Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 3
Ý Kiến ngắn về văn học

KHÁNH TRƯỜNG: Sự lương thiện của người cầm bút

Không kể những tập tranh thiếu nhi, tác phẩm văn học đầu tiên tôi được đọc là một bài thơ của Tố Hữu: Rồi một hôm nào cởi áo xanh / Hết cùm hết xích hết roi canh / Vươn vai trút nhẹ đời giam cấm / Anh trở về, anh của gia đình... Chỉ trên dưới một tuần sau khi tôi đọc bài thơ, ba tôi bị bắt, bị tra khảo đến hỏng một con mắt và gãy xương vai, tiếp theo là bốn năm tù đày. Lý do: tìm cách bảo vệ, che chở cho một học trò của ông, người đã chép và lưu giữ bài thơ trên, cùng với hàng trăm bài thơ khác, của hàng trăm tác giả, đa số là các tác giả thời tiền chiến: Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính. Người học trò ấy, sau này tôi được biết, là một cán bộ nằm vùng.

Năm đó tôi mười ba tuổi. Chính vì biến cố này, tôi bị ném vào cuộc đời, và trôi nổi như một cách bèo hoang mãi tận bây giờ.

Gần nửa thế kỷ đã qua, tôi có dịp đọc vô số những bài thơ, thuộc đủ mọi trường phái, khuynh hướng, nhưng mỗi lần tiếp cận với thơ, thì như một phản xạ có điều kiện, bài thơ của Tố Hữu lập tức hiện lên trong đầu, cùng với hình ảnh người đàn ông với dãi băng quấn quanh đầu, che kín mắt trái, cánh tay bó bột với những ngón thâm tái, nằm bất động trên nền 'ra' trắng. Đó là hình ảnh ba tôi, sau một tuần bị bắt, tôi được vào thăm với người kế mẫu, trong khu biệt lập dành riêng cho tù chính trị, ở một bệnh viện quân sự ngoài miền Trung.

Kể lại một phần nhỏ đời mình, cùng với ấn tượng đậm nét của bài thơ đầu tiên được đọc, tôi cốt muốn nói, phần lớn, những tác phẩm văn học đến và ở lại với ta dài lâu, bao giờ cũng gắn liền với một cảnh trạng nội tâm nào đó. Nếu ba tôi không bị bắt, không bị tra tấn tù đày, gần như cùng lúc với việc đọc bài thơ của Tố Hữu, thì ngày nay, hẳn tôi không thể nhớ bài thơ một cách sâu đậm đến thế.

Đối với người đọc, đã thế, thì đối với người viết, hẳn còn nặng hơn. Cho nên, theo tôi, vốn sống, những trạng huống buồn, vui, những biến cố gây nhiều ấn tượng mạnh, bao giờ cũng là quặng mỏ giúp người cầm bút tạo ra những tác phẩm văn học có da có thịt, có hơi thở nóng hổi của đời sống. Chuyến sang Mỹ vừa rồi, Nguyễn Huy Thiệp có kể cho tôi nghe về những tháng năm ông dạy học ở miền núi, về những thảm kịch ông từng chứng kiến, chúng đã gây tác động thế nào đến tâm hồn ông. Nhờ đó, văn học Việt Nam đã có được những tác phẩm cực kỳ khốc liệt. Sau này, khi Nguyễn Huy Thiệp mon men đi vào các lĩnh vực như thiền học, hoặc triết học, người ta thấy ngay những vùng đất ấy không phải là 'lãnh địa' của ông.

Trong văn học Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, đầy dẫy những tác phẩm thiếu sinh khí, chúng không gây nỗi một ấn tượng nhỏ nào trong lòng độc giả. Luôn luôn chúng ta phải 'đọc rán', cho hết, với hy vọng sẽ tìm thấy một điều gì đó. Rốt cuộc, đến khi gấp sách lại, ta không khỏi thở dài thất vọng, với tâm trạng vừa mua phải một món hàng giả, hay ăn phải một món ăn tồi.

