điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Hoạ sĩ THÁI TUẤN (1918-2007) — Hành trình của cái Đẹp
Đây là bài tôi đã viết khi họa sĩ Thái Tuấn đang nằm bệnh và dự định sẽ đăng trên tạp chí SAIGON CITY LIFE. Cũng những ngày này, nhà thơ Dương Tường từ Hà Nội vào Sài Gòn bảo còn mấy ông bạn già đi thăm kẻo không kịp. Họ đã gặp nhau. Bài viết chưa kịp đăng thì Thái Tuấn mất. Tôi cho đăng trên THỂ THAO & VĂN HOÁ ngày 27.9.2007. Bài viết trên Tiền Vệ có bổ sung đoạn cuối.
 
NGUYỄN VIỆN
 
 

 
Hoạ sĩ THÁI TUẤN, tên thật Nguyễn Xuân Công, sinh năm 1918 tại Hà Nội. Năm 1954 di cư vào Nam, cùng với các họa sĩ Ngọc Dũng, Duy Thanh, Thái Tuấn thuộc nhóm Sáng Tạo đã đặt nền móng cho một nền nghệ thuật mới ở miền Nam.

Đồng môn với các nghệ sĩ như Nguyễn Tư Nghiêm, Đặng Thế Phong… nhưng Thái Tuấn đã rời bỏ môi trường học đường sớm. Ông vẽ quảng cáo và trang trí trước khi trở thành một họa sĩ sơn dầu vào tuổi 40.[*] Có lẽ sự muộn màng đã để lại những dấu ấn nhất định trên tác phẩm của ông.

Gặp ông tại căn nhà trong hẻm đường Lý Chính Thắng, Tp.HCM khi ông đã bước vào tuổi cửu thập sau một thời gian sống tại Pháp (từ 1984-2006) và sau đúng 50 năm cầm cọ với khoảng 500 bức tranh đã vẽ, ông thú nhận rằng, tranh của ông ít chi tiết, cái gì bỏ được thì bỏ. Điều đó được thể hiện trong tranh của ông một cách rất thoáng. Ngay cả đối với phụ nữ, là đề tài mà ông vẽ nhiều nhất, người xem chỉ thấy được dáng của cái đẹp, hơn là những chi tiết công phu. Ông nói phong cách của ông là sự lột tả nhưng giản dị. Và phong cách, với ông, là cái chính yếu làm nên một họa sĩ. Có thể mở ngoặc để nói thêm về phụ nữ trong tranh Thái Tuấn. Đó là sự mộc mạc và vô cùng duyên dáng. Từ bố cục tới đường nét. Từ màu sắc tới nhịp điệu. Dường như sự thể hiện trở nên tối giản nhưng cảm xúc lại quá đầy. Có lẽ trong hội họa Việt Nam, không có họa sĩ nào vẽ phụ nữ đơn sơ mà nhiều duyên thầm quí phái đến thế. Và Thái Tuấn đã tự cho mình là người vẽ “trữ tình” mà không phải bất cứ từ nào tương tự.

Một dấu ấn khác người ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy trong tranh Thái Tuấn là một bầu khí Đông phương đầy hoài niệm. Ông bảo văn hóa với một con người (như ông) giống như một ly nước đầy, có rót thêm vào (những văn hóa khác) thì nó cũng tràn ra thôi. Bởi vậy, mặc dù vẽ sơn dầu và có thời gian sống ở Pháp hơn 20 năm, tranh của ông vẫn rất Đông phương và không ngừng hoài niệm. Bức tranh mới nhất, “Quê mẹ” (2007), ông treo trên đầu giường, với tôi không phải là bức tranh đạt (vì ông đã vẽ trong tình trạng sức khỏe yếu kém và cao tuổi), nhưng ông cho biết đó là bức kết tinh tất cả những kinh nghiệm cầm cọ của ông. Ông bảo nếu cô gái cúi mặt xuống thì bức tranh sẽ hỏng. Vâng, dáng cô gái ngước mặt lên giữa vùng đồi núi bao quanh của quê ngoại Thanh Hóa, tuyệt đẹp.

 

 

Ông cũng cho biết về một bức tranh khác (đã bán cho một người Pháp ngay khi nó được trưng bày), bức “Hóa thân” (1960). Đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của Thái Tuấn. Lấy cảm hứng từ một cô gái con nhà nghèo bị mẹ bán cho một gánh xiếc rong trong phim La Strada do tài tử lừng danh Anthony Quinn đóng. Không biết cô gái ấy đã làm thế nào lại trở thành một nhân vật đàn ông trong tranh Thái Tuấn. Khi nhìn thấy bức tranh, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền hỏi tên bức tranh là gì? Thái Tuấn bảo chưa đặt tên. Thanh Tâm Tuyền nói ngay: “Hóa thân”. Thái Tuấn nói: “Thật kỳ lạ, Thanh Tâm Tuyền đã cảm ngay được có một hóa thân trong nhân vật tranh này mà không hề biết tôi đã bắt đầu vẽ một cô gái chứ không phải một người đàn ông”. Thái Tuấn nói: “Chưa có bức nào (của tôi) mà tôi cảm thấy hoàn hảo, nhưng “Hóa thân” vẫn là bức tôi hài lòng nhất cho đến bây giờ”. Với phát biểu này, Thái Tuấn mở ra một mệnh đề cho con đường sáng tạo của mình. Đi tìm cái hoàn hảo. Còn vẽ có nghĩa là vẫn còn tìm kiếm. Và chỉ có “mê” và “thích” trong sự thành thật mới là ngọn lửa của sáng tạo, như ông nói.

Trở lại với căn nhà nơi ông sống những ngày cuối — căn nhà mà tôi đã cùng họa sĩ Trịnh Cung đến đó nhiều lần. Một bức hình của vợ ông, một phụ nữ đẹp và quí phái. Những bức tranh phụ nữ do ông vẽ treo đây đó. Nhưng không thấy hơi hướng một phụ nữ thật nào trong cái bề bộn của căn nhà. Chỉ có mùi của một ông già bệnh. Và giọng nói khàn rất khó nghe của người họa sĩ.

Giờ đây, cả cái mùi rất khó chịu ấy cũng không còn nữa. Nhìn ông nằm ngay ngắn, hai tay nắm tràng hạt trước ngực, đôi mắt khép, đôi môi khép và tất cả những thứ khác ngoài nghệ thuật của ông đã khép lại vĩnh viễn, tôi tin rằng linh hồn ông đã bay thẳng lên thiên đàng. Lần thứ hai, sau Bùi Giáng, tôi nhìn thấy một khuôn mặt chết thanh thoát và thánh thiện.

 

Tháng 8 & 9.2007

 

 

_________________________

[*]Theo tài liệu của Đặng Tiến.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021