Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 3
Cô Quì còn không

Bình Nguyên Lộc có tập truyện bằng văn vần, gọi là Thơ Ba Mén. Truyện ấy hình như chưa bao giờ xuất bản. Thơ Ba Mén là thơ thế nào, tôi chưa biết. Chỉ tình cờ biết qua lời khai từ, trên vài chục câu. Và chỉ nhớ vài câu:

Ghe ơi, vài bữa ghe về
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?

"Ghe ơi", ghe ấy tức những chiếc ghe thương hồ đậu ở bến sông Ông Lãnh một buổi sáng mưa dầm. Trong thời chiến tranh, chốn nông thôn bất an, lắm kẻ bỏ quê lên tỉnh sinh sống. Trong số những kẻ ấy có người đã yên thân làm ăn ở Sài Gòn; nhưng thân có yên mà lòng chưa chịu yên. Những hôm mưa rơi nhẹ nhàng, tiết trời lành lạnh, người nọ ra bến sông, ngồi uống tách cà-phê nóng ở một quán nhỏ, nhìn lũ ghe thương hồ từ dưới quê chở nông phẩm lên bán mà nhớ về làng xóm cũ. Ghe đi vài bữa ghe về, mà mình thì biền biệt, nhớ cô Quì muốn chết. Một ông khách bới tóc (tức cũng người gốc quê) ngồi bàn bên cạnh liếc sang có trông thấy người nọ khóc trộm. Thảm quá.

Vì bấy nhiêu mà tôi không quên được thơ Ba Mén. Mà tôi bị thơ Ba Mén ám ảnh.

Áng chừng người nọ bỏ quê ra đi cũng không lâu mấy. Cô Quì vẫn còn gọi là cô Quì thì xa cách có gì là lâu. Xa như chúng ta - một số đông đảo trong chúng ta, những kẻ rời bỏ xóm làng từ tuổi đôi mươi cho đến tận cuối đời - xa nhau đến thế thì nhớ về người cũ đâu còn nỡ gọi nhau là cô! Từ lục tuần thất tuần về sau, dẫu có còn đấy các cô Quì cũng thành ra cụ Quì cả thôi.

Đàng này, mới tách lìa nhau đấy đã mếu máo, đã rối rít: "Cô Quì còn không?" - Làm gì mà chả còn. Lo sao lo quá lắm vậy.

Giờ tạm gác qua chuyện tuổi tác, tuổi cô tuổi cụ.

Trước, hãy nói về những cô Quì muôn thuở. Muôn thuở và muôn phương luôn. Những cô Quì làm cuống quít người khác phái khắp cùng đó đây.

Sống giữa Sài Gòn, ngày ngày lội ngược lội xuôi các con phố đông nghìn nghịt, bộ người đàn ông nọ không gặp được cô nào vừa mắt, khả dĩ sánh với người dưới ruộng sao? Sức mê hoặc nằm ở chỗ dưới ruộng chăng? Chốn lâu đài phố xá là không đáng kể, phải gốc "dưới ruộng" mới hấp dẫn chăng? - Giả thiết ấy nghe rối trí quá. Trong kháng chiến, có những kẻ bỏ thành đi khu lại quay quắt nhớ về mấy bóng hồng ở một căn gác nhỏ ngay tại Hà Nội:

Gác Dì Năm thuở ấy họp bình thơ
Người trong cuộc bây giờ đâu nhạn cá?

Nguyễn Tuân đấy. Vũ Hoàng Chương đấy. Quê nhớ thành đấy.

Cô Quì không nhất thiết ở một nơi nào. Có thể tin rằng người bỏ Cà Mau đi làm ăn xa thì nhớ da nhớ diết cô Quì Cà Mau, kẻ di cư rời Phát Diệm Bùi Chu thì mơ tưởng bóng hình cô Quì Bùi Chu Phát Diệm... Ở đâu mà không có một cô Quì? Cô Quì ruộng, cô Quì thành, cô Quì da đen, cô Quì tóc vàng, cô Quì Trường Sơn, cô Quì Vàm Cỏ, cô Quì Hương giang, cô Quì Trèm Trẹm, cô Quì thảnh thơi giữa đồng xanh bát ngát, cô Quì tơi tả dưới bom đạn mịt mù v.v... Cô nào cũng là cô độc nhất vô nhị trên đời, tuyệt không thể thay thế được. Tách rời một cái là tha hồ đau lòng mỏi miệng như con cuốc cuốc cái gia gia.

Ông Trời khôn ngoan, láu lỉnh, đã đặt để ra như thế. Nếu không thế sẽ không có cách nào ngăn cản nổi người giết sạch người. Nếu trên thế gian chỉ có một người đẹp thôi thì chúng sinh còn có cách giải quyết nào khác cách giết nhau? Cho nên người độc nhất phải là người vô số. Mầu nhiệm thay.

Thuở thơ ấu ta đã có mắt tinh vi, thấy được con dế trốn dưới cỏ, thấy ổ sáo con nằm sâu trong bộng cây, thấy từng cái kẹo trong túi áo của bà nội bà ngoại... Chớm tuổi đôi mươi thì ta có mắt thần.

Gậy tiên chỉ vào, hòn đất hoá cục vàng. Gậy tiên quí vậy nên cực hiếm, nên huyền hoặc. Mắt thần càng quí hơn, nhưng mỗi người mỗi có. Con bé hàng xóm vẫn gặp nhau hàng ngày, vẫn tranh nhau trái me trái ổi cãi cọ chí choé; lớn lên, một ngày nào đó ta được trao cho mắt thần, trông lại con bé bỗng ngẩn ngơ: Cô Quì đây rồi.