Đồng ý văn ôn võ luyện, viết nhiều, chữ nghĩa của ta sẽ hoàn chỉnh hơn. Nhưng người ta không thể ngồi xuống và viết ra chữ với một cái đầu rỗng, hay bằng cách hư cấu, tưởng tượng ra những trạng huống ta chưa từng kinh qua. Cách đây năm bảy năm, có một cuốn sách nặng ký (về trọng lượng) viết về thuyền nhân. Khổ thay, tác giả lại chỉ là một ông trí thức du học, chưa từng bước chân xuống những con thuyền mong manh để ra khơi, chưa từng sống một ngày ở các trại đảo, và dĩ nhiên chưa từng nếm qua cái mùi vị khổ nhục kinh hoàng của những lần bị cưỡng hiếp. Thế mà ông lại viết về các thảm kịch của thuyền nhân. Kết quả, tác phẩm nhợt nhạt và lạnh lẽo đến bất nhân. Nó cho ta cái cảm tưởng tác giả đang cưỡi ngựa xem hoa, đang dùng chuyện thuyền nhân là một cái 'mốt' thời thượng, nhằm trang sức cho sự nghiệp văn chương (và đời thường) của mình. Những tác phẩm như thế, tốt nhất không nên cho chúng ra đời, chả ích lợi gì cho văn học đã đành, mà mặt nào đó, nó còn xúc phạm đến nhiều người khác, những người từng ném cả sinh mệnh mình, gia đình mình, vào canh bạc tử sinh.

Văn chương, ngoài vốn sống, còn đòi hỏi ở người cầm bút sự lương thiện và một tấm lòng. Thiếu những yếu tố này, tốt nhất không nên đến với văn chương.θ

ÐỖ QUYÊN: Tinh Thần văn nghệ[1]

Nói cho gọn, đề tài ‘Quan hệ giữa văn chương và chính trị’ vừa nóng vừa nguội, muôn thuở và thời sự. Ở Việt Nam, tự cổ chí kim, lửa thời cuộc đã thử thách vàng văn chương, đặc biệt hơn cả là trong thời kỳ mà các tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản nương theo một số thực tế để được thể hiện dữ dội nhất: 1945-1990 (mốc là Đại chiến thế giới II và Bức tường Berlin sụp đổ). Với văn học Việt Nam hải ngoại, quan hệ đó là một tất yếu lịch sử.

Xin khất đề tài này sang một diễn dàn khác (nếu có cơ hội), ở đây chỉ tạm bàn tới một hệ quả tồi của nó xảy ra với văn nghệ Việt Nam; đó là: Không phải tiêu chuẩn văn nghệ mà chính là thước đo chính trị đã phân vùng, chia xứ từ những hình thức sinh hoạt cộng đồng như viết sách, ra mắt sách, làm và viết báo, hội thảo chuyên đề, triển lãm nghệ thuật, văn hóa lễ Tết... cho đến các mối quan hệ riêng tư, bằng hữu giữa những người cầm bút hải ngoại. Một cách bất thành văn nói chung và trong vài trường hợp đã thành văn, thái độ chính trị trở thành tiêu chí Số Một cho những người làm văn học sử Việt Nam hải ngoại không chỉ để phân dòng các tác phẩm, định danh các tác giả, mà còn để vạch bán kính sinh tồn của các tác giả, tác phẩm đó giữa các nhóm phái, băng bè văn nghệ... Tổn thất này to lớn vô ngần! Trớ trêu: điều đó có thể đúng về chính trị và chắc chắn chưa đúng về nghệ thuật, có thể đúng ở trách nhiệm người dân (đi tị-nạn-chính-trị) và chắc chắn chưa đúng trong chức phận nghệ sĩ. (Bạn Tây hóa đầy mình đành ngửa cổ mà than ‘C’est la... văn nghệ Việt Nam hải ngoại!’ Tôi thời Nguyễn Vỹ một chút kêu toáng lên ‘Nhà văn An Nam hải ngoại nhục như chó!)

