Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 3
Có đổi nhưng... chưa mới
Hà Nội ngày 15.11.1998
Thân gửi các anh chị trong tạp chí Việt,

Quý ba năm nay dư luận trong nước xôn xao về sự kiện Sông Côn mùa lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác được nhà xuất bản Văn Học tái bản nguyên văn với số lượng 1.000 bản phát hành trong phạm vi cả nước. Người đầu tiên có ý tưởng tái bản Sông Côn mùa lũ trong nước là giáo sư Mai Quốc Liên, người có những bản dịch văn thơ Ngô Thì Nhậm được Nguyễn Mộng Giác trích lại trong bộ sách. Trong đợt đi nghiên cứu ở Mỹ năm 1996 theo lời mời của các viện đại học Mỹ, Mai Quốc Liên được đọc bộ sách; khi về nước, ông đã viết thư xin phép tác giả cho tái bản. Sau đó ông cùng với nhà thơ Đỗ Minh Tuấn tiến hành các thủ tục pháp lý và tìm người chịu bỏ vốn ra in bộ sách dày 2.000 trang ấy. Cuối cùng, anh Dương Tất Thắng, một người làm sách nổi tiếng ở Hà Nội đã chịu bỏ vốn và nhà xuất bản Văn Học cũng xin được giấy phép. Tháng 8.1998, bộ sách được in xong và bày bán trong các hiệu sách lớn của cả nước.

Sau khi sách ra, trên các báo Lao Động, Thanh Niên, Văn NghệĐại Đoàn Kết đều có bài điểm sách. Hầu hết đều khen Sông Côn mùa lũ là tác phẩm có giá trị, nhưng cũng có người phê phán Nguyễn Mộng Giác là một nhà văn chống cộng hăng hái, từng viết tập truyện ngắn Ngựa nản chân bon và tiểu thuyết Mùa biển động để "phê phán sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta". Ngoài ra, cũng còn nhiều ý kiến (bằng miệng và thư từ) phản đối từ Huế và Sài Gòn cho rằng in sách của Nguyễn Mộng Giác như vậy là quá sớm.

Có thể nói không cường điệu rằng, nếu năm 1998 là năm văn chương hải ngoại chiếm lĩnh sự chú ý của công luận trong nước, thì nửa năm đầu thuộc về tạp chí Văn Học (Mỹ) và nửa năm sau thuộc về Sông Côn mùa lũ và tạp chí Việt (Australia). Ảnh hưởng của cuộc tranh luận về bài "Thơ Con Cóc" (qua cách bình luận của Nguyễn Hưng Quốc trong cuốn Thơ, v.v... và v.v...) trên tờ Văn Học đã vang dội về trong nước với phản ứng về bài "Trận con cóc" của Phạm Thị Hoài đăng trên các báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân ĐộiCông An Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh hưởng của Việt có vẻ mãnh liệt hơn qua những phản ứng khẳng định và phủ định. Thoạt tiên, Việt số 2 được độc giả trong nước đón nhận một cách rất thiện cảm và có phần khá êm ả. Người ta chuyền tay nhau bản photocopy các bài của Đỗ Minh Tuấn, Phạm Thị Hoài và Hoàng Ngọc-Tuấn. Ấn tượng đầu tiên về Việt số 2 là ấn tượng về sự nghiêm túc trong học thuật, sự nền nã lịch thiệp trong thái độ văn hoá, sự phong phú của kiến thức và sự thành thật, lão thực và can đảm trong sự trình bày. Ảnh hưởng của Việt như sóng ngầm lành mạnh. Đặng Tiến từ Paris còn phôn về giới thiệu Việt số 2 với anh em văn nghệ trong nước. Ông Hữu Nhuận, phó tổng biên tập báo Văn Nghệ (Hà Nội), nghe tiếng tạp chí Việt, cũng cố tìm kiếm Việt để đọc. Nhưng sau đó Việt lại được nhắc đến trên công luận trong một số bài báo phê phán Đỗ Minh Tuấn như một địa chỉ của những ý tưởng sai lầm mà Đỗ Minh Tuấn đã tung ra.

Bài "Nhận diện văn học hải ngoại" của tác giả Hoàng Huân, một sĩ quan của báo Quân Đội Nhân Dân in trên phụ trương Văn Nghệ Quân Đội số ra ngày 25.9.1998 phê phán thái độ đề cao văn chương hải ngoại của Đỗ Minh Tuấn. Với tư cách một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực này và đã viết nhiều bài phê phán các hoạt động văn hoá văn chương hải ngoại, ông giành quá nửa bài báo vạch ra bản chất chống cộng của nền văn chương này qua những tư liệu quá cũ, với một cách nhìn quá thiên kiến, đơn giản một chiều của thời chiến tranh lạnh. Sau đó ông tập trung phê phán thái độ chính trị của Đỗ Minh Tuấn trong bài "Văn học hải ngoại nhìn từ trong nước" (Việt số 2), lên án cái ảo vọng phát hành các tạp chí văn chương hải ngoại trong nước của anh, rồi kết luận có tính chất răn đe rằng: "Nếu làm tổn hại tới quyền lợi của dân tộc thì sẽ bị lịch sử phán xét một cách công bằng và sòng phẳng."

