Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 3
Khiêm tốn hay buồn thảm

Cần mua một ít đất tốt để trồng cây, tôi hỏi quanh và được chỉ tới Carlos. Mặt trời mới lên, người đàn ông Mễ đã chở đến một xe tải đầy ắp đất đen từ ruộng mía. Thấp, nhưng thừa bề ngang, da dẻ cháy nắng, râu tóc rậm rì, tiếng nói tiếng cười rổn rảng. Đổ đất, trả tiền xong xuôi rồi, tôi mời Carlos uống nước, và hỏi: "Này, amigo, chớ ông sinh ở đâu vậy? Mexico?" Carlo cười lớn, cải chính một cách sung sướng: "No, no, no Mexico. Colombia! Ông biết Colombia không?" Tôi nói: "Biết, biết chớ, nhưng chưa đến lần nào. Chỉ biết Colombia có cà phê ngon... và Colombia là quê hương của ông escritor..." Carlos cướp lời tôi, hét toáng lên, giọng Nam Mỹ rộn ràng, chữ "r" rung tít: "Sí, sí, el escritor, Gabriel Garcia Marquez! Người cùng tỉnh với tôi đó. , Sien Anos de Soledad!"

Tôi lây ngay cái vui huyên náo của người bạn mới. Một anh lao động, sinh trưởng ở Colombia, nói tiếng Anh... bồi, xúc và đổ đất cho thiên hạ... biết đến Marquez, Nobel văn chương 82, và Trăm năm cô đơn... Lạ. Tuyệt vời. Carlos đi rồi tôi còn nghe tiếng cười nói oang oang của anh. Nhưng niềm vui sáng ấy coi như Carlos mang đi mất tiêu. Tôi ngồi lại một mình trong vườn nhà nghĩ đến Marquez: sinh ở Colombia, sống lưu vong ở Mexico, viết bằng tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, ngôn ngữ của gần 300 triệu người trên thế giới. Và nhớ lại bài viết của Nguyễn Hưng Quốc mới đọc chiều hôm trước. Mà lòng tái tê.

Trong số người đọc ngưỡng mộ cây bút Nguyễn Hưng Quốc có tôi. Thấy bài của ông là tôi săm soi đọc ngay, với nhiều thích thú. Đôi khi tôi không đồng ý với những gì ông viết nhưng tôi luôn luôn thích thú cái cách ông viết. Cách đó như thế nào, nhiều người đã nói rồi. Tôi có nói điều gì thêm có thể thâu tóm ở hai điều. Một: Nguyễn Hưng Quốc thường có những ý tưởng vượt ra ngoài lề thói thông thường. Và hai: ông bày tỏ những ý tưởng đó với lời văn chẳng những đẹp đẽ mà còn chân thành. Lời văn đẹp không phải là của hiếm. Lời văn đẹp mà táo bạo, đẹp mà chân thành mới là hiếm hoi.

Trong Việt số 2 (tháng 7-1998), Nguyễn Hưng Quốc bàn về "Sống và viết như những người lưu vong". Có nhiều nhận xét sắc bén, vừa tàn nhẫn vừa thú vị đáng được nhắc lại nhưng tôi chỉ xin ghi nhận một hai điều nòng cốt cần lưu ý và xét lại lập tức mà thôi:

Với sinh hoạt văn học trong nước, chúng ta là những người đứng bên lề. Dù tài hoa đến mấy, vẫn là những người bên lề. Với sinh hoạt văn học ở quốc gia chúng ta đang sống, chúng ta cũng lại là những người đứng bên lề, một thứ nhà văn sắc tộc khiêm tốn và buồn thảm, đứng bên lề những sinh hoạt chính mạch của thiên hạ.

Bài viết của Nguyễn Hưng Quốc kết thúc như thế này:

Viết văn, ngày xưa, là một danh phận; sau này, vừa là một danh phận vừa là một nghề nghiệp. Ở hải ngoại, viết văn không thể là một nghề nghiệp mà trên thực tế, cũng không còn là một danh phận. Viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực.

