Dưới chủ đề chung là "Văn học Việt Nam bước vào thế kỷ 21", các bài tiểu luận trong số này tập trung vào ba nội dung chính. Thứ nhất là phân tích một số di sản và thực trạng văn học Việt Nam như tính chất thuộc địa, làng xã và tiểu nông. Thứ hai, từ thực trạng và di sản ấy, khẳng định nhu cầu hoàn cầu hoá và cộng hoà hoá văn học. Và thứ ba, khi hình dung về những biến chuyển lớn trong văn học thế kỷ 21, một số tác giả giới thiệu một vấn đề quan trọng hiện nay: mối quan hệ giữa văn học và kỹ thuật, trong đó, nổi bật nhất là nền văn học trong không gian điện tử: hypertext.
Tác giả những bài tiểu luận ấy, ngoài Hoàng Ngọc-Tuấn nổi tiếng là uyên bác, cũng như ngoài Nguyễn Hoàng Văn với một phong cách ngày càng sắc sảo, còn có vài tên tuổi mới mà chúng tôi muốn bạn đọc lưu ý như Đức Thuần và Nguyễn Minh Quân. Mới, trẻ, nghiêm túc và trí thức. Đó là chưa kể Võ Đình, nhà văn kiêm hoạ sĩ quen thuộc trong sinh hoạt văn học nghệ thuật hải ngoại trong mấy chục năm vừa qua, với một bài viết ngắn nhưng trong đó thể hiện một thái độ trí thức thẳng thắn và can đảm hiếm có: "Lại chuyện chính mạch". Và cũng chưa kể Italo Calvino, một trong những cây bút hàng đầu của thế giới trong nửa sau thế kỷ 20, qua một bài viết được xem như một nền tảng lý thuyết cho tiểu thuyết thế kỷ 21.
Về thơ, Việt số này vẫn khởi sắc với những tác phẩm mới của các nhà thơ tiên phong thuộc nhiều thế hệ khác nhau, cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước: Diễm Châu, Phạm Việt Cường, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, Trần Đình Lương, Phạm Miên Tưởng, Uyên Nguyên, Vi Hoà, Trần Tiến Dũng, Lê Văn Tài, Lưu Hy Lạc, Tạ Duy Bình, v.v...
Về tuỳ bút và truyện ngắn, có một bước nhảy vọt rất đáng kể về cả số lượng lẫn chất lượng với sự góp mặt của các tác giả: Võ Phiến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Mai Ninh, Lê Minh Hà, Hoàng Nga, Phạm Hải Anh, Phùng Nguyễn, Lâm Chương và Nguyễn Đăng Thường.
Trước đây, trên Việt số 5, chúng tôi đã giới thiệu chủ đề Việt 7 là "Làm thơ và đọc thơ". Nhiều bạn đọc cũng như bạn văn đề nghị chúng tôi tiếp tục tập trung đào xới những vấn đề có tính chất lý luận rộng lớn và căn bản hơn. Nhận thấy đề nghị ấy có lý và chính đáng, chúng tôi xin phép tạm gác lại chủ đề "Làm thơ và đọc thơ" để tập trung Việt 7 vào chủ đề "Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt Nam". Chung quanh chủ đề ấy, một số câu hỏi then chốt sẽ được đặt ra: Chủ nghĩa hậu hiện đại là gì? Nó khác với chủ nghĩa hiện đại ra sao? Liệu văn học Việt Nam có thể tiến thẳng vào chủ nghĩa hậu hiện đại mặc dù chưa bao giờ thực sự thử nghiệm chủ nghĩa hiện đại? v.v...