Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 3
Cái mới nhìn từ góc độ ngôn ngữ: câu ngắn. câu dài. câu không động từ

Trong hơn một trăm năm vừa qua, diện mạo văn học Việt Nam đã thay đổi vượt bậc. Trong đó, một trong những sự thay đổi quan trọng nhất là ở lãnh vực ngôn ngữ. Đầu tiên là việc chữ quốc ngữ thay thế chữ Nôm và chữ Hán để thành một văn tự chính thức. Sau nữa là sự phát triển của từ vựng với sự xuất hiện của vô số những từ mới do phiên âm, vay mượn hay sáng tạo để diễn tả những khái niệm mới trong một xã hội hiện đại. Có thể nói là gần một trăm năm qua, từ vựng tiếng Việt không những phong phú hơn xưa rất nhiều mà còn trong sáng, chính xác và Việt Nam hơn nữa. Mấy chục năm đầu của thế kỷ, từ vựng tiếng Việt có hai đặc điểm chính: hoặc là nặng nề do quá nhiều từ Hán Việt (như văn của Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong) hoặc là nôm na do giống như văn nói (như văn của các tờ báo đầu tiên xuất hiện ở Nam Kỳ). Trên tờ Phong Hoá số 3 năm 1933, nhóm Tự Lực văn đoàn đã chế diễu hai phong cách này qua hai đoạn văn như sau:

1. Bỉ nhân trầm tư mặc tưởng nghiên cứu thực lự về cái thâm ý đại nghĩa của nhân thế sau khi đã hiện phục, đã xác tín, đã chứng cứ vào những lý thuyết của các nhà triết học cổ kim đông tây thì phải thừa nhận, phải công nhận, phải phục nhận rằng nhân thế là một gang tay, là bạch câu quá khích vậy.
2. Ta ngồi trong phòng trước một luồng không khí quay cuồng bởi cái quạt máy, dưới ánh sáng của ngọn đèn 120 nến, rồi ta ném làn nhỡn tuyến qua cửa sổ rơi cái bịch một cái xuống con cóc ngồi tư lự bên cạnh hòn gạch. Cảm tình ta như nôn nao xoáy tận đáy cõi lòng, tư tưởng ta nẩy phăng ra ngoài óc, tim ta hồi hộp muốn phá tan lồng ngực nhảy ra ngoài.[1]

Hai đoạn văn trên, một đoạn lai Tàu và một đoạn lai Tây, có điểm giống nhau là cấu trúc câu khá dài. Nguyên cả đoạn trên chỉ là một câu. Đoạn dưới gồm hai câu. Có lẽ đây cũng là đặc điểm chung của văn viết Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Chúng ta đã biết văn của Phạm Quỳnh không những nổi tiếng là nhiều từ Hán Việt mà còn dài dòng, lê thê. Nhưng rõ ràng là Phạm Quỳnh không độc quyền ở chỗ viết dài. Thử đọc đoạn mở đầu trong bài "Gõ đầu trẻ" đăng trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Đỗ Mục:

Việc dạy bảo con trẻ, nước nào cũng lấy làm hệ trọng từ lúc mới vỡ lòng, vậy nên việc dạy và việc học, phải dùng hết cách mà sửa đổi luôn luôn; cần nhất là phải học chữ nước mình, tiếng nước mình, để cho hiểu hết mọi sự cần dùng trước mắt trông thấy, chữ là tiếng nói, tiếng nói là chữ, thì trẻ dễ hiểu và dễ suy xét được ngay, chưa thấy nước nào dùng chữ nước khác mà vỡ lòng trẻ bao giờ.[2]

Đọc đoạn văn trên xong, đọc sang một đoạn văn của Võ Phiến gần đây, chúng ta sẽ thấy khác hẳn:

Ban đầu ít, thưa thớt. Thoắt cái, bọ ở đâu vụt ào tới, nhảy tưng bừng. Lúc sau mới biết là mưa đá. Vườn bắt đầu ướt át. Mưa mạnh. Bọ càng lúc càng nhảy dữ. Đầy cả vườn cỏ.[3]

Trong bài "Hơi thở văn chương" đăng trên tạp chí Văn Học (California), nhà văn Trần Long Hồ nhận xét là câu văn của Mai Thảo và Võ Phiến càng ngày càng ngắn và ông giải thích nguyên nhân: "Tôi nghĩ tuổi già và sức yếu có chi phối vào cách viết của Mai Thảo hay Võ Phiến."[4] Theo chúng tôi, nhận xét này không chính xác lắm. Nếu nói càng về già thì câu văn càng ngắn lại thì quả là tội nghiệp cho các nhà văn lão niên quá. Sự thực, không hiếm nhà văn thuộc lứa tuổi cổ lai hy mà vẫn viết những câu văn rất dài. Ngược lại, nhiều nhà văn còn trẻ măng mà thích viết những câu văn ngắn như Trần Vũ hay Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn.