Tôi ngờ rằng có nhiều người viết văn ở hải ngoại đọc những câu này của Nguyễn Hưng Quốc và lấy làm bất bình. Tôi cũng ngờ rằng bất bình thì bất bình, những người ấy cũng phải chịu rằng ông Nguyễn đã nói lên được những sự thật đau lòng. "Lời nói không mất tiền mua," Nguyễn Hưng Quốc đã không sử dụng bài học dân gian về sự "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau." Tôi hoan nghênh sự lơ là đó. Tôi trọng lời nói thật - dĩ nhiên, với lễ độ - hơn là lời nói khéo. Mặc dù tôi không hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Hưng Quốc.

Chuyện danh phận, chuyện nghề nghiệp, ngày xưa và bây giờ, quả có vậy, ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Nhưng viết văn có "trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực" không? Bạn đọc cứ tưởng tượng thử: một người đã bị "bất lực" lại còn chưa biết thân, lại cứ "hành lạc" một cách "đau đớn". Khiếp! Ở trên, tôi vừa nói rằng tôi "không hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Hưng Quốc". Nghĩa là có đồng ý đó nhưng không phải một trăm phần trăm. Tôi nghĩ rằng viết văn ở hải ngoại, quả là một sự "hành lạc đau đớn", nhưng không phải của những người bị "bất lực". Trái lại. Ở đây không phải là nơi bàn về giá trị của những gì họ viết. Tôi chỉ khẳng định rằng ở hải ngoại, trong hoàn cảnh chúng ta, mà "làm văn chương" là một cố gắng phi thường trong một tình thế vô vọng. Cố gắng của những con người đam mê và cương cường. Trong nỗi phi lý ấy có niềm cao quý. Ngay chính cái viết của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã chứng minh cho điều đó.

Chuyện "bất lực" hay không "bất lực" này, nói cho cùng, là chuyện sợi tóc chẻ làm tư. Thiển nghĩ suy cho ra lẽ cũng chỉ là một việc làm vô bổ. Mà chưa chắc "suy cho ra lẽ" là điều có thể làm được. Thôi thì tốt nhất là mỗi người làm văn hãy tự hỏi coi thử nhận định của Nguyễn Hưng Quốc có đúng với hoàn cảnh của riêng mình hay không. Vì vậy tôi không lưu tâm đến chuyện này cho bằng chuyện kia, chuyện "nhà văn sắc tộc khiêm tốn và buồn thảm, đứng bên lề những sinh hoạt chính mạch của thiên hạ."

Người Việt viết văn ở hải ngoại là những nhà văn sắc tộc, quả có vậy. Họ là những nhà văn sắc tộc khiêm tốn, quả có vậy. Họ là những nhà văn sắc tộc khiêm tốn và buồn thảm? Tôi không nghĩ thế. Nhưng chúng ta hãy tạm để chuyện "buồn thảm" này sang một bên: ta hãy quay lại với nó trong chốc lát. Nên xét ngay chuyện "đứng bên lề những sinh hoạt chính mạch của thiên hạ". Bởi chăng đó là duyên do vì sao có sự "buồn thảm" của nhà văn sắc tộc.

Những sinh hoạt "bên lề" là những cái gì, chúng khác với những sinh hoạt "chính mạch" ra làm sao? Trả lời cho đầy đủ và rõ ràng hai câu hỏi này có thể sẽ là một bài viết chiếm hết... số trang của tờ Việt! Chỉ xin có nhận định ngắn gọn sau: cái gọi là "bên lề" và cái gọi là "chính mạch", cũng như giòng sông và hai bờ, có thể gặp nhau ở một bình diện chung. Đó là khả năng, tài ba, và sự đam mê chân thật của người nghệ sĩ. Ngoài bình diện đó ra chỉ có những hiện tượng bình phàm hoá mang màu sắc thương mại, thông tục và thời thượng.

