Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 3
Về cái mới trong văn chương việt nam hôm nay

Không có lý do thuyết phục nào để nhà nghệ sĩ từ bỏ việc sáng tạo cái mới trong tác phẩm của mình. Với tư cách là một nghệ sĩ chân chính, thì cái giá phải trả cho sự từ bỏ cái mới của anh ta còn đắt hơn gấp nhiều lần so với giá mà anh ta phải bỏ ra để săn tìm cái mới. Thứ nữa, nếu người cầm bút cố tình mượn tác phẩm văn chương như là cái cớ để rủ bỏ những thù hận thuần tuý cá nhân, theo tư cách công dân, do lầm tưởng rằng mọi cái thuộc về con người đều mang giá trị nhân bản, thì kết quả là anh ta đã biến tác phẩm của mình thành kẻ phát ngôn cho những vấn đề nằm ngoài văn chương, mà lẽ ra anh ta cần phải giải quyết nó bằng tư cách công dân của mình chứ không phải bằng tư cách nhà văn.

Cái mới trong văn chương, trước hết phải là cái mới từ cảm thức chủ quan của nhà nghệ sĩ về những vấn đề nhân bản và nhân sinh, vượt lên trên tất thảy những định chế xã hội và những hành vi mang tính nhất thời, để rồi từ đó chuyển hoá thành cái mới trong những xung động tâm lý cá nhân, tạo nên 'độ hẫng' và 'khoảng trống' trong quá trình sáng tạo, như một cái filter vô hình lọc bỏ tất thảy những gì không mang lại giá trị thẩm mỹ cho hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm của anh ta. Nhiều khi nó nằm ngoài khả năng kiểm soát của lý trí, nhưng nhất thiết nó phải là nhu cầu thôi thúc từ bên trong không thể khác được của con người nghệ sĩ trong anh ta. Đây chính là ranh giới cho phép phân biệt tư cách nghệ sĩ và tư cách công dân của người cầm bút...

Tác phẩm văn chương là sản phẩm tất yếu của quá trình hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Do vậy 'cái mới' vừa là thước đo, vừa là minh chứng hùng hồn nhất cho tư cách nghệ sĩ của anh ta. Văn chương nghệ thuật, xét về mặt bản chất là đồng nghĩa với quá trình sáng tạo ra 'cái mới'. Khước từ nó là giết chết quá trình sáng tạo ra tác phẩm văn chương đích thực. Tôi đọc một số tác phẩm văn chương gần đây trên báo chí, hoặc trong các tập tuyển chọn Truyện ngắn hay năm 1997 của Nhà xuất bản Hội nhà văn đều thấy nó na ná giống nhau cả, 'cái mới' thật sự hiếm hoi trong các tác phẩm đó. Dường như cái tôi nghệ sĩ đã bị tan biến trong cái ta công dân.

Mỗi tác phẩm văn chương đích thực cần phải đem đến cho độc giả một sự ám ảnh khôn nguôi về những số phận cá nhân trong những dòng xoáy của lịch sử dân tộc và thời đại. Nó phải làm thức dậy trong lòng độc giả sự cảm thông sâu sắc và khát vọng muốn chia xẻ cùng với những số phận đó. Cái 'vi bất đồng' giữa các cá nhân và lịch sử bao giờ cũng để lại sau nó những bi kịch mang tính nhân bản sâu sắc.

Hiện nay, những tác giả nào gây được sự chú ý của dư luận do những yếu tố mới trong tác phẩm về nội dung, cách nhìn hoặc thi pháp? Về văn xuôi có Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh, Hoàng Minh Tường, Ma Văn Kháng, Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang...; về thơ có Lê Đạt, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Trần Cương...; về lý luận có Đỗ Minh Tuấn, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Đỗ Lai Thuý, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hoàng Đức, Đông La... Dưới đây, tôi chỉ điểm qua vài khuôn mặt để chấm phá một bức tranh về sự bất cập của cái mới trong văn học Việt Nam - cái mới nham nhở và còm cõi do sự xâm hại của một môi trường văn chương rất ít đất cho cái mới nảy nở và phát triển.

