đầy tính sáng tạo.”

Ông Đào Tiềm “không vì năm đấu gạo” treo ấn từ quan, ông Modigliani bất cần mấy đồng phật lăng, xé toẹt những phác hoạ trao cho du khách dùng làm giấy... chùi đít; người nước Tàu, kẻ nước Ý, sống cách nhau đến 15 thế kỷ vậy mà có chỗ giống nhau: Thà chịu nghèo, không thà khom lưng. Ông Balzac, người Pháp, “viết nhanh để trả nợ”, ông Vũ Trọng Phụng, người Việt, viết trong “cơn ho lao và dưới ngọn đèn tù mù” lại có chỗ giống nhau: Trong cảnh ngặt nghèo vẫn sáng tác có nghệ thuật. Thế còn ông Rubens? Ông Picasso? Đứng hàng đầu thời kỳ Baroque, thế kỷ 17, ở Âu châu, ông Rubens sống trong nhung lụa. Đứng hàng đầu thế kỷ 20, ông Picasso từ tuổi trung niên đã giàu có đến mức có thể mua cả một lâu đài, vẽ chất đầy tác phẩm, đến khi hết chỗ treo tranh lại mua lâu đài khác. Người gốc Phờ-lăng (Flanders; Flandres), kẻ gốc Tây Ban Nha, sống cách nhau đến 300 năm, lại có chỗ giống nhau: Chẳng những phát huy được cái đại tài của mình mà còn tạo được một cuộc sống vương giả (trường hợp Rubens) hay cực kỳ phong lưu (trường hợp Picasso).

Những sự kiện trên đây làm sáng tỏ được những gì?

Ai là người cương quyết bảo vệ cái tư cách của mình? Ai là người khéo léo đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của những thế lực văn hoá, xã hội và kinh tài? Ai là người dứt khoát chống đối tất cả những gì lăm le xâm lấn vào đời sống tinh thần của mình? Và ai là người, bất kể hoàn cảnh cá nhân nghèo khổ hay giàu sang, vẫn vận dụng được tài hoa thiên phú của mình?

Chúng ta biết là không ai có thể biết rõ được. Con người thiên hình vạn trạng, con người với bao nhiêu uẩn khúc và trăn trở, bao nhiêu đớn đau và hoan lạc, con người khi thì cứng mạnh khi thì yếu đuối, con người rốt cuộc đi vào hư vô. Chỉ tác phẩm mới tồn tại, mới ở lại với đời, và đó là cái đáng xét, cái có thể xét được. Người chết đã gần hai ngàn năm, kẻ mới chết vài chục, nghệ nhân đã chết và tác phẩm là những gì còn lại, còn sống với chúng ta. Chỉ những tác phẩm mà thôi.

Tôi có nói ở trên: “tuổi tác có thể thay đổi những định kiến kiên cố nhất”. Trước, tôi có thói quen đánh giá người nghệ sĩ ở cái cốt cách, cái ý chí. Nay, tôi chỉ nhìn vào tác phẩm.

Hơn 80 năm trôi qua từ ngày Modigliani lang thang ở Montparnasse phác hoạ chân dung “mì ăn liền” cho khách du lịch. Những mảnh giấy dùng đi “va-te” có nét vẽ của “Modi” chắc đã tan biến mất tiêu rồi. Không có cách gì tìm lại được, rửa sạch, phơi khô, lồng kính, treo ở viện bảo tàng để khách yêu tranh ngắm nghía. Nhưng biết bao tác phẩm khác của “Modi” vẫn còn đó với chúng ta.

Cái ngang tàng của Modigliani, cái lưng thẳng của ông Đào Uyên Minh là những cái thuộc về giai thoại. Nói là huyền thoại cũng không quá đáng. Ông Balzac buông bút phóng ra cửa sổ chạy thoát thân khi chủ nợ đến đòi tiền thuộc về giai thoại. Ông Vũ Trọng Phụng vừa ho vừa viết “dưới ánh đèn tù mù” thuộc về giai thoại. Ông Picasso đãi khách hậu hĩ, rượu thịt ê hề, nhưng riêng ông thì chỉ ăn cơm trắng với nấm, uống nước suối, ngày nào cũng vào phòng vẽ làm việc từ... 12 giờ khuya đến 5 giờ sáng, ông Picasso ấy cũng thuộc về giai thoại.

Tuy nhiên, tác phẩm của họ lại không thuộc về giai thoại. Tác phẩm của họ có thật, bởi chăng chỉ tác phẩm mới chứa đựng trọn vẹn sự sống của người nghệ sĩ. Với tác phẩm, người nghệ sĩ khẳng định sự hiện hữu của mình.

ϖ

Ở đầu bài viết này tôi có nhắc đến hoạ sĩ tên tuổi C.Y. của Ecole de Paris, vì mấy đồng đô-la đã để người khác xoá bỏ màu vàng đất sét của mình bằng cách tô lên đó một mảng nâu sẫm. Tôi đã lợm giọng trong mấy chục năm trời mỗi khi nhớ đến chuyện cũ bởi vì, từ thuở non dại, tôi đã tin rằng người nghệ sĩ phải biết “thủ tiết”, kiểu nàng Mị- Ê [8].