Trong một bài viết cách đây mấy năm tôi có kể lại chuyện I.B. Salinger ngồi ăn sáng với vợ trong một quán cà phê bình dân ở Brooklyn, ngoại ô thành phố New York. Phóng viên một tờ báo lớn tìm ra ông, hớt ha hớt hải báo cho ông hay là ông vừa được trao giải Nobel văn chương. Salinger nói: "Thế à? Cám ơn ông bạn nhé." Rồi tiếp tục chấm doughnut vào cà phê sữa, tiếp tục bữa ăn. Một Salinger như vậy không có gì đáng ngạc nhiên lắm. Điều đáng lưu ý là bữa sáng ấy từ một ông già thấp bé, ăn mặc lùi xùi, ngồi ăn sáng trong một cái quán doughnut hạ lưu, Salinger bước một bước từ "bên lề" vô "chính mạch". Chỉ với hai tiếng "thế à?", Salinger lại từ "chính mạch" quay về với đời "bên lề" của ông. Sinh hoạt văn học nghệ thuật nói chung, như bãi sông: có người bơi, có người lặn, có người đứng trong nước đến bụng, có người ngồi trên bờ, có người ngủ dưới lùm cây... Không cứ phải hụp phải lặn giữa giòng mới được coi là "tắm sông". Những năm ẩn cư của Solzhenitzyn ở Vermont trong trang trại bao bọc bởi hàng rào thép cao tám bộ, ông vừa ở trong nước vừa đứng trên bờ. Năm 1951, J.B. Salinger cho ra đời cuốn The Catcher in the Rye, một tác phẩm được coi như ở hàng đầu của văn chương bằng Anh ngữ. Sau đó, gần nửa thế kỷ, cho đến bây giờ, ông không xuất bản gì nữa, không xuất hiện ở đâu nữa, không tiếp bất cứ ai ngoài một vài người thân thuộc. Salinger đã từ lâu trong nước bước lên bờ, lừng lững đi mãi, xa nước, xa bờ, xa hút, mất tăm. Tuy thế, nói đến văn chương hiện đại bằng Anh ngữ, không thể không nhắc đến Salinger. Mùa hè năm nay, 1998, một cuộc chọn lựa (bởi Modern Library) 100 cuốn tiểu thuyết hàng đầu bằng tiếng Anh của thế kỷ 20, có The Catcher in the Rye của Salinger, cùng với những Ulysses của Joyce, The Sound and the Fury của Faulkner, Son & Lovers của D.H. Lawrence v.v...

Yêu văn chương nhưng tôi là người "chuyên" về mỹ thuật (hội hoạ) hơn. Xin được mở một cái ngoặc lớn ở đây: tuần qua, trong đống sách báo thư từ nhận được có hai cái tôi đặc biệt lưu ý. Hai cái đó có liên quan đến chuyện "chính mạch" và "bên lề" này.

Một là cuốn sách mang nhan đề Contemporary Art (Nghệ thuật - hội hoạ - đương đại) một người bạn gửi cho. Hai là thiệp báo tin một cuộc bán hạ giá (sale, solde) hoạ phẩm của một số nghệ sĩ trong đó có người học trò cũ của tôi. Cuốn sách khổ rộng, lớn gấp bốn tập san bạn đọc đang cầm trong tay. Gần 300 trang giấy dày, láng, chữ đẹp, hàng trăm hoạ phẩm in màu. Một cuốn sách đắt tiền, loại sách người Âu Mỹ gọi là "sách để bàn phòng khách". Qua rồi những năm của POP, của Op, của Kinetic, Minimal, của Performance Art. Hội hoạ đương đại, cuối thập niên, cuối thế kỷ, cuối thiên niên kỷ. Đương đại = hậu hiện đại.

