điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Lê Quốc Thành - một cá tính sáng tạo độc đáo (trong đầm lầy văn hoá Việt Nam)

 

Hoạ sĩ, thế hệ 7X, 8X, ở Việt Nam, nếu chỉ nói về một người duy nhất, tôi chọn ngay Lê Quốc Thành.

Tôi thích ở Lê Quốc Thành nhiều điều.

Một, Lê Quốc Thành là một trong số hiếm hoi những người thực sự đắm đuối với tình yêu nghệ thuật trong mình. Cái câu “Với tôi, chỉ có nghệ thuật với đàn bà” Thành hay nói, nghe có vẻ ngổ ngáo, nhưng rất thật. Nó đúng với Thành. Hầu như mọi câu chuyện của Thành, kể cả trong những câu chuyện về đàn bà, xoay vần, thế nào rồi cũng quay về với những vấn đề nghệ thuật. Trong những câu chuyện của Lê Quốc Thành về nghệ thuật, anh ít quan tâm đến những giai thoại, những “bảng hiệu”, những “cái ghế”, những “danh xưng” như nhiều người say sưa. Anh quan tâm nhiều hơn đến các phương diện siêu hình. Anh thích nói về khả tính, về yếu tính, về các khía cạnh bản chất của các trình hiện nghệ thuật. Anh không bị hào quang quyến rũ. Anh lăn mình vào nghệ thuật như một kẻ phiêu lưu muốn khám phá những bí ẩn vô cùng tận của ngôn ngữ nghệ thuật và thực tại trong tâm hồn mình.

Hai, Lê Quốc Thành là một trong số hiếm hoi những người giữ được khoảng cách trước sự quyến rũ của thị trường và không chịu sự ảnh hưởng bởi cái nhìn người khác. Thành xem nghệ thuật như một tôn giáo mà sáng tạo là sự cung hiến không thể để cho những toan tính lợi lộc hay thói háo danh dẫn dắt. Mọi sự cực đoan trong đời sống đều dẫn đến nhiều hệ luỵ, và Thành đã phải đương đầu với đủ thứ hệ luỵ đó trong đời. Tôi thích cái thái độ dũng cảm đượng đầu - không chút cay đắng, đầy kiêu hãnh - nơi Lê Quốc Thành. Bất chấp mọi thử thách, mỗi ngày Thành vẫn cặm cụi vẽ, và bình thản bôi xoá. Một mình. Lặng lẽ. Chỉ những kẻ thực sự có bản lĩnh mới có thể làm bạn được với chính mình, mới có thể một mình đi trên con đường nghệ thuật của mình. Lê Quốc Thành có cái bản lĩnh đó.

Ba, Lê Quốc Thành là một trong số hiếm hoi có cái nhìn tự chủ và độc lập trong nghệ thuật. Thành sớm thoát ra khỏi sự câu thúc của cái nhìn lãng mạn chủ nghĩa đã trở thành truyền thống ở Việt Nam và không bị sa đà trong các khuynh hướng thời thượng. Tôi thích thái độ triệt để của Thành trong các nỗ lực nhận thức các nguyên cớ thực sự làm nên con người nghệ sĩ nơi mình. Anh không từ chối truy vấn lịch sử, và không né tránh tìm hiểu ngọn ngành những thành tựu và các chuyển động của nghệ thuật đương đại, như nhiều người vẫn thế. Trong khi nhiều nghệ sĩ không muốn xem, không dám xem tác phẩm của người khác, vì “sợ bị ảnh hưởng”, thì Thành lại xem rất nhiều và cho đó là điều bắt buộc. Không phải xem để bắt chước kỹ năng hay học lóm kỹ thuật, mà để khám phá các quá trình nghệ thuật và để mở rộng tầm nhìn. Theo Thành, biết thừa nhận và biết chiêm ngưỡng tài năng của người khác, tự nó, đã là một sự thanh lọc, khơi nguồn sáng tạo.

Bốn, sáng tác, Lê Quốc Thành không quan tâm đến những vấn đề thời sự giản đơn, cũng không chú ý đến những chủ đề to tát đang là thời thượng như vấn nạn môi trường, tác động tha hoá của kinh tế tiêu dùng, sự ghẻ lạnh của lòng người v.v... Thành không “phản ành”, cũng chẳng “biểu hiện” gì cả. Càng không vướng víu với cái “duy mỹ”, hay cái “cao cả”. Tinh thần Dada tràn ngập trong tranh Thành. Mỗi bức tranh của Thành như một sự dồn tụ tự nhiên những mảnh vụn đời sống văng ra từ sự va đập giữa cái nhìn Thành với thế giới chung quanh — cái thế giới, như đầm lầy không bờ, không đáy. Nó là khoảng trũng hút về tất cả — từ những thứ tinh tuý đến rác rưởi — và tất cả đều hiện diện như một tình cờ : có mặt đó rồi chìm khuất đó, rực rỡ đó rồi lem luốc đó v.v... Mỗi bức tranh của Thành là một khoảnh khắc của thực tại-đầm lầy. Đầy phiêu hốt, nhầy nhụa mà rờn rợn mơ hồ. Mỗi hình hiệu là một sự hiện diện vừa uy nghiêm, vừa bấp bênh, vừa như khôi hài vừa thoang thoảng âu lo... Có thể thấy chút ảnh hưởng từ Antoni Tàpies, từ Sigmar Polke trong tranh Lê Quốc Thành. Nhưng có thể xem, đó là sự tương đồng tự nhiên của cái nhìn xem thực tại chỉ là những tồn tại tượng trưng với những biểu tượng, tưởng tượng và ẩn dụ. Và, thêm nữa, của tinh thần tự do-vô chính phủ-đến tận cùng.

Có thể bàn về một thứ “mỹ học của cái rác rưởi”, “mỹ học của cái văn hoá đầm lầy” trong cảm quan nghệ thuật Lê Quốc Thành. Vì chính những thứ có thể bàn này với tính chân thực, sự xuyên suốt và trữ lượng biểu xuất nghệ thuật của nó trong tranh Lê Quốc Thành mà tôi dám chắc anh là hoạ sĩ đáng chú ý và đáng nói nhất ở Việt Nam hiện nay. Tôi tin, với hàng trăm tác phẩm đã có, và với sự chín chắn hiện tại, Lê Quốc Thành là một trong số hoạ sĩ, cực kỳ hiếm hoi ở Việt Nam, có khả năng tồn tại trong lịch sử nghệ thuật, như một cá tính sáng tạo độc đáo, vượt qua sự sàng lọc của thời gian...

 

Nguyên Hưng
Saigon 26/6/2010

 

 

-----------
Mời các bạn xem một số tranh của Lê Quốc Thành.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021