Ngày nay, tôi có đổi khác. Tôi không lưu tâm đến ông C.Y. nữa. Ông trọng cái vẽ của ông hay ông trọng tiền bạc, mặc ông. Tôi chỉ nhớ lại tác phẩm của ông, nhớ lại những hoạ phẩm khác của ông mà tôi đã được xem.

Thuở xảy ra chuyện đổi màu này, C.Y. đã bước đến tuổi trung niên, một hoạ sĩ tên tuổi của Pháp quốc, tranh ông được sưu tầm nơi này nơi nọ cả hai bên Đại Tây Dương và Nhật Bản. Tôi may mắn đã không bị tên tuổi của ông làm mờ mắt: Trước kia, nhìn tác phẩm của ông mà thôi, tôi đã ngờ rằng đó chỉ là những tác phẩm tầm thường. Ngày nay, nhớ lại, tôi tin rằng cái “ngờ” ấy có cơ sở. Và tôi nghĩ rằng, vàng đất sét hay nâu sẫm, thật ra, chẳng nhằm nhò gì cả. Biến vàng đất sét thành nâu sẫm giúp bán được bức tranh nhưng bản chất hoạ phẩm chẳng thay đổi gì. Tầm thường vẫn cứ tầm thường.

Với ý nghĩ đó, tôi đã tìm được cách “làm lành” với ông C.Y. Từ nay, tôi có thể quên ông đi, quên cả tác phẩm ông đi.

2000

_________________________

[1]Đại lộ Park, trung tâm quận Manhattan, là khu giàu sang nhất thành phố New York. Cách đó chừng 5, 10 phút đi bộ là nơi có nhiều art galleries nhất thế giới.

[2]Nói theo lối Huế, “thương khó” không phải là “khó thương”. Thương khó là chịu thương chịu khó: nhẫn nại, cần kiệm, nhiều tha thứ và hy sinh.

[3]“Từ 29 đến 40 tuổi, vì nghèo phải ra làm quan, nhưng vì tính tình ông cao khiết, không chịu luồn cúi, nên không nhận được chức nào cao, mà cũng không ở chức nào lâu. Mới đầu (29 tuổi) làm chức tế tửu ở Giang Châu, ít lâu xin về cày ruộng. Hồi 35 tuổi lại ra làm một chức quan nhỏ, không lâu, rồi cũng xin về. Lần thứ ba, ông làm chức tham quân, rồi đổi qua làm huyện lệnh ở Bành Trạch. Nhân trên quận sai viên đốc bưu đến huyện, nha lại trình với ông nên đeo đai ra đón. Ông than: “Ta có thể nào vì năm đấu gạo (lương huyện lệnh hồi đó) mà phải khom lưng ư?”Rồi trả áo mão cho triều đình, bỏ về lần nữa, viết bài Qui khứ lai từ.” (Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch, Cổ Văn Trung Quốc, Tao Đàn, Sài Gòn, 1966.)

[4]Ví dụ tiêu biểu: Peter Paul Rubens, hoạ sĩ hàng đầu của thời Baroque. Sinh năm 1577, ở tuổi 30 tên tuổi ông đã vang lừng Tây Âu. Ông thân cận với giới quyền quí đến độ một dạo trở nên sứ thần lưu động giữa các triều đình từng mến mộ ông. Tác phẩm ông được yêu chuộng rộng rãi và đạt được giá rất cao. Những xưởng vẽ của ông, với đông đảo tay nghề phụ giúp, trở thành những cơ sở đại qui mô cho khách đặt hàng. Trong lịch sử nghệ thuật cổ kim hiếm có người lúc sinh thời sống đời cao sang như ông. Năm 40 tuổi, goá vợ, ông tục huyền với một giai nhan tuyệt sắc...16 tuổi! Và bỏ tiền ra tậu cả một lâu đài để “đưa nàng về dinh”.

[5]“va-te”: người Pháp dùng một từ Anh (?) để chỉ cái cầu tiêu, water-closet (viết tắt là W.C.) Họ thường nói chữ đầu thôi, và đọc theo lối Pháp, “vater(re)”.

[6]Misérabilisme: có thể dịch ra là “khốn cùng chủ nghĩa”. Những năm 60, một vài hoạ sĩ ở Sài Gòn đã đi theo con đường này.

[7]Nguyễn Minh Quân, "Cách tôi đọc một bài khảo cứu văn học", Hợp Lưu 53, 6&7/2000, tr. 51.

[8]“Năm Giáp thân (1044) vua Thái Tông ngự giá đi đánh Chiêm Thành. [...] Thái Tông tiến binh đến quốc đô là Phật Thệ, vào thành bắt được vương phi là Mị-Ê [...] Khi xe giá về đến sông Lý Nhân, Thái Tông cho đòi Mị-Ê sang chầu bên thuyền ngự. Mị-Ê giữ tiết không chịu, quấn chiên lăn xuống sông mà tự tử.” (Trần Trọng Kim, Việt nam Sử lược, Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1971.)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021