Báo tin bán tranh hạ giá là một cái thiệp nhỏ cỡ trang giấy bạn đang đọc, in một hình đen trắng. Hoạ sĩ có tác phẩm để bán: sáu chín người. Nguyên văn Anh ngữ lời mời: "Xin hãy xuống trạm Courthouse (đường hầm ở thủ đô Hoa Kỳ, Washington, D.C.) Chúng tôi hạ giá tột cùng: quý vị có thể lựa bất cứ hoạ phẩm nào, chỉ 100 đô la!"

Cuốn sách và tờ thiệp làm tôi ngẫm nghĩ. Cuốn sách biểu hiện một thế giới rộng lớn, những cửa hàng mỹ thuật phẩm quan trọng (và sang trọng) ở Koln, ở Roma, London, Paris, New York, quan hệ giữa những nhân vật bề thế trong các giới hàn lâm, chính trị, truyền thông, thương mại, kinh tài... Những hoạ phẩm được giới thiệu trong sách là những sáng tác của những cây cọ "nóng bỏng" (hot) hiện nay. Muốn mua phải "làm đuôi", phải đặt hàng trước cả năm, v.v...

Tờ thiệp là sản phẩm của những hoạ sĩ "trẻ" (trung bình tuổi 40) cư ngụ chung quanh vùng thủ đô. Đa số (theo tiết lộ của người trong cuộc) phải xoay trở với một công việc gì đó để trang trải nợ áo cơm, và có phương tiện làm hội hoạ sáng tạo. Thỉnh thoảng họ họp nhau lại tổ chức một cuộc... đại hạ giá. May mắn bán được dăm bức có thể đủ để... đi chợ vài tháng.

Cuốn sách là mặt nổi của sinh hoạt (thương trường) mỹ thuật. Tờ thiệp là mặt chìm của sinh hoạt đó. Chúng ta có một băng sơn: cái nổi là một phần rất nhỏ của toàn bộ hòn núi nước đá. Phần còn lại, phần lớn, là cái chìm. Chẳng qua, nổi thì dễ thấy. Chìm, khó thấy hơn. Không thể nói rằng nổi là thật, mà chìm là không thật, hay ngược lại. Vấn đề là thấy rõ cái gì nổi, cái gì chìm. Và chấp nhận cả hai như hai phần, hai mặt của một thực tại.

Nhân đang viết bài này, tôi sực nhớ lại cuốn sách và tờ thiệp, và câu hỏi tự nhiên được đặt ra là: sinh hoạt nghệ thuật như được biểu hiện trong cuốn sách có phải là "chính mạch" và những anh chị nghệ sĩ nghèo bán tranh đại hạ giá nọ là đứng "bên lề" không? Câu trả lời của tôi là không. Không ai là "chính mạch" mà cũng không có ai đứng "bên lề". Nếu nói "hiện tượng" thì có người giàu kẻ nghèo, có hoạ sĩ bán được tranh với giá cao và có hoạ sĩ bán ít tranh với giá thấp. Nhưng nếu nói "bản chất" thì chỉ có hội hoạ "đạt" và hội hoạ không "đạt" mà thôi. Tất cả chỉ là một vấn đề quan niệm.

Hãy xét một thí dụ khác, nóng hổi. Tạp chí Văn Học (California) số 149, tháng 9.1998, loan tin bộ Sông Côn mùa lũ được tái bản ở Việt Nam. Sự kiện đó có làm cho tác giả Nguyễn Mộng Giác từ vị thế lưu vong "đứng bên lề sinh hoạt trong nước" một bước nhảy qua vị thế một nhà văn của "chính mạch" không? Bộ Sông Côn mùa lũ được xuất bản ở hải ngoại rồi lại được tái bản ở Việt Nam. Còn trường hợp một Dương Thu Hương, với cuốn Tiểu thuyết vô đề được xuất bản lần đầu tiên ở hải ngoại và chưa bao giờ được tái bản ở Việt Nam, Dương Thu Hương là một nhà văn của "chính mạch" hay là người đứng "bên lề"? Dù sao tiếng Việt của Nguyễn Mộng Giác và Dương Thu Hương, tiếng Việt của chúng ta, cũng chỉ là ngôn ngữ của một số người, cả quốc nội cộng thêm hải ngoại, dưới 75 triệu thay vì một ngôn ngữ của 260 triệu như tiếng Tây Ban Nha của Carlos, anh đổ đất thuê và của G.G. Marquez. Phải chăng tiếng Tây Ban Nha là một trong những ngôn ngữ "chính mạch" và tiếng Việt Nam là một trong những ngôn ngữ của những người đứng "bên lề"?

