Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 5
Viết, từ những kinh nghiệm riêng

Lời dẫn:

Bước vào các hiệu sách hay các thư viện, chúng ta thường bắt gặp loại sách bàn về kỹ thuật, từ kỹ thuật nấu ăn đến kỹ thuật cắm hoa, kỹ thuật trồng cây, kỹ thuật sửa xe, kỹ thuật chế tạo xe, kỹ thuật đánh đàn, kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, v.v... Hình như nghề nào cũng có những loại sách dạy nghề như thế. Riêng trong lãnh vực văn học, ít ai nói đến kỹ thuật. Ngay cả khái niệm "nghệ thuật" cũng ít được dùng. Những nhan đề đại loại như "nghệ thuật viết văn" thường chỉ hạn chế trong việc viết văn tiểu luận, tức nhắm đến đối tượng là học sinh hay sinh viên mà thôi. Thỉnh thoảng cũng có loại sách dạy viết truyện trinh thám, truyện diễm tình... nhưng cũng chỉ nhắm đến mục đích tìm hiểu cách thức viết sao cho bán chạy chứ không quan tâm đến khía cạnh nghệ thuật, do đó, cũng ít khi được giới am tường văn học chú ý.

Trong lãnh vực văn chương nghiêm túc, ít bàn về kỹ thuật, càng ít bàn hơn nữa về nghệ thuật, nhưng người ta lại hay nói nhiều đến kinh nghiệm. Vì thế, loại sách "nhà văn bàn về văn" hay "nhà thơ bàn về thơ" khá phổ biến. Có lẽ đây là loại sách chỉ có trong lãnh vực văn học. Ở các ngành hoạt động khác, chắc không có loại sách tương tự. Không có "thợ sửa xe bàn về xe", "nhạc sĩ bàn về âm nhạc", cũng không có "nhà khoa học bàn về khoa học", "phi hành gia bàn về vũ trụ", v.v...

Nhưng kinh nghiệm viết văn hay làm thơ là những kinh nghiệm gì? Trong cuộc phỏng vấn do Jane Katz thực hiện, được dịch và in lại trên tạp chí Văn Học số 123 ra vào tháng 7.1996, nhà văn Mai Thảo cho biết phần lớn truyện của ông là "dựa trên kinh nghiệm bản thân, hay dựa trên kinh nghiệm của những người mà [ông] từng quen biết." (tr. 30) Như vậy, chúng ta cũng có thể nói: kinh nghiệm làm thơ hay viết văn thực chất là kinh nghiệm về việc tái hiện những kinh nghiệm sống, trực tiếp hay gián tiếp, ở đời.

Do đó, khi nhà văn hay nhà thơ bàn về kinh nghiệm viết văn hay làm thơ, chúng ta không phải chỉ biết được những kỹ thuật họ sử dụng mà còn biết được cả những cách thức họ sống cuộc đời của họ, cách thức họ giao tiếp với người khác. Có lẽ đây chính là lý do khiến cho việc tìm hiểu về kinh nghiệm viết lách trở thành một đề tài hấp dẫn, không những đối với giới cầm bút mà cả đối với giới độc giả nói chung. Ở đâu và thời nào cũng có người đề cập đến đề tài này. Ở các xứ nói tiếng Anh, loại sách mang tựa đề "Writers/Poets on Writing" hay "Writers/Poets at Work" rất nhiều. Trên báo The New York Times Magazine của Mỹ lâu nay cũng có mục "Writers on Writing" quy tụ những cây bút nổi tiếng trên khắp thế giới, cả những tác giả từng đoạt các giải thưởng lớn của quốc tế, trong đó có giải Nobel văn chương. Ở Việt Nam, cách đây mười mấy năm, Nguyễn Đăng Mạnh đã biên tập một bộ sách, gồm hai tập, tổng cộng khoảng 500 trang, nhan đề Các nhà văn nói về văn (nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985), tập hợp ý kiến của đông đảo nhà văn và nhà thơ ở miền Bắc. Điều đáng tiếc là ở miền Nam thời kỳ từ 1954 đến 1975 cũng như ở hải ngoại từ 1975 đến nay, chúng ta chưa có một tập sách nào tương tự.

Thú thực, chúng tôi không có tham vọng bù lấp khiếm khuyết này, nhưng để các ý kiến về kinh nghiệm sáng tác trên Việt số này được đa dạng, chúng tôi đã gửi đến một số nhà văn, nhà thơ ba câu hỏi nhỏ:

Thói quen sáng tác của anh/chị?

Theo anh/chị, trong công việc viết lách, yếu tố gì là quan trọng nhất?

Khi sáng tác, điều anh/chị quan tâm nhất là gì?

Do thời gian hạn hẹp, chúng tôi chỉ có thể tiến hành cuộc phỏng vấn qua email. Điều này tạo ra không ít khó khăn như số lượng nhà văn có email không phải là nhiều, nhất là các nhà văn cao tuổi; số lượng người mà chúng tôi có địa chỉ email lại càng không nhiều. Do những khó khăn ấy, số người tham dự không đông như ý muốn. Ngoài ra, trong việc trả lời, các nhà văn và nhà thơ cũng đã linh động thêm hay bớt các vấn đề được nêu ra trong câu hỏi. Những ý kiến ấy đã góp phần làm cho cuộc thảo luận về kinh nghiệm sáng tác trên Việt số này càng thêm phong phú và đa dạng. Chúng tôi xin chân thành cám ơn tất cả các văn thi hữu sốt sắng tham gia vào cuộc phỏng vấn này.