Bài của Hoàng Huân đã châm ngòi cho một chiến dịch tấn công dồn dập vào Đỗ Minh Tuấn từ nhiều phía, cũng hừng hực khí thế giống như đợt tấn công vào bài "Linh hồn văn hoá trong thân xác thi ca" và cuốn sách Ngày văn học lên ngôi của anh năm 1997. Có điều, đợt tấn công này chỉ diễn ra trên các bài báo của Quân đội và Công an với những quy kết chính trị khá nặng nề. Bài của Trần Mạnh Hảo ký bút danh Đặng Thành Nam in trên đặc san báo Công an thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 5 tháng 11 năm 1998 đã quy kết Đỗ Minh Tuấn tiếp tay cho phong trào chuyển lửa về quê hương nhằm lật đổ chế độ cộng sản, có quan hệ tiếp lửa với đài RFI, "móc nối" với tạp chí Diễn Đàn tại Praha là tờ báo chống cộng khét tiếng. Đó là những suy luận từ các thông tin mà Đỗ Minh Tuấn đưa ra trong bài in trên Việt số 2. Tác giả này còn suy luận kẻ ký bút hiệu Nguyễn Hưng Quốc đã bộc lộ ý đồ kéo quân về giải phóng đất nước để "hưng quốc" (?!).

Đỗ Minh Tuấn đã viết bài "Một bài báo nhiều ngộ nhận và quy chụp" nhằm bác bỏ những quan điểm xuyên tạc và suy diễn của Hoàng Huân, đăng trên Phụ trương Văn Nghệ Quân Đội số ra ngày 10.11.1998. Nhưng bài viết của anh đã bị cắt đi một nửa, hơn thế nữa, cũng ngay trên số báo này, người ta lại đăng một bài viết khác của Hoàng Huân nhằm đả kích Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Mộng Giác và tạp chí Hợp Lưu, như những nhân vật chống cộng hăng hái. Ngoài ra, tờ báo cũng còn in một bức thư của một người ký tên là Huỳnh Thành Phương tự xưng là Việt kiều ở Mỹ gửi các cấp lãnh đạo Đảng và lãnh đạo văn hoá tố giác nhà thơ Đỗ Minh Tuấn về bài in trên Việt số 2. Đại ý lá thư cho Đỗ Minh Tuấn là một nghệ sĩ có hạng của một nước bảy mươi triệu dân lại đề cao văn chương hải ngoại, khen ngợi câu thơ tục tĩu làm xấu hổ cho người Việt. Người ta thấy ngay đây chỉ là thư giả của một người trong nước mạo danh Việt kiều, hoặc mượn ông Việt kiều Huỳnh Thành Phương nào đó đứng tên vì thư không ghi địa chỉ, thái độ hành chính và thái độ văn hoá in đậm dấu vết thói quen của người trong nước, chứ không phải của kẻ đã từng sống ở nước ngoài.*

Trong một buổi họp Quốc Hội, Đỗ Minh Tuấn gặp ông Hữu Thọ trưởng ban Tư tưởng Văn hoá ở hành lang giờ giải lao cùng với nhiều nhà báo khác. Anh hỏi về thái độ của ông với văn chương hải ngoại:

- Sao mình định kiến với Hợp Lưu như thế? Anh Khánh Trường là người tốt, ở bên ngoài luôn bị coi là cộng sản, trong nước luôn bị coi là chống cộng, thế là thế nào?

- Hợp Lưu mà nó là chủ lưu thì bỏ mẹ...

Các quan trong nước luôn luôn gần gũi, thân tình, cởi mở, có thể gặp họ ở bất cứ đâu để chuyện trò thân mật, thậm chí nói rất thật lòng, nhưng nếu nghĩ rằng những lời nói của họ đem lại giá trị quyền lực nào đó cho mình thì có ngày đổ thóc giống ra mà ăn. Vì với ai họ cũng có thể thân tình, cởi mở và chân tình như thế cả. Họ dùng tình cảm bôi trơn các cuộc gặp gỡ như bôi dầu mỡ cho bánh xe cuộc sống chạy êm ro, nhưng đó là cỗ xe không tải, vì thế nên mới có tình trạng nhiều quan lớn lên chức vì không hề làm gì cả, những vấn đề cần giải quyết luôn luôn bị dập đi và lịch sử dường như được làm bởi những vấn đề tồn đọng.