Đó là mới nói đến chuyện ngôn ngữ và vị trí địa lý. Về mặt văn chương, một Võ Phiến lưu vong với một Danielle Steele (nữ tiểu thuyết gia Mỹ, chuyên viết truyện diễm tình, sách bán chạy... in không kịp. Dĩ nhiên, bà viết tiếng Anh, ngôn ngữ của hơn 400 triệu người trên thế giới), ai là người của "chính mạch" và ai là người "bên lề"? Vì những thắc mắc (phiền phức) trên, tôi nghĩ rằng nên để dành những khái niệm "chính mạch" và "bên lề" cho những hiện tượng đã được đại chúng hoá và bình phàm hoá, tung hoành trên sân khấu thời trang và thao túng bởi thị trường với tất cả những mánh khoé của nó. "Chính mạch" hay "bên lề", sự phân biệt chỉ nên được khẳng định - một cách tương đối, dĩ nhiên - trên giá trị tự thân của tác phẩm nghệ thuật. Quan niệm như vậy thì Võ Phiến là người ở trong "chính mạch" của chuyện viết văn, và Danielle Steele, với số ấn bản hàng chục triệu, chỉ là người ở vòng ngoài của chữ nghĩa.

Chết thật, tôi có cảm tưởng tôi lại sa đà chẻ sợi tóc làm tám rồi! Thôi, thì cứ hiểu câu viết của Nguyễn Hưng Quốc một cách giản dị hơn: sinh hoạt "chính mạch" là sinh hoạt của số người đông đảo hơn, với những thể thức thông dụng hơn, được nhiều người biết đến hơn... Còn đứng "bên lề" là những người của số ít, sản xuất ít hơn, tiêu thụ ít hơn, v.v...

Nếu hiểu như vậy thì quả tình chúng ta, những người viết văn ở hải ngoại, là những người đứng "bên lề". Chúng ta là những nhà văn sắc tộc khiêm tốn. Có thật như vậy. Khiêm tốn quá đi. Nhưng chúng ta có phải là những "nhà văn sắc tộc khiêm tốn và buồn thảm" không? Nói buồn thảm là nghĩ đến tội nghiệp, đáng thương hại. Nhưng nhà văn sắc tộc khiêm tốn có thật là tội nghiệp, đáng thương hại hay không? Tôi nghĩ là không. Khiêm tốn, nhưng không tội nghiệp, không đáng thương hại. Nghĩa là không buồn thảm.

"Khiêm tốn" là một thân phận. Đứng "bên lề" là một hoàn cảnh. Thân phận ấy, hoàn cảnh ấy, có phần đáng ái ngại, chứ không đáng thương hại. Đáng thương hại chăng là thái độ của kẻ trong cuộc. Một cung cách trước mặt thì rầm rộ hoa hoè, mà sau lưng thì tiêu điều buồn thảm. "Khiêm tốn" và đứng "bên lề" tự chúng không làm cho người ta buồn thảm. Biết đâu khi Nguyễn Hưng Quốc viết hai chữ "buồn thảm" ông cũng có nghĩ đến những hiện tượng đã và đang xảy ra ở hải ngoại, trong giới "viết văn" nói riêng, "làm văn nghệ" nói chung. Tôi ngờ rằng chính những hiện tượng này là những gì khiến cho cái thân phận "khiêm tốn" và hoàn cảnh đứng "bên lề" trở nên buồn thảm. Rất buồn thảm.

Hiện tượng in sách và ra mắt sách chẳng hạn.

