Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 3
Cái mới: bản chất của sáng tạo

Cái mới của văn chương chính là cây trái của sự sáng tạo. Nhưng khái niệm sáng tạo lại rộng lớn và bao quát quá! Thôi thì cứ hợm mình bắt chước Newton ngày xưa: say sưa và ngây ngất với vài mảnh vỏ sò rực rỡ trên tay, mặc cho biển cả sáng tạo trước mặt gầm thét bao điều chưa nói hết...

Sáng tạo như là sự thiếu hoàn hảo và phá phách...

Sáng tạo sớm nhất, theo Cựu Uớc, là sáng tạo của Thượng Đế. Chỉ trong sáu ngày, ông ta đã tạo nên vũ trụ với đất, trời, ánh sáng, nước, sao trời, các giống sinh vật, rồi con người. Nhưng vũ trụ tạo nên lại không hoàn hảo chút nào! Không "hài hoà tiền định" như Voltaire từng chế giễu. Nó ẩn chứa bão tố và phong ba. Ẩn chứa cả thiện và ác, cả cái đẹp và cái xấu.

Người Ấn thì tin vào sự sáng tạo của Phạm Vương (Brahma). Ông ta tạo nên đàn ông rồi lấy vẻ đẹp của hoa, tiếng hót của chim, màu sắc của cầu vồng, sự lả lơi của gió, sự giảo hoạt của cầm thú và sự bất thường của thời tiết để tạo nên đàn bà. Kết quả là đàn ông bị giằng xé giữa nét quyến rủ và vẻ ghê rợn của món tặng phẩm mới nhận kia. Họ phải trả đi rồi xin lại đến bốn lần như vậy đến khi Phạm Vương phát cáu.

Phụ nữ có hàm chứa cả cái đẹp và cái xấu ở muôn loài chúng ta mới bị giằng xé giữa hai thái cực, tình yêu có trắc trở mới trở thành đề tài vĩnh cữu của thi ca. Và có vậy, Tagore mới nỉ non: Nhưng em ơi đời anh chỉ là một trái tim / Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó / Em là nữ hoàng của vương quốc đó / Nhưng có bao giờ em hiểu trọn nó đâu.

Đẹp như khu vườn thượng uyển, trái đất rồi cũng hoá nên tầm thường. Có khổ đau mới có khái niệm hạnh phúc. Nếu gã đàn ông yên tâm với sự trọn vẹn ở tặng phẩm của Phạm Vương, anh ta sẽ thấy nó tuyệt hảo như sự tuyệt hảo của những vật dụng vô tri. Không có những dằn vặt nhớ nhung của lần chối bỏ, sẽ không niềm hoan lạc của khi xin lại. Khi cõi đời này hoàn hảo quá, nó sẽ nhàm chán, không khơi được những suối nguồn sáng tạo. Thượng Đế và Phạm Vương hiểu vậy! Và họ đã làm cho vũ trụ không toàn vẹn từ đầu, đã tạo nên người phụ nữ vừa đáng yêu vừa đáng tởm!

Như thế, đã có một tiền lệ: Khi 'tạo' nên cái gì đó hoàn hảo quá khiến sự thưởng thức trở nên toàn vẹn, toàn vẹn một cách tự nhiên, chúng ta không sáng tạo chút nào. Những đối tượng, những hình thể, những phương cách biểu hiện phải toát nên những dấu hỏi, những băn khoăn nào đó về ý nghĩa của kiếp nhân sinh: sự tồn tại, cái đẹp, nỗi sợ hãi trước cái chết, sự cô đơn, sự vô vọng trước số phận ....

Một khúc nhạc, nếu chỉ đơn thuần là tập hợp những nhịp điệu, trường độ, cao độ và những âm giai luyến láy, nó chỉ là phần mềm của cỗ máy âm học. Một hoạ phẩm không chỉ đơn giản là sự hoà hợp giữa những đường nét, những mảng màu: phải có những băn khoăn dấy lên từ những hoà hợp ấy. Nói theo hơi hướng cơ cấu luận, cái toàn thể phải cao hơn tổng số. Phải có cái gì đó vượt lên trên sự giam hãm vật chất giữa vải bố và màu sơn trong tác phẩm của một bậc danh hoạ. Đàn ông và đàn bà của Phạm Vương, đặt cạnh nhau, không hề là hai đơn vị nam nữ với những khác biệt về mặt cơ thể học. Giữa họ phải có những dục vọng trái ngược: nửa muốn ôm chầm lấy, nửa muốn xua đuổi, mối quan hệ dở khóc dở cười mà nhân loại vẫn ngàn năm không nói hết. Và người nghệ sĩ phải biết khai mở những dục vọng giằng xé ấy!