Phan Việt Thuỷ

NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG:

Tôi đọc Bonjour Tristesse năm lên 17. Rồi, trong một bài phoœng vấn trên tờ Paris Match, nếu tôi nhớ không lầm, Francoise Sagan có cho biết là sau khi trượt tú tài cô đã gõ cuốn truyện này, với một cái máy chữ cũ, trong mấy tháng hè. Từ đó, tôi đã ôm mộng trơœ thành một nhà văn hút liên miên những điếu thuốc gauloises không đầu lọc, và gõ máy bằng hai ngón troœ, như cô, bơœi vì thuœ bút cuœa tôi rất nguệch ngoạc treœ con. Tôi cần phaœi có máy chữ hay computer mới hành văn được.

Tôi chỉ gõ khi có thật nhiều caœm hứng, tâm hồn thanh thaœn, và không làm thơ trong những lúc buồn. Tôi sáng tác để thưœ nghiệm. Và viết, dịch để chia seœ cái mới cái lạ. Nhưng hình như độc giaœ không ưa những cái tôi thích. Đề tài, hình thức, kỹ thuật thường loé như một tia chớp, cùng lúc, nhưng tôi ít khi chụp bắt, vì e sẽ có dị ứng từ phía chuœ bút, người đọc. Boœ tiền ra để in thơ, truyện, baœn dịch cuœa mình? Tôi hết ham rồi.

Tôi lười và viết rất chậm.

CHÂN PHƯƠNG:

1. Sáng tác với tôi là nhu cầu thường xuyên. Tôi viết bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu; không kể những khi cao hứng như buổi sáng cuối tuần thư thả sau giấc ngủ ngon nhìn nắng mai chào mừng trang giấy mới, hoặc đêm khuya đọc vừa xong cuốn kỳ thư... Và các buổi giao thời thường là thời điểm xuất thần cho tôi: nụ xuân vừa hé, lá thu chuyển sắc, trận tuyết đầu đông, hoàng hôn tàn năm...

2. Nhà thơ cần đi và sống đam mê để có ý thức về thời đại cộng thêm tri kiến sâu rộng (không chỉ thuần văn nghệ) và óc phê phán độc lập để biết đúng chỗ đứng của mình trong cõi người ta cũng như trong cõi văn chương. Nếu cứ loay hoay trong ao tù cái ngã hạn hẹp và lặn hụp dưới đáy giếng văn hoá tỉnh lẻ thì dù có kiên trì làm thơ đêm ngày, suốt đời cũng chẳng đi đến đâu!

3. Hệ trọng nhất là tính nhất quán của bài thơ. Bởi thế không thể tách bạch các mối quan tâm: (a) cấu trúc là xương cốt; (b) ngôn ngữ ý tượng là thịt da; (c) tư tưởng cộng cảm xúc là thần thái. Tôi muốn nhấn mạnh thêm một chi tiết cốt lõi của nghề thơ: người làm thơ không thể dễ tính hoặc đại khái với đoạn kết của một bài thơ, đặc biệt là câu kết và mấy chữ sau cùng. Một bài thơ dù công phu cấu tạo đến đâu mà thất bại câu cuối cũng không khác gì một giai nhân bị tạt axít vào mặt!

KHẾ IÊM:

1. Thơ đến bất ngờ và tình cờ, và trong những hoàn cảnh khác biệt, nên khó nhớ hết được những tiến trình trong sáng tác. Những năm gần đây, chỉ nhớ đại khái thôi là, tôi thường sáng tác vào những lúc nửa thức nửa ngủ. Có nghĩa là tôi làm thơ trong lúc bắt đầu giấc ngủ. Có thể sáng hôm sau sẽ quên hết, hay nếu nhớ lại được gì, tôi ghi lại, và tiếp tục vào những giấc ngủ khác. Tôi làm thơ rất ít, được bài nào là may mắn lắm, và bài này cách bài kia một khoảng thời gian khá dài. Có thể chia làm hai giai đoạn, đánh dấu vào lúc bài thơ đã hoàn tất. Giai đoạn đầu là lúc âm ỉ, kéo dài bao lâu thì khó mà xác định, nhưng giai đoạn sau khi bài thơ hoàn tất, là lúc tôi trở thành người đọc, sống lại với những cảm xúc, rút tỉa kinh nghiệm và phát hiện những yếu tố mới trong thơ. Giai đoạn sau đó, thường là khoảng vài tuần hay vài tháng, tùy theo cảm xúc của bài thơ có mạnh hay không. Thí dụ như bài Bud weis er là bài thơ để lại trong tôi một xúc cảm mạnh nhất. Nhưng đối với người đọc thì đây lại là bài thơ khó hiểu. Khó hiểu vì nó đòi hỏi nhiều điều kiện quá. Trước hết là phải nhìn được cái quảng cáo trên TV, mà quảng cáo này chỉ xuất hiện trên TV Mỹ khoảng 30 giây, và cũng chỉ kéo dài trong tuần. Thứ hai là phải có một sự am hiểu nào đó về quan điểm và những trào lưu thơ. Tóm lại, phải đợi phai nhạt hết đi những cảm xúc của bài đầu, tôi mới bắt đầu chờ đợi thơ tới cho bài kế tiếp, và sự đọc lại, vừa gặt hái vừa phủ nhận kinh nghiệm, để bài sau không còn vướng phải bài đầu. Nhưng không phải là dễ.