Có lẽ cái chuyện câu văn ngắn hay câu văn dài không gắn liền với tuổi tác của nhà văn mà gắn liền với thời đại. Nói chung, từ thời Tự Lực văn đoàn, các nhà văn thường thích viết câu ngắn. Gần đây, số lượng câu ngắn có vẻ càng tăng. Có lẽ tại vì chúng ta sống trong thời đại của tốc độ, ăn thì fast food, uống thì espresso... cho nên cái gì cũng trở nên hối hả, kể cả nhịp điệu của câu văn. Nếu sau này việc văn chương được mang lên mạng lưới Internet nhiều, câu văn chắc hẳn sẽ càng ngắn hơn nữa. Chỉ cần so sánh các ấn bản in và các ấn bản điện tử của các tờ nhật báo tiếng Anh (như The Australian hay The Age tại Úc), chúng ta sẽ thấy ngay là trong ấn bản điện tử, đơn vị đoạn và câu ngắn hơn trong ấn bản in rất nhiều.

Câu văn sau này không phải chỉ ngắn hơn trước mà quan trọng hơn là càng ngày càng có nhiều câu đặc biệt hơn trước. Trong các tác phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn, câu văn thường tròn trịa, đầy đủ các bộ phận cú pháp.[5] Ví dụ đoạn văn mở đầu tập Xuôi dòng của Thạch Lam:

Ai nói rằng: "Sáng tác khó, phê bình dễ"? Không, phê bình cũng khó như sáng tác. Một nhà phê bình giỏi cũng hiếm như một nhà viết tiểu thuyết giỏi. Nhà phê bình còn cần đến những đức tính không phải là có nhiều trong lòng người; nhà phê bình trước hết phải công bình và hiểu được người khác.[6]

Chúng ta thử so sánh đoạn văn trên của Thạch Lam với một đoạn văn sau đây của Mai Thảo:

... 1989 quả là năm vui đầu, đích là năm vui lớn. Vui ấy là một vui chung. Không của ta nhưng ta cũng chia cùng. Chia thôi. Vui người, chưa vui mình. Bởi trên quê nhà tối tăm, chưa bay lên những hạt cát Luis Gorge Borges. Khiến phía quê xa, 1989 vẫn còn là môt năm buồn. Thật buồn. Như lời thơ kia của Trần Dần, tôi xin nhắc lại: vẫn chỉ ‘mưa sa trên màu cờ đỏ’ . Như một lời thơ khác của Vũ Hoàng Chương cũng xin nhắc lại: ‘’Xuân có sang mà hoa không tươi.’ Vẫn. Không hoa, không nụ cười. Vẫn. Không chim én, không ánh sáng. Vẫn. Những lòng đường im lặng. Vẫn. Những đêm dài giới nghiêm... [7]

hay mấy đoạn văn của Nguyễn Hưng Quốc, ít phá cách hơn:

Cứ thế. Có thể nói, suốt mấy năm nay, cơ hồ tôi không đọc trọn vẹn một bài thơ nào ngoài bài Thơ con cóc. Bận bịu quá, quên đi thì thôi, còn hễ nhớ đến thơ thì bao giờ cũng thế, bài Thơ con cóc lại hiện ra, sừng sững, án ngữ hết mọi nẻo đường, không cho bài thơ nào khác có được cái quyền được ngâm nga nữa. Quái.
Mà quái thật. Đâu phải tôi không biết đó là bài thơ dở [...]. Tôi biết. Biết vậy mà vẫn bị nó ám ảnh mãi. Xua, nó không đi. Nó cứ phục kích đâu đó, trong một ngóc ngách nào của tâm hồn, chực có cơ hội, những lúc ‘tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn’, lại hiện ra, thoạt đầu, như một sự nghịch ngợm, sau, dần dần, thật lạ lùng, cứ như một lời đồng điệu.
Vâng như một lời đồng điệu. Tôi mơ hồ cảm thấy...[8]

Có thể nói, từ năm 1954 về sau, nhất là sau những nỗ lực làm mới câu văn của Mai Thảo trên tạp chí Sáng Tạo, loại câu đặc biệt hoặc thiếu chủ ngữ hoặc thiếu vị ngữ càng ngày càng trở thành phổ biến. Những ví dụ như thế này rất dễ tìm:

Có thể lắm. Tuy nhiên ngay cả những cái ấy nhà văn của thế hệ này cũng không được hưởng bao nhiêu. (Võ Phiến) [9]
Buổi chiều. Những phiến lá của rừng vàng ửng màu nắng. (Trần Vũ)[10]

Trong những đoạn văn vừa trích, có những câu thật ngắn, vài chữ hay có khi chỉ có một chữ. Chúng ta thường gọi đó là những câu đặc biệt. Thật ra, cách gọi này cũng không chính xác lắm vì nói đặc biệt phần nào cũng là nói ngoại lệ, hiếm hoi. Nhưng những câu gọi là "đặc biệt" trong tiếng Việt thì lại khá nhiều, và có vẻ càng ngày càng nhiều dần lên.