Có thể nói Phạm Thị Hoài là một cây bút gây nhiều tranh cãi nhất cách đây vài năm. Người khen, kẻ chê đủ cả. Nhưng tựu chung không ai có thể phủ nhận sự đóng góp cá nhân của chị vào diện mạo chung của văn học Việt Nam đương đại.

Phạm Thị Hoài đã trình ra trước độc giả một thảm trạng về xã hội và con người Việt Nam trước thời kỳ đổi mới. Thực trạng xã hội và con người Việt Nam từ cuối những năm 70 cho đến đầu những năm 90 là một thảm cảnh ai cũng biết, nhưng lại chưa mấy ai phản ánh vào trong tác phẩm văn học một cách sinh động, đầy đủ và mạnh mẽ như Phạm Thị Hoài. Xã hội Việt Nam trong tác phẩm của chị là một đống rác thải lâu ngày, nồng nặc đủ mùi xú uế. Còn con người là một tập hợp các thuộc tính đồi bại, xấu xa nhất. Có thể nói chị là người đầu tiên và là người duy nhất thành công trong việc phản ánh những cái đó. Song cũng vì quá chú tâm, say sưa thưởng thức, nhấm nháp nó đến mức người đọc cảm thấy chị trở thành con nghiện những cặn bã của con người và xã hội Việt Nam, cái mà ai cũng muốn vứt bỏ nó đi nhưng không thể nào vứt được, bởi một lẽ giản đơn nó là một bộ phận không thể tách rời của con người và xã hội. Chúng chỉ có thể mất dần đi cùng với sự đổi thay của lịch sử. Cũng cần nói thêm rằng tính chất đa diện của con người và xã hội không chỉ có ở Việt Nam, mà có ở khắp nơi trên thế gian này. Nó là bản chất của tồn tại.

Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít người dám mạnh dạn tìm ra cho văn chương đương đại nước nhà một hướng thoát. Anh là người dày công đào sâu suy nghĩ về những cái mà nhiều người cho là lẽ đương nhiên, thường tình trong cuộc sống hậu chiến hôm nay. Ngờ đâu, nó lại là cái không bình thường chút nào, nếu như ta đặt nó ở một góc nhìn khác. Có thể nói anh là cây bút từng lăn lộn nhiều, và rất sung mãn. Anh luôn kiếm tìm những lời giải đích thực cho những vấn đề đã bị đóng đinh trong tâm thức người đời theo những taboo customs nào đấy, đặc biệt đối với những người có chức, có quyền như vị tướng già trong "Tướng về hưu", hay cả những ông vua như Quang Trung trong "Phẩm tiết". Bằng lối văn giả cổ độc đáo, mạnh bạo, và đầy ma lực, Nguyễn Huy Thiệp đã đánh thức độc giả, những người hãy còn say sưa trong lớp hào quang của quá khứ, đem đến cho họ một cái nhìn tỉnh táo về cuộc sống hiện đại, dù nó có đau đớn và nghiệt ngã đến mấy thì nó vẫn là sự thật, không thể chối cãi. Những mũ mão, cân đai của một thời, mà một số người nào đấy vẫn coi là những totems linh thiêng và bất khả xâm phạm, thực ra cũng chỉ là cơ may, chắc gì đã là tài cán, và càng không phải do sức lực và công trạng của riêng họ. Ngược lại, nó được làm nên bởi mồ hôi, nước mắt và xương máu của bao người. Lột bỏ những mũ mão, đai hia thì cùng lắm họ cũng chỉ là một con người như bao chúng sinh trên thế gian này; và bởi vậy họ cần phải biết con người đã từng phải sống và tồn tại như thế nào trong các khoảnh khắc lịch sử đó.

Cái mới của Nguyễn Huy Thiệp không phải là ở chỗ anh đã phát hiện ra bộ quần áo của hoàng đế, mà điều quan trọng hơn là anh đã biết cho hoàng đế cần phải mặc quần vào lúc nào. Sự sòng phẳng có ý nghĩa nhân bản đó, chỉ từng ấy thôi, cũng đủ để anh xứng đáng đứng ở ngôi đầu bảng của văn xuôi Việt Nam đương đại.