Ngày 9 tháng 11 năm 1998, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương mời Đỗ Minh Tuấn lên làm việc về những vấn đề liên quan đến anh, cụ thể:

1. Việc Đỗ Minh Tuấn kiện Trịnh Đình Khôi, một cán bộ chuyên theo dõi văn học trong Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương vì anh này đã ăn cắp của Đỗ Minh Tuấn toàn bộ số tiền thưởng giải Nhất cuộc thi Thơ báo Văn Nghệ năm 1990 và luôn lợi dụng cương vị của mình thao túng các nhà xuất bản và báo chí để gây chia rẽ và bè cánh mưu lợi cá nhân. Vụ kiện này đã kéo dài suốt tám năm nay và đây là lần gặp làm việc đầu tiên.

2. Việc Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế và Công an văn hoá địa phương ra lệnh bóc bỏ bài của Đỗ Minh Tuấn phỏng vấn Phan Huy Đường đã in trong Sông Hương số 8.1998 và bài Đỗ Minh Tuấn bình bài thơ "Đọc bài con cò mà đi ăn đêm" của Trần Lộc Bình đã in trên Sông Hương tháng 9.1998.**

3- Việc Đỗ Minh Tuấn viết bài "Văn học hải ngoại nhìn từ trong nước" đăng trên Việt số 2 với nhiều nhận định xấu về chế độ.

Trong cuộc làm việc này có ông Trần Hoàn, phó ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, ông Tấn Phương, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, ông Bí thư Đảng uỷ Ban Tư tưởng Văn hoá và một số chuyên viên khác. Đỗ Minh Tuấn đã tuyên bố thẳng thắn:

Trước đây tôi gắn bó với Đảng và chế độ. Bây giờ, nói thực lòng, tôi không còn yêu Đảng và chế độ, nếu ngày mai nó sụp đổ tôi chẳng hề tiếc nuối, thậm chí nhiều lúc còn mong được sống trong một thể chế mới dân chủ hơn, nhiều tự do tư tưởng hơn và được tôn trọng hơn. Làm sao tôi có thể tin một Đảng dung chứa những tên trộm cắp lưu manh mà ai cũng biết. Từ hơn mười năm trước, chưa hề có diễn biến hoà bình, chưa ngờ có Đông Âu, tôi đã có lần khuyên một lãnh tụ của Đảng là nên giải tán Đảng đi vì Đảng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử rồi, hiện đang xuống dốc, đang bất lực, đang ngày càng tỏ ra đi ngược lại những nguyên tắc mình hằng rao giảng, guồng máy hiện hành do Đảng tạo ra là guồng máy phi dân chủ, chống trí thức, mạo lý tưởng và nguỵ tín, kỳ thị với những người trung thực và tâm huyết như tôi. Ông ấy nói rằng không phải ông không biết những chuyện này, nhưng nếu giải tán Đảng thì những trí thức như tôi chết trước. Phải xây dựng, cải thiện từng bước và biết đợi chờ. Vì lời khuyên chân tình đó, vì thái độ hiểu biết và tôn trọng của những lãnh đạo cao cấp nhất hiện nay đối với tôi, tôi tiếp tục gắn bó xây dựng Đảng và chế độ. Nhưng càng thiện chí xây dựng, càng bị guồng máy tổ chức hiện hành nghi ngờ, xúc phạm, chà đạp, gạt dần ra ngoài lề xã hội. Không thể trông chờ vào các quyền lực cá nhân, các thiện chí cá nhân. Những người lãnh đạo có quyền lực nhất, đổi mới nhất và có lương tâm nhất cũng bất lực trước guồng quay của xã hội thời đổi mới. Tôi giác ngộ ra rằng thể chế này làm hại những người bảo vệ nó và làm lợi cho những người chống nó. Đảng chỉ lo chuyện lãnh thổ và chuyện làm giàu, coi thường trí thức, coi thường văn hoá, dung túng cho những kẻ dốt nát, cơ hội, trộm cắp, mất nhân cách, đặt chúng lên đầu chúng tôi, để chúng chèn ép, bôi bẩn và xúc phạm chúng tôi. Nghị quyết Đảng làm ra mà chính Đảng không thực hiện. Đảng làm ra Nghị quyết chỉ để ngắm với nhau như ngắm hòn non bộ. Nghị quyết sau cãi lại nghị quyết trước nhưng hầu như các nghị quyết chẳng có tác động gì vào đời sống. Xã hội hôm nay là một xã hội suy đồi, người ta đem bán lẻ đất nước, bán nhân dân, bán lãnh tụ, bán anh hùng, bán cả những cái thiêng liêng tổ tiên truyền lại. Vì Đảng vẫn giành quyền lãnh đạo nên chúng tôi tôn trọng, chúng tôi khiếu nại, nhưng các anh luôn sử dụng ba biện pháp đối phó: Lờ, Stop và Nguỵ biện. Bao nhiêu đơn từ kiến nghị không có hồi âm. Một mình tôi thừa sức làm việc của cả Bộ văn hoá với bảy tám ông thứ bộ trưởng, ngồi đấy như không, chẳng làm gì ra hồn cả. Tình trạng lãnh đạo nói chung là thế. Thực chất là thầu khoán dân tộc mà làm sai dự án nhận thầu, thậm chí chỉ lo giữ ghế và trục lợi, sống chết mặc bay. Khi bị hối thúc thì lại bảo người ta gây rối, quá khích, cái gì cũng dồn vào Đảng, rồi khuyên chúng tôi "Hãy thiền đi!" Đúng là "Mắt lim dim đao phủ ngồi thiền" như câu thơ của Bùi Minh Quốc. Muốn chúng tôi không làm phiền nữa thì hãy chủ động thay đổi thể chế đi, cởi trói cho chúng tôi, cho chúng tôi quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, chúng tôi sẽ tự giải quyết với nhau. Còn nếu vẫn ngồi ở ghế đኙc quyền thì phải lao động, phải ra quyết định để bảo vệ đạo lý và luật pháp, phải biết thương dân và tôn trọng trí thức ít nhất cũng như Hồ Chủ tịch ngày xưa. Hiện nay tôi chưa chống lại Đảng và chế độ mà vẫn kiên nhẫn xây dựng, nhưng tôi xin ngửa bài rằng, nếu cứ tiếp tục để cho bọn lưu manh, cơ hội vu cáo, xúc phạm tôi, tôi sẽ viết sách trắng nói rõ vì sao tôi không vào Đảng và vì sao tôi đã gắn bó với Đảng, đến giờ đây thất vọng. Bài trên Việt số 2 vẫn là bài viết bằng thái độ chính thống, xây dựng, kêu gọi hoà hợp hoà giải dân tộc. Nó đâu phải là bài viết chống đối như những kẻ nguỵ tín vu cáo cho tôi. Dù Đảng không ủng hộ, cuối cùng sự thật vẫn sẽ sáng tỏ và cái mới vẫn sẽ chiến thắng.

