Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 3
Lớp học

Lớp học có mười lăm người, mà theo thầy nói, muốn học văn chương giỏi thì phải thích văn chương trước đã. Lớn nhỏ đều có đủ trình độ và điều tôi cho là lẽ đương nhiên, hầu hết đều là mít, lạc loài ba đứa trắng, hai đen, vậy là vị chi mười vàng.

vàng trắng đen tuy khác màu da, bạn thân ơi, chúng ta là hoa quý cùng quay nào, cùng quay nào, cho trái đất quay...

Quay cuồng theo cái ngôn từ bản xứ tinh tế và sống động của thầy. Thầy giảng, chúng tôi ghi, bài ghi của tôi là ba hồi Mỹ, bốn hồi Việt. Thầy nói, thơ với văn, đừng so sánh thể tài cao thấp. Chỉ có khác nhau thôi. Khác như cháo với cơm. Cơm nhão, thì không phải là nấu cháo, tôi thích, còn cháo đặc sao gọi được là cơm!

Thầy ngừng giây lát, giảng cho tụi tóc quăn tóc vàng, cơm là sao, cháo là sao, rồi nhân tiện nói thêm về lối ví von so sánh trong cách nói tiếng Việt. Văn chương Việt, giảng cho học trò Mỹ bằng một ông thầy Việt nói tiếng Mỹ, lắm khi cũng gặp rắc rối!

Qua đến tuần lễ thứ hai, thầy bắt đầu hỏi đến tôi.

Tiến trình đặt câu hỏi (đáng yêu hay thói quen giản dị?) của thầy bao giờ cũng như là công thức:

thầy gợi ý, hỏi vu vơ đâu đó
vài ba người lần lượt trả lời theo tay chỉ của thầy
tên cuối cùng bao giờ thầy cũng dành để gọi tôi

Tôi thường cầm cây bút xoay xoay trong tay khi nói, mắt đắm đuối nhìn vào mắt thầy. Thầy chăm chú nhìn trả lại, mắt thầy hơi ướt, đôi khi có vẻ kèm nhèm. Đôi khi thầy hình như hơi mỉm cười.

Câu chuyện bắt đầu từ hôm thầy vào viện. Nghe nói thầy đau tim, tim đập loạn nhịp sao đó phải vào viện điều trị nửa tháng.

Nửa tháng không có giờ văn chương của thầy, buồn tênh!

Có ý kiến rủ nhau mua quà đi thăm. Cái khăn choàng cổ kiểu mới hai màu nâu và xanh nhạt, có thể hợp với vóc dáng và tuổi tác của thầy, tôi lãnh phần đi mua và chọn lựa, được cả lớp hoan nghênh nhiệt liệt. Và chúng nó cũng viết những lời nhiệt liệt vào tấm card gởi thầy:

thầy mau lành bệnh, chúng em nhớ thầy lắm
chúng em nhớ giờ văn chương của thầy
nhớ nhung thầy chịu không nỗi, có phải tim thầy đang đập loạn nhịp vì văn chương không?

Có thể chúng nó đùa, và cải lương, nhưng tôi, tôi gửi riêng cho thầy một gói, một tấm card riêng ký tên tôi với tình yêu mãnh liệt riêng của tôi, dành cho thầy.

mỗi lần thầy tới bàn em, cầm cây viết của em xoay xoay trong tay thầy, cử chỉ đó của thầy chỉ xui em nghĩ đến dục tình

Tặng thầy một gói ba cái quần lót trắng, ba cái áo lót trắng trong khi thầy mổ tim, phần quà của riêng tôi.

Thầy đã khỏi bệnh, đã trở lại lớp học mang trả những gì cả lớp mong được nghe, và trả thầy lại cho tôi.

Tiến trình đặt câu hỏi và trả lời, tôi sung sướng, vẫn y như cũ.

thầy đặt câu hỏi và kêu tên từng đứa
sinh viên lần lượt trả lời theo tay thầy chỉ
tôi là người cuối cùng thầy gọi đến tất nhiên

Tôi vẫn xoay cây viết trong tay, và câu trả lời vẫn thường làm cả lớp ngạc nhiên. Thầy mỉm cười, mắt mờ đục lại ánh lên chớp loá sau kính cận.

Nghề dạy học, tất nhiên không phải là một nghề đánh đĩ. Nhưng tôi cứ cho đó là một nghề khêu gợi nhất trong các nghề. So sánh với các vai u thịt bắp trần trùng trục múa may trên bục, trên người chỉ dính một mảnh xì líp uốn eo uốn éo và da thịt cuồn cuộn loáng lên dưới ánh đèn dầu bóng, tôi thấy giống như một miếng thịt ươn chưa được nấu, có thể thịt đang bốc mùi thum thủm. Nhưng thầy, thầy là một món xào có gia vị thấm thía, ngọt ngào làm ruột gan tôi cồn cào, nước miếng cứ ứa tràn nuốt ực không kịp.