Về thơ, thử phân tích ba nhà thơ đã dược giải Nhất các cuộc thi thơ báo Văn Nghệ, ta thấy cái mới trong đó có tỷ lệ khác nhau và dạng thức tồn tại cũng rất khác nhau, song luôn luôn cái mới bị nằm trong tình trạng đan xen với cái cũ, mượn lốt cái cũ hoặc mang những day dứt quyến luyến cùng cái cũ.

Nguyễn Duy là người đốt mình sống cho thơ. Thơ anh mới từ sự tìm tòi cần mẫn trong cát bụi cuộc đời và được chưng cất lên thành những viên ngọc tinh tú. Có thể là không quá khi nói rằng Nguyễn Duy là một trong số ít những nhà thơ hiện đại hôm nay có tài và có duyên với thơ lục bát, một thể thơ thuần Việt và rất dễ rơi vào mòn cũ. Lục bát truyền thống chủ yếu là đối đáp, là giao duyên với người. Còn lục bát của Nguyễn Duy chủ yếu là đối thoại với chính mình, là con đường tìm về với bản ngã của riêng anh. Những câu thơ sau đây tưởng là anh đang trò truyện với một người nào đó. Nhưng không anh đang trò chuyện với không ai cả.

Vay nhau khóc mượn nhau cười
Người xa quê léng phéng người xa quê
Xẩm rong hè phố thuỷ tề
Ướm nhau còn nhớ lôi về bến xưa
(Bụi - SANDIEGO, 28-7-1995 )
Các em hơn hớn mặt hoa
Hớ hênh thân phận phơi ra chật đời
(Bụi - AMSTERDAM, Mùa phơi )
Chân mây hơi bị cuối trời
Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu
(Bụi - Chạnh lòng 1 )

Đọc thơ Nguyễn Duy nhiều khi thấy anh có vẻ như đang bỡn cợt với nàng thơ và với cuộc đời. Nhưng đằng sau những bỡn cợt ấy là sự trầm tích những trớ trêu của cuộc sống và những bất lực của con người. Thay vì không làm được gì hơn thì đành đùa giỡn vậy; đùa đến rơi nước mắt, quặn đau và cháy lòng.

Thấp thoáng sau những câu lục bát như những bình gốm cổ là con người nhà thơ đang loay hoay đi tìm lại chính mình trong cát bụi cuộc đời, trong một thế giới mà các giá trị nghệ thuật và nhân bản bị lu mờ, điên đảo. Vì thế dễ mấy ai có thể nhận ra cái mới của thơ anh. Nhưng cái mới đó đã mang dáng dấp thơ Bùi Giáng.

Đỗ Minh Tuấn được dư luận đặc biệt là các thế hệ sinh viên đánh giá cao qua giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1989-1990 và qua bốn tập thơ đã xuất bản liên tục trong hai năm 1992,1993. Thơ Đỗ Minh Tuấn luôn đem đến cho người đọc một cái nhìn mới về con người và cuộc đời từ sự đa chiều và bay bổng trong suy tư, đến tính đa thanh đa sắc trong ngôn ngữ thơ. Điểm xuất phát của thơ anh bao giờ cũng là thân phận làm một con người trên thế gian này, dù đó là một người thường, một nghệ sĩ hay một ông vua. Nhưng nổi bật lên trong thơ anh là số phận một nhân dân anh hùng, khổ đau, lam lũ và cao cả. Anh luôn biết đánh thức hằng số tâm linh sâu thẳm ở mỗi con người. Anh đã tạo được mối liên hệ tiềm ẩn, sự cộng thông trong tiềm thức giữa nhà nghệ sĩ và công chúng yêu thích thơ ca. Đọc thơ anh, dù viết về đề tài nào, dù luôn ở tầm trí tuệ triết học, người ta cũng thấy như được "cleaning" tâm hồn mình. Từ những số phận éo le trắc trở giữa cuộc đời thực, nó được dồn nén, chất chứa để tạo nên tiếng lòng muôn thuở vừa thực lại vừa hư, như tiếng đồng vọng từ cõi hư vô, là cả một chặng đường dài sáng tạo mà chỉ có tài năng thơ của Đỗ Minh Tuấn mới có thể làm được điều đó. Thơ anh có không ít bài được xếp vào loại thơ cổ điển theo đúng nghĩa của nó. Không có được sự cộng thông và chia xẻ đến tận cõi tâm linh của con người thì làm sao có thể viết nổi những câu thơ như sau trong bài thơ "Đi hết tiếng đàn bầu" của anh viết năm 1977, mà theo tôi là một tổng kết sâu sắc và day đứt về thân phận người nghệ sĩ Việt Nam trong lịch sử và cái căn nguyên sâu xa của sức mạnh giết người trong nghệ thuật của anh ta, thật khó có thể viết hay hơn:

Ngàn năm đau khổ qua rồi
Sợi tơ còn đó, tay người còn đây
Kiếp người chới với trên dây
Run run theo ngón tay gầy về đâu
Một dây mà vướng tay nhau
Người xưa gửi lại người sau xin cầm
Bao nhiêu thế kỷ lỗi lầm
Để riêng cung bổng cung trầm chịu oan...
Lỗi lầm chuộc với ai đây
Tri âm chết dưới bàn tay rung cần

Vào những năm bảy mươi, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở đỉnh cao thắng lợi và trong nước đang phơi phới chủ nghĩa anh hùng thì Đỗ Minh Tuấn đã viết những dòng rất đau đớn về chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, dường như chiến thắng là một sự luẩn quẩn "lịch sử đi vòng lặp lại một Điện Biên" và đã nhìn người anh hùng như là những thân phận:

Ta giành giật với thù từng tấc đất thương đau
Đâu phải để xây Viện bảo tàng lịch sử
Ai đổ máu mình ra đúc tượng mình để ngắm
Làm anh hùng đâu phải một nghề riêng!

Lúc nào Đỗ Minh Tuấn cũng mới và cũng lệch pha với nền văn học chính thống. Nhưng nếu so trong tương quan thế giới thì ngay cả khi thơ anh được trong nước cho là mới, nó vẫn chỉ là thơ cổ điển hoặc hiện đại với cấu trúc duy lý chặt chẽ trong khi thơ thế giới đã ở trình độ hậu hiện đại với cấu trúc bồng bềnh hơn, thông điệp mờ hơn. Những bài thơ mới in gần đây như "Bút ký về cơn điên", "Bướm thôi miên" mới hơn, sâu hơn và bảng lảng hơn, thể hiện rõ cái khát vọng giải thoát khỏi cõi tục luỵ và cõi ngôn từ. Nhưng dù đây không phải sự quằn quại lột xác mà là sự dấn thân tiếp tục vào cõi tâm linh ở chiều sâu mới, sâu đến mức tiếng thơ vọng lại vẫn là cái thăm thẳm xưa, nhưng âm u hơn và pha tạp cả tiếng người tiếng thần và tiếng quỷ, thơ anh vẫn bị cái cũ đeo đẳng kín đáo trong sự lưu luyến, ám ảnh của trách nhiệm công dân và thái độ nhân văn cổ điển:

Thèm trời trong đáy nước
Nơi cư trú bóng hoa
Bóng sen xa
Đáy hồ mơ
Chữ câm lăn lóc thức
Nở một mùa kinh giải thoát
Thoát quê hương!
Thèm bưng một quả chuông lạ
Đứng trong đêm
(Bướm thôi miên)

Hoàng Trần Cương là một nhà thơ cũng có thể coi là có thứ hạng trong làng văn chương Việt Nam đương đại, nhưng lại ít được dư luận chú ý vì thơ anh có cái vẻ chân chất, thô vụng không hấp dẫn. Có lẽ anh là một nhà thơ hướng nội, một nghệ sĩ từ trong máu, nhưng lại không phải là một người hợp thời trang. Thơ anh không có những suy tư uốn lượn vòng vo, những câu tài hoa nuột nà, bay bổng hay là những phát kiến cao siêu về triết học. Nhưng thơ Hoàng Trần Cương mới là ở chỗ anh luôn biết lăn ra giữa dòng đời những hòn đá tảng xù xì, đầy góc cạnh xếp lại với nhau để bạn đọc tự tìm ra sự éo le, trớ trêu của số phận. Và người đọc không thể làm ngơ mà bước qua đống đá lù lù trước mặt, khi không tự soi thấy mình trong đó. Có thể nói thơ anh là một trái núi đầy mặc cảm về thân phận của những linh hồn không có Chúa. Một cõi lòng trống rỗng đến cô tịch, nhiều khi muốn gào thét, nhưng cái nghiệt ngã của số phận thi nhân không cho anh được làm như vậy. Anh đành dằn lòng đối diện với hư không và một khuôn mặt lạnh câm đã hoá đá, sừng sững chắn giữa mọi nẻo đường đến với thi ca. Thơ anh đầy máu, mồ hôi và nước mắt, nhưng không hề khóc lóc van xin. Ngôn ngữ thơ Hoàng Trần Cương trần trụi như đá núi, cây ngàn, không gọt đẽo, không điểm tô, nhưng những liên tưởng lại rất mới lạ:

Mặt anh buồn như đá
Ai ném ra ngoài đồng...
(Đợi)
Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp
Chỏng trơ như nồi cơm ngày đói khát
Tảng cháy cạy đi rồi còn hằn vết móng tay
Cày lên sưng cả đáy nồi...
(Trầm tích - I)
Trăng đầu tháng đỏ ngầu
Như cái bã trầu ai nhè ngang đỉnh núi
("Trầm tích- III")

Nhưng Hoàng Trần Cương hình như cũng chưa ý thức được cái mới trong thơ mình để phát huy có ý thức, nên thơ anh vẫn còn lẫn những bài những câu cũ, dễ dãi và những cảm xúc mới, những liên tưởng lạ dẫu nhiều vẫn thường xuyên hiện hình trong những hình thức ngôn ngữ khá quen thuộc, thậm chí quá thật thà.

Không tử vì đạo, không da diết khát khao cái mới sao có thể có được cái mới. Thiếu những hiệp sĩ mỹ học, thiếu những người sống chết cho lý tưởng cái đẹp, cái mới - đó là căn nguyên sâu xa của sự hiếm hoi cái mới trong văn học Việt Nam. Khi đã thiếu lý tưởng, thiếu tài năng, người ta sẽ trở nên quá coi trọng tính chất thương mại của văn chương, đến mức coi nó là trên hết, dẫn đến nguy cơ thao túng của đồng tiền - vốn là cái bất chấp mọi giá trị ngoài lợi nhuận kinh tế - đối với tác phẩm văn chương trở thành một xu thế tất yếu không thể cưỡng lại được. Bởi lẽ những người chuyên sản xuất loại hàng hoá văn chương xịn như Nguyễn Huy Thiệp để có được những đồng tiền xứng đáng với sức lao động của mình thực sự là quá hiếm hoi. Còn phần lớn những mặt hàng văn chương tại nội đều do những nhà văn tay chiêu làm ra, ở một trình độ cũ và thấp. Có thể nói hiện nay hàng chợ đang độc chiếm thị trường văn chương tại nội. Một nền văn chương đại chúng đến mức chỉ toàn hàng chợ do các văn sĩ tay chiêu cố tình rặn tung ra như bươm bướm cốt là để bán kiếm lời. Xu hướng thương mại hoá văn chương ở bất cứ chỗ nào, khâu nào, đối với bất cứ ai đang làm cho cả xã hội lên cơn sốt ác tính văn chương. Thời đánh giặc, người ta ra ngõ gặp anh hùng, còn thời kinh tế thị trường ra ngõ gặp nhà văn và cả dân tộc đều là văn sĩ (!?)

Thảm hoạ này nếu công bằng phải được chia làm ba phần. Một phần thuộc về phần lớn các nhà biên tập, những người thích dạy khôn kẻ khác bằng cách lê những cỗ máy chém khắp mặt các nàng thơ, chàng văn không cần rung động, cảm thông, chỗ nào không hợp gu, không hiểu dược, hoặc có nguy cơ làm cho cái ghế của anh ta rung rinh là chặt chém, nếu vì tình thân thì ưỡm ờ, khất lần cho qua chuyện. Và cuối cùng họ biến tất cả các tác phẩm và bài viết thành một dàn đồng ca ngay đuồn đuỗn không có lĩnh xướng. Họ không cần cá tính, không cần phong cách chỉ cần mỗi người cầm bút là một toa trong cái đoàn tàu hoả hùng hục lao lên phía trước theo đúng một đường ray đã định sẵn Một đội ngũ biên tập gồm phần lớn là những người không cần biết viết gì, mà chỉ cần biết là ai viết, thì cái mới và văn chương đích thực hiếm như lá mùa thu là điều dễ hiểu.

