điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Trường hợp Richard Mutt

 

Bản dịch của Phạm Chí Diệp

 

Lời người dịch:
 
Tác phẩm “Fountain” (1917) của Marcel Duchamp (1887-1968) là một trong vài trường hợp “khét tiếng” nhất trong lịch sử mỹ thuật. Vào tháng 5/1917, Marcel Duchamp, qua những người trung gian, đã trưng bày cái bồn tiểu (ký tên tác giả là một ông R. Mutt nào đó) tại phòng triển lãm 291 của Alfred Stieglitz ở New York.
 
Abraham A. Davidson mô tả gallery 291 vào thời ấy chỉ là một phòng triển lãm khiêm tốn, có hai phòng: một phòng vuông mỗi bề 4 mét 57, phòng kia là cái hành lang. Những tấm màn vải thô màu lục đậm được treo trên bốn bức tường của phòng chính dưới một cái giá dài; ánh sáng thì được giữ cho khỏi chói bằng một tấm màn trắng treo trên trần nhà như một tấm lọc. Cuộc triển lãm ở cái gallery khiêm tốn ấy đã diễn ra vội vã, không kèn không trống, và chỉ vài ngày sau thì cái Fountain đột ngột mất tích.[1]
 
Trong năm ấy, Duchamp và một nhóm thân hữu có tung ra tờ tạp chí THE BLIND MAN [NGƯỜI MÙ], phát hành chỉ được 2 số, với rất ít bản in, theo kiểu “small-circulation art journal”. Trên tờ THE BLIND MAN số 2 (số cuối cùng của tạp chí ấy) phát hành vào tháng Năm, 1917 (vài tuần sau cuộc triển lãm, và vài tuần trước khi gallery 291 phải đóng cửa vì sập tiệm), ở trang 4 có đăng bức ảnh cái Fountain do Alfred Steiglitz chụp, và ở trang 5 có lời toà soạn, nhan đề “The Richard Mutt Case” [“Trường hợp Richard Mutt”]. Dưới đây là bản chụp lại hai trang báo ấy.

 

________

 

TRƯỜNG HỢP RICHARD MUTT

 

 

 

Họ nói bất cứ nghệ sĩ nào trả sáu đô-la cũng được triển lãm.

Ông Richard Mutt gửi vào một cái bồn nước. Khỏi phải bàn bạc, vật thể này biến mất và chưa bao giờ được triển lãm.

Đâu là cơ sở để từ chối cái bồn nước của ông Mutt:

1. Một số người cho rằng nó vô đạo đức, thô lậu.

2. Những người khác cho rằng nó ăn cắp ý tưởng từ một vật có sẵn, nó chỉ là một mẩu vật dụng của nghề sửa ống nước.

Trước hết, cái bồn nước của ông Mutt không hề vô đạo đức, bảo nó là vô đạo đức thì thật phi lý, chẳng hơn gì bảo cái chậu tắm là vô đạo đức. Nó là một thứ đồ dùng mà quý vị hàng ngày vẫn thấy trong cửa hàng của những người thợ sửa ống nước.

Việc ông Mutt có tự tay làm cái bồn ấy hay không thì chẳng có gì quan trọng. Ông ta ĐÃ CHỌN nó. Ông ta lấy một vật bình thường trong cuộc sống, đặt nó theo một cách khiến cho cái giá trị khả dụng của nó biến mất dưới cái tên gọi mới và dưới điểm nhìn mới — ông ta đã sáng tạo một ý tưởng mới cho vật ấy.

Chê nó là đồ dùng cho nghề sửa ống nước thì thật là phi lý.[2] Những tác phẩm nghệ thuật duy nhất mà nước Mỹ đã cống hiến thì chính là những đồ dùng cho nghề sửa ống nước của họ và những chiếc cầu của họ.

 

 

--------------
Nguồn: “The Richard Mutt Case”, THE BLIND MAN (New York) 2 (1917): 4-5.

 

_________________________

Chú thích của người dịch: 

[1]Abraham A. Davidson, “The Aim of 291”, Early American Modernist Painting 1910-1935 (Icon Editions; Haper & Row, New York, 1981).

[2]Nguyên văn tiếng Anh là: "As for plumbing, that is absurd." Câu này nhằm trả lời cái luận điểm chê rằng tác phẩm "Fountain" của ông Mutt "chỉ là một mẩu vật dụng của nghề sửa ống nước" (a plain piece of plumbing).

 

 

Đã đăng:

Tiến trình sáng tạo  (nhận định mỹ thuật) 
... trong chuỗi những phản ứng đi theo tiến trình sáng tạo, có một khâu bị thiếu mất. Cái kẽ hở ấy cho thấy người hoạ sĩ không có khả năng diễn tả đầy đủ ý định của mình; sự khác biệt giữa cái anh ta dự kiến thực hiện và cái anh thực hiện được, ấy chính là “hệ số nghệ thuật” cá nhân chứa đựng trong tác phẩm... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 

Về những tác phẩm ‘Readymades’  (nhận định mỹ thuật) 
... Có một điểm mà tôi rất muốn minh bạch, ấy là việc chọn những tác phẩm làm sẵn này của tôi chưa bao giờ bị áp đặt bởi một cảm giác thích thú có tính mỹ học. Sự chọn lựa ấy đặt nền tảng trên một phản ứng thị giác vô tình, kèm theo cùng lúc với phản ứng ấy hoàn toàn không có chuyện thẩm thức hay hay dở... có nghĩa là một sự mất cảm giác toàn diện... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021