Nhưng cái định nghĩa thì thật là dễ hiểu: Sáng tạo tức là vượt qua khỏi lối mòn, là tạo nên cái mới bằng con đường của riêng mình. Lúc đó người nghệ sĩ bất chấp tất cả. Thây kệ những ràng buộc của những ước lệ. Chỉ có đam mê và cảm hứng. Đọc "The moon and six-pences" của Maugham mà nhân vật chính là hình ảnh mô phỏng của Paul Gauguine, chúng ta thấy những say sưa ngây ngất của con người sáng tạo: bất chấp những trở ngại của đời sống, bất chấp những giáo điều thẩm mỹ, thả nổi cuộc đời để khai mở những ẩn ức về cái đẹp. Trước và sau Gauguine, biết bao thế hệ đã say sưa như vậy. Mỗi sự vật đều ẩn chứa một linh hồn, một ngôn ngữ riêng; và cái thế giới sâu thẳm ấy bị gò bó, không thể bộc lộ bởi sự giam hãm của những hình thể bên ngoài. Người nghệ sĩ sáng tạo phải biết cách phá phách và bóp méo sự giam hãm ấy để khai mở thế giới bên trong. Bóp méo sự giam hãm của cả những quy ước đã trở thành thánh kinh trong nghệ thuật. Bóp méo để có thể nói lên điều gì đó mà những hình thể, những khuôn mặt thường nhật không thể nói hết. Và cả những quy tắc ngữ pháp. Ngữ pháp giúp ngôn ngữ khỏi lẫn lộn nhưng lại níu kéo sự bay bổng của ý tưởng. Hemingway đã tin như vậy nên đôi lúc cố tình viết sai thứ ngữ pháp mà chúng ta thường ru rú tuân theo một cách chật vật.

Sáng tạo như là... tìm khoái lạc

Văn chương lại được ví von như trò thủ dâm. Phải chăng cái khoái của sáng tạo văn chương được sánh với những khoái lạc lơ tơ mơ khi gã đàn ông tự mình tưởng tượng nên sự lả lơi của gió ngàn, vẻ rực rỡ của bảy sắc cầu vồng và nét yêu kiều của những đoá hoa e ấp hương trinh ở món tặng phẩm của Phạm Vương?

Nhớ, những khoái lạc 'xóc lọ' đã xôn xao một thời. Những ý niệm góp nhặt có thể đã lạc hậu với người nhưng hãy lấp lánh màu sắc, còn à la mode với ta; nó vẫn phảng phất bóng dáng của sự sáng tạo! Những ‘buồn nôn’, những ‘phi lý’, những ‘ngã’, những ‘hư vô’ v.v... của một thời. Bỏ vào lọ. Rung và lắc. Lắc rồi vãi. Rồi chắp nhặt thành thơ. Đó là lời chế nhạo của Duyên Anh. Và không rõ giọng điệu cynical đó có hàm ý xa hơn? Người thì ví văn chương như trò thủ dâm. Duyên Anh thì mỉa mai bằng sự xóc lọ. Nhưng ‘thủ dâm’ và ‘xóc lọ’ khác nhau như thể ‘chăn gối’ hay ‘yêu nhau’ khác với từ ngữ thông tục mang cùng một ý nghĩa; cái ý nghĩa mà Tú Xương đã xa xôi bóng gió trong tiếng chửi của thằng tiểu Phù Luông!

Bây giờ thì không ai buồn nhắc đến những ý niệm ấy nữa nhưng hình thức ‘xóc lọ’ chữ nghĩa vẫn tiếp diễn. Sáng tạo thì phải tìm tòi cái mới. Phải thể hiện từ những bứt rứt bên trong, những xốn xang mới lạ mà những phương tiện sáo mòn không thể diễn đạt. Lăm le những khẩu hiệu sáng tạo màu mè bên ngoài nhưng chỉ khơi dậy từ một nguồn cảm xúc sáo mòn bên trong. Tự lừa dối mình. Và hoang tưởng. Âm nhạc Việt Nam là một ví dụ. Mãi đến nay, vẫn còn quá nhiều ‘sáng tạo’ theo công thức của những con đường xao xác lá thu hay chiều mưa bay bay, cơn gió bay qua và những ám ảnh về một tình yêu tan vỡ...

Đó cũng là một kiều cách tìm kiếm khoái lạc. Nhưng tìm kiếm theo những công thức máy móc. Và chỉ có những khoái lạc giả tạo và hoang tưởng, tự dối mình. Theo nghĩa xóc-lọ-lắc-và-rung. Theo nghĩa xóc-lọ-tìm-khoái-lạc.

