Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
ban biên tập   mục lục
thư toà soạn
Việt 4 /  Ðầu năm 2000 -  Tình yêu, tình dục & phái tính trong văn học
 

Mỗi số Việt là một chủ đề. Trong mỗi chủ đề, chúng tôi vừa muốn tổng kết lại một số thành tựu đã đạt được, lại vừa muốn đề xuất ra một số khía cạnh mới để mọi người cùng tiếp tục suy nghĩ và tìm kiếm. Do đó, mỗi số chủ đề vừa là một kết thúc lại vừa là một khởi đầu. Nó kết thúc một chặng đường nghiên cứu và khởi đầu cho một chặng đường nghiên cứu khác, ở một tầm cao hơn, với nhiều vấn đề phức tạp hơn. Chính vì vậy mà sau mỗi số Việt thường xảy ra các cuộc tranh luận đôi khi khá gay gắt. Chỉ có điều là vì Việt cứ mỗi sáu tháng mới ra một số, một thời gian quá dài để có thể tiến hành các cuộc tranh luận, do đó, tất cả các cuộc tranh luận liên quan đến các vấn đề do Việt đề ra đều xảy ra trên các diễn đàn khác, chủ yếu là tại Việt Nam và Mỹ.

Việt số 4, với chủ đề "Tình yêu, tình dục và vấn đề phái tính trong văn học", cũng có tham vọng làm một tổng kết và đồng thời, một khởi đầu như thế. Chủ đề này, thật ra, chứa đựng đến ba đề tài khác nhau. Đề tài thứ nhất, về tình yêu, vốn đã được nhiều người đề cập, nhưng dường như ai cũng muốn xem đó như một đề tài vĩnh cửu, đã có từ xưa và sẽ tiếp tục kéo dài mãi mãi; ít ai nhớ ra đó chỉ là một đề tài mới và đang có nguy cơ biến mất, ít nhất là trong loại văn chương nghiêm túc, không những ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Đề tài thứ hai, về tình dục, vốn thường bị người Việt Nam xem như là "cấm kỵ", chỉ có thể làm chứ không được bàn luận. Bởi vậy, một số vấn đề được nêu lên trên số báo này có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đề tài thứ ba, về phái tính, dường như chưa bao giờ thực sự được nghiên cứu tại Việt Nam. Một số công trình đã in về các nhà thơ hay các nhà văn nữ, thường có tính chất xã hội học, chủ yếu nhằm mô tả số lượng các tác giả nữ trong từng thời kỳ cùng một số đặc điểm trong phong cách viết lách của từng người trong họ, tuy nhiên, hiếm có ai liên hệ những đặc điểm ấy với vấn đề phái tính, chẳng hạn: nam và nữ viết khác nhau ra sao? khác đến chừng mức nào? những sự khác biệt ấy có dính líu gì đến những sự khác biệt về sinh lý của nam và nữ? v.v...

Không phải đối với vấn đề nào, các tác giả có mặt trong số báo này cũng đồng ý với nhau. Bạn đọc tinh ý sẽ nhận thấy mỗi tác giả có một quan niệm riêng của họ. Theo chúng tôi, đó là điều khá tự nhiên. Trong một sinh hoạt thực sự văn minh và dân chủ, điều mong ước lớn nhất của chúng ta là sự đa dạng và phong phú trong tư tưởng và phong cách chứ không phải là một sự rập khuôn thụ động. Một tinh thần văn minh và dân chủ biết đối thoại trên cơ sở chấp nhận sự tồn tại của những cái mới, cái lạ và cái khác mình. Chúng tôi rất mong bạn đọc cũng đọc số báo này trong một tinh thần như thế: đối thoại trên cơ sở chấp nhận sự tồn tại của những cái mới, cái lạ và cái khác mình.

Ngay chính giới cầm bút từ khắp nơi, khi đến với Việt, cũng đến với một tinh thần như thế. Không ai đòi hỏi ai phải giống với mình. Điểm chung duy nhất khiến họ có thể tập hợp lại bên nhau trong một tờ tập san như Việt có lẽ chính là sự thiết tha muốn làm một cái gì đàng hoàng cho văn chương. Hay hay dở chưa biết thế nào, điều cần nhất trong văn chương là phải đàng hoàng với chữ nghĩa.

Riêng trên Việt số này, sự đàng hoàng ấy thể hiện rõ rệt trên từng chữ đầy cân nhắc và đầy sáng tạo trong truyện ngắn độc đáo của Phạm Thị Hoài, trong nỗ lực tìm một cách kết cấu mới trong truyện của Nguyễn Thị Hoàng Bắc, trong những bài thơ không muốn tự lặp lại mình của Uyên Nguyên, Chân Phương, Phạm Việt Cường, Vi Hoà, Thận Nhiên, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Quang Thiều, Thường Quán... cũng như trong các bài viết vừa duyên dáng vừa uyên bác của Võ Phiến và Nguyễn Quốc Trụ, trong bài khảo cứu công phu với một tinh thần tổng hợp thật cao và một óc lý luận chặt chẽ hiếm có của Hoàng Ngọc-Tuấn, trong các bài tiểu luận nhiều phát hiện lý thú của Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Đăng Thường, Chân Phương... và trong hai bài tiểu luận nhẹ nhàng của Nguyễn Hoàng Văn, một cây bút trẻ và nhiều hứa hẹn.

Việt số 5, ra vào đầu năm 2000, sẽ tập trung vào chủ đề: "Họ viết văn/làm thơ như thế nào?" trong đó các nhà thơ và các nhà văn sẽ tự đúc kết kinh nghiệm sáng tác của mình và các nhà phê bình, nghiên cứu sẽ bàn luận về các yếu tố kỹ thuật trong sáng tác.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021