|
Góp ý với Trần Hải Minh
|
|
Trước hết, phải khẳng định ngay rằng động cơ của bài viết này của tôi không nhằm mục đích ngăn cản ước muốn mang những thành tựu hậu hiện đại đóng góp cho nghệ thuật Việt Nam của Họa sĩ Trần Hải Minh. Bài viết này được viết với mục đích chỉ ra một số sai lầm về mặt học thuật cũng như nhằm phê phán cái thái độ trịch thượng “múa gậy vườn hoang” của họa sĩ Trần Hải Minh trong cuộc phỏng vấn do nhà báo Tường Vân thực hiện. (Xem bài Chúng ta đang đứng trước một ngã ba...) Có thể thấy rằng trong các phát ngôn của mình, họa sĩ Trần Hải Minh (người tự nhận là đã đi theo chủ nghĩa hậu hiện đại từ cách đây 17 năm) rất thích thú với những bài giảng moral khụng khiệng về đạo đức cũng như những siêu tự sự (metanarratives) lãng mạn về một loại nghệ thuật cao (high art) phục vụ con người. Tuy nhiên, thật đáng hài hước, chủ nghĩa hậu hiện đại thật ra lại chính là một nỗ lực để từ khước toàn bộ những dạng siêu tự sự về tính chất chung (universality) theo kiểu cái loại nghệ thuật cao đó, cái mà họa sĩ Trần Hải Minh ảo tưởng. {Nhân tiện đây, cũng xin lưu ý với họa sĩ Trần Hải Minh là, không có một trường phái chung nào mang tên là trường phái hậu hiện đại trong nghệ thuật như anh nói cả. Chỉ có chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) và những trào lưu nghệ thuật được sinh ra trên tiền đề của chủ nghĩa ấy. Ví dụ như Anselm Kieffer là một nghệ sĩ của chủ nghĩa hậu hiện đại, tuy nhiên ông làm việc theo trường phái biểu hiện mới (neoexpressionism), cũng như một số nghệ sĩ Đức khác như Penck, Sigmar Polke, Baselittz hay là Joerg Immendorff; hay một trường phái nghệ thuật khác cùng thời điểm và có nhiều liên hệ với trường phái “biểu hiện mới” là “transavantguardia” (tạm dịch là liên tiền phong) với các nghệ sĩ Italia tiêu biểu như Enzo Cuchi, Sandro Chia hay Clemente (xem thêm: Irving Sandler, Art of the Postmodern Era: From the Late 1960s to the Early 1990s – chapter 9: "The Italian Transavantguardia and German Neoexpressionism").Và như thế, theo tôi hiểu, hoàn toàn không có cái gọi là “trường phái hậu hiện đại” như Trần Hải Minh khẳng định rằng đã xem cuộc triển lãm của các họa sĩ của trường phái đó cách đây 17 năm.} Họa sĩ Trần Hải Minh cũng dành rất nhiều ngôn ngữ mạnh mẽ (chứng tỏ sự phẫn uất cao độ) khi đề cập tới những cái (mà anh) gọi là sự ngu ngốc và vô đạo đức của những nghệ sĩ thường tụ tập trong phòng kín để khỏa thân, vẽ những hình ngô nghê lên người, chế giễu tín ngưỡng của người khác, v.v... (Theo tôi hiểu, đây là lời chê bai của Trần Hải Minh dành cho những tác phẩm của những nghệ sĩ hậu hiện đại xuất sắc nhất như Marina Abramovich, Ulay, Nam Jun Park, Yoko Onno, John Cage, Vito Acconci, Bill Viola, Gilberg and Georger, Peter Campus, Mike Kelly, Jim Shaw, Paul Mc Cathy, Bruce Nauman, Guenter Brus, Matthew Barney, Damien Hirst, v.v... – những tác phẩm có đầy dấu hiệu như của thứ nghệ thuật vô đạo đức mà họa sĩ Trần Hải Minh chê bai). Tôi không hiểu nếu anh Trần Hải Minh biết rằng: không chỉ có tụ tập ở trong phòng làm trò