2. Cảm hứng, kiến thức, và môi trường chung quanh đối với tôi là quan trọng hơn cả. Nhưng kiến thức là gì? Và những điều kiện nào để có thể gọi những hiểu biết của chúng ta là kiến thức, có lẽ là thuộc về một vấn đề khác. Dĩ nhiên, kiến thức không phải chỉ là những ý niệm mà chúng ta nhặt nhạnh được trong sách vở. Người làm thơ nếu không hiểu rõ kiến thức là gì, thì sẽ khó biến những kiến thức ấy trở thành cảm xúc. Những am hiểu về lý thuyết văn học, triết học, hay những bộ môn khác, đối với tôi là vô cùng cần thiết trong sáng tác, vì nó gợi hứng rất nhiều. Những hiểu biết ấy, nếu thấu suốt và áp dụng được vào trong đời sống và sự thực hành viết, sẽ mở rộng chân trời cho tác phẩm, và định hướng cho sáng tác. Sự tìm kiếm kiến thức, giống như tìm kiếm thơ, phải được thúc đẩy bởi lòng khao khát, đi tìm kiếm chính mình, nó soi tỏ và trả lời câu hỏi, chúng ta là ai trong thế giới này.

3. Tất cả những yếu tố đó đều quan trọng và bình đẳng như nhau. Chúng có sẵn, được nuôi dưỡng, trộn lẫn, hòa tan trong nội tâm tác giả, chất chứa qua kinh nghiệm và học hỏi, và tuôn tràn vào tác phẩm.

Những câu hỏi trên, nếu trả lời cho hết, sẽ cần cả một bài viết. Tôi xin ngừng ở đây để nhường trang cho các bạn khác.

HUY TƯỞNG:

Tôi vốn ngại phải trả lời những câu hỏi tương tự như các Anh gửi tới. Bởi, hoặc dễ rơi vào cách nói nghiêm trọng thái quá (cho dù vốn nó vẫn luôn là như vậy, đối với những thi sĩ đích thực: Thơ Ca là cứu mệnh) hoặc là huyễn hoặc hoá con người và công việc sáng tác, tạo đặt ảo dụ để đưa cả mình lẫn người đọc vào những giai thoại… đấy là chưa kể đến nhiều cách nói như phán truyền, như tuyên ngôn, hoặc… bông lơn, biếm nhẽ và khinh bạc khác người (trong khi, lẽ ra bậc “thiên tài” chính là kẻ ít lộ tướng, sống lẫn sống hoà sống khuất sống đầy đặn với hết thảy mọi sinh linh bề bộn và tầm thường giữa cuộc đời nhiều lâm luỵ: Chẳng phải vậy sao, khi mà mọi con người Việt Nam đều có thể “bói” tìm phẩm hạnh và định phận của mình trong bất cứ trang Kiều nào của thiên tài Nguyễn Du?)

- Tôi làm việc bình thường, lao động ở mọi nơi mọi lúc (hẳn nhiên, nếu được yên tĩnh một mình, chót vót với cô đơn thì là tuyệt nhất). Tôi viết vội vàng (chưa hẳn đã nhanh), viết náo nhiệt, viết như gây gổ với giấy trắng, viết thiếu trầm tĩnh (Ồ! Tôi tự biết mình không có được tố chất và sức khoẻ của một người viết văn xuôi). Tôi thường bị mê hoặc bởi thư pháp, những nét viết tay, qua đó nhiều câu, chữ Thơ như muốn trào lên, như nhảy múa, vang dội và lung linh, khác hẳn những chữ in thẳng nếp lạnh lùng trên máy.

- Tôi không quen với những cách làm thủ công “kiến tha lâu đầy tổ”, góp từng bài rời mà năm tháng và cảm xúc xa cách nhau, rồi tuyển hợp lại thành một thi phẩm. Tôi thường hay nghĩ ngợi đến bận bịu về một ý tưởng, một hình ảnh nào đó, dần dà biến thành luồng ám ảnh không sao thoát ra được, cùng lúc được lôi cuốn theo một thể điệu tương ứng. Thế rồi, cả hai tràn ngập đến mộng mị, cảm trạng này đeo bám vô chừng, có thể nhiều tháng nhiều năm, chập chờn như giấc mơ giữa ban ngày - không còn thiết tha với bất cứ điều gì, công việc gì khác. Rồi một hôm (đẹp trời hoặc tối trời) nào đó, cảm thấy thèm viết quá chừng, tôi gần như mụ mị mà hối hả, viết huyên náo một tập thơ, trong khoảng một đến hai tuần lễ, sau đó tâm thần bải hoải như người xuất mộng: dập dềnh, trống không một niềm phỉ lạc!…

