Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 3
Không mới nhưng... lạ

Thế giới văn học không phải chỉ có những điều đẹp đẽ, cao cả mà còn có cả những chuyện rất lạ. Ví dụ:

Để tìm cảm hứng, khi viết cuốn Chartreuse, nhà văn Stendhal sáng nào cũng đọc vài ba trang trong bộ Dân Luật của Pháp. Nhà văn Willa Cather đọc một đoạn trong Kinh Thánh rồi mới bắt đầu ngồi xuống viết. Nhà văn Thomas Wolfe thường đi bộ vài vòng để lấy hứng. Nhà văn Ernest Hemingway gọt hàng chục cây bút chì trước khi viết. Ngoài ra, trong khi viết, Hemingway còn có thói quen... đứng. Đây cũng là thói quen của nhà văn Lewis Caroll và nhà văn Virginia Woolf. Ngược lại, một số nhà văn khác lại thích... nằm khi viết, như Mark Twain, Hervey Allen và Truman Capote. Riêng nhà văn Bennett Cerf chỉ tìm ra được những ý tưởng mới lạ và độc đáo nhất lúc ngồi trong... toilet !

Trong khi viết, Shakespeare thích uống rượu vang trắng, Disraeli uống champagne, Byron uống rượu mạnh pha với nước lã, còn Thomas Hobbes chỉ uống nước lã mà thôi. Dr. John uống tổng cộng 25 tách trà mỗi lần ngồi vào bàn viết. Nhà văn Honoré de Balzac thì vừa viết vừa uống cà phê liên tục: sử liệu ghi lại là trung bình mỗi ngày Balzac uống đến 50 ly cà phê! (Xin lưu ý là Balzac thọ 51 tuổi: 1799-1850!)

Amy Lowell, người Mỹ, nổi tiếng là nhà thơ nữ duy nhất trên thế giới nghiện xì-gà. Năm 1915, sợ cuộc đệ nhất thế chiến có thể làm cho xì-gà khan hiếm, Amy đã mua 10.000 điếu xì-gà hiệu Manila để... trữ. Nhà văn nữ Pháp George Sand cũng thích có một điếu xì-gà ngon khi viết.

Liên quan đến thói quen ăn mặc, khi viết, Disraeli thích diện... bộ đồ lớn. Trong khi đó, một số nhà văn khác lại... không thích mặc gì cả! Ví dụ như James Whitcomb Riley tự giam mình trong phòng của khách sạn trong tư thế... thoát y để sáng tác. Nhà văn Mỹ Ben Franklin và kịch tác gia người Pháp Edmond Rostand thì có thói quen ngâm mình ngồi viết trong bồn tắm đầy nước. Nhà thơ Anh William Blake một lần rủ vợ diễn lại cảnh trong Vườn địa đàng để đọc một vài đoạn thơ trong cuốn Thiên đường đánh mất (Paradise Lost) của Byron. Giữa lúc ấy, có người bạn đến thăm, Blake gọi: "Vào đi! Ở đây chỉ có Adam và Eva thôi!"

Một số nhà văn tỏ ra rất "điệu" khi chọn giấy để viết. Alexandre Dumas-cha (để phân biệt với Alexandre Dumas-con, tác giả cuốn Trà hoa nữ nổi tiếng) dùng giấy màu xanh khi viết tiểu thuyết, giấy màu hồng khi viết thể loại nghị luận và giấy màu vàng khi làm thơ. Nhà văn Truman Capote chỉ thích dùng loại giấy màu vàng. Còn Jacqueline Susann đánh máy bản thảo của mình trên các loại giấy màu vàng, màu xanh và màu hồng trước khi đánh bản cuối cùng trên giấy... trắng.

Một điều thú vị khác là có nhiều nhà văn rất mê... thú vật. Nhà thơ Edgar Allan Poe thường làm thơ với con mèo cưng của ông vắt vẻo trên vai. Alexandre Dumas-cha có một con... kên kên mà ông bỏ ra rất nhiều công sức dạy cho con vật này nói, nhưng cuối cùng thất bại vì kên kên là loài chim không hề có dây thanh quản. Ngoài ra, người ta còn kể lại là nhà thơ Pháp Baudelaire có lần đi dạo trên đường phố Paris dắt theo... một con tôm hùm, kiểu như chúng ta dắt chó đi dạo. Tuy nhiên, gắn bó với thú vật nhất, chắc phải kể đến nhà thơ Byron. Ông hay đi du lịch với một bầy thú gồm mười con ngựa, tám con chó lớn, năm con mèo, một con đại bàng, một con quạ và một con chim cắt!