Ông Trần Hoàn nói rằng ông rất cảm kích trước thái độ thẳng thắn trung thực của Đỗ Minh Tuấn, ông thừa nhận khuyết điểm của Ban Tư tưởng Văn hoá là quan liêu, không hiểu hết tâm trạng và thực trạng của anh em, để nhiều vấn đề tồn đọng, nhưng mặt khác ông chê trách Đỗ Minh Tuấn là bi quan, không thấy được trong Đảng còn có nhiều người tốt, còn có lương tâm. Và theo ông, Đỗ Minh Tuấn vẫn được xã hội tôn trọng, tin cậy, không ai có thể ngăn cản, bôi bẩn được. Vì nhiều vấn đề Đỗ Minh Tuấn đặt ra lớn quá, lại chồng chất nhiều sự việc của nhiều năm nên Đảng sẽ nghiên cứu thêm, gặp gỡ trao đổi thêm với anh và những người khác nữa để từng bước giải quyết.

Kể lại chuyện này, Đỗ Minh Tuấn bình luận rằng anh đã từng được uống nhiều viên an thần, giảm đau như thế rồi, chẳng ai người ta nhớ đến những điều mình đề nghị để giải quyết đâu. Nhưng ít nhất, việc họ chịu ngồi nghe mình nói rát mặt như vậy cũng khiến mình thấy thật khó từ bỏ họ. Lại tiếp tục tin tưởng, đợi chờ, như chờ Godot trong kịch Samuel Beckett vậy thôi! Để rồi, những điều mà cấp trên lắng nghe, ghi nhận và tiếp thu này sẽ được một bọn tiểu tốt lưu manh và nguỵ tín lôi ra xuyên tạc, phê phán trên báo chí. Khi ấy, chính các quan đã trực tiếp nghe mình nói lại lắc đầu than thở: "Sao cậu ấy bây giờ lại nói năng thế nhỉ? Nghệ sĩ cực đoan nên dễ bị phương Tây diễn biến hoà bình!" Nghĩa là cuộc gặp gỡ này và những hứa hẹn kia cũng dễ bị quên như những cái vươn vai trong giờ nghỉ giải lao thôi!

Thư đã dài, chúc các anh vui, mạnh.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021