Dĩ nhiên, thầy biết tôi thèm thầy.

Ở bệnh viện ra, dường như thầy có hơi rụt rè với tôi một chút. Thầy không còn tự nhiên đứng ở bàn tôi, tay cầm cây bút lên xoay xoay mỗi khi trả lời câu hỏi riêng, hay khi cúi nhìn vào bài ghi nhắc hộ.

Lời giảng của thầy vẫn trau chuốt, mắt vẫn sáng lên sau câu tôi trả lời, miệng hơi mỉm cười, nhưng thầy ít khi còn đứng sát chỗ tôi ngồi như trước.

Tôi đổi chỗ. Bây giờ bất kỳ vào trễ hay sớm, đều chọn chỗ ngồi ở cuối lớp.

Một bữa, tôi thấy thầy tự nhiên ngồi vào chiếc ghế trống bên cạnh tôi, trong khi một bạn sinh viên khác đang thuyết trình. Đề tài tổng quan thơ thẩn, lẽ ra thì hấp dẫn, thầy chăm chú, còn tôi, tôi phải say mê... Nhưng không, tôi quả thật lúng túng lú lẫn.

Thầy nhận xét, những khi viện dẫn những ông này bà nọ, lý thuyết gia đông tây nam bắc, tân thời hay cổ điển, chủ yếu là hãy dẫn chứng nhuần nhuyễn. Đôi khi còn vì mạch văn mà phải cắt bỏ hẳn, hoặc đem xuống dưới làm footnotes, chớ ham hố khoe khoang giựt le kiến thức mới, sẽ làm hỏng bài bình luận. Rồi thầy khen bài thuyết trình vừa nói là có ý, có tình.

Khi cả lớp đứng lên đổi lớp, trong khi thầy tiếp tục hí hoáy ghi chú, tôi ngồi cạnh, nói chỉ đủ cho thầy nghe:

"Thầy, có phải thầy sắp đi nghỉ hè với vợ con ở Paris không?"

Thầy đáp lại bình tĩnh:

"Tôi bắt buộc phải làm như thế."

Thầy, có phải thầy đã lại trở về?

Lớp học thầy, mỗi học kỳ cũng chỉ khoảng chừng đó mống, trên dưới mươi mười lăm người.

Khi tôi ghi danh học lại lớp của thầy, người thư ký nhìn vào bảng học bạ tôi chiếu sáng trong máy, tưởng tiếng Anh tôi nói không rành nên hỏi lại, tôi gật đầu nhấn mạnh, vâng, tôi muốn ghi danh học lại lớp đó.

Ông lặng lẽ cúi đầu làm thủ tục, cho tên tôi vào máy, in bản sao và nhắc nhở tôi đến đóng tiền học ở khu hành chánh tầng hai, phòng số 202, bin đinh B...

Chỉ trừ có tôi là học viên cũ. Lớp văn chương, giáo sư có thể phê điểm ABCD nhưng chữ F thì ít khi. Tôi không bỏ học bất cứ giờ nào của thầy, lại lãnh điểm A như kết quả đã ghi, nhưng tôi cứ học lại.

Thầy, lần này em đã trở lại, và sẽ còn trở lại nhiều lần khác nữa!

Lần này tụi ngoại quốc nhiều hơn, có lẽ Việt Nam đang dần dần không chỉ là cuộc chiến Việt trong đầu tụi Mỹ lớn nhỏ này nữa. Có hai đứa sinh viên Mỹ sắp sang Việt Nam học ở đại học Hà Nội, hai tên nữa sẽ là nhân viên của một trung tâm xã hội sẽ công tác Việt Nam ở trại mồ côi và cơ sở làm chân tay giả. Bọn này học khá vì căn bản vững, và học cơm gạo hơn là vì say mê tầm phào, nên làm nghiên cứu rất vững, xét nghiệm tài liệu sâu, tôi hơi gờm.

Thầy nói, tác giả tác phẩm nào cũng vậy, đọc lại lần thứ hai thứ ba, mỗi lần sẽ khám phá thêm những cái mới khác nhau, mà những lần trước mình chưa thấy hết. Có điều, mới, không có nghĩa là cứ chủ quan tiếp tục bịa dài dài. Biết được phải ngừng lại ở chỗ nào, là do suy nghiệm sâu xa và lâu ngày mới thấy được.

Năm nay, có thể tôi sẽ học thầy được cái kinh nghiệm đó.