Phần tiếp theo thuộc về cơ chế quản lý văn chương. Một số nhà quản lý sợ không có thành tích, mất ghế nên cố tình cả vú lấp miệng em, lấy số lượng thay chất lượng; lấy phong trào thay cho đỉnh cao. Số lượng là cái có thể đo đếm được, còn chất lượng văn chương ở Việt Nam là cái cực kỳ tù mù, họ muốn cho ai có chất lượng thì người ấy được, mà chủ yếu là những người có thẻ 'Priority'. Thực chất đây chính là một cách tạo đà tốt nhất cho 'văn chương bảo kê' độc chiếm thị trường và công chúng.

Suất cuối cùng dành cho một số ông lang băm lý luận phê bình luôn có khả năng chữa bách bệnh chỉ bằng bài thuốc nam gia truyền với hai vị gừng và rau má. Theo họ mọi căn bệnh đều do quá hàn hoặc quá nhiệt. Gừng là vị đầu bảng trị hàn; còn rau má là đầu bảng trị nhiệt. Nếu quá hàn thì thêm gừng; còn quá nhiệt thì tăng rau má. Khen một tí, lại chê một tí, vừa có nhiệt lại vừa có hàn, vừa có thuỷ lại vừa có chung; báo nào, tạp chí nào cũng in được, không dây dưa, không đụng chạm, vừa được tiền lại không bị mang tiếng là ác, chỉ thích đánh người. Vậy là chân lý tối thượng của các họ đã đạt được: "dĩ hoà vi quý".

Một số người khác, lại chỉ thích chọc ngoáy, soi mói câu chữ như bà mẹ lắm điều chỉ chăm chăm một nút chỉ tuột ở cái quần đùi của đứa con mà bù lu bù loa lên rằng ngành may mặc của nhân loại đang suy thoái trầm trọng. Cung cách phê bình cứng nhắc, giáo điều, hoặc là nhảy cẫng lên như những con đồng vì những chuyện ngoài văn chương, cốt để hạ bệ tư cách công dân của một ai đó, thực chất là họ đang kéo nền văn chương nước nhà xuống hố. Chỉ cần một bài điếu văn hùng hồn, và mùi mẫn trước khi đắp tảng cỏ lên nấm mộ đó là tất thảy mọi người có thể yên tâm dắt tay nhau đi sang thế kỷ 21 với một nền văn chương thời mở cửa bung ra như các công ty vô

trách nhiệm đối với công chúng và tương lai văn học nước nhà.

Tôi không loại trừ một số nhà văn, nhà phê bình, nhà quản lý thực sự có tài năng và tâm huyết với văn chương. Họ sẵn sàng chấp nhận đối thoại thẳng thắn, cởi mở về những vấn đề học thuật và văn chương, những mong cho nó có được hình hài tương xứng với tầm vóc dân tộc và thời đại. Họ thường chỉ viết và nói khi nào thật cần thiết, trước hết vì văn chương, sau nữa vì bản lĩnh nghệ sĩ của chính họ. Vì thế họ không hoắng lên như những kẻ háo danh, trục lợi, trong cái thời buổi 'đục nước béo cò' này. Nhưng như vậy, vô hình trung họ đã để tuột tay vũ khí và trận địa lợi hại, đó là thị trường và công chúng, nên đành phải chấp nhận thực trạng của thời kỳ 'văn chương công ty', 'văn chương priority', 'văn chương bảo kê' thịnh hành và phát triển. Đấy chính là cơ chế ngầm của hoạt động văn chương tại nội hôm nay, có thể sánh ngang tầm về tính quyết liệt và thủ đoạn với các tổ chức mafia quốc tế mà cái đích để loại mafia văn chương này săn lùng để tiêu diệt đó chính là cái mới.

Mùa thu Mậu Dần,1998


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021