Một số nhà văn nổi tiếng không phải vì thói quen sáng tác kỳ lạ mà vì sức sáng tác nhanh vượt ra ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tương truyền kịch tác gia Tây Ban Nha Lope de Vega (1562-1635) đã viết tổng cộng khoảng 2.200 vở kịch, tuy nhiên chỉ có khoảng 500 vở là còn lại đến bây giờ. Mỗi năm, nhà văn Alexandre Dumas-cha hoàn tất 60 cuốn sách. Năm 1845, ông viết xong tập đầu của bộ Le Chevalier de Maison Rouge trong vòng 72 tiếng. Tổng số sách của cả đời cầm bút của ông in đầy trong 1.500 tập. Nhà văn Erle Stanley Gardner chỉ xuất bản cả thảy 140 tác phẩm nhưng ông lại nổi tiếng là viết rất nhanh với tốc độ trung bình mỗi ngày là 10.000 chữ và có khả năng viết cùng một lúc 7 cuốn tiểu thuyết khác nhau. Trong khi đó, nhà văn Pháp Georges Simenon và nhà văn Anh, John Creasey, đều có trên 500 cuốn sách được in. Nhà văn người Nam Phi Kathleen Lindsay (1903-73) đã xuất bản 904 cuốn tiểu thuyết được viết dưới sáu bút hiệu khác nhau. Riêng về thể loại truyện ngắn, nhà văn Úc Michael Hervey được xem là vô địch thế giới với 3.500 truyện ngắn đã được xuất bản. Theo sách The Guinness Book of Records 1998, tác giả có sức sáng tác nhanh nhất là Charles Harold St John Hamilton (1875-1961), bút hiệu Frank Richards, người cả đời viết đến trên 70 triệu chữ. Trong thời gian từ 1915 đến 1926, ông viết trung bình 80.000 chữ một tuần trên các tuần báo Gem, MagnetBoys’ Friend. Chỉ trong thời gian 10 năm, từ 1986 đến 1996, tiểu thuyết gia người Ba Tây, José Carlos Ryoki de Alpoim Inoue đã in 1.046 cuốn tiểu thuyết, phần lớn là truyện kinh dị và khoa học giả tưởng.

Nhà văn hài hước người Nga Constantin Arsenievich Mikhailov viết không đặc sắc nhưng lại nổi tiếng là người có nhiều bút hiệu nhất được ghi trong cuốn Dictionary of Pseydonyms do I. F. Masanov biên soạn và xuất bản tại Moscow năm 1960. Mikhailov có cả thảy 325 bút hiệu khác nhau.