Qua tuần thứ hai, tiến trình câu hỏi của thầy đặt ngược lại với hồi năm ngoái.

người thầy hỏi đầu tiên bao giờ cũng là tôi
rồi lần lượt mới tới
những ai ai khác

Tôi vẫn chọn chỗ ngồi cuối lớp và thầy vẫn chăm chú, đôi khi hơi tư lự nhìn tôi trả lời. Thỉnh thoảng, thầy có đến ngồi chỗ cuối lớp bên cạnh tôi, mỗi khi bạn bè tôi tới phiên thuyết giảng.

Một hôm, khi cả lớp đã ra về hết, đột nhiên thầy nói:

"Tôi gửi lời thăm cháu bé."

Đáp lại, ngày lễ Valentine, tôi gửi một bình hoa tươi đến văn phòng thầy mà không ghi tên mình.

Đúng sau ngày lễ, khi vào lớp, thầy nhìn tôi dịu dàng nói "cám ơn", rồi mới bắt đầu giảng bài.

Lần sau đó, thầy đến đứng gần chỗ tôi, tay xoay xoay cây viết trong khi nghe người bạn của tôi thuyết trình.

Ngón tay áp út của thầy không còn chiếc nhẫn ở đó nữa, thay vào đó, một vệt trắng mờ mờ trên ngón tay dài da thịt đã bắt đầu nhăn nheo.

Thầy, thầy đã trở lại. Lần này, thầy có vĩnh viễn ở bên tôi không?

Giáo sư dạy văn chương tôi bây giờ là ông xã của tôi. Tôi không hiểu từ khi chưa có luật lệ nghi lễ và hôn ước, và xa hơn nữa, thời nguyên thủy, một người đàn ông hấp dẫn thì được quyền làm ông xã mấy lần? Tôi hoàn toàn không thắc mắc về loại đàn ông cùng một lúc làm ông xã của nhiều người đàn bà khác nhau. Đứa con trai nhỏ của tôi đang học trung học, vẫn còn ở chung với chúng tôi.

Trong quan hệ vợ chồng, dĩ nhiên chúng tôi xưng hô với nhau bằng anh em như bao nhiêu cặp vợ chồng khác. Nhưng vợ chồng tôi không có giấy tờ.

Nhà tôi bảo tôi thôi đừng ghi tên học nữa, thì nhà tôi sẽ dạy được tự nhiên hơn, thì tôi nổi ghen lên.

"Để cho anh đặt câu hỏi và có đứa nó lại trả lời như em đã trả lời?"

Nhà tôi hơi băn khoăn một chút, rồi đáp, sau khi đã có vẻ lượng định sâu xa, theo kiểu như ở lớp, mỗi khi anh trả lời chất vấn của sinh viên.

"Anh dạy học gần ba mươi năm, học trò trả lời như em, thì chỉ có một."

Nhà tôi khen và chê, mắt tôi không lớn như mắt bà vợ trước của anh, nhưng mắt tôi sáng hơn. Tôi nhìn vào ảnh, thấy nhan sắc mình có vẻ thua người đàn bà kia, nhưng lòng chợt nhói lên chua xót vì cái vẻ hờ hững khó chịu của người này. Dù gì, họ cũng đã sống một thời gian quá dài với nhau.

Một hôm, khi đang chấm bài và viết lách, thấy tôi đi ngang qua, nhà tôi bỗng nổi cơn, kéo tôi ngồi vào lòng. Ôm chặt lấy tôi rồi bỗng nói:

"Em cho thầy xin đi..."

Chúng tôi không kịp lên giường, nằm ngay xuống dưới sàn nhà, cửa phòng làm việc vẫn mở, và chưa bao giờ nhà tôi yêu tôi lâu đến như thế. Cơn kích ngất đến thật mãnh liệt, hai đùi tôi ướt đẫm những nước nhờn và mồ hôi nhớt.

Trận mưa hồng thủy đổ xuống suốt ngày suốt đêm trên mặt đất xối xả buổi khai thiên. Từ buổi khai thiên hồng hoang lập địa, có phải những người đàn ông đã liên tiếp đánh cướp đàn bà lẫn nhau...?

thầy gợi ý không hỏi ai hết chỉ hỏi mình tôi
không có ai được lần lượt trả lời thầy
người đầu tiên và cũng sẽ là người cuối cùng trả lời thầy
là tôi

Tôi lại đang rơi vào cái vòng lẩn quẩn, lo sợ ai đó đến giật mất thầy của tôi? Thầy, nếu thầy sẽ đi không trở lại, có nghĩa là thầy mãi mãi không đến, thì em cũng hết cách thôi.

3/1998


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021