Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
ban biên tập   mục lục
thư toà soạn
Việt 3 /  Giữa năm 1999 -  Cái mới trong văn chương
 

Việt số 2, với chủ đề "Sống và viết ở hải ngoại", được/bị xem là một số báo 'nóng'. 'Nóng', hiểu theo nghĩa là làm cho người khác giật mình. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng viết, trong mục "Sổ tay" đăng trên tạp chí Văn tại California số tháng 8.1998: "Nụ cười của nước Pháp, nước mắt của Ba Tây trong World Cup 98 chưa đủ sức làm trái đất nóng lên. Thế nhưng, tạp chí Việt [...] ở Úc vừa phát hành số 2, với chủ đề Sống & Viết ở Hải Ngoại có khả năng làm những người cầm bút Việt Nam giật mình."

Trong khung cảnh lặng lẽ của 'miếu đền' văn nghệ Việt Nam, làm cho người khác giật mình, trong chừng mực nào đó, cũng có nghĩa là làm cho họ bực mình. Ở hải ngoại, Nguyễn Xuân Hoàng giật mình, làm cho Trùng Dương và một số bạn bè nào đó của chị 'giật mình' theo. Ở trong nước, khá nhiều người giật mình và bực mình, đủ để tạo thành một làn sóng tranh cãi ồn ào trên báo chí, từ Văn nghệ Quân đội đến Sài Gòn giải phóng, đến Công an thành phố Hồ Chí Minh trong suốt mấy tháng cuối năm 1998 vừa qua.

Từ một số báo 'nóng', Việt số 2 trở thành một số báo ồn, đặc biệt tại Việt Nam. Thành thực mà nói, đó là điều đáng tiếc, bởi vì như vậy, người ta đã và sẽ còn soi mói tờ báo dưới lăng kinh chính trị, trong khi, Việt chỉ là, và chỉ muốn được đọc như là một tạp chí thuần tuý văn học mà thôi.

May mắn, trên số Việt ấy, chỉ có một bài duy nhất bị một vài người cầm bút ở hải ngoại không mấy 'hài lòng' là bài "Sống và viết như những người lưu vong" của Nguyễn Hưng Quốc, và một bài duy nhất bị một số người cầm bút (và cầm súng) trong nước phẫn nộ là bài "Văn học hải ngoại nhìn từ trong nước" của Đỗ Minh Tuấn. Còn lại, phần lớn đều được khen ngợi, hoặc nhiều hoặc ít.

Được khen là vừa thẳng thắn vừa cung cấp được một số tư liệu quý có các bài viết của Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường, Thế Uyên và Võ Đình; vừa thông minh vừa dí dỏm có bài của Võ Phiến; vừa nghiêm túc vừa uyên bác có bài của Hoàng Ngọc-Tuấn; vừa sắc sảo vừa ít nhiều làm cho người đọc 'nhức nhối' vì chính sự sắc sảo ấy có bài của Phạm Thị Hoài.

Việt số 3 này, tập trung vào chủ đề "Cái mới trong văn chương", dù, như chủ trương của Việt, chỉ giới hạn trong phạm vi văn học, có khả năng lại sẽ là một số báo 'nóng' nữa. Chỉ hy vọng là người đọc, trong lúc 'giật mình' trước một số cách nhìn hay cách viết tương đối mới lạ, có đủ bình tâm để thưởng thức những sáng tác đầy tìm tòi trên Việt số 3 này. Như những bài thơ cụ thể của Lê Văn Tài và những bài thơ collage độc đáo của Uyên Nguyên. Như bài tuỳ bút đặc sắc của Võ Phiến viết vào tháng sinh nhật lần thứ 74 của ông vừa qua, hay những truyện ngắn của Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Phùng Nguyễn và Hoàng Ngọc-Tuấn.

Có một sự trùng hợp tình cờ và lý thú: cả bốn bài sáng tác bằng văn xuôi trong số này đều tập trung vào một đề tài giống nhau: tình yêu. Thế nhưng mỗi người lại có một cách nhìn và cách viết khác hẳn nhau. "Cái mới trong văn chương" là như thế chăng? Chính từ ý nghĩ này, chúng ta đã đặt phần sáng tác văn xuôi lên đầu, thay vì nằm sau cùng, như thường lệ. Như một cách 'dẫn nhập' vào phần lý luận phía sau.

Phần lý luận về "Cái mới trong văn chương" khá phong phú và, hơn nữa, rất đa dạng: bài này cứ như 'cãi' nhau với bài nọ. Có thể nói đây là một diễn đàn văn học sôi nổi và cũng dân chủ chưa từng có ở Việt Nam. Nếu cuối cùng, từ những bài viết ấy, chưa có con đường mới mẻ nào được mở ra, thì ít nhất, chúng cũng là một dấu mốc quan trọng trong quá trình tự giác hoá của giới cầm bút Việt Nam về chuyện viết lách của mình. Để, ít nhất, không ai còn có thể hoàn toàn an tâm về những cái gọi là 'khuôn vàng thước ngọc' hay 'chân lý' hay 'truyền thống' trong văn học. Để công việc viết văn làm thơ thực sự là một công việc sáng tạo theo đúng ý nghĩa ban đầu của nó.

Chủ đề của Việt số 4, ra vào giữa năm 1999 sẽ là: Tình yêu, Tình dục và vấn đề phái tính trong văn học. Chắc chắn đây sẽ là một đề tài thú vị. Ở Tây phương, từ lâu những đề tài này đã được nghiên cứu khá kỹ và đã trở thành những môn học chính được giảng dạy ở bậc đại học. Ở Việt Nam, không chừng Việt số 4 sẽ là một công trình nghiên cứu quy mô đầu tiên.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021