Đối với các nhà văn, nhà thơ, có lẽ không có gì quý hơn là các tập bản thảo. Thế nhưng có những trường hợp bản thảo của họ bị mất hoặc tiêu huỷ trong những trường hợp rất kỳ cục. Nhà văn yêu thú vật đôi khi bị chính con thú cưng của mình "phản chủ": con chó nhỏ Toby đã... nhâm nhi nát phân nửa số trang bản thảo đầu tiên truyện Of Mice and Men của nhà văn John Steinbeck. Điều đáng ngạc nhiên là John Steinbeck không tỏ ra "căm hận" thủ phạm, chỉ phát cho nó một cái vào đít mặc dù sau đó phải bỏ ra cả 2 tháng ngồi viết lại. Có lúc ông còn cảm thấy... tri ân nó, vì hành động kiểu như "phê bình" này của con vật buộc ông phải viết lại, có khi hay hơn. Ông còn phong cho Toby chức "trung tá"... phụ trách lãnh vực văn học! Cũng tương tự như vậy, trong Lời cảm tạ in trong quyển The Guardian, nhà văn Jeffrey Konitz viết: "Tặng chó cưng Rufus, vì công lao biên tập Chương 27". Sở dĩ có lời cảm tạ lạ đời này là vì con chó Rufus đã nhai nát chương 27, "giúp" cho nhà văn dù muốn hay không cũng phải viết lại lần thứ hai, nhờ vậy mà hay hơn! Trước đó, nhà bác học Newton cũng gặp phải hoàn cảnh "đau đớn" như vậy: con chó Diamond làm ngã cây đèn cầy trên bàn viết của ông, làm cháy vô số tài liệu và công trình thí nghiệm ông đã ghi chép trong vòng nhiều năm. Trước tai họa này, Newton chỉ còn biết than trời! Hiếm hoi hơn, nhưng không có nghĩa là không có, là những tập bản thảo bị ... bà vợ yêu quý của nhà văn thiêu huỷ. Trong một cơn nóng giận, vợ học giả William Ainsworth đã ném thẳng bản thảo gần hoàn tất cuốn tự điển La-tinh của chồng vào lò lửa, báo hại ông mất 3 năm để viết lại hoàn toàn. Cũng hiếm hoi, là trường hợp tác giả tự đốt bản thảo của mình: nhà văn Robert Louis Stevenson tự tay đốt bản thảo cuốn Shilling Schocker sau một trận cãi vả kịch liệt với vợ vì vợ ông đọc xong tỏ ý chê! Dĩ nhiên là sau đó, ông rất ân hận về hành động nóng nảy của mình và bỏ ra 3 ngày liền để viết lại cả cuốn sách gồm 30.000 chữ. Lần này, vợ ông không hề phản đối, mặc dù nội dung cuốn sách không khác lần trước bao nhiêu. Trường hợp... khó xảy ra nhất là trường hợp một bài thơ khá dài trong tập Captain Craig của Edwin Arlington Robinson bị mất và sau đó tìm lại được trong... "lầu xanh", do người biên tập (editor) của tập thơ bỏ quên lại.

Có một thời gian, người ta hay nói những thiên tài thường hay chết sớm. Nhưng khi nghiên cứu tiểu sử của khoảng 2.000 văn nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp thế giới, Robert Hendrickson khám phá ra là ngoại trừ một số trường hợp chết trẻ như Thomas Chatterton (18 tuổi), John Keats (26 tuổi), Sergei Esenin (30 tuổi)... hay khá trẻ như Byron (36 tuổi), Rimbaud (37 tuổi), Apollinaire, Thomas Wolfe và Pushkin (38 tuổi), Jack London và Poe (40 tuổi) v.v..., tuổi thọ của đa số thiên tài đều giống như những người bình thường, nghĩa là, phần lớn đều sống đến tuổi trung niên. Một số sống đến lứa tuổi cổ lai hy hay hơn thế nữa: Walt Whitman: 73, William Butler Yeats: 74, T.S.Eliot: 77, Agatha Christie: 86, Ezra Pound: 87, Sophocles: 90, Somerset Maugham: 91... Vài người sống đến 100 hay hơn 100 tuổi: Alice Pollock (tiểu thuyết gia người Anh): 103, Sa’ar (nhà thơ Ba Tư): 107. Nhà thơ Petrarch của Ý chỉ thọ có 70 tuổi nhưng thú vị ở chỗ là năm ông 40 tuổi, ông tắt thở và 20 tiếng đồng hồ sau, lúc thân nhân chuẩn bị mai táng thì ông đột nhiên... thở lại và sống tiếp thêm 30 năm nữa!

Nhiều nhà văn, nhà thơ không những sống lâu mà còn hăng say sáng tác cho đến cuối đời: Sophocles hoàn thành các vở kịch Oedipus ở lứa tuổi 80; cũng ở lứa tuổi 80, Freud còn viết nhiều tác phẩm về phân tâm học; Goethe hoàn thành cuốn Faust năm 83 tuổi; Somerset Maugham viết cuốn Points of View lúc 84 tuổi; George Bernard Shaw viết cuốn Farfetched Fables khi đã 93. Robert Frost, Tennyson, Walter Savage Landor và Thomas Hardy đều có những bài thơ tuyệt tác được sáng tác ở lứa tuổi ngoài 80.

Ở trên, toàn là những "chuyện lạ" trong làng văn Tây phương. Một ngày nào đó có lẽ chúng ta nên sưu tầm các "chuyện lạ" trong làng văn Việt Nam. Chắc cũng sẽ "ly kỳ" không kém.θ

(Viết theo tài liệu trong Guinness Book of Records 1998 và cuốn The Literary Life & Other Curiosities của Robert Hendrickson, do Penguin Books xuất bản năm 1981.)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021