- Tôi không tuân thủ một quy luật nào về Thơ. Thơ đến với thi sĩ cũng tựa như ánh chớp, một đường rạch xé đêm của tia sáng vô định: bất chợt và không thể báo trước. Riêng về thể loại, lại càng không quan tâm, đó chẳng qua chỉ là những chiếc khung giả định để tạm dung một vài nội cảnh tương ứng. Cũng cần phải mở một ngoặc đơn để lưu ý rằng: Trước khi phóng bay theo những quy-luật-ngoài-quy-luật của thần thái Tự Do, bạn phải rất thuần thục với các vần nhịp truyền thống (ít nhất, là của dân tộc mình): Phải tập đi đứng vững chãi trước khi dự vào cuộc chạy tốc độ trên đường đua: Phải nắm vững những căn bản của hình hoạ rồi mới chuyển sang trừu tượng, lập thể… tất cả hầu như không có đảo đề (trừ những thiên tài kiệt xuất): những ai đã từng trải nghiệm (sáng tác hay thưởng ngoạn) đều dễ nhận ra sự lóng nhóng tùy tiện ấy. Vẫn biết, sự lớn giọng hoặc tung hứng lẫn nhau (đôi khi) cũng tạo nên sự nghiệp rần rộ nhất thời! Nên, tự biết thể trạng của mình, tôi hầu như tránh xa các cuộc tranh biện náo nhiệt hoặc các hình thức trưng bày, hô hoán. Tôi yêu hình ảnh đầy ẩn dụ về một loài chim, cứ đêm về, lầm lũi bay tìm và ăn các giấc mộng mà sống; cũng ưa thích cách nói: Thơ ca là một cách cảm ứng trước đời sống, chứ không phải là một danh phận trên các nấc thang xã hội, không một tước vị để sắp xếp cho phải chỗ, cho đúng ngôi thứ trên bàn tiệc ê hề tục luỵ.

Vậy thì thể loại là gì? Đó chẳng phải là nhịp điệu của đời sống, của thời đại đang ẩn cư và réo gọi trong ngôn ngữ hay sao: “một khi thời đại và nhân sinh quan thay biến, thì phép viễn cận trong không gian cũ tự nó phải bị phá vỡ. Những biệt hiệu khác sẽ phải ra đời.” Và từ đó, sẽ có thể nói: Các thể loại đều phải xuất phát từ Tôi, chứ Tôi không xuất phát từ thể loại.

- Tôi tôn quý và cất giữ trang trọng nhưng cũng rất dứt khoát với quá khứ. Không vội vã đến hấp tấp, phóng vượt quá xa lằn ranh sinh động trước mắt. Tôi đồng hành và nghe ngóng vào ngày mai, ham muốn và thử nghiệm cái mới mà tố chất riêng tư của mình thực sự dung dưỡng được. Tự nghĩ, một người sáng tạo có bản lĩnh thì chẳng bao giờ bị lao lung (đến phải la hoảng) trước các trào lưu (nhiều hình thái lạ lẫm) nào cả. Sự thanh lọc của thời gian sẽ để lại những cái chết đích đáng hoặc vài tượng đài vạm vỡ.

Những tản mạn trên có đáp ứng được ít nhiều những gì các anh muốn gửi tới? Theo tôi, tất cả những yếu tố như kiến thức, thể loại, cảm hứng, ngôn ngữ, cấu trúc… gần như tất yếu phải hội đủ, chúng hoà trộn và tiêu thấm tế nhị trong nhau, tạo nên một bản lĩnh và nhân cách văn hoá, giúp được thuần dưỡng để đi về phía độc sáng, vượt qua những giáo điều xơ cứng. Nói như Goerges Jean: “Cảm xúc và trí tưởng là máu huyết của thơ ca, nhưng vẫn chưa thể là thơ ca. Để cảm xúc và trí tưởng có thể nuôi sống ngôn ngữ, cần thiết phải cộng thêm sự uyên áo cùng một công phu được hàm dưỡng lâu ngày – vì rằng tài sản mà tản mát sẽ không được coi là tài sản thật.”

- Sự khó khăn từ mọi phía của cuộc sống lắm lúc cũng dễ khiến nản lòng, chỉ muốn quay lưng lại với Thơ, nhưng một khi đã thắng vượt qua được thì (phúc thay và cũng hoạ thay!) chính nó lại biến thành một thứ năng lượng, cảm hứng để sáng tạo. Pourquoi des Poètes, En temps de détresse? Là thế.

- Lời của Goethe luôn vang vọng trong tôi: “Những thi nhân cận đại đã hoà quá nhiều nước lã vào mực!” Xin chỉ được đọc lớn lên để chúng ta cùng nghe, những người anh em thi sĩ trên cùng khắp mọi miền sông núi.

- Tôi luôn cúi xuống lòng mình, xét xem có còn những khả năng như bỡ ngỡ, thơ dại, kinh ngạc… trước đất trời bao la để tự cảm biết còn được ở đời như một nhà thơ hay không (?). Tôi không thể (và cũng không muốn) giải vây mình ra khỏi cuộc tra vấn không cùng này: Tại sao Thơ. Tại sao Thi sĩ.