Người Pháp có một cách gọi khá bỉ thử "peintre de dimanche", hoạ sĩ chủ nhật. Ở hải ngoại chúng ta có rất nhiều nhà văn nhà thơ chủ nhật. Tôi e rằng gọi như thế là không cận nhân tình. Cả tuần lễ vất vả với cuộc sống, cuối tuần được nghỉ ngơi mới viết lách vẽ vời lai rai, có gì mà đáng chê trách. Viết và vẽ như vậy chẳng hơn là dán mắt vào tivi, hay say sưa cờ bạc hay sao? Khổ nỗi, riêng cái viết nó thường không chịu an phận. Nó thừa thắng xông lên. Thời buổi này, đối với những người tị nạn cũ ở những nước tư bản giàu có, in một cuốn sách nhỏ không phải là chuyện khó. Cũng bìa màu, cũng phụ bản, cũng tựa, cũng bạt, và nếu là thơ thì cũng phải có vài bài được phổ nhạc. Đâu đó trong sách in thêm dăm ba nhận xét "xin" được từ vài bậc "chiếu trên". Nói là "xin" chứ thật ra lắm khi "xin" không được thì thôi thúc, thì năn nỉ, thì áp đảo, thì... mua chuộc. Sách in xong, lại có những buổi "ra mắt". Quen biết khắp nơi được huy động, trưng dụng, đôn đốc. Giờ phút huy hoàng điểm một cái là có nhà văn nhà thơ này, học giả nghệ sĩ nọ lên máy vi âm "kính thưa quý vị"...

"Lời nói không mất tiền mua", thôi thì bao nhiêu được "lựa" đem ra cả "cho vừa lòng nhau". Người nói, người nghe đều hỉ hả. Nói chung, người Việt chúng ta, như những dân tộc khác trên thế giới, có nhiều tính tốt mà cũng khá nhiều... tính xấu. Một trong những nét đậm màu sắc "dân tộc" này là khi thấy cái hay, cái đẹp thì dè dặt, và dè xẻn lời khen. Có khen ngợi chăng nữa thì hà tiện lời nói hay chỉ khen ngợi kiểu chiếu lệ. Ấy vậy mà khi cần khen ngợi vì nhu cầu xã giao thì đồng bào ta lại đưa nghệ thuật đầu môi chót lưỡi lên đến mức tuyệt xảo. Nghe hay đọc những lời ca tụng kiểu này của những vị "giới thiệu" mà lấy làm ngượng cho người nói, người viết. Tai hại hơn cả là những "tác giả" được ca tụng lại sẵn sàng ôm cứng lấy những lời nịnh hót như những sự thật muôn đời.

Nói rồi, nghe rồi, đến lúc có ăn có uống, có ký sách, bán sách. Mua sách mới là ly kỳ: mua sách ‘thông cảm", mua sách "ủng hộ"... Thế là cái nhãn hiệu "nhà văn", "nhà thơ" coi như được cầu chứng. Người nghiêm khắc gọi những buổi "ra mắt sách" như vậy là trò rởm. Nghĩ cho cùng, những trò chơi này cũng nên cảm thông. Ai cười thì cứ cười. Nhưng không nên dè bĩu quá đáng. Nhân danh lòng sầu viễn xứ. Bởi vì, công bằng mà nói, trò rởm có cái vui của nó. Thời nào, ở đâu, cũng có. Cộng đồng "văn nghệ" hải ngoại không có độc quyền vừa là thủ phạm vừa làm nạn nhân.

Chúng ta đã thấy "khiêm tốn" và đứng "bên lề" không phải là buồn thảm. Mà những trò rởm, với tất cả cái hời hợt, hoa hoè, kệch cỡm, giả tạo, kể cả cái nô nức háo danh cũng chưa hẳn là buồn thảm. Buồn thảm chăng là thái độ của những người tự cho mình là "nghệ sĩ" mà không biết mình, không biết người.