Cô Quì xuất thế, mọi sự đổi thay. Ta vừa mở cánh cửa bước sang một cuộc đời khác. Ta trông ánh sáng cách khác, nghe tiếng gió thổi cách khác. Ta biết những cảm xúc mới lạ, những cảm xúc chưa từng. Nhìn lại từng bộ phận nhân thể của chính mình, ta ngỡ ngàng. Ta không còn nhận ra ta nữa: ta thay đổi từ vóc vạc, giọng nói, cho tới cái hơi thở. Ta như con rắn lột da, thành con rắn khác.

Ta đối với ta còn thế, huống hồ đối với người khác. Cho nên cô Quì là một khám phá: dẫu gần gũi cũng hoá ra mới lạ. Làm ta ngây ngất, mê tơi. Nhờ mắt thần, mỗi chàng trai đều có được một cô Quì tuyệt vời.

Nguyên một sự thay đổi ở ta đã thế, huống hồ lại có sự thay đổi cùng lúc về phía cô Quì. Thì ở cô cũng có chứ sao không? Đến tuổi ấy, cô mở mắt trông ta, bỗng ngạc nhiên, bỗng đắm đuối. Ta đã thành một cậu Quì rồi. Cô ấy với cậu ấy, chao ôi!

Trên thế gian vẫn có bày sẵn nhiều món quí. Tạm ghé nơi này trong chốc lát, chúng ta được thết đãi tử tế. Thượng Đế đâu có bỏn xẻn. Nhưng hoa quả thịt cá, có ăn mới thấy ngon; rượu, có uống mới thấy khoái; thuốc, có hút mới thú, mới đã. Cô với cậu thì chỉ có nhau, chỉ bên nhau, là hoan hỉ đã vô ngần. Em đi, chàng theo sau. Thế là "em" đã vui sướng, đã mở hội trong lòng, đã cuống cả chân. Em đi, em có làm gì chàng đâu? chàng có làm gì em đâu? Em là gái nhà lành, gái khuê các, em là con nhà gia giáo, chàng con nhà lễ nghĩa. Không hề có chuyện lườm qua liếc lại, cười qua cợt lại; chỉ mới bén cái hơi là mê tơi rồi. Chỉ một cái hơi bên cạnh. Chỉ có em đây có anh đấy, chỉ là "có", tức khắc sảng khoái cả tinh thần rồi. Rượu với thuốc phiện mà đến ngồi bên cạnh đã hả hê được à?

Đến đây đâu đã hết cái hay ho của cô với cậu. Trẻ với kẹo: chỉ có trẻ yêu kẹo, kẹo không yêu trẻ. Người với rượu: chỉ có người nghiện rượu, rượu không nghiện người. Xưa nay không ai bắt gặp có kẹo nào náo nức trong hũ trong lọ. Không ai bắt gặp rượu nào xôn xao rạo rực trong ve. Đàng này, cô với cậu thì... ối, không gian như chứa đầy những tín hiệu tìm nhau xao xác. Không gian như có giăng . Trai gái mỗi bước mỗi vướng chạm cái mạng tơ giăng tình cảm. Cứ ra khỏi cửa là háo hức tưởng chừng nơi góc phố này ngã ba kia, con hẻm kia vườn hoa nọ... đều có thể gặp một mối tình đang lấp ló đợi chờ. Nơi này một ánh mắt chỗ kia một nụ cười. Trong sương sớm, trong nắng vàng, đều có thể phục sẵn những tình cảm vu vơ mà nồng nàn. Những mối-tình-khả-dĩ nó đợi đó đây.

Thế rồi mai kia, từ một nơi xa hơn bờ sông Ông Lãnh - vâng, có phần xa hơn - từ một nơi thái thậm an lạc, tuyệt đối an lạc, nơi cực lạc, ta thẫn thờ nhớ về một cốc cà-phê bất khả. Bất giác buột miệng kêu: "Nhắn người dưới thế, cô Quì còn không?". Rồi bật khóc nức nở. Bấy giờ Thượng Đế ngồi cạnh (tựa như ông già bới tóc trong quán thuở nào), Thượng Đế lòng lành liếc thấy, tha hồ ái ngại xót thương. Cô Quì còn không? - Thì vẫn còn. Cô Quì của thiên hạ vẫn còn hoài dưới thế. Vẫn mặt hoa da phấn. Phây phây khắp nơi. Tóc bay trong gió. Mắt long lanh. Mắt lúng la lúng liếng... Ôi cái nhớ của kẻ xa xôi, nhớ quay nhớ quắt, nhớ da nhớ diết. Vô phương giải cứu. Ông Trời già bên cạnh mỗi lúc mỗi bồn chồn xót thương. Vô phương.

Cái nhớ ấy, sánh với nó hoạ chăng chỉ có cái nhớ của cụ Quì hướng về cậu Quì. Cụ Quì (hoặc bới tóc hoặc không bới tóc), lù khù lọm khọm, âm thầm trong tuổi già ở trần gian, thỉnh thoảng ngẩn ngơ sực hỏi: "Cậu Quì ngày nọ... Đâu rồi cà?".

Một cái nhớ da diết, sánh với một cái nhớ quá đỗi hắt hiu.

10/98


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021