THẬN NHIÊN:

1. " Đêm nay ta nghe sao hồn cục cựa". Một ông anh của tôi khi ngà ngà say thường ngâm nga câu trên. Ông không làm thơ, qua Mỹ diện HO được hai năm và tử nạn trong một vụ tông xe trên đường đi làm về khuya. Ông thường bảo tôi: "Chú mày làm thơ hàn lâm lắm!" Tôi hỏi thế nào là hàn lâm, ông chỉ cười. Tôi không đồng ý với ông nhưng rất thích "hồn cục cựa". Dường như nó diễn tả rất đúng trạng thái tâm hồn tôi những lúc bị thơ hành. Thơ thường dựng đầu tôi dậy vào ban đêm, nằm sấp viết, đầu bưng bưng như sốt. Viết dăm chữ, một câu, tắt đèn, chốc chốc bật dậy viết tiếp. Thường tôi ghi lại tất cả những ý tưởng và con chữ bật ra trong cơn sốt ấy, ném vào góc phòng chờ rạng sáng hoặc lúc nào rảnh và có hứng ngồi vào computer sắp xếp lại, in ra bỏ túi áo mang theo đi làm, đọc và sửa. Để hoàn thành bài thơ, tôi phải sửa nhiều lần, có khi hàng vài tháng vẫn không vừa ý thì để đó tính sau.

Cũng có lúc hứng khởi viết liền một mạch, nhưng rất hiếm khi như vậy. Lâu lâu lục lại có những bài bỏ thì tiếc, không đành, nhưng vẫn thấy non nớt, cát sạn, thì sẽ quyết định số phận bài đó bằng cách "so kiếm". Tức là lục đại một tạp chí, tuyển tập thơ... nào đó, đọc và so sánh cái gọi là thơ của mình với các bài trong đó trên các tiêu chuẩn như kỹ thuật, cấu trúc, chữ... một cách chủ quan. Và giữ lại nếu thấy không tệ lắm, hoặc vất sọt rác và quên.

2. Làm thơ, theo tôi yếu tố quan trọng nhất là cảm hứng, sau đó là kiến thức từ việc đọc và học hỏi bạn cùng mang nghiệp. Tôi nghĩ, tính thơ mộng không còn là yếu tính của thơ hôm nay, mà thơ là sự dấy loạn của ngôn ngữ, hình tượng, ý tưởng, cảm xúc...

3. Với tôi, cảm xúc quyết định sự thành công của bài thơ. Những yếu tố khác như: ngôn ngữ, hình tượng, cấu trúc, kỹ thuật... đều có chung một nhiệm vụ là bồi đắp và chuyển tải cảm xúc đến người đọc.

LÊ VĂN TÀI:

1. Tôi thường chỉ làm thơ khi con người hoạ sĩ trong tôi gặp bế tắc do thiếu cảm hứng hay do hết tiền, không mua được sơn, vải và khung. Những lúc ấy, tôi làm thơ vì chỉ cần một cây bút và một mảnh giấy nhỏ là đủ.

2. Trong công việc viết lách, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất là nghị lực và kiến thức. Những thứ khác cũng cần nhưng không phải là hàng đầu. Nhà thơ cần kiến thức để biết những gì người đã làm và chưa làm, từ đó, tìm tòi cho mình một lối đi riêng. Còn nghị lực để có thể theo đuổi bền bỉ những gì mình đã tìm thấy.

3. Là người làm thơ thiên về thị giác, tôi xem mỗi chữ như một hình ảnh. Khi viết, tôi không quan tâm nhiều đến đề tài, cảm xúc hay tư tưởng. Tôi chỉ thích chơi với chữ. Tôi thường bắt đầu một bài thơ bằng cách trải một số chữ ra trên trang giấy rồi cố gắng nâng chữ này lên, hạ chữ kia xuống, làm sao cho chúng hài hoà với nhau như là những màu sắc trong một bức tranh. Có khi trò chơi kéo dài cả năm trời. Bài thơ càng lúc càng rõ nét dần. Đến một lúc nào đó tôi cảm thấy là nên dừng lại thì tôi ngừng bút.

TRẦN DOÃN NHO:

1. Tôi bận bịu với công ăn việc làm suốt tuần (từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm hàng ngày), nên việc viết lách thực sự bao giờ cũng thực hiện vào cuối tuần. Tôi nói thực sự, nghĩa là lúc chính thức viết hay gõ trên computer. Nhưng để có gì mà gõ hay viết, tôi tích luỹ suốt tuần. Trong khi làm việc, tôi suy nghĩ về đề tài, nhân vật, cấu trúc tác phẩm, cách viết... Nếu có chút thì giờ rảnh, tôi ghi vội lên giấy để dành. Tóm lại, tôi viết trong đầu. Cuối tuần, tôi viết lên giấy, viết tất cả những gì tôi tích luỹ được. Khi tác phẩm hoàn thành (một truyện ngắn, một bài tiểu luận), nghĩa là có đủ đầu, đủ đuôi, tôi mới bắt đầu gõ lên computer. Thường thì tôi gõ nguyên con những gì tôi ghi được trên giấy. Sau đó in ra và tiến hành sửa chữa, từ lỗi chính tả đến câu kéo, ý tưởng trên bản thảo. Đối với tôi, việc sửa chữa rất quan trọng. Nói sửa chữa chứ thực ra, rất nhiều lần tôi sáng tác ngay trên bản thảo của mình. Có trường hợp, phần sửa chữa thay đổi toàn bộ văn bản nguyên thuỷ.