Không biết mình vì tưởng rằng mình tha thiết với văn học nghệ thuật - và để cho người khác cũng tưởng như vậy - trong khi thật ra, mình yêu cái khác, dễ xài hơn. Buồn thảm vì khoác lên mình chiếc áo vừa loè loẹt vừa sai kích thước mà tưởng rằng mình là hoàng tử, là công nương. Và buồn thảm vì không biết người. Không biết rằng người ta không có trống đồng như có Kim tự tháp, không có chùa Một Cột nhưng có Vương Cung thánh đường. Không biết rằng người ta không có Nguyễn Du nhưng có Shakespeare, có Racine...

Buồn thảm hơn nữa là cái đầu óc "ếch nằm đáy giếng" của một số người làm văn nghệ gọi là đã "thành danh". Trong cái cộng đồng nhỏ bé họ là những ông bình vôi. Họ làm văn nghệ bằng cách dựa vào cái danh vọng mốc meo của họ, kiểu những nhà lãnh đạo chẳng làm gì ích quốc lợi dân mà chỉ ôm cứng lấy cái ghế cũ rích nhưng còn đầy thế lực. Cái viết cái vẽ trở thành những thứ, không phải là trò rởm vô tội vạ của những "nghệ sĩ tay mơ" kia mà là để nhắc nhở sự có mặt của họ, để hù doạ những kẻ ngây thơ sính văn nghệ, để ra cái điều ta đây còn tồn tại và sáng tạo đầy mình. Những nghệ sĩ "tên tuổi" này, thật ra, đánh lẫn tình yêu quê hương với niềm "tự hào dân tộc". Đánh lẫn tình yêu văn học nghệ thuật với nỗi vui đình đám. Và tệ hại hơn cả, đánh lẫn nỗi thao thức về cội nguồn với niềm "kiêu hãnh văn hoá". Tình yêu chân thành và sâu đậm thì vắng mặt. "Tự hào" và "kiêu hãnh" thì lại là toàn của giả. Hỏi có gì buồn thảm hơn.

Có điều oái oăm ở đây. "Khiêm tốn" và đứng "bên lề" không có gì là buồn thảm. Trong khi những kẻ thật là buồn thảm thì lại không hề biết rằng thật ra mình quá ư là "khiêm tốn". Có cờ lọng mũ mãng và chiêng trống xập xoã cách mấy đi nữa mình cũng chỉ là kẻ đứng "bên lề". Văn học nghệ thuật quả là thứ khó xài.

Người viết văn nói riêng, người làm văn nghệ nói chung ở hải ngoại, không phải ai cũng có ý thức về chỗ đứng của mình. Một ý thức minh bạch và chân thật với chính mình, với người khác. Không gian lận. Không tự tôn mà cũng chẳng tự ti. Không buồn thảm mà cũng chẳng hiu hiu tự đắc. Chỉ những con ếch mới hiu hiu tự đắc. Những con ếch rất buồn thảm. Rất đáng thương.

IX-1998

Chú thích của toà soạn:

Trong bài "Tranh luận về một thái độ tranh luận đối với một số vấn đề quan trọng trong văn học lưu vong", đăng trên tạp chí Văn tại California tháng 12.1998, nhằm trả lời một bài viết của nhà văn Trùng Dương, nhà thơ đồng thời cũng là nhà lý luận văn học Hoàng Ngọc- Tuấn có đề cập đến cụm từ "dòng văn chương chính mạch" và chuyện "đứng bên lề" trong bài viết của Nguyễn Hưng Quốc với một cách lý giải khác với cách nhìn của nhà văn kiêm hoạ sĩ Võ Đình ở trên. Chúng tôi xin trích một đoạn từ bài viết của Hoàng Ngọc-Tuấn để bạn đọc tham khảo:

Trong bài viết của Nguyễn Hưng Quốc, còn có hai nhóm chữ cần được bàn thêm ở đây để được hiểu đúng theo ý tưởng của tác giả, đó là nhóm chữ "dòng văn chương chính mạch ở quốc gia mình định cư", và nhóm chữ "đứng bên lề". Theo tinh thần bài viết của ông, nhóm chữ "dòng văn chương chính mạch ở quốc gia mình định cư" nhằm nói đến sinh hoạt văn chương chủ lưu trong một quốc gia, bao gồm việc giao lưu sinh động giữa tác giả, nhà phê bình và độc giả. Việc giao lưu này chủ yếu xảy ra trong phạm vi ngôn ngữ chính thức của quốc gia ấy. Phạm vi ngôn ngữ chính thức có thể bao hàm hơn một ngôn ngữ (ví dụ, ở Canada, phạm vi ngôn ngữ chính bao hàm Anh ngữ và Pháp ngữ). Dòng văn chương chính mạch bao gồm tất cả tính cách hay dở, tốt xấu của sinh hoạt văn chương. Khi một tác phẩm được xuất bản và được đọc trong dòng ấy, nó chính thức tham dự vào dòng ấy, bất kể chất lượng của nó. Nhóm chữ "đứng bên lề" diễn tả sinh hoạt văn chương của những nhóm sắc tộc ít người sáng tác, xuất bản và đọc ngoài phạm vi ngôn ngữ chính thức của một quốc gia. Nhóm chữ này không mang một ám chỉ nào về chất lượng văn chương. Một tác phẩm "đứng bên lề" có thể là một tác phẩm rất vĩ đại, nhưng nó vẫn phải chịu "đứng bên lề" cho đến khi nó được giới thiệu vào phạm vi ngôn ngữ chính thức của "dòng văn chương chính mạch". Chỉ khi đó, nó mới được "dòng văn chương chính mạch" xác nhận sự hiện hữu và bắt đầu nghiên cứu và đánh giá. Thử lấy một ví dụ, một người Ấn Độ đến định cư tại Việt Nam và bắt đầu viết sách bằng tiếng Bengali; nếu ông đem tác phẩm ra xuất bản tại Sài Gòn, thì chỉ có một số người đồng hương lưu vong mua đọc. Tác phẩm ấy nhất định không thể được đề cập đến trong sinh hoạt văn chương Việt Nam. Như thế, nó phải "đứng bên lề" "dòng văn chương chính mạch" của Việt Nam; hơn thế nữa, nếu tác giả không chịu gửi nó về Ấn Độ để xuất bản, thì tất nhiên "dòng văn học chính thống" của Ấn Độ không có cách nào xác nhận sự hiện hữu của nó và, như thế, nó cũng phải chịu "đứng bên lề" đối với "dòng văn học chính thống của cố quốc". Riêng ở Việt Nam, cho đến khi một học giả Việt Nam nào đó mua đọc, rồi dịch ra Việt ngữ và giới thiệu tác phẩm ấy vào sinh hoạt văn chương Việt Nam, thì nó mới bắt đầu được người Việt Nam xác nhận sự hiện hữu. Nhưng để có thể được chính thức bước vào "dòng văn chương chính mạch" của Việt Nam, tác giả Ấn Độ lưu vong kia có lẽ phải viết thẳng bằng tiếng Việt như người Việt, vì bản dịch Việt ngữ vẫn có thể bị xem là "sách dịch", dù tác giả Ấn Độ là người mang quốc tịch Việt Nam. Ngược lại, có những tác giả người Việt sống trên đất Việt nhưng sáng tác bằng ngoại ngữ và xuất bản ở nước ngoài, không một bản dịch Việt ngữ. Những tác phẩm của họ nhất định phải bị xem là "đứng bên lề" đối với "dòng văn học chính thống Việt Nam", dù chúng có thể được xem là hiện hữu trong dòng văn học chính mạch của các nước sách họ được xuất bản. Trường hợp nhà văn Cung Giũ Nguyên viết sách tiếng Pháp và được các nhà xuất bản quan trọng của Pháp ấn hành, nhưng chẳng mấy người Việt biết đến hay đọc được, do đó, hững tác phẩm ấy được xem là "đứng bên lề" văn học Việt Nam."

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021