khỏa thân với nhau, mà một số những kẻ “vô đạo đức” hơn nữa còn rủ rê nhau khỏa thân trước đông người cơ; thậm chí có đứa còn là trùm vô đạo đức khi quay phim và chụp ảnh cảnh thủ dâm hay cảnh làm tình của (thật là tởm!) đàn ông với nhau và đem ra triển lãm; đặc biệt có những đứa còn (ôi thương tâm thay!) đang tâm xẻ đôi thịt của những con vật hiền lành không làm hại ai như bò chẳng hạn, rồi sau đó đem ngâm trong hormone cho công chúng xem. Không biết anh sẽ phẫn uất (đến phát ngất) đến thế nào nữa. Giải thích về những tác phẩm của những nghệ sĩ bị Trần Hải Minh chê là ngu ngốc thì thật là dài dòng và tôi e điều đó không cần thiết cho bài viết ngắn này. Có rất nhiều cuốn sách đã xuất bản với mục đích tổng kết hoặc nghiên cứu kỹ lưỡng những trào lưu nghệ thuật cuối thế kỷ 20 có thể cung cấp thông tin về những vấn đề ấy. Tuy nhiên, theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, tôi xin gợi ý vài cuốn khá có ích: 1. Frank Popper. Art of the Electronic Age (London: Thames and Hudson, 1997). [Đặc biệt nên xem các chương 3, 4, 5]. 2. Klaus Biesenbach, Anthony Huberman & Amy Smith (eds.). Video Art (New York: P.S.1 Contemporary Art Center, Museum of Modern Art, 2002). 3. Irving Sandler. Art of the Postmodern Era: From the Late 1960s to the Early 1990s (Colorado: Westview Press, 1996). 4. Uta Grosenick & Burkhard Riemschneider. Art Now: 137 Artists at the Rise of the New Millennium (L.A: Taschen America Llc, 2002). Nếu rỗi rãi, mong họa sĩ Trần Hải Minh, bớt chút thời gian quý báu để xem những cuốn sách đó, ngõ hầu có thể nhận diện thực sự được những bọn vô đạo đức nhất – những bọn mà nếu đem so tội lỗi của chúng với tội lỗi của cái bọn mà anh chửi rủa thì thật sự những trò vô đạo đức của bọn bị anh chửi chỉ còn là nhỏ như con thỏ. Tất nhiên họa sĩ Trần Hải Minh có quyền vẫn khinh những bọn vô đạo đức như vậy, cho dù chúng vẫn đang là những nghệ sĩ tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hậu hiện đại và có tác phẩm trong tất cả các bảo tàng danh tiếng nhất ở Mỹ hay Châu Âu, xuất hiện trong bất cứ cuốn sách tổng kết hay dự báo nào của nghệ thuật thế kỷ 20 (cũng như bắt đầu thế kỷ 21) và luôn có mặt ở bất cứ sự kiện nghệ thuật nào lớn trên thế giới. Thậm chí một số đứa vô đạo đức, như Bill Viola chẳng hạn (đứa rất hay chụp ảnh cởi truồng), còn được giảng dậy chính thức trong các trường nghệ thuật ở phương tây. Tuy nhiên, nếu những nghệ sĩ nói trên không hợp luân lý của anh, anh cần phải đưa ra những lý lẽ xác đáng hơn để minh chứng cho cái chủ nghĩa hậu hiện đại của riêng anh, cái chủ nghĩa hậu hiện đại tạo ra loại nghệ thuật (như anh nói): trong sáng, hợp đạo đức và đầy tình nhân bản, để chống lại cái chủ nghĩa hậu hiện đại “đồi bại, hư hỏng, điên rồ, ngu ngốc …” (lời Trần Hải Minh) của các nghệ sĩ vừa nói tới ở trên. Tuy thế, cũng xin lưu ý với anh, cái người mà anh ca ngợi nhiệt liệt là đã tạo ra loại nghệ thuật đầy tính nhân bản – cái ông Beuys ấy – thỉnh thoảng (chắc là lợi dụng lúc anh không để ý) cũng làm lắm trò nhố nhăng lắm đấy, tỷ dụ như: quét sơn lên mặt, ngồi hàng giờ bất động tay ôm con mèo, hoặc ném cả chục ký mỡ lên một cái ghế và bắt mọi người xem... Thật ra cái kiểu định nghĩa “múa gậy vườn hoang” của Trần Hải Minh rất tiêu biểu cho lối suy nghĩ nói chung của phần đông các nghệ sĩ Việt Nam, nhất là một số nghệ sĩ được học ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ quay trở về Việt Nam sau khi không chịu (hay là không thể) hòa nhập được vào cuộc sống nghệ thuật mới của một xã hội đã thay đổi tận gốc rễ. Cái lối suy nghĩ ấy chứng tỏ chính sự hoang mang (nói như cách của chính Trần Hải Minh) trước ngã ba đường của các nghệ sĩ nói trên. Rẽ sang bên trái thì buộc phải bỏ hết đi những tín điều cũ kỹ và có vẻ như phải bắt đầu lại từ con số không; rẽ sang phải thì không dám, bởi chính tính giáo điều và sức ỳ của mình không cho phép. Và vì thế, họ chọn con đường ở giữa lò dò vừa đi vừa quát mắng ầm ĩ để an toàn trong thế lưỡng nan. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, họ cũng không quên mơn trớn cả quá khứ lẫn tương lai để ve vãn cái vai trò người trưởng tràng hòa giải (xin xem những nhận xét về cái gọi là “các bậc thầy quá khứ hay và các nghệ sĩ trẻ đi vào con đường sáng tạo của Trần Hải Minh trong bài phỏng vấn đã dẫn). Cái lối suy nghĩa theo kiểu: “cắt nghĩa các sự kiện rất phức tạp xẩy ra theo ý mình” phải chăng chính là tiêu biểu cho lối cắt nghĩa của các vị kiểm duyệt trước những sự kiện mà họ không hiểu (không cố gắng và chịu khó học và lao động để hiểu). Xin lấy dẫn chứng: Trần Hải Minh định nghĩa - Installation: đứa con của nghệ thuật và điêu khắc. - Performance: làm cho những ngày nghỉ cuối tuần hay những kỳ nghỉ dài của công chúng yêu nghệ thuật trở nên phong phú và có văn hoá hơn - Media art: là tổng hợp những thể loại kể trên cộng thêm phần hình ảnh của video và phần âm thanh - audio. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên về cách cắt nghĩa các trào lưu nghệ thuật nói trên của họa sĩ Trần Hải Minh. Nó thật sự như một kiểu nói chuyện của các ông thầy bói mù lòe nhau trong lúc đang sờ chân voi vậy. Xin được phép hỏi anh Trần Hải Minh: Anh lấy tư liệu từ đâu để có thể có những định nghĩa độc đáo như thế ? Về phần tôi, dù hiểu biết có hạn hẹp, cũng xin cung cấp cho anh Trần Hải Minh một bảng so sánh những đối nghịch về niềm tin của chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại trong tác phẩm nghệ thuật. Theo tôi, chính từ những tiền đề đối nghịch đó (những tiền đề được xây dựng trên những niềm tin hoàn toàn khác biệt) mà những trào lưu hay trường phái khác nhau và khác trước hoàn toàn đã ra đời. Phê bình gia văn chương Ihab Hassan đã đưa ra một loạt danh sách của những khái niệm đối nghịch giữa hai niềm tin vào tác phẩm của chủ nghĩa “hiện đại” và chủ nghĩa “ hậu hiện đại”: Hiện đại (modernism)* Hậu hiện đại (postmodernism) Mang tính hình thức (đóng, liên kết bên trong) Giải hình thức (mở, giải liên kết) Form (conjunctive/closed) Antiform (disjuntive, open) Được thiết kế Ngẫu nhiên Design Chance Tác phẩm như đích cuối Tác phẩm như