2. Nói chung, để hoàn thành một tác phẩm, mọi yếu tố đều quan trọng: tri thức, thói quen, nỗ lực, cảm hứng... Nếu phải chọn một cái gì là quan trọng nhất, tôi cho rằng đó là tri thức và nỗ lực. Tri thức giúp cho nhà văn có được đề tài và phát triển đề tài đó trên nhiều mặt khác nhau. Tri thức cũng giúp nhà văn tổ chức lại những kinh nghiệm phong phú của mình. Còn nỗ lực giúp nhà văn hoàn thành được tác phẩm. Trong điều kiện đặc biệt hiện nay ở hải ngoại, nơi có nhiều yếu tổ cản trở chuyện viết lách (thiếu thì giờ, không nhuận bút, thiếu độc giả, thiếu sự khích lệ...), không có nỗ lực thì rất khó tiếp tục viết.

3. Khi viết một truyện ngắn, quan tâm nhiều hơn hết của tôi là phần ý tưởng. Chính nó quy định đề tài, cấu trúc cũng như các yếu tố khác như nhân vật, cốt truyện. Nó cũng giúp tôi đi tìm chất liệu trong cuộc sống và đồng thời giúp tôi đào sâu thêm kinh nghiệm của chính mình. Một số nhân vật cũng như cốt truyện của tôi thoát thai từ một ý tưởng nào đó. Trong hầu hết các trường hợp khác, cuộc sống gợi hứng cho tôi. Nhưng dù vậy, trước khi viết, tôi cũng cố gắng tập trung những chi tiết cuộc sống vào trong một ý tưởng chung nào đó. Chính điều này giúp tôi bớt lạc hướng khi viết. Tuy thế, có lẽ cũng chính điều này nhiều lúc chi phối cảm quan của mình khiến không khí truyện của tôi có phần khô đi chăng?

VÕ KỲ ĐIỀN:

Thông thường vào ngày nghỉ cuối tuần (thứ Bảy, Chúa nhựt) khoảng 4, 5 giờ sáng khi giựt mình thức giấc, tôi nằm im trên giường, đầu óc lan man nghĩ ngợi chuyện dĩ vãng chuyện tương lai... rồi bất chợt thấy hiện ra trong đầu một đề tài thú vị nào đó, có thể một truyện ngắn của Võ Kỳ Điền sẽ được thành hình. Đề tài được chọn lựa phải là một thông điệp nhắn gởi với độc giả, như tình yêu, sự chết, lòng nhân ái, sự bất công, nỗi khổ đau... những đề tài muôn thuở của con người... Quan niệm thông thường của các nhà văn hiện đại, khi thích thì viết, văn chương cũng không nhứt thiết phục vụ cho ai hoặc vì một mục đích gì. Tôi không phản đối quan niệm nầy nhưng không thích như vậy. Văn chương phải phản ảnh trung thực cuộc sống và phải thăng hoa Con Người. Cóù lẽ bản chất tôi là thầy giáo ham thích truyền đạt cái hay, cái đẹp nên lúc nào cũng muốn phô bày những thực trạng của xã hội, nỗi đau khổ lẫn sung sướng của kiếp người, hầu mong được độc giả chia xẻ, cảm thông.

- Khi muốn viết một bài, điều cần thiết nhứt cho tôi là sự yên tĩnh, phải tập trung tư tưởng thật mãnh liệt, nghĩ thật nhiều về đề tài sẽ viết - như thiền sư tham luận công án - cho đến bao giờ thông suốt lớp lang mới thôi. Rồi sau đó tôi mới tìm tòi nhân vật, tình tiết, hình ảnh, đối thoại, chữ dùng... không dư thừa mà cũng không được thiếu sót, bố cục phải chặt chẽ, nhập, thân, kết cân xứng... y như những bài giảng ở lớp. Những kiến thức phổ thông học hỏi trong trường ốc hoặc thế giới xung quanh giúp tôi rất nhiều khi đá động tới những đề tài văn chương, vì sơ sót một chi tiết nhỏ hoặc có sai lầm, toàn bài văn sụp đổ...

- Cho nên đối với tôi, viết không quan trọng. Cái quan trọng là suy nghĩ, thai nghén, nung nấu, phải cần một thời gian lâu dài. Viết chỉ là giai đoạn nối tiếp sau cùng của một quá trình thao thức, suy tư... Tôi không hiểu được tại sao có nhiều người quan niệm văn thi sĩ phải ăn chơi, hút xách, rượu chè, trai gái, mới sáng tác được. Tinh thần mệt mỏi, thân thể suy nhược... thì làm sao mà viết nên tác phẩm! Đóù là vì họ lẫn lộn giữa nhà văn và nhà báo.