Trong thế thời đó anh em người cầm bút chúng ta, ở hang cùng ngõ hẻm khắp giang sơn Việt Nam hải ngoại rộng lượng và bao dung, dường như nhất loạt và đồng thanh hành xử với nhau bằng các phương cách nhỏ nhoi, hạn hẹp: nếu không sực mùi chính trị thì cũng thoang thoảng tính chính trị hoá, khi không bị chính trị hoá thì cũng... chả còn chất văn nghệ! (Tôi dám mong mỗi một người viết chúng ta - nếu đã thương, nếu còn yêu nền-văn-nghệ-khốn-khổ-khốn-nạn của nước nhà - thì một khi nào đó và bằng cách nào đấy, hãy can đảm để một phút mặc niệm cho cái-chết-của-tinh-thần-văn-nghệ mà đúng ra mỗi một người cần có bổn phận nuôi sống nó trong 23 năm qua! Nhờ đó, may ra, nó phục sinh, như một điều kỳ diệu trong nghệ thuật.) Khi, mà chỉ khi, hồi sinh nổi tinh thần văn nghệ thì giữa chúng ta mới có được các ứng xử sao cho phải-đạo-văn-nghệ. Rồi,việc bàn về chuyện văn chương sẽ là đứa con đầu lòng của những quan hệ văn hữu chân chính vừa được sống lại. Như mọi sắc thái sinh hoạt văn học lành mạnh khác trong những môi trường mà chữ nghĩa không bị cấm cản bởi bất kỳ thứ loại chế ngự nào...

Trong lòng mình và trên trang giấy, tôi dư khoảng trống cho những hướng suy tư khác. Sống trong các quốc gia có tự do ngôn luận-tự do tư tưởng, con người ta có quyền mặc áo chính trị cho những đứa con tinh thần của mình, nhất là khi mà nơi quê nhà cố quận các quyền tự do nói trên vẫn chưa có, và nhất nữa là khi người ta vẫn còn không muốn chấp nhận thể chế chính trị đang điều khiển nước nhà. Song, đó là một chủ đề khác so với trang báo hôm nay! Hướng suy tư này có thể có tình lẫn lý, có thể không; tùy tác giả nào, tác phẩm nào... Rồi, tôi cũng không loại trừ khả năng nữa: thế hệ cầm bút chúng ta không khi nào hạ nổi dấu chấm hết cho câu chuyện văn đàn oán hận chính trường. Chả sao! Chính trị ăn mặn thì văn nghệ khát nước. Rán chịu! Chỉ có điều, nếu vậy, chúng ta hãy cứ thủ... bút với nhau, như đã từng. Chính kiến ai nấy giữ; Giang san đâu văn hùng đấy. Ai tri âm đó mặn mà với ai? Các chữ ‘văn hữu’ vẫn cứ lạm phát ở mỗi trang thư-báo, vô hồn trên các cú phone hay chỏng chơ theo từng đợt email...

Lê Đạt là một trong các thí dụ lớn về cái bi hùng của hệ luỵ văn đàn với quyền thế. Trong năm nay, lần đầu đời ‘được đi Tây’, tới Paris, ở bài phỏng vấn do Phan Tam Khê thực hiện, tới câu hỏi chót ‘Anh còn muốn nhắn nhủ gì với anh em bên này (cũng có thể hiểu là với cả giới văn nghệ Việt Nam hải ngoại nói chung - ĐQ) không? ‘Thí dụ lớn’ của văn phận Việt Nam đáp, như sau: ‘tôi chỉ mong ở anh em Việt Kiều Paris làm sao đối với nhau một cách ấm áp hơn nữa, độ lượng hơn nữa và bạn bè hơn nữa. Bởi vì trong một thành phố rộng lớn như Paris, mà chúng ta có rất ít người thì nhiệm vụ của chúng ta là phải yêu quí nhau hơn. Và tôi mong ước là lần sau khi đến Paris, tôi có thể ở bất cứ nhà người nào mà không làm phiền người khác.[2]

6/10-15/11/98

Thận Nhiên: Những tản mạn về thơ và cái mới trong thơ

Không cũ là mới, ai cũng biết vậy. Làm mới thơ! Nỗ lực này như ngọn lửa cháy bùng trên những trang viết của số lớn các nhà thơ nhiều thế hệ, trong cũng như ngoài nước. Trừ số còn lại chấp nhận những thành quả thơ mình như những cựu chiến binh mân mê mãi những huy chương sau cuộc chiến, hay một lối nói khác, tàn nhẫn hơn nhưng chính xác hơn: những nàng - thơ - tắt - kinh trân quí mớ gương lược, phấn son ngày còn xuân sắc.

Nhưng thiết nghĩ, cái khó là làm sao nhận biết nơi nào là lằn ranh chia cách cái cũ và cái mới. Cũ như thế nào là cũ và mới như thế nào là mới. Và còn nữa, cái mới và sự cố tình làm dáng, lập dị. Và còn nữa, cái mới dở và cái mới hay (hoặc chấp nhận được bởi một số người đọc.)

Cái mới là cái không giống ai, không là sự lập lại. Mỗi nhà thơ có một nỗ lực thể hiện bản sắc và cái mới của riêng mình. Nhưng đã chớm có những phàn nàn từ phía người đọc rằng có nhiều bản sắc, 'cái mới' vô cùng giống nhau. Người đọc rất dễ nhầm lẫn nếu ta bỏ tên nhà thơ A vào dưới tác phẩm của nhà thơ B. Thế là cái mới không còn là mới, bài thơ vẫn là món ăn cũ được gia giảm gia vị và hâm lại phục vụ, làm thỏa mãn một số thực khách dễ tính. Liệu chúng ta có thể dùng khái niệm 'mơi mới' trong những trường hợp này? (Ở đây, xin ngã mũ chào chữ "đèm đẹp" của nhà thơ Trần Dần.) Một cách thận trọng và bình tĩnh, người đọc có thể nhận ra những hiện tượng 'cái mới sinh non' này trên những trang thơ hôm nay.

Xin được ghi lại đây ý kiến của vài nhà thơ đã thành danh và có những nỗ lực làm mới được độc giả và các nhà phê bình ghi nhận trong những năm gần đây mà người viết có dịp tiếp xúc ở trong nước và hải ngoại. Vì vài lí do tế nhị, xin được phép không nêu danh tánh, bút hiệu của họ.

- "Thơ từ ngôn ngữ được thể hiện dưới hình thức chữ viết, thơ mà được thể hiện bằng những chất liệu, hình thức khác không phải chữ viết thì cần xét lại tính chất thơ của các sáng tạo đó."

- "Cái mới là cần thiết. Nhưng nhà thơ có tài năng thật sự là người có khả năng hà hơi, phù phép cho những con chữ phập phồng hít thở; mang máu me, xương xẩu của cuộc đời. Còn sự biểu diễn sắp xếp những "xác chữ" có cấu trúc lạ mắt, có âm điệu lạ tai... chỉ là những tiểu xảo trong trò chơi chữ nghĩa. Chưa phải là THƠ."

- "Cái mới và sự làm dáng, lập dị chỉ cách nhau một chút tơ sương mong manh. Nhà thơ là kẻ làm xiếc trên sợi tơ sương đó. Chính hắn, với lòng tự trọng và những rung động ‘thật’ sẽ quyết định cho ra đời, trình làng, bài thơ và cũng là món hàng ‘thật’, ít ra cũng phải có giá trị với người đọc đầu tiên và khe khắt nhất là chính hắn."

- "Thơ cũ thường có vần. Nhưng không vần, không nhạc chưa hẳn là mới. Và lắm khi thơ vần nhưng có tứ, ý, chữ... được dùng một cách tân kỳ, hiện đại thì vẫn là mới..."

Và anh chị, ý kiến anh chị như thế nào? Thú thật, rất nhiều lần tôi đã đỏ mặt xấu hổ, ăn năn khôn nguôi về những bào thai sinh non từ những dòng chữ của mình. Một trong những nguyên nhân của sự cố sinh non là nỗi ám ảnh của cơn ác mộng "bị tiệt sản". Nhưng, dường như, để trấn an mình về những lỗi lầm này, tôi tự nhủ: "Này, gã làm thơ, hãy can đảm chấp nhận nỗi đau của sự phá thai và sẩy thai liên tục."

_________________________

[1]Trích một đoạn trong bài "Những Vì Sao?" (chưa in)

[2]Trong bản in bài phỏng vấn trên nguyệt san Diễn Dàn-Forum (Paris - số 77, tháng 9/98), câu cuối cùng, ở đoạn vừa trích, được "người đánh máy mạn phép in đậm"! Như thể bộc lộ hết mình nỗi khoái khổ của một kẻ trong cuộc...


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021