hành trình, trình diễn, tính “ đang diễn ra” Art Object/finished work) (process/performance/happening) Sáng tạo Giải sáng tạo, giải cấu trúc Creation/Totalization Decreation, decontruction Tập trung Rải rác Centering Dispersal Lọc thải, loại bỏ Liên kết Selection Combination *[Xin lưu ý rằng bản thân những khái niệm được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt trên đây có thể không chính xác lắm về mặt ngôn ngữ (cái không phải là chuyên môn của bản thân tôi). Mong các nhà dịch thuật, nếu có thể, đính chính và tìm ra những cách diễn đạt chính xác hơn, mang tính chuyên môn cao hơn. Rất cảm ơn]. Như vậy, có thể thấy cái định nghĩa về Installation của Trần Hải Minh là: “đứa con của hội họa và điêu khắc” là hoàn toàn vô trách nhiệm và rất ngây ngô. Installation hoàn toàn không phải là đứa con (thậm chí là một đứa con rơi) của điêu khắc và hội họa. Về bản chất, nó được tạo ra với một niềm tin ngược hẳn lại với niềm tin vào tính chất “art as object” của điêu khắc (sculpture) và hội họa (painting). Nói một cách khác, installation chính là sự đổ vỡ sâu sắc của niềm tin vào tác phẩm nghệ thuật như đích đến hoàn mỹ cuối cùng chứa đựng mọi nguyên lý về cái đẹp, cái mang tính biệt lập (autonomy) với xã hội (niềm tin của những nhà formalist. được cổ vũ và ca ngợi bởi Greenberg). Ngoài ra, installation còn mang cùng với nó tính chất sân khấu (theatricality) – cái được nhà phê bình Michael Fried đề cập trong bài viết trên Art Forum: Art and Objecthood (Summer 1967)– đó là tính chất mà các tác phẩm điêu khắc (sculpture) hay hội họa (painting) theo tinh thần “art as object” hoàn toàn không có và không “tiềm ẩn có”. Installation (cũng như video art, computer art, communication art, laser and holographic art, performance art, conceptual art …) chính là con đẻ của một niềm tin mới, cũng như điêu khắc và hội họa đã là con đẻ của một niềm tin khác. Tất nhiên, họa sĩ Trần Hải Minh có thể khăng khăng installation là đứa con của điêu khắc và hội họa. Không ai trách gì anh. Tuy nhiên, như thế, theo logic của anh: con chim sẽ là đứa con của con cá và con tắc kè. Từ đây, chúng ta có thể áp dụng thao tác định nghĩa của Trần Hải Minh để làm một định nghĩa khác về họ hàng các loài vật như sau: Con gà là do con bò đẻ ra, con chồn là do con cá đẻ ra và rốt cục con thỏ chính là tổng hợp của con chim và con ngựa - chỉ thêm có cái tai dài. Trước khi kết thúc bài viết nhỏ này, một lần nữa tôi muốn khẳng định lại rằng tôi hoàn toàn không có ý kiến gì về nỗ lực muốn trở thành nhà hậu hiện đại của họa sĩ Trần Hải Minh, thậm chí, tôi dám nói tôi còn là người hoan nghênh nhiệt liệt cái tinh thần “dấn thân” ấy nhất là khi so sánh nó với cái tình trạng triền miên của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện đại tác động trên bề mặt nghệ thuật thị giác Việt Nam. Vâng, họa sĩ Trần Hải Minh rất có thể trở thành nhà hậu hiện đại. Nhưng xin anh nhớ cho: không phải bằng cách phát ngôn khệnh khoạng và tùy tiện về những việc mình không hiểu rõ, mà bằng cách lao động, suy nghĩ và học.
|