Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
ban biên tập   mục lục
thư toà soạn
Việt 8 /  Giữa năm 2001 -  Lý thuyết, phê bình & sáng tác văn học
 

Hầu hết các bài tiểu luận trong Việt số này cũng như phần lớn các bài tiểu luận từng được đăng trên Việt đều nhằm khẳng định một luận điểm chính: chúng ta không thể thay đổi văn học, cả sáng tác lẫn phê bình, nếu trước hết chúng ta không thay đổi cách nhìn về văn học.

Sự nghèo nàn của văn học Việt Nam từ trước đến nay không phải chỉ là sự nghèo nàn về phương diện sáng tác. Thật ra, có lẽ chúng ta sáng tác không ít. Tự xem là một nước thơ, phần lớn người Việt Nam đều làm thơ. Tuy nhiên, dù làm thơ hay viết văn thật nhiều, văn học của chúng ta vẫn cứ nghèo. Cả hàng ngàn hay hàng chục ngàn tác phẩm ấy cứ hao hao như nhau, như những phó bản của nhau.

Khi đề cao tầm quan trọng của cách nhìn và cách nghĩ về văn học, tác giả các bài tiểu luận trong số này cũng như Ban chủ trương tạp chí Việt nói riêng, chỉ xuất phát từ thiện chí khiêm tốn muốn góp phần thúc đẩy việc đổi mới văn học Việt Nam.

Thiện chí ấy được khá nhiều nhà văn và nhà thơ đồng tình. Trên Việt số này, khi trả lời phỏng vấn, Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Hoằng Vị, Ðinh Linh, Uyên Nguyên và Phan Nhiên Hạo, từ nhiều góc nhìn và với những kinh nghiệm khác nhau, đều cho việc tìm kiếm cái mới lạ là điều đương nhiên khi cầm bút.

Khát vọng hướng đến cái mới ấy cũng thể hiện bàng bạc trong hầu hết các bài viết đăng trên số báo này, từ tiểu luận đến truyện ngắn và thơ. Về thơ, vẫn những cây bút tài hoa và giàu ý chí sáng tạo như Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Quốc Chánh, Uyên Nguyên, Thận Nhiên, Trần Tiến Dũng, Chim Hải, Vi Hoà, Phạm Miên Tưởng, Trần Ðình Lương, Lê Văn Tài, Ðinh Trường Chinh, Nguyễn Hoàng Tranh, v.v... Kỳ này, chúng ta có thêm Ðinh Linh với những bài thơ tự dịch từ tiếng Anh. Về truyện, bên cạnh một Phạm Thị Hoài điêu luyện trong kỹ thuật và sắc bén trong ngôn ngữ, có hai nhà văn nữ được nhiều người yêu mến, Phạm Hải Anh và Nguyễn Thị Thanh Bình. Ngoài ra còn có Bùi Hoằng Vị tuy ít được biết đến nhưng theo chúng tôi là một trong những tài năng quý báu hiếm hoi mà chúng ta có được trong vòng mười năm qua. Ba tên tuổi khác chỉ mới xuất hiện nhưng đã có cố gắng làm mới cách viết: Hải Hà, Trần Nhật Thổ và Nguyễn Như Núi. Về tiểu luận, Nguyễn Hưng Quốc bàn về những chức năng chính của phê bình; Hoàng Ngọc Tuấn vạch trần những ngộ nhận chung quanh quan điểm "Văn là người" và "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" đồng thời cổ vũ cho một thứ đạo đức học chuyên nghiệp trong văn học; Nguyễn Hoàng Văn càng lúc càng sắc sảo cả trong tư duy lẫn trong bút pháp với bài viết "Phê bình du kích"; Nguyễn Minh Quân, từ lãnh vực khoa học bước vào văn học chỉ một thời gian ngắn, đã dám đương đầu với một đề tài nổi tiếng là phức tạp: cấu trúc luận và giải cấu trúc (deconstruction); Nguyễn Văn Tuấn cũng từ lãnh vực khoa học bước vào văn học với một bài phân tích thống kê về các tác giả lớn từ trước đến nay, qua đó, cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan khá hoàn chỉnh về tình hình sinh hoạt trong lịch sử văn học Việt Nam.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021