Sáng tạo như là... vượt truyền thống, vượt qua thân phận nhược tiểu

Sáng tạo còn được hiểu là bất chấp truyền thống. Nhưng có đố kỵ truyền thống hay không? Hoàng Thổ (Yellow Earth), tác phẩm đầu tiên mà thế hệ đạo diễn thứ năm Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới với thái độ bất chấp những quy ước của điện ảnh Tây phương. Để nói lên sự bất lực của chính quyền trong việc thay đổi đời sống của nông dân; kỹ thuật phối cảnh của hội họa cổ điển đã được đưa lên màn bạc để thể hiện những con người nhỏ nhoi, đang bị choáng ngợp, tràn lấp và bất lực trước trời đất bao la. Khuôn vàng thước ngọc của truyền thống đã thách thức những tín điều của điện ảnh Tây phương. Và đã làm toát lên một ngôn ngữ thể hiện mới!

Nhưng cũng chỉ chừng đó thôi, ‘thế hệ thứ năm’ của Trung Quốc tuy đã làm thế giới sững sờ thán phục nhưng giờ đây đang lẩn quẩn trong tình trạng dẫm chân tại chỗ. Những quan niệm thẩm mỹ truyền thống cộng với sự khai mở những ẩn ức dồn nén sau bao năm dài Maoist nghẹt thở có thể khiến những nhà phê bình Tây phương trầm trồ, nhưng không đủ sức đưa họ vươn xa hơn.

Giá trị truyền thống cộng với những phương tiện đương đại, có thể toát lên những ánh sáng là lạ nào đó. Dĩ nhiên lạ phải hàm nghĩa mới, nhưng không mới để chắp cánh bay xa. Chỉ mới mới để trầm trồ trong giây phút. Phải chăng sự tôn thờ quá mức những giá trị truyền thống đã kìm hãm sáng tạo? Truyện Kiều là mẫu mực của văn chương Việt Nam. Truyện Kiều đường đường uy nghi trên ngai thờ chữ nghĩa trong khi chúng ta đã bắt đầu mỏi mệt trước những lời lẽ ca tụng lập đi lập lại đến phát chán. Rằng hay thì thật là hay, nhưng sao chỉ có mỗi mình Truyện Kiều? Tuyệt chưa có ai cả gan ‘phá thể’ Kiều, thách thức Kiều và vượt qua Kiều. Mới nhất thì có một nỗ lực minh hoạ Kiều.

Nhớ lại những trầm trồ về 'sáng tạo tuyệt vời' của anh thợ đàn nào đó đã tỉ mẩn khoét lõm từng phím bấm của cây lục huyền cầm Tây Ban Nha để rồi bi ai theo những lời ca sầu não. Trừ phi anh ta có thể làm toát nên những ý tưởng hay ngôn ngữ mới mẻ, anh ta mới thực sự sáng tạo. Nếu những sáng kiến chắp vá loanh quanh vẫn được đặt tên sáng tạo, chúng ta biết gọi cảm hứng của Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô Đại Cáo, của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều là gì?

Dân tộc ta vừa nhược tiểu, lại phải liên miên trận mạc nên hiếm khi trọn vẹn sự tận cùng: không vươn đến sự hùng vĩ của cái cực đại và không đạt tới sự tinh tế của cái cực tiểu! Với văn chương đương đại, một bên thì than thở về sự kém cỏi và chắp vá, không hình thành được những tác phẩm mang tính sử thi, "xứng đáng với tầm vóc hai cuộc kháng chiến vĩ đại!" Một bên, tuy rực rỡ hơn, nhưng vẫn chưa đủ sức bước qua được ngưỡng cửa của Bình Ngô Đại Cáo hay của Truyện Kiều. Tất cả chỉ là những ‘sáng tạo’ loanh quanh, giống như người thợ đàn khoét phím!

Bởi vậy, giữa lúc sắp sửa bước vào thiên niên kỷ mới, nếu khao khát điều gì mới mẻ trong văn chương nghệ thuật, chúng ta phải biết khao khát trong ý hướng vươn lên, đưa chúng ta ra khỏi thân phận nhược tiểu. Có khao khát một Kiều trong âm nhạc, đó phải là một tân-Kiều hay thậm chí một anti-Kiều, chứ không phải là những âm thanh rụt rè và khép nép minh hoạ. Muốn vươn xa, vươn cao hơn nữa để vượt khỏi thân phận nhược tiểu; trong khi trân trọng quá khứ và truyền thống, hậu thế phải biết vượt qua những giá trị truyền thống!

Mới như là một nỗ lực sinh tồn...

Trong lời nói đầu của Notre Dame, Victor Hugo đã nói đến sự giẫy chết của nghệ thuật kiến trúc khi máy in chào đời. Chưa có máy in, nhân loại chỉ có thể nhắn gửi tư tưởng mình cho đời sau trong những khối đá, những công trình kiến trúc. Với máy in, họ có thể làm điều đó một cách chóng vách và hiệu quả. Kiến trúc phải lùi vào bóng tối.