- Những năm trước tôi viết tay trên giấy, bôi bôi xoá xoá tùm lum, bản thảo mới ngó như đống giấy vụn, sửa tới sửa lui, cắt dán rất nhiều lần. Tôi viết rất chậm chạp và khó khăn nhứt là những tựa bài và câu kết luận. Câu kết của bài "Đá Hoa Cương" (trong Kẻ Đưa Đường) tôi đã suy nghĩ gần trên một tuần mới có ý. Tôi thường viết trên bàn ăn cơm, dao rọc giấy, kéo, băng keo, viết xanh viết đỏ để bừa bãi, nhiều khi vừa ăn vừa sửa bản thảo. Có khi bài gởi đi rồi, phải điện thoại nhắn gởi nhà báo sửa dùm thêm nữa. Bây giờ tôi tập dùng computer khá quen, rất tiện, tha hồ thêm thắt vẽ vời... Bài viết rồi để đó vài ngày sau, đọc lại thấy khuyết điểm, bôi bỏ nữa tới khi nào vừa ý mới thôi. Dùng máy gởi bài đi nhanh chóng, không mất thì giờ chờ đợi mà cũng đỡ tốn tiền tem.

- Tôi cho là trong văn chương, kỹ thuật không quan trọng bằng nghệ thuật. Khi viết xong bài, tôi tự chấm điểm bài mình theo thứ tự: dở, trung bình, hay và đã. Tôi xin được giải nghĩa một chút xíu cách đánh giá kỳ cục nầy. Có những bài tôi viết tình tiết hấp dẫn ly kỳ, kiến thức phong phú, nhận xét tinh tế, cách viết tân tiến, chữ dùng hiện đại... vậy mà lúc đọc lại thì đầu óc trơ ra như đất, không vui, không buồn, nghĩa là không một xúc động nào. Vậy thì bài văn nầy có thể "hay" mà không "đã" cũng như một người đẹp ăn mặc rất sang trọng mà lại vô duyên. Nhưng có bài câu chuyện tầm thường, bố cục khá luộm thuộm, tình tiết cổ điển, chữ dùng quê mùa... vậy mà khi đọc đi đọc lại tâm trạng xao xuyến, bồi hồi, xúc động theo từng chữ, từng câu... Bài nào như vậy tôi cho là "đã ác".

Đối với tôi, văn chương phải tạo cảm xúc cho người đọc. Văn chương không nhứt thiết phải chuyên chở kiến thức, việc đó đã có các học giả hay nhà khảo cứu lo dùm rồi. Vì vậy từ nhỏ tới lớn tôi đọc văn chỉ tìm phẩm đọc cho "đã" thôi mà không tìm tác phẩm hay để học hỏi (đó là lý do tại sao tôi không khá được). "Đã" là cái duyên trong văn chương, nó tạo được cảm xúc cao độ cho người đọc. Trong cách viết tôi không chú ý nhiều lắm tới câu chuyện cùng tình tiết của nó (vì câu chuyện nào cũng giống câu chuyện nào!) tôi chú ý hết sức đến việc tạo cảm xúc bằng hình tượng, bằng ngôn ngữ, bằng đối thoại... Tôi thường coi trọng hình thức diễn đạt hơn là nội dung.

- Tóm lại nếu phải chọn giữa người đẹp, giỏi mà vô duyên và người dở mà có duyên, thì tôi không đắn đo gì hết, nhắm mắt nhắm mũi mà đưa hai tay ôm lấy người dở liền...

TRẦN LONG HỒ:

1. Về thói quen sáng tác:

Sáng tác lúc nào và ở đâu? Có thể nói đến 95% toàn bộ tác phẩm của tôi được viết trong phòng mạch và nhà thương, viết trong những "khe hở thời gian" khi làm việc. Thói quen "suy nghĩ theo ngăn kéo" có lẽ là phương cách duy nhất giúp tôi yên bề gia thất giữa văn học và y học.

Viết liên tục hay gián đoạn? Vì công việc bề bộn, chuyện sinh nhai là chủ yếu nên chuyện sáng tác bị cắt ra từng mảnh nhỏ. Tôi viết chừng vài phút, có khi đến nửa giờ nếu có may mắn.

Viết nhanh hay chậm? Trong quá trình sáng tác, đối với tôi, phần suy nghĩ cho tác phẩm rất lâu. Thời gian suy nghĩ cho một truyện ngắn chừng mấy ngày hay vài tuần. Đôi khi, có một truyện ngắn được ấp ủ trong suy tư lâu đến mấy tháng hay cả năm trước khi thành hình. Một khi mô hình truyện đã có, thời gian viết của tôi rất ngắn.

Viết tay hay đánh thẳng trên computer? Tôi viết trên computer vì nó tiện lợi cho việc sửa chữa. Mỗi lần viết, tôi đều hài lòng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như cám ơn những người đã làm ra phương tiện tốt đẹp này.