Trong những câu được gọi là đặc biệt ấy, có một kiểu đáng bàn luận kỹ, đó là những câu không có động từ. Bình thường, những người có học một trong những ngôn ngữ Tây phương thường có ý nghĩ là câu văn nào đúng ngữ pháp cũng phải có ít nhất một động từ. Trần Trọng Kim có lẽ cũng nghĩ thế khi cho câu tiếng Việt gồm ba phần: chủ từ + động từ + túc từ. Nhưng quan niệm này hoàn toàn sai. Câu tiếng Việt khác hẳn mô hình câu trong các thứ tiếng Tây phương. Theo Nguyễn Kim Thản, trong cuốn Động từ tiếng Việt, số câu không có động từ trong tiếng Việt chiếm đến 12%.[11] Hoàng Trọng Phiến đã bỏ công phân chia các câu trong tiếng Việt vào 7 loại khác nhau, trong đó có đến 4 loại là không có động từ.[12]

Dựa vào nguyên tắc "cấu trúc câu tiếng Việt trong giao tiếp", chúng tôi tạm chia các câu không động từ vào 9 loại khác nhau sau đây:

1. Trời đẹp (chủ ngữ + tính từ)

2. Anh đã cơm nước gì chưa? (chủ ngữ + ngữ danh từ tập hợp)

3. Con cái chúng ta đang độ trưởng thành (chủ ngữ + ngữ danh từ chỉ thời gian)

4. Cô ấy người Sài Gòn (chủ ngữ + ngữ danh từ chỉ gốc hay quê quán)

5. Anh sao thế ? (chủ ngữ + ngữ tính từ nghi vấn)

6. Vé này hạng nhất (chủ ngữ + số thứ tự)

7. Cái bàn này bằng gỗ (chủ ngữ + giới từ + danh từ)

8. Nhà này bốn tầng (chủ ngữ + số từ + danht ừ)

9. Đời ông ấy ba chìm bảy nổi (chủ ngữ + thành ngữ)

Có người cho rằng trong chín trường hợp trên, các từ "thì, là, có, được" được hiểu ngầm. Nhưng thực tế, nếu chúng ta thêm các từ ấy vào thì các câu trên lại có ý nghĩa khác và không còn tự nhiên như câu nói hằng ngày nữa. Nói cách khác, việc thêm các từ "thì, là, có, được" là một việc làm khiên cưỡng, để cốt cho đúng mẫu cú pháp của các ngôn ngữ Tây phương mà thôi.

Trong bài tham luận "Verbless Sentences in the Communicative Structure of Vietnamese" đọc tại Đại hội thường niên của Hội Ngôn ngữ Úc (Australian Linguistic Society Congress) được tổ chức tại Australian National University vào năm 1995, chúng tôi đã có dịp trình bày khá chi tiết về vấn đề này. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn lưu ý là việc các nhà văn càng ngày càng sử dụng nhiều loại câu đặc biệt, trong đó phần lớn là loại câu không có động từ, là một hiện tượng đầy ý nghĩa. Nó làm cho câu văn xuôi đa dạng hơn, uyển chuyển hơn, ngắn gọn và cũng mạnh mẽ hơn.

_________________________

[1]. Dẫn theo Lê Trí Viễn (1984), Đặc điểm có tính qui luật của lịch sử văn học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm tp HCM, tr. 97.

[2]Dẫn theo Hoàng Tiến (1994), Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20, nxb Lao Động, Hà Nội, tr. 195.

[3]Võ Phiến (1991), Truyện thật ngắn, Văn Nghệ, California, tr. 39.

[4]Trần Long Hồ (1998), "Hơi thở văn chương", Văn Học số 143.

[5]Xem chương "Ngôn ngữ Tự Lực văn đoàn" trong cuốn Về Tự Lực văn đoàn Nguyễn Trác và Đái Xuân Ninh, nxb Thành phố HCM, 1989, tr. 143-194.

[6]Thạch Lam (1968), Theo giòng, Đời Nay, Sài Gòn, tr.7.

[7]Mai Thảo (1989), "Sổ tay Nguyên Đán", Văn (California) số 90, xuân Canh Ngọ, tháng 12. 1989 & 1.1990, tr. 11-12.

[8]Nguyễn Hưng Quốc (1996), Thơ, v.v... và v.v..., Văn Nghệ, California, tr. 40.

[9]Võ Phiến (1986), Văn học miền Nam, tổng quan, Văn Nghệ, California, tr. 39.

[10]Trần Vũ (1990), Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, Thời Văn, California, tr. 63.

[11]Nguyễn Kim Thản (1977), Động từ trong tiếng Việt, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 9.

[12]Hoàng Trọng Phiến (1980), Ngữ pháp tiếng Việt, nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021