Tuy nhiên, nghệ thuật kiến trúc không bị bức tử. Nhưng nó phải chuyển mình, phải ‘mới’ để thích nghi. Điều kiện kỹ thuật đã thay đổi, nhu cầu con người thay đổi, và thị hiếu thẩm mỹ cũng thay đổi. Nghệ thuật kiến trúc phải chuyển mình theo để sinh tồn. Phục sinh, những con người thời trước có thể nhìn vào những ‘cái hộp’ mà chúng ta ‘chui vào’ sống như là sự dẫy chết của kiến trúc; tuy nhiên, nhìn theo quan niệm của trường phái Kiến trúc Công năng (Functionalism), đó lại là những tiêu chuẩn cao nhất của cái đẹp. Cái đẹp phải thể hiện ở sức mạnh kết cấu và sự hữu dụng; bởi, nói theo Le Corbusier, "Nhà chỉ là một cái máy để ở!" (A house is a machine for living).

Tương tự, đối phó với những thay đổi của môi trường sống, cả văn chương cũng phải chuyển mình, vươn đến cái mới để thích nghi. Nhưng sự thích nghi để tồn tại với cái mới thường ngụ ý sự giẫy chết của cái cũ. Văn chương ta đã ‘đoạn trường’ như thế biết bao lần. Từ văn vần sang văn xuôi, từ biền ngẫu sang ‘bạch thoại’, từ chương hồi sang những cấu trúc hiện đại. Nhưng đó chỉ đơn giản là những chuỗi dài sao chép và học hỏi, là mở cánh cửa để đón lấy làn gió mới lạ từ bên ngoài.

Rồi đây, những thay đổi chóng mặt của kỹ thuật - nhất là lĩnh vực tin học - sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nghệ thuật, cả trên quy mô toàn cầu? Yếu tố nổi bật nhất của thời đại hậu kỹ nghệ là vận tốc. Vật vã trong cỗ máy gia tốc khổng lồ của đời sống, những hình thức văn chương tồn tại bao đời có bị bức tử hay chăng?

Người ta đã nói nhiều về một viễn ảnh ở đó những vật dụng quen thuộc như cuốn sách hay cây bút chỉ được trưng bày ở viện bảo tàng. Khi đã làm quen với chiếc keyboard nhẹ nhàng, ai cũng có thể trở nên lười biếng với cây bút và cuốn sổ tay; sự thay đổi của thói quen ‘viết lách’ sẽ ảnh hưởng thế nào trong phong cách sáng tác? Rồi sự ra đời của loại ‘sách điện tử’ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thú đọc sách?

Văn chương bao giờ cũng cần đến hai yếu tố: người viết và độc giả. Với những độc giả đã được huấn luyện không phải để ‘đọc’ mà là ‘lướt qua’ từ tấm bé, văn chương rồi phải thích nghi với những hình thức tiêu hoá nhanh. Để tồn tại, văn chương, dù nghiêm chỉnh đến đâu, liệu sẽ cứng đầu trơ gan trước những hình thức instant literature dễ dãi được bao lâu? Nó phải ‘mới’ như thế nào để có thể ‘bắt mắt’, để lôi kéo những độc giả luôn cho rằng rằng đời vui sao ngắn ngủi? E rằng lúc đó giữa văn chương và quảng cáo sẽ có không ít những chia xẻ đầy tâm đắc!

Danh phận của người làm văn chương cũng dần dà tan biến trong thời đại siêu truyền thông. Giai thoại về lá thư thiếu địa chỉ viết vẫn đến tay Mark Twain chỉ là còn một huyền thoại xa lắc xa lơ. Chúng ta đang sống, và đang tiến sâu vào thời đại văn hoá trình diễn. Giới nghệ sĩ Mỹ đã cay đắng nhận sự rẻ rúng của con người sáng tạo trước con người trình diễn. Nhà văn, thi sĩ hay một kịch tác gia, dầu sáng giá cách mấy, vẫn không là cái gì so với một thằng hề rẻ tiền; kẻ chỉ có biệt tài khơi dậy tính khôi hài dễ dãi của quần chúng. Ánh hào quang của một kiệt tác điện ảnh không bao giờ thuộc về người đã mang nặng đẻ đau nó, mà là người thêm vào những ánh sáng màu mè. Văn chương rồi sẽ vật vã như thế nào đây để giữ lại chút danh phận bèo bọt của mình?

Le Corbusier, người được xem là một trong những nhà kiến trúc vĩ đại nhất của thế kỷ 20, cho rằng nhà là ‘một cái máy để ở’. Còn văn chương, nếu phải ‘mới’ để sinh tồn, phải mới để ‘bắt mắt’, phải mới để ‘trình diễn’ như vậy, sẽ biến tượng thành loại ‘máy’ gì đây?

‘Máy văn chương’? Quả là một ý niệm khôi hài, nhưng là khôi hài đầy nghiêm chỉnh!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021