2. Những yếu tố gì quan trọng nhất trong công việc viết lách:

Cảm hứng và thói quen là hai yếu tố quan trọng nhất. Kế đó là kiến thức và nghị lực. Một tác phẩm văn chương, dù hư cấu đến mức nào đi nữa, vẫn cần phù hợp với một số vấn đề thực tế. Cho nên kiến thức rất cần thiết nếu tác giả muốn tác phẩm có giá trị và sống thọ. Về nghị lực, dĩ nhiên là một yếu tố không thể thiếu để tác phẩm thành hình. Nhưng nghị lực phải đi đôi với lòng say mê. Sự say mê là chủ chốt.

Một vài yếu tố khác cũng rất quan trọng là nguyên tắc và phương pháp làm việc. Dĩ nhiên, trong nghệ thuật và văn chương nói riêng, không có một nguyên tắc hay phương pháp nào cứng đờ để áp dụng cho tất cả mọi người.

Tôi có vài nguyên tắc cho bản thân mình, xin nêu ra với lý do trả lời phỏng vấn chứ không có ý đề ra một phương cách nào cả:

- Tập cho bản thân một sự dễ dãi đến mức tối đa. Tức là có thể viết bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

- Tập cho bản thân một tinh thần sẵn sàng vô điều kiện. Tôi chỉ cần một thứ là thời giờ.

- Tự luyện cho mình một thói quen cất giữ cảm hứng và đề tài.

Về mặt phương pháp, tôi cũng có một vài cách cho riêng mình:

- Suy nghĩ về một đề tài phải thật lâu và thật kỹ. Thời gian này có thể kéo dài bao lâu cũng được, đừng để các yếu tố linh tinh khác chi phối bản thân mình. Khi sự suy nghĩ đã chín mùi thì bắt tay vào viết và phải viết thật nhanh với một tốc độ mà bản thân mình có thể cố gắng được.

- Trong quá trình viết, nếu có bất cứ trở ngại gì hay bất cứ một khó khăn nào, phải dừng lại và giải quyết thật rốt ráo, không được nhân nhượng với trở ngại và không được dễ dãi với bản thân mình. Khi viết là phải hoàn tất.

- Khi một tác phẩm thành hình, phải đọc lại một hay vài lần. Nếu không vừa ý cả nội dung tác phẩm thì tôi xé bỏ ngay, không thương tiếc. Nếu không có thời giờ đọc lại tác phẩm của mình thì không bao giờ cho chúng ra đời.

- Khi một tác phẩm chào đời, tức là được đăng báo hay in ra sách, chúng đã thoát khỏi tầm tay của mình, khó lòng mà sửa chữa được. Nói như vậy, nếu tôi muốn sửa thì cũng có thể làm được. Tôi không thích ra mắt sách cho tác phẩm của mình trước công chúng.

3. Điều quan tâm nhất khi sáng tác:

Đối với truyện, đề tài quan trọng hàng đầu. Nó là cái mầm khởi điểm cho một tác phẩm. Có đề tài có truyện, không đề tài không thành truyện.

Yếu tố khác thật quan trọng là tư tưởng. Một truyện hay phải cưu mang ít nhiều tư tưởng của tác giả. Một truyện dù ngắn đến đâu đi nữa cũng mang theo tư tưởng.

Trong truyện, một yếu tố phân định khả năng và trình độ của tác giả là kỹ thuật. Tài nghệ của tác giả thể hiện qua yếu tố này. Điểm quan trọng của kỹ thuật, cái khó chưa phải ở chữ và câu, mà ở cách diễn đạt và truyền ý. Ngoài chuyện sử dụng chữ và câu cho tài tình, sự liên tục ý tưởng phải được truyền đạt nhuần nhuyễn. Yếu tố kỹ thuật này tạo cho tác giả một căn cước, đó là văn phong. Nó quyết định tác giả là ai.

Một yếu tố trong văn đã làm tốn hao giấy mực và thời giờ của quá nhiều người là cốt truyện. Đối với tôi, bắt buộc, truyện dù ngắn tới đâu cũng nên có một cốt truyện, tức nhiên lồng trong đó một ý đồ. Tuỳ kích thước truyện mà cốt truyện phức tạp hay đơn giản.

Trong văn, một yếu tố hay bị bỏ quên là cảm xúc. Nói đến cảm xúc người ta thường liên tưởng đến thơ, nhưng trong văn, ít ai nhớ đến. Không có cảm xúc, truyện trở thành một bài tường thuật hay một bản tin trên báo.

Yếu tố cuối cùng là nhân vật. Một tác phẩm thành hình là do các nhân vật ấy hành xử với nhau. Nhân vật là những mẫu hình do tác giả tạo ra, dĩ nhiên số phận chúng phải tuỳ thuộc vào tác giả. Nhân vật phải trung thành. Tuy nhiên, trong truyện dài, thỉnh thoảng có hiện tượng "văn nhập", tức là nhân vật trở chứng và hành xử theo ý muốn riêng của họ.

Vì khuôn khổ trang báo giới hạn xin quí vị tha lỗi cho lối trả lời quá ngắn gọn. Tôi xin chấm dứt phần trả lời ở đây và chân thành cảm ơn quí vị đã bỏ thời giờ đọc những điều trên. Tôi cũng cám ơn ông Phan Việt Thuỷ và ban biên tập Việt đã cho tôi một dịp quí báu để trình bày những điều tôi muốn nói từ lâu.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021